WORLD CUP 2014: Chiếc cúp với số phận kì lạ

Chủ Nhật, 27/07/2014, 16:06

Cái kết của những kì World Cup xét cho cùng cũng là 15 phút nhà tân vô địch nâng cao chiếc cúp vô địch. Hành trình đi tới sân khấu vinh quang, được cầm trên tay chiếc cúp vàng ấy không chỉ là 33 ngày, là 7 trận đấu, mà là một hành trình kéo dài 4 năm. Và chiếc cúp ấy thực sự là biểu tượng của chiến thắng, với một lịch sử li kì kéo dài gần hết 100 năm.

1. World Cup 2014 đã khép lại với một kịch bản đầy hấp dẫn, kịch tính và nổ tung ở những phút cuối. ĐT Đức đã lần thứ 4 đăng quang chức vô địch hế giới sau một trận cầu với vô vàn cảm xúc. Thứ mà họ giành được không chỉ là danh hiệu vô địch, là quyền năng của kẻ đứng đầu thế giới, mà cái đích hướng đến còn là màn nâng cao chiếc cúp vô địch, biểu tượng trăm năm của chiến thắng.

Chiếc cúp danh giá và mang trong mình một lịch sử vĩ đại đã trở lại nước Đức sau 24 năm chờ đợi. Nhưng không chỉ có chờ đợi, người Đức đã vất vả, trải qua bao nhiêu giày vò mới lại có thể chạm tay và nhìn ngắm chiếc cúp ấy. Nó chỉ là phần thưởng cho người vô địch, để họ nâng lên trong ngày vinh quang nhưng lịch sử của nó lại là một câu chuyện li kì, hấp dẫn và kịch tính không kém gì cách một đội bóng đi đến chức vô địch.

Thậm chí, câu chuyện về chiếc cúp vàng còn tạo ra riêng cho mình một lịch sử, một hành trình để trở thành huyền thoại, một biểu tượng vĩ đại của lời tuyên ngôn chiến thắng.

Chiếc cúp vàng mà đội trưởng ĐT Đức (P.Lahm) cầm trên tay trong ngày đăng quang là chiếc cúp thứ 2 mà FIFA sử dụng. Trước đó là chiếc cúp có tên gọi "Chiến thắng" với hình tượng nữ thần chiến thắng trên đó (năm 1946 được đổi tên thành Jules Rimes để tôn vinh Chủ tịch FIFA, người sáng lập ra World Cup). Chiếc cúp này đã tạo ra một huyền thoại trong suốt quãng thời gian nó tồn tại.

Chiếc cúp Jules Rimes.

Xuất hiện lần đầu tiên năm 1930, người đầu tiên cầm nó là đội trưởng ĐT Uruguay Jose Nasazzi, khi họ đánh bại Argentina ở trận chung kết World Cup 1930, chiếc cúp đã trải qua một quá trình thăng trầm kì lạ giống như một số phận có linh hồn.

Sau khi xuất xưởng bởi nhà điêu khắc người Pháp Abel Lafleur, chiếc cúp đã lênh đênh 17 ngày trên con tàu "Conte Verde" vượt biển đến Uruguay.

Nó được đặt trong vali hành lí bình thường và được… xách tay giống như một món đồ vận chuyển thông thường ngày đó. Nhưng chỉ 4 năm sau, chiếc cúp lại mất 13 ngày để trở lại châu Âu, đến Italia chuẩn bị cho World Cup 1934. Chiếc cúp ở lại đó 4 năm, khi Italia vô địch liên tiếp 2 kì World Cup 1934 và 1938. Tuy nhiên, năm 1934, chiếc cúp này gần như mất giá, bởi chủ nhà Italia đã tạo ra một chiếc cúp khác thay thế.

Đó là giai đoạn mà chế độ độc tài Mussolini kiểm soát hoàn toàn xã hội, chính trị và thể thao Italia. Trước khi World Cup 1934 diễn, ra, Mussolini đã sắp xếp và tổ chức mọi thứ để Italia vô địch. Thậm chí, họ còn cho thiết kế và sản xuất một chiếc cúp cho chính mình. Nó có tên Coppa del Duce. Nó to, cao và giá trị hơn cả chiếc cúp FIFA, và đây mới là chiếc cúp mang giá trị thực sự lúc ấy, như một sự khẳng định quyền lực. Nhưng đến năm 1938, chiếc cúp Jules Rimes lấy lại giá trị của nó. Italia vẫn giữ chiếc cúp này, và bắt đầu hành trình gian truân của nó trong thời gian Thế chiến 2.

