WORLD CUP 2014: Kinh tế thời World Cup

Thứ Sáu, 11/07/2014, 15:34

Chờ mãi 4 năm mới có một lần, vậy mà loáng một cái, World Cup đã trôi về những ngày cuối. Những náo nhiệt sắp không còn nữa. Một guồng quay hối hả, mê mệt nhưng đầy khí thế đã trôi qua. Và cũng giống như những lễ hội, những cuộc vui, sau khi kết thúc là một… bãi chiến trường. Ở đây, đó là một bãi chiến trường về kinh tế. 

1. Chuyện kinh tế World Cup đã được nói đến rất nhiều, mổ xẻ rất kĩ và nói đi nói lại đến nhàm tai. Nhưng bây giờ vẫn phải nói lại, vì ở đây không phải là kinh tế Brazil hay World Cup đáng giá thế nào, mà nó ảnh hưởng đến những nền kinh tế thế giới ra sao, sau quãng thời gian 1 tháng mải mê và quay cuồng với trái bóng Brazuka. Có thể nó là những con số thống kê vui vẻ, những chuyện bên lề tài chính thú vị, nhưng cũng có thể đó là những chuyện ghê gớm mà ít ai được biết.

ING - Tập đoàn Ngân hàng và Tài chính khổng lồ của Hà Lan đã có nghiên cứu khoảng trên 10.000 người ở 15 quốc gia, dựa trên các chỉ số tiêu dùng, đầu tư, các dịch vụ ngân hàng, các hình thức giao dịch, biện pháp tài chính... Họ không nghiên cứu xem số người này xem đá bóng thế nào mà xem họ chi tiêu và sẵn sàng làm những gì trong thời gian World Cup, và kết quả khá giật gân.

Những trận đấu World Cup luôn tạo ra sức hút lớn và... thiệt hại lớn.

Trong số hơn 10.000 người, có 2.700 người sẵn sàng vứt bỏ điện thoại trong vòng 1 tháng để xem World Cup. Điều đó có nghĩa, doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động có thể sẽ giảm khoảng 10% doanh số. Thế nhưng, điều đó chẳng mấy nghĩa lí vì 76% số người khẳng định họ dùng nhiều hơn các dịch vụ gia tăng. Và khi đó, doanh thu của nhà mạng sẽ tăng lên dự kiến 27%.

Một con số khá vui cũng được ING công bố khi nghiên cứu ở các quốc gia có đội dự World Cup, theo đó, các CĐV Argentina và… Chile là những người thèm khát chức vô địch nhất, khi họ sẵn sàng vứt bỏ 1% thu nhập hằng năm của mình để được chứng kiến đội nhà vô địch. Liên quan đến chức vô địch thì không chỉ có chuyện một vài người nào đó chấp nhận bỏ tiền ra là xong. ING còn nghiên cứu một con số đáng sợ hơn nhiều. Giả sử, nếu một ĐT nào đó vô địch World Cup, các CĐV đội bóng đó sẵn sàng "mua danh hiệu này" với giá bao nhiêu? Câu hỏi này hơi khó hiểu, bởi nó tính theo tỷ lệ GDP của quốc gia ấy (theo số liệu năm 2013). Đại loại là nếu muốn đội bóng vô địch, tổng số tiền mà các CĐV ở nước này chấp nhận chi ra là bao nhiêu. Qua đó, Argentina vẫn có tỷ lệ cao nhất với 3,5% GDP của Argentina năm 2013. Chile thứ nhì với 3,3%. Nhưng con số này chưa ấn tượng bằng Italia, dù họ chỉ đưa ra con số là 1,5% (bởi nó phụ thuộc vào GDP của mỗi nước khác nhau). Dù chỉ là 1,5%, nhưng đây là con số khổng lồ, nếu so sánh với tổng giá trị mà Italia đầu tư vào các ngành nghiên cứu và phát triển. Tổng số tiền cho công việc cực kì trọng yếu này cũng chỉ là 1,25% GDP mà thôi.


Biểu đồ nghiên cứu của ING về số tiền các CĐV bỏ ra để đội nhà VĐ theo lương hằng năm và theo GDP quốc gia.

