Họa sĩ thực hiện linh vật đường hoa Xuân Đinh Dậu:

“Vua mô hình mỹ thuật sân khấu”

Thứ Năm, 19/01/2017, 15:33
Được gọi gọi là “Vua mô hình mỹ thuật sân khấu”, họa sĩ Văn Tòng được chọn làm người thực hiện nhiều hạng mục, nhất là đàn gà linh vật ở Đường hoa Xuân TP Hồ Chí Minh.


Ông được nhiều đạo diễn và người trong nghề gọi là “Vua mô hình mỹ thuật sân khấu”. Không phải tự nhiên ông được tôn vinh như vậy mà bởi khả năng sáng tạo, thực hiện nhiều mô hình mỹ thuật nổi trội với kích cỡ hoành tráng của nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật lớn, cùng với khả năng ứng biến theo tiến độ công việc hay từng hoàn cảnh.

Qua những câu chuyện ông kể và nhất là được biết những tác phẩm ông cùng ê-kíp của mình đã thực hiện thì quả thật người ta  không nói quá về ông… Đặc biệt, năm nay ông được chọn làm người thực hiện nhiều hạng mục, nhất là đàn gà linh vật ở Đường hoa Xuân TP Hồ Chí Minh.

Linh vật gà "động" sẽ đáp ứng được mong đợi của người dân

Vừa chỉ đạo từng công đoạn cho công nhân kỹ thuật thực hiện các hạng mục, họa sĩ Văn Tòng (66 tuổi) vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi tại nhà xưởng chế tác (ở đường TL 41, phường Thạnh Lộc, quận 12) do công ty của ông thuê lâu nay.

Nơi đây khá bề bộn với nhiều đồ vật khác nhau cùng đông đảo nhân công, kỹ thuật viên đang hối hả, tất bật thực hiện các công việc khác nhau để kịp tiến độ hoàn tất các linh vật gia đình gà và một số hạng mục khác cho Đường hoa Xuân Đinh Dậu 2017.

Những hạt mồ hôi túa ra trên gương mặt của người họa sĩ có vẻ bề ngoài chân chất. Trong câu chuyện của ông, có thể thấy ông khá hoạt ngôn, chia sẻ thật lòng nhiều câu chuyện liên quan đến cuộc đời và nhất là công việc của một người được mệnh danh là “Vua mô hình mỹ thuật sân khấu”.

 Bản thân là người Sài Gòn gốc, ông được thừa hưởng gen nghề của cha mình khi ngay từ bé được chứng kiến và theo cha đi làm nghề vẽ phong cảnh cho một số đoàn hát cải lương ở Sài Gòn và cả miền Nam. Lớn lên một chút, ông trở thành họa sĩ chuyên vẻ bảng hiệu thuê và làm đạo cụ cho các đoàn hát.

Sau năm 1975, khi Đoàn Sài Gòn 1, 2, 3 được thành lập, ông về làm thiết kế sân khấu cho ba đoàn này. Sau đó, ông về Đoàn kịch nói Bông Hồng làm việc tương tự trong vòng 5 năm, tiếp đó ông làm cộng tác viên của Sở Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Trần Hữu Trang nhiều năm trước khi mở xưởng riêng. Những lúc cao điểm, những xưởng thiết kế, thi công của người họa sĩ này có hơn 100 nhân viên, bình thường thì cũng có đến 50-80 người.

Càng về sau này, ông chuyên thực hiện các mô hình ở nhiều lễ hội, tham gia thiết kế, dàn dựng và làm mô hình mỹ thuật cho sân khấu… Tính đến nay, ông đã theo nghề được khoảng 40 năm.

“Thực ra, cuộc đời và công việc của tôi cũng gặp khá nhiều trở ngại, gian nan. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng có những khi trải qua nhiều cơn bĩ cực. Ngay bản thân tôi, dù luôn muốn vươn lên nhưng thời gian đầu khi tôi lập ra ba, bốn nhà vẽ (xưởng chế tác) đều thất bại. Nhưng tôi không nản chí, bởi tôi biết mình có duyên với nghề này và nghề cũng đã chọn tôi. Cho đến giờ, công ty do tôi lập ra cùng với nhà xưởng này có thể nói là đã thành công và chúng tôi đang gấp rút thực hiện khá nhiều công việc”, ông tươi cười bộc bạch.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông cho biết mình có tất cả 5 người con và hầu hết đều đã có gia đình riêng. Nhưng các con và dâu rể của ông cũng đều tham gia vào công việc của công ty, nhà xưởng cùng với ông… Đây chính là điều ông rất mừng vì các con ông đều muốn theo nghề của cha ông mình.

