Vun đắp diện mạo sáng tác hội họa trẻ

Thứ Tư, 12/08/2020, 17:37
Một nhiệm kì mới của Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa bắt đầu. Những tên tuổi họa sĩ hay nhà điêu khắc như Đỗ Hiệp, Trịnh Minh Tiến, Phạm Huy Thông, Bùi Văn Tuất, Nguyễn Minh, Phạm Thanh Toàn, Trần Văn An, Thái Nhật Minh… vẫn đang là những người sung sức, định hình được phong cách và cá tính sáng tạo.

Còn những gương mặt trẻ như Nguyễn Tuấn Dũng, Lê Anh hay Lê Thanh Tùng, Đoàn Thường, Hà My, Thanh Thủy… lại đang chập chững những bước đi đầu tiên với khát vọng lao động nghệ thuật chuyên nghiệp.

Thế hệ 8x sung sức nhưng đang bị chững lại

Cứ ngỡ rằng nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh và nghệ thuật là lĩnh vực bị ảnh hưởng không nhỏ. Thế nhưng, với riêng họa sĩ Phạm Huy Thông, bức tranh đầu tiên anh vẽ về dịch COVID-19 đã có người mua luôn. 

Tính đến đầu tháng 7 này, anh đã bán được 6 bức tranh. Có thể trong hoàn cảnh giãn cách, nhiều họa sĩ như anh lại có điều kiện tập trung làm việc hơn, tác phẩm có chất lượng tốt hơn. Đó là cách lý giải vui của chính họa sĩ, nhưng có lẽ sâu xa hơn, khi một họa sĩ vững vàng với con đường của mình thì dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, họ cũng phát huy được thế mạnh của mình. 

Với một phong cách sáng tạo đầy cá tính, luôn đi thẳng vào những diễn biến xã hội, chứa đựng nhiều suy nghĩ về thời cuộc thì những tác phẩm của Phạm Huy Thông luôn được công chúng đón nhận. 

Họa sĩ từng được Bảo tàng Nghệ thuật Singapore bình chọn là một trong 40 gương mặt họa sĩ tiêu biểu sau đổi mới này cũng được biết đến với nhiều triển lãm trong và ngoài nước, đồng thời cũng là một gương mặt được mời đi dự trại sáng tác ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ…

Thế hệ họa sĩ 8x đang là những gương mặt trẻ chủ đạo trong sáng tạo nghệ thuật. Họ là những phong cách, cá tính rất riêng. Họ đang là niềm kì vọng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Rất nhiều nghệ sĩ trẻ thành danh đang hoạt động rất mạnh mẽ ngay cả trong nước, quốc tế và đang sống rất tốt với nghề, đang được làm nghề và hạnh phúc với nghề của mình.

Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm VietNam Young Artis - Nghệ sĩ trẻ Việt Nam.

 Họa sĩ Đỗ Hiệp, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Nghệ sĩ trẻ Việt Nam bây giờ đang rất mạnh nhưng cũng đang bị chững. Sở dĩ giai đoạn này đang bị chững là vì khi các nghệ sĩ trẻ có được 1 cái tên của riêng mình thì cách sáng tác của thế hệ 8x chúng tôi đang bị xoay quanh những câu chuyện quen thuộc quá nhiều và chưa bứt phá được những điều mới mẻ hơn nữa ở trong nghệ thuật”.

Cũng theo họa sĩ Đỗ Hiệp, để trông chờ những bứt phá, thay đổi trong những gương mặt họa sĩ trẻ có thể cần thêm 5 năm nữa mới rõ ràng hơn. “Tất nhiên nghệ sĩ trẻ Việt Nam bây giờ rất mạnh, giá tranh rất tốt và rất nhiều cá tính. Tuy nhiên, chúng ta đã xem họ vẽ một quãng thời gian rất dài và tôi nghĩ rằng họ sẽ cần có một khoảng thời gian nữa để bứt phá khỏi chính mình, bứt phá được trong những giới hạn của chính họ đang bị vướng phải. Ngay cả tôi cũng đang vướng phải những điều đó”, họa sĩ Đỗ Hiệp chia sẻ.

Bất cứ sáng tạo nào cũng là yếu tố tự thân. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng thế hệ họa sĩ 8x là những người đang chủ động thay đổi và chính điều đó làm cho khung cảnh chung phải thay đổi theo. “Quan trọng vẫn chính là người nghệ sĩ. Chính họ đã cất lên một tiếng nói mới, một giọng khác, một cách nhìn khác cho nghệ thuật đương đại”. 

Bởi lẽ, nếu sáng tác chỉ bằng với những gì mình có sẽ không đủ mà cần phải nghiên cứu đào sâu hơn để mỗi nghệ sĩ dành nhiều không gian, thời gian hơn nữa để chiêm nghiệm chính mình, tìm kiếm nhiều hơn nữa những nguồn sáng tạo khác. Có như vậy nguồn tri thức cho nghệ thuật của chính bản thân sẽ sâu hơn, dài rộng hơn.

Một tác phẩm của Phạm Thanh Toàn - họa sĩ 9x bán được nhiều tranh với giá cao hiện nay.

Thế hệ 9x nắm trong tay "mỏ vàng" sáng tạo

Phạm Thanh Toàn, một họa sĩ trẻ sinh năm 1992 ở Quảng Bình vẽ hội họa theo phong cách tân biểu hiện, một trường phái mỹ thuật còn mới mẻ ở nước ta. Anh được họa sĩ Bùi Quang Thắng, Giám tuyển tại Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) gọi là “cậu bé làng Phù Đổng”. 