World Cup có giá cực cao, lên đến 14 tỷ USD. Nhưng rõ ràng nó chưa phải là tất cả. Giá trị của nó trong lòng các CĐV, giá trị về mặt tinh thần và cả niềm tự hào là những điều lớn lao không thể đo đếm được.

2. Tuy nhiên, xem World Cup không thể cứ ngồi trước màn hình TV. Với các CĐV có đội tuyển tham dự giải, hàng trăm loại chi phí phát sinh. Ví dụ như cờ, áo, băng rôn, đồ cổ động, vé xem các trận đấu, chi phí đi lại, ăn ở nếu muốn đến Brazil… Chi phí như vậy cũng được tính để đánh giá các CĐV nước nào đam mê nhất. Tính ra, Hà Lan "ki bo" nhất khi trung bình mỗi người chỉ chi 5 euro. Thế nhưng, số lượng tiên thụ của họ trong 1 tháng World Cup cũng có thể đạt tới trên 7 triệu euro. Nga và Argentina vẫn là những CĐV chịu chơi nhất với chi phí 48 euro/người.

Có lẽ với rất nhiều tiêu chí đưa ra, tiêu chí đến sân cổ vũ vẫn là tiêu chí hàng đầu. Bởi nó mất công, mất thời gian, và rất nhiều tiền. Báo cáo của tập đoàn tài chính

Goldman Sachs cho thấy, số lượng người nước ngoài mua vé đến Brazil xem các trận đấu tăng vọt 7% so với World Cup 2010 ở Nam Phi. Trong đó, những người mang quốc tịch Mỹ dẫn đầu với tổng số vé họ mua là 154.000 chiếc. Đứng thứ 2 là người Australia với khoảng 41.000 chiếc. Họ đứng trên cả Anh (38.000) và Colombia (33.000). Dĩ nhiên đây chỉ là chỉ số tham khảo, bởi chưa chắc những người mua đã đến Brazil hết. Cũng có những người nôm na là "phe vé", hoặc họ mua bán trao đổi qua rất nhiều lần. Bên cạnh việc cổ vũ đơn thuần, World Cup cũng là mùa mà số lượng tiền cá cược tăng cực mạnh. Hãng Bwin đưa ra con số là: mỗi trận đấu tại World Cup 2014 sẽ có khoảng trên 1 tỷ USD được luân chuyển trong hệ thống của họ. Đó là một con số không tưởng. Nhưng nói các nhà cái thì hơi to tát, thậm chí rất có thể họ còn giảm bớt đi nhiều vì vấn đề an ninh và chuyện làm ăn. ING còn điều tra số tiền trung bình mà mỗi CĐV bỏ ra cá cược khi đang xem mỗi trận đấu trung bình ở Nga là cao nhất, với 287 euro/người.

Không chỉ là những thiệt hại kiểu bỏ tiền mua vui như vậy, ảnh hưởng của World Cup đến việc làm cũng không lúc nào nóng bằng World Cup. Theo điều tra cũng của ING, thì trong thời gian World Cup, tỷ lệ mất việc của người Argentina là cao nhất, tăng 6% so với các thời gian khác trong năm. Điều đó có nghĩa, với rất nhiều người, bóng đá còn quan trọng hơn việc làm.

Tuy nhiên, nếu một nước có đội tuyển tham dự World Cup, việc bắt CĐV nào đó phải đi làm và không được xem đá bóng thì đó là cực hình. Bởi thế mới xảy ra một câu chuyện khác. Và câu chuyện này mới là đỉnh cao của… kinh tế thế giới thời World Cup.

3. Để chuẩn bị cho World Cup, nước chủ nhà Brazil đã phải tính đến rất nhiều việc bên lề. Họ phải dựa vào lịch thi đấu để ấn định một số ngày nghỉ cho giáo viên, học sinh, sinh viên và một số ngành nghề khác để giảm bớt áp lực giao thông. Bên cạnh những ngày nghỉ của chính phủ, các công sở tư nhân, các tập đoàn kinh tế, các tổ chức công cộng, thậm chí cả ngân hàng, bưu điện cũng cho nhân viên nghỉ một số ngày. Vì thế mới có chuyện, ngày diễn ra trận đấu giữa Brazil và Cameroon vừa qua (23-6), dù khi đó Brazil đã coi như đứng đầu bảng, còn Cameroon đã bị loại, cả thủ đô Brasilia biến thành một "thành phố chết". Không có ai đi ra đường, những con phố vắng hoe và chẳng có một tiếng động. Phải đến những tụ điểm xem bóng đá công cộng, ở đó mới thực sự có… sự sống!

