WORLD CUP 2014: Phía World Cup không có trái bóng!

Thứ Tư, 25/06/2014, 14:53

Vậy là World Cup 2014 đã chính thức khởi tranh. Một mùa náo nhiệt, một mùa đầy cảm xúc và một mùa mất ăn mất ngủ với trái bóng đá bắt đầu. Hằng đêm trái bóng lăn điên cuồng ở Brazil, điều đó ai cũng thấy. Nhưng ít người nhìn thấy một World Cup ở hậu trường, nơi trái bóng không lăn. 

1. Đêm qua, World Cup đã mở hội với lễ khai mạc đầy sắc màu. Ngày xưa, khi World Cup còn sơ khai, người ta đến rồi chạy vào sân đá bóng chứ chẳng có lễ lạt nào cả. Nhưng trong kỉ nguyên bóng đá hiện đại, khi mọi thứ đều được quy ra rất nhiều tiền, một phút thuộc về World Cup cũng trở nên vô giá. Và như thế, mọi nghi lễ đều sẽ được hoạch định một cách công phu nhất, chi tiết nhất. Và lễ khai mạc chính là một điểm nhấn để khơi dậy niềm đam mê, kích thích những xúc cảm và khởi động cho những hành trình không mệt mỏi với guồng quay xa hoa của bóng đá.

Lễ khai mạc World Cup 2014 dù không thể so sánh với lễ khai mạc tốn kém nhất trong lịch sử tại Thế vận hội mùa Đông Sochi. Brazil không thể bỏ tới cả tỷ USD để đầu tư cho lễ khai mạc như người Nga, nhưng đây cũng xứng là một buổi lễ khai mạc đáng nhớ. Có tổng cộng 600 vũ công tham gia trình diễn. Họ phải chuẩn bị kịch bản và nội dung trước hơn 3 năm và tập luyện hết tổng cộng gần 1.000 giờ. Chỉ kéo dài khoảng 25 phút thôi, nhưng để chuẩn bị cho nó được chạy trơn tru là cả một vấn đề lớn. Tính trung bình mỗi phút trình diễn sẽ mất 20 tiếng tập luyện và chuẩn bị, tổng cộng lễ khai mạc mất 84 giờ tập luyện tổng duyệt trước ngày "ra sân chính thức".

Để có lễ khai mạc trọn vẹn, các vũ công có 84 giờ tập trình diễn để tổng duyệt.

Lễ hội ngày khai màn World Cup 2014 chỉ là một phần nhỏ trong công tác tổ chức giải đấu, với hàng ngàn hạng mục khác nhau. Để tổ chức một World Cup trọn vẹn, nước chủ nhà không thể một mình làm tất cả. Ngày xưa, tại World Cup 1998, báo chí rùm beng vụ Việt Nam cũng tham gia khi cung cấp lưới khung thành. Tại World Cup Nam Phi 2010, toàn bộ SVĐ Durban xây dựng lại do người Đức đảm nhiệm, thậm chí tất cả nguyên vật liệu xây dựng đều được người Đức chuyển từ Berlin sang. Mỗi nước đóng góp một chút, giống như một bữa ăn chung mỗi người mang tới một món vậy. Và Brazil cũng thế.

Mặc dù không có mặt ở ngày hội bóng đá thế giới, nhưng Israel cũng tham gia công tác tổ chức khi Tập đoàn Ceragon tại Tel-Aviv đảm nhiệm toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng không dây (sử dụng cho cả World Cup này lẫn Olympic Rio 2016). Trước khi bước vào giải, Ceragon đã chiếm 30% thị phần công nghệ không dây ở Brazil. Không chỉ hỗ trợ về công nghệ không dây, Israel cũng góp mặt tại Brazil trong công tác an ninh.

2. Nếu tính ra, cứ 50 CĐV trên SVĐ sẽ có 1 cảnh sát, gần 100 CĐV tại các tụ điểm công cộng (fanfest) sẽ có 1 cảnh sát bảo vệ. Đó là chưa kể việc đảm bảo an toàn ở bên ngoài khu vực có bóng đá. Để đảm bảo vấn đề an ninh, Brazil đã chi trên 1 tỷ USD đầu tư, và trong đó họ có sự liên kết với các công ty nước ngoài. Công ty cung cấp an ninh Risco có trụ sở tại Rishon Letzion sẽ quản lí toàn bộ an ninh tại SVĐ Arena Pantanal với 44.000 chỗ ngồi ở thành phố Cuiaba. Nói về hệ thống an ninh trên SVĐ cũng là chuyện khá thú vị.

Mỗi sân sẽ có khoảng 300 camera quan sát mọi ngóc ngách thông qua một trung tâm điều khiển đầu não. Ngoài ra, World Cup còn phải được đảm bảo an ninh trên không. Một hệ thống có tên gọi Elbit đã được đưa vào sử dụng, với một bản hợp đồng cộng tác với lực lượng không quân Brazil, cung cấp 900 máy bay không người lái cho toàn bộ các trận đấu. Thực chất Elbit còn là giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ tình báo, bảo vệ biên giới, tạo ra vành đai kiểm soát cơ sở hạ tầng về hệ thống mạng Internet.

Hệ thống an ninh World Cup tiêu tốn 1 tỷ USD.