Vừa nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn không quên chỉ bảo cho các kỹ thuật viên thực hiện các công đoạn chế tác. Nổi bật và chiếm chỗ nhiều nhất trong nhà xưởng của ông là hai linh vật - vợ chồng Gà và nhiều con gà con.

Họa sĩ Văn Tòng chia sẻ: “Linh vật biểu tượng cho xuân Đinh Dậu là “gia đình” gà, chúng sẽ nằm ở vị trí trung tâm Đường hoa. Đàn gà này có kích thước “khổng lổ” với chiều cao của gà trống cha là 3,2m, gà mái mẹ là 2,8m và 15 chú gà con là 0,6m, với màu sắc bắt mắt - những con số này biểu trưng cho năm 2017, phù hợp với chủ đề của Đường hoa Xuân Đinh Dậu “Thành phố mang tên Bác - Khát vọng ngời sáng”.

Đặc biệt, linh vật gà năm nay không chỉ đơn thuần là những bức tượng tĩnh. Gà trống cha sẽ chuyển động, xoay cổ và cất tiếng gáy. Ban đầu những chú gà khổng lồ được tạo hình bằng xốp, sau đó phủ một lớp thạch cao trước khi trang trí màu sắc bên ngoài. Những chất liệu này giúp đàn gà có màu sắc sống động, lại dễ bảo quản.

Đặc biệt, từng lớp lông gà được tạo vân theo đúng họa tiết sặc sỡ đậm nét tranh gà dân gian Đông Hồ. Bên trong thân gà được cố định bằng khung sắt, có gắn môtơ điện, có thể chuyển động và cất tiếng gáy khoảng 20 phút/lần.

Họa sĩ Văn Tòng.

Họa sĩ Văn Tòng vui vẻ cho hay: “Khi nhận thiết kế linh vật cho Đường hoa năm nay với mong muốn mang tới nhiều nét mới, chúng tôi có bàn bạc về mỹ thuật động cho linh vật. Cho nên, linh vật năm nay có nét đặc biệt là khoảng 15-20 phút sẽ xoay cổ và cất tiếng gáy. Tiếng gà gáy vút cao như chào mừng một bình minh mới cho một gia đình hạnh phúc, cho một thành phố đầy năng lượng”.

Hôm chúng tôi đến xưởng, khối lượng công việc tại đây đã hoàn thành được hơn 80%. Tiếp đó là lắp ráp, hoàn thiện các công việc cuối cùng để chuẩn bị cho sự kiện Đường hoa Xuân Đinh Dậu sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 31-1-2017 (nhằm ngày 28 tháng Chạp đến Mùng 4 Tết Đinh Dậu).

Tuy nhiên, theo lời họa sĩ Văn Tòng thì trước khi bắt tay vào thực hiện các linh vật gà, phía nhà thiết kế đã bàn bạc với ông khoảng 4-5 tháng trước đó; từ khi tổng duyệt, sửa chữa rồi đi đến thống nhất mọi thứ để thực hiện thì chỉ còn khoảng 2 tháng. Điều đáng mừng là mọi công việc sau đó diễn ra ổn thỏa và đúng tiến độ.

“Năm nay tôi được vinh dự thực hiện linh vật gà, tôi và các cộng sự của mình cảm thấy rất hứng thú. Đáng nói là nhóm thiết kế chính ra các linh vật tuổi đời còn khá trẻ, nên khi hội ý và bàn bạc với các em ấy, tôi rất hứng khởi, và sẽ đem hết khả năng của mình thực hiện công việc một cách tốt nhất”.

Theo người họa sĩ này, trong các công đoạn làm linh vật năm nay thì khó khăn nhất là làm bộ máy động cho linh vật. Phải có mô tơ máy để sao cho sau khoảng 20 phút con gà sẽ cử động được ở cổ và cất tiếng gáy. Tuy nhiên, ông và các cộng sự đã thiết kế và thực hiện thành công mô tơ này.

Ngoài ra, vẻ bề ngoài của linh vật cũng đòi hỏi phải làm sao thể hiện được đúng tính cách của con vật ngoài đời, lại phải mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa, dân gian Việt Nam. Chưa kể, bản tính người Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh thích khám phá và sự đổi mới. Hy vọng với linh vật động năm nay sẽ đáp ứng được mong đợi của người dân thích sự mới lạ.

Thành công bắt đầu từ niềm say nghề

Nhìn ông luôn tay luôn chân và các nhân công của ông miệt mài, hối hả thi công các công đoạn công việc tưởng rằng họ đã phải căng sức chạy đua với thời gian để hoàn tất.

