Vui buồn nghệ sĩ nghèo đón Tết

Thứ Sáu, 05/02/2016, 17:31
TP HCM hiện có hàng trăm nghệ sĩ (chủ yếu là nghệ sĩ cải lương) lâm vào cảnh bệnh tật, nghèo khó, không nơi nương tựa. Mỗi năm Tết đến, thêm một tuổi, các nghệ sĩ cũng thêm nhiều niềm vui, nỗi buồn khi đón Tết trong cảnh thiếu thốn. Những kép chính, đào chính từng lừng lẫy trên sân khấu một thời với “mũ áo gươm đao”, giờ kẻ may mắn đón Tết trong Viện Dưỡng lão, người kém may mắn hơn đón Tết đơn độc trong căn phòng trọ.


Miền Nam là cái nôi của cải lương, đặc biệt là Sài Gòn một thời sáng rực những rạp chiếu cải lương với hàng dài khán giả xếp hàng mua vé. Qua thời kỳ hoàng kim những năm 1960, 1970, cuối những năm 1980, cải lương bắt đầu xuống dốc, nghệ sĩ các đoàn hát cũng như nhân viên hậu đài loay hoay tìm kế sinh nhai. Những người có năng khiếu tấu hài như Bảo Quốc, Duy Phương… vẫn còn có đất làm nghệ thuật.

Một số khác hoạt động cầm chừng trong nhà hát Trần Hữu Trang nhưng do có tích lũy từ trước nên đời sống không mấy khó khăn. Còn lại một loạt kép chính, đào chính rơi vào cảnh không nhà cửa, người thân họ hàng, làm đủ nghề để mưu sinh. Hiện nay, những nghệ sĩ này sinh sống chủ yếu ở ba khu vực: trong Viện Dưỡng lão nghệ sĩ, tại chùa Nghệ sĩ và sinh sống tự do bên ngoài.

Vui đón Tết trong Viện Dưỡng lão

Viện Dưỡng lão được Hội Nghệ sĩ sân khấu TP Hồ Chí Minh thành lập nhiều năm nay với chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho gần 100 nghệ sĩ tuổi từ 60 trở lên. Không chỉ ngày Tết, ngày thường, nơi đây vẫn nhộn nhịp người ra vào nhờ nằm trong hành trình tham quan của một đơn vị tổ chức du lịch.

Phát quà Tết tại Hội ái hữu nghệ sĩ.

Ngoài ra các nghệ sĩ sân khấu cũng thường xuyên đến Viện Dưỡng lão làm từ thiện, biểu diễn văn nghệ, khiến không khí nơi đây không lúc nào thiếu tiếng đàn ca sáo nhị, những tràng pháo tay không ngớt cho một nghệ sĩ lão thành vừa ca mùi một câu vọng cổ. Đều đặn 15 hằng tháng, nơi đây luôn diễn ra đêm nhạc trăng rằm nhằm làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho các nghệ sĩ gạo cội bằng chính những tiết mục cây nhà lá vườn.

Trước Tết Nguyên đán một tháng, nghệ sĩ gạo cội đều háo hức đón khách đến viện. Có nghệ sĩ ngày nào cũng xống áo xúng xính chỉ để chờ khách đến. Nhiều nghệ sĩ hải ngoại về quê ăn Tết, những đoàn khách Việt kiều và các nghệ sĩ trẻ lần lượt đến tặng quà Tết cho các nghệ sĩ của Viện Dưỡng lão.

Qua mỗi năm, số người đến ngày càng đông, ngoài nghệ sĩ, còn có học sinh, sinh viên, khán giả ái mộ. Ba năm trở lại đây, Viện Dưỡng lão không chỉ là nơi đảm bảo cuộc sống vật chất cho các nghệ sĩ neo đơn mà còn khiến họ phấn chấn về mặt tinh thần nhờ sự quan tâm, thăm hỏi động viên của giới nghệ sĩ cũng như khán giả ái mộ.

Tết năm nay, Viện Dưỡng lão đón thêm hai thành viên mới là NSƯT Diệu Hiền và Ngọc Hương. Cả hai đều còn nhà cửa và con cháu. Nhưng không  muốn trở thành gánh nặng cho người thân, lại muốn vui vầy cùng đồng nghiệp một thời, họ chọn đón cái Tết của tuổi 60 trong Viện Dưỡng lão. Hầu như nghệ sĩ nào cũng vui thích khi được tận hưởng không khí ấm cúng cùng những bạn già khác trong Viện mà hiếm ai chịu về đón Tết cùng gia đình. Nghệ sĩ Thiên Kim thường được con cháu đến đón về từ những ngày cận Tết nhưng bà chỉ đảo qua gia đình thắp hương rồi lại quay về viện vui vầy cùng những nghệ sĩ khác.