Trong vòng 1 năm, từ việc đăng bán tranh với giá 800 USD/ bức thì đến nay, tranh của anh đã lên tới 15.000 đến 20.000 USD/ bức, thậm chí là hơn thế. Cũng không ai biết rằng, để theo đuổi niềm đam mê vẽ, anh đã tự mưu sinh từ khi còn rất trẻ. Không chấp nhận con đường gia đình vạch sẵn cho mình, anh đã theo đuổi hội họa, thử sức trên nhiều chất liệu từ giấy dó, sơn mài, sơn dầu… dù không nhận được sự ủng hộ của người thân. 

10 ngày sau khi tốt nghiệp, anh đã mở một cuộc trưng bày với các tác phẩm sơn mài và tất cả đã được bán hết. Đi qua nhiều khó khăn, vất vả, con đường hội họa với anh là con đường của cảm xúc, trải nghiệm bản thân và trường phái Tân biểu hiện đã giúp anh đạt được điều đó.

Còn với họa sĩ Lê Thanh Tùng, sau 10 năm được học hành bài bản ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc đã trở về Việt Nam, tham gia sáng tác và nhiều cuộc chơi hội họa trong nước. 

Là thế hệ được giao lưu rộng mở với những xu hướng, trào lưu sáng tác mới của thế giới, những họa sĩ trẻ như Lê Thanh Tùng đã chủ động giao lưu, học hỏi trong những dự án như “Art in the Forest” của họa sĩ Vũ Hồng Nguyên. 

Anh còn là gương mặt tiêu biểu của nhiều triển lãm, trại sáng tác ở nước ngoài như: triển lãm quốc tế tại Khu vực nghệ thuật 798 (Bắc Kinh - Trung Quốc), triển lãm quốc tế KAFA Internaltional Art Fair 2018 (Hàn Quốc), triển lãm quốc tế do Hội Mỹ thuật Astana Kazakhstan năm 2019… 

Các tác phẩm sơn dầu của anh là những trải nghiệm về sự khác biệt, đa văn hóa, mối quan hệ của con người với con người trong một xã hội biến động. Không chỉ tham gia với tư cách là một họa sĩ độc lập, họa sĩ Lê Thanh Tùng còn là một giám tuyển trong một số sự kiện triển lãm, hội thảo dành cho các họa sĩ trẻ ở nước ngoài. 

“Chân trời đã mở ra ngoài châu Á, đến cả châu Âu, châu Mỹ rồi. Nghệ thuật nước mình đang trên đà phát triển và các nước phát triển đang để ý đến nên có nhiều cuộc hội thảo đã mời các họa sĩ nước ta sang để trao đổi”, họa sĩ Lê Thanh Tùng chia sẻ. 

Theo họa sĩ Đỗ Hiệp nghệ sĩ trẻ Việt Nam bây giờ rất mạnh nhưng cũng đang bị chững lại.

Tại Hà Nội vừa diễn ra triển lãm “Mời bạn vào”, tập hợp sáng tác mới của 23 gương mặt nghệ sĩ trẻ. Theo nhận định của họa sĩ Đỗ Hiệp, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam thì 23 gương mặt này cũng phần nào đại diện cho hoạt động nghệ thuật của các bạn trẻ hiện tại. “Lứa 9x và 2000 bây giờ đang là lứa bắt đầu bước vào nghề và bắt đầu có sự suy nghĩ chín chắn hơn về nghề”, họa sĩ Đỗ Hiệp nói.

Nói về lực lượng sáng tạo trẻ này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ví họ là những “người Việt mới của thế kỉ mới”. Nghệ sĩ trẻ là những gương mặt lành, sạch, đáng yêu, đang tự tin gây cú sốc thẩm mỹ với đồng nghiệp, công chúng và xã hội bởi họ là một lực lượng đông đảo, với “ngàn con mắt mới”, không từ chối bước theo sự thành đạt của những thế hệ vừa đi qua. Câu chuyện nghệ thuật của họ nảy sinh từ sự khao khát và năng lượng sáng tạo sung mãn ở bất kì ai trong thế hệ nghệ sĩ mới Việt Nam.

Tuy vậy, hoạt động sáng tạo của những người trẻ bao giờ cũng cần sự tiếp sức từ những thế hệ đi trước, từ công chúng khán giả. Nghệ sĩ đang rất cần những không gian tự do sáng tạo như “Art in the Forest” do họa sĩ Vũ Hồng Nguyên làm giám tuyển. 

Hay như họa sĩ Phạm Huy Thông cách đây khoảng 4-5 năm đã kết hợp với những nhà tài trợ nước ngoài thành lập riêng quỹ tìm kiếm tài năng trẻ. Hàng năm anh đã tìm kiếm 1 tài năng để trao giải và đưa đi những workshop ở nước ngoài. Đó là một cách hỗ trợ rất thiết thực. 

Còn ở trong nước, những không gian độc lập, hỗ trợ phi lợi nhuận dành cho nghệ sĩ trẻ cũng đang rất thiếu, cần phải mở rộng hơn nữa dành cho chính những nghệ sĩ đang chập chững những bước đi đầu tiên vào nghề, thậm chí phát hiện và tìm kiếm ngay cả trong trường học.

Thúy Đinh
.
.
.