Tuy nhiên, ông còn vui vẻ “khoe” mình đang cùng lúc thực hiện hai công trình lớn: “Hiện ngoài việc thi công cho Đường hoa Xuân cho TP Hồ Chí Minh, chúng tôi còn làm thầu chính cho Đường hoa TP Cần Thơ. Để chu tất, một nửa công nhân, kỹ thuật của tôi đang ở Cần Thơ để thực hiện công việc. Năm nay đã là năm thứ 4 chúng tôi thực hiện Đường hoa ở Cần Thơ”.

Nhắc tới người họa sĩ này, nhiều người vẫn không quên ông đã thực sự gây ấn tượng lớn về mô hình sân khấu là tại Sân vận động Thống Nhất bằng lễ bế mạc sự kiện Sài Gòn 300 năm (năm 1998). Từ đó, khi nói đến các sân khấu hoành tráng và cần các mô hình mỹ thuật đặc biệt, giới làm sự kiện thường nghĩ đến ông. 

Sau đó là hàng loạt các chương trình lớn khác như sân khấu Hào khí 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai năm 1998, Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh bước vào năm 2000, Festival Huế, Festival Gốm sứ Việt Nam, Festival Dừa Bến Tre, 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội…

Đặc biệt là công ty của ông đã thiết kế và thi công hai con rồng khổng lồ dài 15m có khả năng phát quang trên sân khấu trong chương trình giao lưu Thăng Long - Hồn thiêng sông núi tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào đêm 8-10-2010.

Quang cảnh khá bề bộn trong nhà xưởng chế tác.

Để có ý tưởng rồi thi công đã khó khăn, nhưng chuyện phải vận chuyển hai con rồng này từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội đòi hỏi phải được tính toán và thực hiện công phu, kỹ lưỡng. Cũng trong chương này, chiếc trống đồng với đường kính 8m dùng để làm phông hậu cho sân khấu cũng do họa sĩ Văn Tòng thiết kế…

Bên cạnh các lễ hội lớn, ông cũng gây ấn tượng mạnh ở mảng thiết kế mỹ thuật sân khấu cho các vở cải lương như hai vở cải lương đồ sộ là “Kim Vân Kiều” và “Chiếc áo thiên nga”, phần sân khấu công phu đều do họa sĩ này thực hiện. Đồng thời, nhiều liveshow ca nhạc của các ca sĩ nổi tiếng - nơi chuyên có các sân khấu hoành tráng, bắt mắt cũng nhờ một phần lớn vào các hiệu ứng sân khấu do họa sĩ Văn Tòng mang lại…

Tuy nhiên, theo lời ông, tính cho đến giờ chương trình lớn nhất mà ông thực hiện là Đại lễ chào mừng 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tổ chức vào dịp 30-4-2015 ở TP Hồ Chí Minh. Lần đó, ông phải thực hiện tổng thể mỹ thuật của chương trình, từ việc tạo ra mô hình Cổng dinh Thống Nhất và chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh này, đến các đạo cụ như cây súng AK (khoảng hơn 1.000 cây súng AK)…

Chưa kể các xe hoa diễu hành trong ngày hôm đó cũng do ông và cộng sự thực hiện. Tất cả khối lượng công việc lớn như vậy nhưng ông đã thực hiện chỉ trong vòng hai tháng và nói chung đều đạt yêu cầu cao.

Còn rất nhiều những chương trình khác được họa sĩ Văn Tòng thực hiện, tuy nhiên chúng tôi không thể kể hết ra được. Dù vậy, có thể nói, với 40 năm kinh nghiệm thiết kế, dàn dựng và làm mô hình mỹ thuật sân khấu của mình, dù là chương trình nào, họa sĩ Văn Tòng và các nhân viên của mình cũng đều mang đến những diện mạo hoành tráng và đẳng cấp cho các sân khấu, lễ hội hay các chương trình văn hóa văn nghệ trong cả nước.

Có nhiều thành công trong nghề, mang lại hiệu quả cho nhiều chương trình lớn, nhưng với ông thì “với nghề này, khi được đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào tin tưởng đặt hàng, sau đó họ vui vẻ và trân trọng thành quả công việc của tôi là tôi vô cùng vui sướng và có thêm nhiều niềm cảm hứng cho những lần sáng tạo sau”. Có thể thấy, đôi khi thành công chỉ bắt đầu từ niềm vui với nghề nghiệp của mình!

Ánh Xuân
.
.
.