Nghệ sĩ lão thành Bạch Yến năm nay 95 tuổi. Bà đã đón 10 cái Tết trong Viện Dưỡng lão cùng con gái Yến Nga. Bạch Yến từng là bà bầu Đoàn cải lương Bạch Yến nức tiếng một thời. Khi cải lương xuống dốc, Bạch Yến bán cả căn nhà ở quận 1, TP Hồ Chí Minh để trang trải đoàn hát. Ở tuổi ngoài 70, bà và con gái bơ vơ đi ở trọ nhiều năm do nhà cửa không còn. Từ khi vào Viện, cuộc sống của hai mẹ con dần ổn định. Niềm vui được chung sống cùng những nghệ sĩ một thời từng chung vai sát cánh khiến họ nguôi ngoai phần nào một thời quá khứ vàng son.

"Nhiều khách đến thăm tỏ ra ái ngại cho chúng tôi. Nhưng có đi qua hết những đắng cay, cực khổ của đời người mới biết đây là những ngày bình yên nhất. Tết đến nơi rồi mà ngoài kia nhiều nghệ sĩ già phải chạy ăn từng bữa, cô đơn, không cửa không nhà. Chúng tôi vẫn may mắn vì còn có mái nhà trú chân, được khán giả thương quý lo cho cái Tết đầy đủ", nghệ sĩ Yến Nga tâm sự.

Soạn giả Đức Hiền, Trưởng ban Quản lý Viện Dưỡng lão cho biết toàn bộ chi phí để chi tiêu cho những cái Tết đều nhờ vào lòng hảo tâm của nghệ sĩ và khán giả. "Từ bánh chưng, bánh tét, mứt… cũng do khán giả ái mộ và đồng nghiệp mang tới. Hội Sân khấu cấp kinh phí mỗi ngày 25.000 đồng/người để lo tiền ăn. Mấy ngày nay người ta đến thăm chúc Tết nhiều, con cháu nhiều người cũng vào thăm nên các nghệ sĩ vui lắm", ông Hiền nói.

Đón Tết cùng người đã mất ở chùa Nghệ sĩ

Chùa Nghệ sĩ nằm ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, nhiều năm nay là nơi an nghỉ của hàng trăm nghệ sĩ sân khấu trên địa bàn thành phố. Sống cùng với những người chết trong khuôn viên của chùa là những nghệ sĩ của gánh hát cải lương Dạ Lý Hương năm xưa như kép Ngọc Sinh, kép hài Lý Lắc, đào Ngọc Mai cùng ông bầu Xuân của đoàn Dạ Lý Hương nức tiếng một thời.

Mỹ Tâm thăm các nghệ sĩ Viện Dưỡng lão dịp Tết đến.

Ngoài kép Ngọc Sinh còn có con gái ở Bến Tre, Lý Lắc và Ngọc Mai năm nào cũng tất bật đón Tết trong chùa. Tết đến là dịp người thân đến tảo mộ, tưởng nhớ người đã khuất nhiều nhất trong năm nên công việc hương khói của họ cũng bận rộn hơn. Kép Ngọc Sinh gom góp số tiền lương dành dụm cả năm về thăm con gái và cháu rồi lại hối hả lên chùa để làm nhiệm vụ của người trông coi, bảo vệ.

Trước Tết chừng một tháng, ông lo dọn dẹp, cắt cỏ, vun đất cho những ngôi mộ từ lâu không còn người thân tới thăm. Ngọc Sinh đã đón bảy cái Tết trong chùa cùng người chết. Căn phòng 7m2 ọp ẹp của ông những ngày cuối năm sáng bừng lên với hoa, trái cây được hưởng lộc nhờ khán giả và người thân nghệ sĩ cúng kiếng. Ông đùa vui: "Năm nào các ổng các bả cũng về nói chuyện cùng, nên vui lắm. Ở đây không buồn bao giờ, kể cả ngày thường".

Kép Lý Lắc khi xưa là một tay tấu hài có tiếng trong đoàn Dạ Lý Hương. Ông có nhà, có anh em cùng cha khác mẹ nhưng thường xuyên không về do anh em bất đồng quan điểm. Ngày thường, Lý Lắc vẫn trải manh chiếu bên hiên chùa để ngủ, ngày Tết ông đảo qua nhà ngủ buổi đêm, buổi ngày lại tất tả lên chùa, chăm lo nhang khói cho phần mộ của nghệ sĩ Phùng Há. Người luôn mang tiếng cười cho khán giả năm xưa nay buồn hiu hắt khi thui thủi một thân một mình mỗi khi Tết đến. "Sống một mình mãi tôi quen rồi. Khi xưa có nhiều tiền không lo cất giữ, giờ ra thế này biết kêu ai vì mình ráng làm thì ráng chịu", Lý Lắc cho hay.

