Vụ phim “Tấm Cám”: Lại ồn ào chuyện rạp phim

Thứ Năm, 25/08/2016, 10:24
Một lần nữa, câu chuyện thị trường rạp phim lại được xới lên. Cụ thể hơn là việc bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” bị từ chối công chiếu tại hệ thống CGV. Có hay không đơn vị này đang “chèn ép” phim Việt như dư luận phản ứng thời gian qua?


Khi "đả nữ" khóc

Trước khi bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” chính thức phát hành vào ngày 19/8, ê-kíp làm phim và nhà sản xuất (gồm VAA và BHD) đã có cuộc họp báo ra mắt phim vào đầu giờ chiều ngày 17/8.

Với những thông tin cho rằng vì yêu cầu tỉ lệ phân chia cao hơn mức quy định nên CGV không đồng ý hợp tác, Ngô Thanh Vân vừa khóc vừa chia sẻ: “Mình làm phim cho người Việt, mong muốn cho người Việt được xem, không có cớ gì mà mình đòi những con số quá đáng để người ta có thể nói ngược như vậy. Những thông tin đó hoàn toàn không chính xác và rất oan ức. Vân không có đòi hỏi gì hết ngoại trừ xin sự công bằng cho phim Việt mà thôi. Chúng tôi thực sự chỉ mong được đưa ra tỉ lệ chia lợi nhuận giống như bộ phim “Fan cuồng” nhưng CGV không chấp nhận”.

Từ những giọt nước mắt của “đả nữ”, cộng thêm thông điệp “ủng hộ phim Việt” mà ê-kíp làm phim và nhà sản xuất đang cố gắng truyền đi, dư luận được một phen ồn ào về câu chuyện phim Việt đang bị chèn ép ngay trên sân nhà. Chưa kể, cách đây 3 tháng, 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước (trong đó có BHD và VAA) đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội Điện ảnh Việt Nam, khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỉ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp. Từ đó dẫn đến một bộ phận công chúng lên tiếng tẩy chay CGV(?!). 

Hình ảnh trong phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”. Ảnh: Internet.

Có thể nói, những giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân giống như “giọt nước tràn ly” trong sự vụ CGV và các nhà phát hành phim trong nước. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan, điện ảnh đơn thuần là một công việc kinh doanh và “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng chỉ là phi vụ làm ăn của nhà sản xuất.

Vậy nên, việc đánh đồng chuyện làm ăn với việc “người Việt làm phim cho người Việt” để được ưu ái, xem chừng có phần hơi áp đặt. Đừng đòi hỏi khán giả phải ủng hộ phim Việt khi mà sản phẩm ấy không xứng đáng. Một khi đã mất tiền mà phải xem một sản phẩm dở, chắc chắn khán giả sẽ rất bực mình. Sự ủng hộ ấy có thể diễn ra trong một, hai lần; còn để lâu dài có lẽ là điều vô cùng khó. Vậy nên, nếu bộ phim Việt Nam nào làm ra cũng với mong muốn “được ủng hộ vì là phim Việt” thì điện ảnh nước nhà mãi vẫn chỉ quanh quẩn trong ao làng mà thôi!

Hãy để thị trường quyết định

Theo đánh giá của nhà biên kịch Châu Thổ, cũng là đạo diễn và nhà sản xuất phim “Trót yêu” trước đây, thì khâu PR và phát hành quyết định 50%, thậm chí hơn về thành công của phim. Đây cũng chính là yếu tố khiến cho bộ phim “Trót yêu”, dù kinh phí bỏ ra không nhiều (khoảng 5 tỷ) nhưng vẫn bị lỗ. “Trót yêu” từng được gửi qua một số nơi như BHD, CGV, Galaxy… để tìm kiếm cơ hội ra rạp, tuy nhiên đều bị từ chối với lý do được nhà biên kịch Châu Thổ tiết lộ là “Họ rất kén chọn”.

CGV hiện có 40% thị phần rạp phim, thêm vào đó, đây cũng là đơn vị tiên phong trong thị trường rạp phim tại Việt Nam và có trong tay hệ thống rạp được xem là tốt nhất hiện nay. Lẽ đương nhiên, theo cơ chế thị trường họ có quyền kén chọn phim chiếu cũng như đưa ra mức tỉ lệ ăn chia. Nếu nhà sản xuất cảm thấy thỏa đáng thì hợp tác; ngược lại, không thỏa đáng thì có quyền từ chối.