2. Đang chiến tranh, nhưng chiếc cúp FIFA vẫn là mục tiêu tìm kiếm, tranh chấp và đánh cắp của Mussolini và cả Hitler. Nó đã được Phó chủ tịch FIFA người Italia, ông Ottorino Barassi giữ. Ông đã tìm đủ mánh khóe: mang đi gửi ở hầm kín ngân hàng, giấu vào những công ty bảo vệ… Nhưng cuối cùng ông cất nó trong… hộp giày cũ kĩ, đặt dưới giường ngủ. Nó ở đó suốt 12 năm chiến tranh trước khi tái xuất ở kì World Cup 1950 tại Brazil. Và đây cũng là mảnh đất định mệnh với Jules Rimes.

Trước kì World Cup 1966, LĐBĐ Anh (FA) mượn chiếc cúp này phục vụ các hoạt động quảng bá cho giải đấu dễn ra tại Anh. Công ty Stanley Gibbons là đơn vị tổ chức, đưa chiếc cúp triển lãm ở hội trường trung tâm London. Ngày 20/3/1966, triển lãm đóng cửa trong một giờ vào buổi chiều chủ nhật. Toàn bộ nhân viên an ninh đi ăn trưa cả và chỉ trong 1 giờ đồng hồ, chiếc cúp biến mất.

Giá trị vật chất của nó ước tính chỉ khoảng 3.000 bảng Anh, nhưng giá bảo hiểm của nó mà Công ty Stanley Gibbons kí hợp đồng là 3 triệu bảng, một con số khủng khiếp đến kinh hoàng ở thời điểm đó. Khi đó phía Brazil, đất nước đang sở hữu chiếc cúp này đã la toáng lên rằng: Chuyện đó không bao giờ xảy ra ở Brazil bởi ở đây, những tên trộm cũng yêu bóng đá và trân trọng chiếc cúp ấy!

FA đối mặt với sự xấu hổ tột cùng. Kế hoạch truy lùng lớn được tiến hành, nhưng cuối cùng nhận được thông tin đòi tiền chuộc chiếc cúp này với giá 15.000 bảng, từ một nhân viên bến tàu 47 tuổi tên là Edward Betchley. Gã này bị bắt khi đang giao dịch, thế nhưng hắn từ chối tiết lộ nơi giấu.

Chỉ một tuần sau khi mất, David Corbett, nhân viên chèo thuyền trên sông Thames dắt chú chó có tên Pickles đi dạo. Và thật bất ngờ khi chú chó phát hiện ra chiếc cúp được giấu trong bụi rậm. Chiếc cúp được tìm thấy đã giải thoát cho cả nền bóng đá Anh, xã hội Anh và World Cup 1966. Điều dĩ nhiên là chú chó Pickles tôn vinh như người hùng. Bánh quy chó và thực phẩm đóng hộp được gửi đến từ khắp nơi, với số lượng lên đến 200kg.

Ngoài ra, con chó này được thưởng 3.000 bảng từ Hoàng gia Anh. Số tiền này gấp 4 lần thu nhập hằng năm của ông chủ nó, gấp 3 lần mức thưởng cho mỗi cầu thủ Anh VĐ World Cup 1966. Chưa hết, Pickles còn được mời tham dự trận khai mạc World Cup năm đó, với một ngồi ghế hạng VIP trên sân Wembley, ngay bên cạnh chỗ ngồi của Hoàng gia và Chính phủ Anh.

Sau đó, nó còn được mời đến dự lễ bế mạc và đương nhiên cũng vẫn ngồi ở vị trí này. Việc chiếc cúp biến mất khiến một bản sao của nó ra đời và gây tranh cãi về sau, đến mức FIFA còn bị "lừa" khi mua nó với giá 250.000 bảng, gấp 12 lần giá trị thật vì tưởng… hàng thật.

World Cup 1970 tại Mexico là năm cuối trao cúp Jules Rimes  khi Brazil VĐ lần thứ 3 và theo quy định được giữ cúp vĩnh viễn. Rút kinh nghiệm ở Anh, FIFA đến Mexico kiểm tra chiếc cúp được gửi tại Ngân hàng Banco Commercio. Nó được canh giữ một cách cẩn thận không tưởng: sâu dưới đất 17 mét trong một cái hầm lưới gia cố  trong bức tường dày 40 inches, phía sau cánh cửa nặng 12,5 tấn thép không gỉ. Nó liên tục được bảo vệ 24/24 giờ bởi 160 nhân viên an ninh được trang bị vũ khí súng ngắn, dùi cui và súng máy.

Chiếc cúp vô địch World Cup hiện tại.

Sau khi vô địch, Brazil giữ nó ở Rio de Janeiro, trên căn phòng tầng 9 của tòa nhà Rua da Alfandega 70, trụ sở Liên đoàn Bóng đá Brazil. Tưởng là an toàn, nhưng đêm 20/12/1983, nó mất tích lần thứ 2. Và lần này thì mất hẳn. Công ty bảo hiểm chiếc cúp này đã phải trả số tiền bảo hiểm rất lớn, tương đương khoảng 35.000 USD (giá trị hiện tại chỉ khoảng 700 triệu VND). Chủ tịch LĐBĐ Brazil và cả nước Brazil đã kêu gọi "xin lại" chiếc cúp nhưng vô ích.