Sự cuồng nhiệt của các CĐV là không gì cản nổi.

Báo cáo ban đầu của Liên đoàn thương mại Sao Paulo: sản lượng kinh tế bị thiệt hại do World Cup kể cả nghỉ, lẫn những tiêu hao do người lao động mất tập trung, hiệu suất kém, thể lực thuyên giảm, Brazil có thể thiệt hại lên đến 30 tỷ reais (khoảng 14 tỷ USD) chỉ trong 1 tháng World Cup. Trong khi đó, thu nhập liên quan đến du lịch, các dịch vụ ăn theo World Cup chỉ thu lại khoảng 6 đến 7 tỷ USD, tức là không đủ bù đắp con số mất đi.

Tại World Cup 2014 này, mỗi ngày ĐT Mỹ thi đấu, các nhà kinh tế Mỹ cho rằng, nền kinh tế nước này có thể mất tới 650 triệu USD, đặc biệt là vào ngày mà Klinsmann đưa ra bức thư kêu gọi CĐV cổ vũ đội nhà, kêu gọi các công ty cơ quan, công sở để nhân viên cổ vũ đội nhà (trận gặp Đức ở lượt cuối cùng bảng). Họ cũng "đính" kèm luôn rằng, mỗi ngày có bóng đá, nước Mỹ bị "đánh cắp" ít nhất 20.000 giờ làm việc công.

Với những con số và hạng mục điều tra như thế, có thể thấy bên cạnh cái giá cắt cổ của World Cup, sự xa hoa, đắt đỏ của nó, còn có vô khối những mất mát, thiệt thòi về kinh tế đi kèm. Nhưng dẫu sao thì cũng chẳng có mấy ai kêu ca phàn nàn. Thậm chí, những công sở vẫn cho nhân viên nghỉ xem đá bóng, các giới chức vẫn hò reo cổ vũ, và những khoản tiền mất đi ngày càng lớn, và đổ vào những dịch vụ có liên quan đến World Cup. Bởi đơn giản, bóng đá vẫn là một thế giới đầy mê hoặc. Và đơn giản hơn nữa, World Cup phải chờ 4 năm mới có 1 lần!

"Luật" nghỉ xem World Cup có từ bao giờ?

Chuyện các công sở cho nghỉ làm xem đá bóng đã có từ lâu. Quyết định kiểu này xuất hiện đầu tiên và chính thức được ban bố bởi chính phủ, có thể lấy cột mốc là World Cup 1978. Khi đó chính phủ Argentina đã yêu cầu tất cả mọi hoạt động phải tạm nghỉ để mọi người dân đều có thể cổ vũ mỗi khi ĐTQG Argentina thi đấu. Bởi thế, đây là tình trạng không chỉ Brazil mới vướng phải. Hầu hết các nền kinh tế lớn đều bị "vạ lây" bởi World Cup.

Hãng Huffington Post cũng có điều tra và đưa ra con số thực tế về thiệt hại kiểu như thế này. Sau khi tính toán những ngày nghỉ, hiệu suất lao động, dòng chảy tài chính thông qua ngân hàng, thị trường chứng khoán, tỷ lệ sản xuất lao động… họ tuyên bố, năm 2006, sản lượng kinh tế của nước Anh thiệt hại 190 triệu USD mỗi ngày có World Cup. Năm 2010, Huffington Post cũng báo cáo sản lượng kinh tế tại Mỹ cũng giảm 121.000.000 USD mỗi ngày. Cùng năm đó, tổng sản lượng kinh tế giảm sút ở Vương quốc Anh là 10 tỷ USD.

Lê Giang
.
.
.