Vậy nên, có thể hiểu việc CGV không nhận phát hành “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là câu chuyện kinh doanh hết sức bình thường mà ai cũng hiểu rằng “thuận mua vừa bán”. Trường hợp “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” thắng lớn tại các cụm rạp còn lại, thì khi đó chẳng phải là một thiệt thòi lớn cho CGV hay sao! Giống như trước đây, CGV từng không chiếu hai “bom tấn” là “X-men: Apocalypse” và “Ngày độc lập 2”. Dù CGV không nhận chiếu “X-men: Apocalypse” nhưng bộ phim này vẫn thu về khoảng 49 tỷ đồng (trong khi hạn mức doanh thu cho thị trường Việt Nam là 2 triệu USD, khoảng hơn 44 tỷ đồng).

Hay gần đây là phim “Fan cuồng” của đạo diễn Charlie Nguyễn, do CGV phát hành và chiếu tại tất cả các rạp của Việt Nam nhưng vẫn thất bại về doanh thu như thường! Điều này cho thấy, rạp phim dù rất quan trọng nhưng đôi khi vẫn chưa thể quyết định được bộ phim đó có thắng lớn hay không. Ngoài rạp phim, nếu phim được chiếu vào “giờ vàng”, vào các buổi tối hoặc cuối tuần chắc chắn sẽ hút khách, và khi đó doanh thu cũng sẽ tốt hơn rất nhiều. Bởi vậy, giờ chiếu cũng là yếu tố vô cùng quan trọng, đừng chỉ câu nệ vào tỉ lệ ăn chia.

“Đả nữ” Ngô Thanh Vân vai dì ghẻ trong phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”. Ảnh: Internet.

Một yếu tố quan trọng không kém khiến một nhà phát hành quyết định nhận lời hay từ chối phát hành một bộ phim nào đó - ấy là chất lượng. Vậy thì, chất lượng của phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” như thế nào?

Đầu tiên, phải ghi nhận nỗ lực của Ngô Thanh Vân với phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”; nếu không phải “đả nữ”, chắc chắn sẽ rất khó tìm một ai đó có thể thay thế. Với kinh phí 22 tỷ đồng mà có thể làm nên một bộ phim như vậy là việc không dễ dàng. Phim có sự trau chuốt về hình ảnh và phục trang cũng như kỹ xảo.

Chỉ có điều, dù được kỳ vọng là bộ phim lấy lại “thể diện” cho điện ảnh Việt sau chặng đường nửa năm với số lượng phim “xem được” không nhiều, tuy nhiên, với những gì mà bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” mang đến trong 120 phút, sẽ thật khó để sự kỳ vọng ấy được trọn vẹn!

Kịch bản phim được chấp bút bởi nhóm gồm 5 người, thế nhưng không phải lúc nào “đông tay thì vỗ nên kêu”. Phần kịch bản của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” chưa thực sự cô đọng mà còn lệ thuộc nhiều vào câu chuyện gốc.

Đã thế, phim cũng quá ôm đồm khi kể quá nhiều câu chuyện: từ tình yêu, tình bạn, lòng yêu nước… ngặt nỗi, câu chuyện nào cũng bàng bạc lướt qua mà không đọng lại nơi người xem dư vị nào đáng kể. Ngoài ra, dù được gọi tên là “giả tưởng” nhưng phim còn pha trộn khá nhiều thể loại khác như: hành động, kỳ ảo, lãng mạn, thần thoại…

Bên cạnh đó, những vai diễn cốt cán của phim lại được giao cho những diễn viên nghiệp dư (nhóm 365, Hạ Vi); thành thử những cảm xúc mà bộ phim muốn truyền tải tới người xem cũng bị hạn chế một phần nào đó.