Mặc dù sau đó 5 tên trộm đã bị bắt, nhưng chiếc cúp đã biến mất, bởi nó đã bị nung chảy và xẻ nhỏ mang đi bán chỉ 1 ngày sau khi bị đánh cắp.

Để quên đi sự xấu hổ, Brazil đã mời các chuyên gia từ Đức giúp đỡ làm cái khác y như thật. Và ngày 10/6/1984, tức là 6 tháng sau, nó được trưng bày ở trận giao hữu giữa Brazil và Anh tại sân Maracana.

Vậy đấy, cái cúp để ở hộp giày dưới gầm giường, nơi bẩn thỉu thì an toàn, nhưng cứ để nó ở nơi sang trọng là mất!

3. Sau khi chiếc cúp được trao hẳn cho Brazil và bị mất, FIFA đã phải làm cái cúp khác. Họ tổ chức cuộc thi và chọn được mẫu hiện tại, với hình tượng trái đất. Chiếc cúp này thực tế là được đúc rỗng, bởi nếu đúc đặc thì nó có thể nặng tới 65kg, không thể nâng nổi. Chiếc cúp này từ ngày ra đời được nâng niu bảo vệ cẩn thận hơn "người tiền nhiệm" Jules Rimes nhiều.

Nó luôn được lưu giữ tại trụ sở FIFA ở Zurich. Chiếc cúp này bất di bất dịch ở đó, và tất cả những chiếc cúp đi vòng quanh thế giới, tham gia những sự kiện World Cup đều chỉ là bản sao. Trên giấy tờ, chiếc cúp thật chỉ được trao cho đội vô địch, nhưng chiếc cúp họ cầm về nước cũng chỉ là bản sao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả chiếc cúp được trao trong lễ đăng quang sau trận chung kết World Cup cũng chỉ là "đồ rởm".

Cơ quan báo chí FIFA từng tiết lộ rằng, trước khi World Cup 2014 khởi tranh, ngoại trừ nhân viên của FIFA (vệ sinh, bảo dưỡng bảo trì, an ninh bảo vệ…), chỉ có một số nguyên thủ quốc gia và các cầu thủ của đội VĐ được phép chạm vào chiếc cúp. Từ năm 1974 đến nay có khoảng 250 cầu thủ chạm vào cúp này, và 87 người khác là nguyên thủ quốc gia. Ngoài ra còn có một số lãnh đạo, các nhân vật chóp bu khác. Như vậy, những người được sờ vào cúp thật, những người có liên quan đến sự kiện, chỉ rơi vào tối đa 800 người (đây là thống kê theo sự kiện chứ không tính những người như vệ sinh hay quân đội, những người tham gia di chuyển chiếc cúp…).

Pele và chiếc cúp Jules Rimes.

Có thể thấy, chiếc cúp bóng đá thế giới không chỉ là một báu vật mà còn là một sản phẩm của lịch sử, mang trong mình một sứ mạng với giá trị không thể đo đếm. Và những đội giành được chiếc cúp này, dù có thể chỉ cầm về một bản sao, nhưng đó cũng là một vinh dự lớn, với một bề dày lịch sử được tô vẽ suốt gần 100 năm phát triển của nhân loại và của bóng đá!

"Thế hệ sau" của cúp vàng là gì?

Tên các đội vô địch được khắc dưới đế chiếc cúp. Quốc gia nào vô địch sẽ được khắc bằng tiếng nước đó, nhưng riêng Tây Ban Nha năm 2010 vô địch lại được khắc bằng tiếng Anh (Spain) chứ không phải tiếng Tây Ban Nha. Vì tên các đội vô địch được khắc dưới đế nên nó sẽ kín chỗ sau 4 kì World Cup với tên 4 nhà vô địch nữa. Như vậy, nó sẽ không còn nơi tôn vinh nhà vô địch vào WC 2030, năm mà FIFA kỉ niệm đúng 100 năm World Cup ra đời. Các phương án đã được đưa ra: nối đế, làm phiên bản mới… Nhưng tất cả đều không khả thi khi nó không giữ được nguyên trạng sản phẩm lịch sử. Và phương án nữa có vẻ đang được ủng hộ: làm một chiếc cúp mới có mẫu mã, cách thể hiện mới giống như chiếc cúp hiện nay ra đời thay cho Jules Rimes. Khi đó, bóng đá thế giới sẽ có một biểu tượng và hình hài hoàn toàn mới.

Lê Giang
.
.
.