Ngoài đồng lương ít ỏi từ 200 - 400 nghìn đồng một tháng, kinh phí đón Tết của các nghệ sĩ nơi đây phụ thuộc vào lòng hảo tâm của khách đến tham quan cũng như của người nhà nghệ sĩ. Mỗi khi Tết đến, người còn sống cũng có một cái Tết đầy đủ với bánh chưng, bánh Tét, thịt cá… nhờ hưởng lộc từ những người đã chết.

Những nghệ sĩ cô đơn, bệnh tật trong ngày Tết

TP Hồ Chí Minh hiện còn nhiều nghệ sĩ phải đi ở trọ hoặc sống chui sống lủi gầm cầu, xó chợ do không có nhà, sức khỏe yếu cũng như không có bất cứ nguồn thu nhập nào. Họ có thể là những đào kép từng một thời vang bóng, cũng có thể là nhân viên hậu đài, khi gánh hát giải thể không biết đi đâu về đâu. Mỗi dịp Tết đến, nhờ lòng hảo tâm của độc giả và các nghệ sĩ trẻ, mỗi người được Hội ái hữu nghệ sĩ phân phát 10kg gạo, 150 nghìn đồng và ít bánh kẹo đón Tết.

Có người từ tận Bình Dương, Thủ Đức, Hóc Môn đón xe buýt lên nhận quà. Sức khỏe yếu đến mức không có sức vác nổi bao gạo 10kg. Nghệ sĩ Thu Vân cho biết, số gạo và tiền giúp gia đình ba người của bà cầm cự được qua mấy ngày Tết. Ngày thường bà nhận làm gia công hàng mã để kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí.

Tết năm nay nghệ sĩ Trang Thanh Xuân vui hơn vì có chỗ trọ mới tươm tất hơn. Nhờ sự giúp đỡ của độc giả mà số nợ mổ cắt bỏ tử cung cho em gái cũng được trả hết. Trang Thanh Xuân may mắn hơn nhiều nghệ sĩ lang thang khác là còn có em gái bên cạnh. Hai chị em nương tựa vào nhau sống qua ngày bằng nghề bán vé số. Nghệ sĩ tâm sự, những ngày đầu năm bà không nghỉ đón Tết mà tranh thủ bán thêm vé số vì đây là dịp khách hàng mua nhiều. "Tết vui nhất với tôi là bán được nhiều vé số. Có tiền mua gạo, mua thuốc cho hai chị em", nghệ sĩ cười rạng rỡ khi mường tượng về những ngày Tết mua may bán đắt.

Nghệ sĩ nghèo không nơi nương tựa đến Hội ái hữu nghệ sĩ nhận quà Tết.

Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh thì thấy ấm áp hơn khi Tết này bà được ở gần con trai, dù hai mẹ con đã âm dương cách biệt gần 20 năm. Hoa Mỹ Hạnh từng nổi tiếng một thời trong các đoàn Hương mùa thu, Việt Nam Minh Vương. Bà từng đứng chung sân khấu với NSƯT Minh Vương, Lệ Thủy, Út Bạch Lan… rồi đứng ra lập gánh hát. Khi cải lương xuống dốc, thua lỗ đến mức phải bán cả nhà cũng là lúc nghệ sĩ chia tay chồng, bế con trai duy nhất lang bạt theo các đoàn hát đi diễn tỉnh.

Con trai Hoa Mỹ Hạnh chết năm 1996 do sốt xuất huyết trong một lần gánh hát lưu diễn ở Long Xuyên, An Giang. Chôn cất con tại đây để rồi cuộc đời nghèo khó, lưu lạc khiến bà từ đó đến nay chưa một lần có điều kiện quay lại thăm con. Giữa năm 2015, nhờ lòng hảo tâm của một khán giả Việt kiều, Hoa Mỹ Hạnh có được tiền về bốc mộ con. Hiện bà để cốt con trai và anh trai trong một ngôi chùa gần nơi thuê trọ. Tết cũng là thời điểm công việc làm móng dạo phát đạt nên Hoa Mỹ Hạnh tranh thủ kiếm thêm những ngày này. Lòng bà thấy ấm áp, hạnh phúc khi Tết này không phải ôm nỗi lo canh cánh con trai ở nơi xa xôi nào đó, mộ con trai hương tàn khói lạnh…

Minh Châu
.
.
.