Nhà biên kịch Châu Thổ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau buổi họp báo, khá nhiều phóng viên đã cùng chấm thang điểm 7/10 dành cho “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”. Dù sao thang điểm này cũng chưa thể nói lên tất cả. Việc CGV từ chối phát hành có liên quan tới chất lượng phim hay không, chỉ có CGV mới có thể trả lời. Chỉ có điều vẫn phải nhắc lại, việc CGV từ chối phát hành phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là câu chuyện kinh doanh hết sức bình thường, trên tinh thần “thuận mua vừa bán”. Vậy nên, hãy cứ để thị trường quyết định; đừng đẩy câu chuyện đi quá xa, biết đâu sẽ làm câu chuyện thêm phức tạp và bất lợi hơn cho tương lai của phim Việt.

Để bạn đọc có thêm một góc nhìn về câu chuyện ồn ào giữa VAA, BHD và CGV, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà biên kịch Châu Thổ, Giám đốc Công ty Senafilm:

 - Qua trường hợp bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, có một số ý kiến cho rằng, CGV đang chèn ép phim Việt khi áp đặt tỉ lệ ăn chia. Là một người trong nghề, chị nghĩ sao về câu chuyện này?

+ Tôi nghĩ không có gì gọi là chèn ép cả, họ vẫn rất sòng phẳng. CGV là đơn vị chúng tôi làm việc đầu tiên. Ở trường hợp của “Trót yêu”, do phim không phù hợp với tiêu chí của họ nên họ không nhận phát hành. Đây là kinh doanh mà, rạp nào cũng phải chạy theo thị hiếu khán giả chứ. Ngoại trừ Trung tâm chiếu phim quốc gia, còn các hệ thống phát hành tư nhân thì họ vẫn đặt mục tiêu là lợi nhuận. Đâu phải một mình CGV đâu, các đơn vị khác họ xem phim hay, nhận thấy có khán giả họ mới nhận phát hành chứ.

- Theo công bố của BHD, tỉ lệ ăn chia mà đơn vị này mong muốn là 50% - 50%; tuy nhiên đã không được CGV chấp thuận. Trong khi đó, thông thường CGV sẽ nhận là 55%. Chị nghĩ sao về tỉ lệ này?

+ Tôi thấy mức đó là bình thường từ xưa tới giờ. Và các rạp khác cũng áp dụng như vậy chứ có phải riêng CGV đâu. Nhưng có một vấn đề bất cập ở chỗ này. Tôi đang nói tới cả hệ thống phát hành chứ không chỉ riêng CGV hay một đơn vị nào đó.

Ví dụ một kinh nghiệm ở Hàn Quốc: Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc Kofic sẽ thu 3% trên mỗi đầu vé ở các hệ thống rạp. Họ lấy phí đó để làm quỹ hỗ trợ điện ảnh trong nước. Trong khi ở Việt Nam, họ không phải đóng khoản phí đó nên họ đầu tư vào Việt Nam chắc chắn có lợi hơn. Cho nên họ mới đầu tư ồ ạt như thế. Trong vòng chưa đến 10 năm, họ đầu tư lượng rạp, cả CGV lẫn Lotte chiếm 75% hệ thống rạp.

- Nghĩa là tỉ lệ ăn chia 55% - 45% là hoàn toàn chấp nhận được, thưa chị?

+ Hiện nay, mức chuẩn ở tuần đầu tiên là 50%-50%, tuần thứ hai: 55%-45%, tuần thứ 3: 60% - 40%, tuần thứ tư: 70%-30%. Rạp nào cũng áp dụng với tôi và các nhà sản xuất như vậy. Còn cụ thể họ đàm phán với từng phim như thế nào tôi không biết. Nhưng nếu ngay tuần đầu mà 55%-45% thì đúng là cao hơn mức bình thường vì có thể phim đó dài 120 phút chăng, hoặc có một lý do nào đó mà tôi không biết. Tôi cho rằng, ở đây, tất cả đều là thuận mua vừa bán, đâu có ai ép được ai.

- Xin cảm ơn chị!

Từ đầu năm 2016 đến nay, CGV đã phát hành 8 phim Việt Nam, như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (7.683 suất), “49 ngày” (8.775 suất), “Chàng trai năm ấy” (4.802 suất), “Ngày nảy ngày nay” (3.978 suất)... Dự kiến trong những tháng cuối năm 2016, CGV sẽ tiếp tục phát hành thêm 9 phim, đưa tổng số phim Việt phát hành lên 17 phim, trở thành đơn vị phát hành nhiều phim Việt nhất tại Việt Nam.
An Sơn
.
.
.