Để điều khiển toàn bộ hệ thống an ninh, BTC Brazil phải huy động hơn 500 chuyên gia để tổ chức các hạng mục. Cùng với những công nghệ tiên tiến nhất từ nước ngoài, chuyện Brazil tiêu tốn mất 1 tỷ USD chỉ riêng cho công tác an ninh không có gì là lạ.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào an ninh bản địa cũng không ổn. Chính các đội tuyển tham dự giải cũng phải chuẩn bị riêng cho mình về các phương án bảo vệ thành viên. Trong việc này, các đội bóng lớn là những đội mất nhiều công sức và tiền bạc nhất. Ví dụ như Bồ Đào Nha, dù chỉ có siêu sao C.Ronaldo là mang đẳng cấp siêu hạng, họ cũng phải chi khoảng 2 triệu USD cho công tác bảo vệ. Riêng C.Ronaldo phải có thường trực 4 vệ sĩ, phải có 3 hệ thống GPS, theo dõi giám sát, 1 hệ thống báo động được gắn trên người cầu thủ này nhằm cảnh báo và phát tín hiệu khi gặp nguy hiểm, nhất là nếu anh cách xa vệ sĩ của mình quá 500m. Tại các khách sạn nơi các ĐT đóng quân, BTC phải đảm bảo mỗi nơi có ít nhất 1 lực lượng bảo vệ an ninh, thường trực có mặt tại đó ít nhất 60 người.

3. Thi đấu World Cup không chỉ là việc các đội bóng ra sân, thi đấu rồi về. Họ còn phải chuẩn bị cho cuộc sống ở những ngày diễn ra lễ hội. Nếu các phóng viên đi tác nghiệp ở đây, ngoài những phương tiện hành nghề, rất nhiều người còn phải mang theo cả căn bếp đi cùng. Các đội tuyển cũng vậy. Tính trung bình mỗi đội tuyển đi cùng phải có 5 đầu bếp đi theo. Họ đều phải đi khảo sát ở nước chủ nhà có những thực phẩm gì, và phải mang theo những loại thực phẩm nào. 21/32 đội tuyển có hợp đồng thực phẩm với một hãng thực phẩm nào đó và vận chuyển đến Brazil trước khi đội bóng đến nơi đóng quân.

World Cup năm 1970 là lần đầu tiên có một đội tuyển mang theo lương thực. Đó là ĐKVĐ Anh. Họ mang tới Mexico gần 10 tấn thực phẩm cùng 7 đầu bếp. Tuy nhiên, sự việc "điên rồ" và chưa từng có tiền lệ ấy đã khiến nước chủ nhà phật lòng. Đó là lí do vì sao khi số hàng lương thực nào đến cảng Mexico, phần lớn số lương thực này bị thu giữ hoặc biến mất. Đồng thời báo chí, dư luận Mexico còn chế giễu đội tuyển Anh là đội bóng quá… sạch sẽ, quá cẩn thận và có hàm ý coi thường chủ nhà. Tuy nhiên, bây giờ mọi chuyện đã khác. Rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với cái người ta gọi là "thuyết âm mưu", quá nhiều cầu thủ kiêtå sức vì không hợp khẩu vị, đồ ăn khiến việc chuẩn bị thực phẩm là điều tối quan trọng trong việc duy trì sự tập trung và năng lượng cho hành trình 1 tháng World Cup.

Các CĐV đến sân sẽ bị giám sát kĩ lưỡng.

Ngoài vấn đề an ninh, đồ ăn thức uống, còn có vô số chuyện hậu trường khác đi kèm. Ngay như việc "tình cảm" ở Brazil trong giải đấu này cũng là chuyện cực kì nghiêm túc được tính tới. Tại World Cup 2010 ở Nam Phi, chủ nhà đã đặt chuyện mại dâm trở thành một vấn đề được nghiên cứu cẩn trọng. Nữ hoàng Anh còn tặng Nam Phi số lượng bao cao su tính trên đầu người dân để phát miễn phí trong thời gian diễn ra World Cup.

Còn rất nhiều câu chuyện về hậu trường World Cup, nơi trái bóng không lăn, nhưng cũng vô cùng nóng bỏng với những điều thú vị có khi còn hấp dẫn hơn cả một số trận đấu. Ở World Cup, sẽ không chỉ có các trận đấu, không chỉ có truyền thông, truyền hình mà còn có vô số những dịch vụ, những nhu cầu, những sản phẩm liên quan phục vụ công tác tổ chức.

Và thôi, bây giờ chúng ta hãy cùng  bắt đầu thưởng thức World Cup, thưởng thức những trận đấu kinh điển, và thưởng thức một bầu không khí cuồng nhiệt, điên rồ và đầy màu sắc…

Lễ hội ánh sáng

Lễ khai mạc World Cup thường diễn ra khi trời sáng. Vì thế việc sử dụng đèn, màn hình LED hay pháo hoa là bài toán cực kì hóc búa. Tại lễ khai mạc World Cup 2010, sự tập trung được dành cho việc trang trí, các hạng mục công cụ phục vụ trình diễn. Nhưng tại World Cup 2014 này, có một điều đặc biệt đó là công nghệ ánh sáng. Đó là trung tâm của buổi trình diễn. Mặc dù có thể thấy lễ khai mạc rất lung linh, nhưng ít người biết rằng để tạo ra được hiệu ứng ánh sáng như vậy, BTC đã phải tốn hàng chục triệu USD để tạo ra một con số kỉ lục: 90.000 cụm ánh sáng LED, tạo ra cường độ ánh sáng lên đến 7.000 Nits.

Bên cạnh đó, lễ khai mạc còn tiêu tốn khoảng 300.000 phương tiện chiếu sáng, được điều khiển bởi 200 chuyên gia. Thế mới biết để có một buổi lễ khai mạc chỉ kéo dài khoảng 25 phút, công tác chuẩn bị phải công phu, tốn kém đến mức nào

Lê Giang
.
.
.