Wimbledon 2017: Một giải đấu “kỳ lạ”

Thứ Sáu, 14/07/2017, 14:47
Trong những năm lẻ, Wimbledon luôn là “cứu cánh” cho tín đồ thể thao khi các sự kiện bóng đá lớn không diễn ra. Và một khi tennis được chơi trên mặt sân cỏ cao cấp, giới đánh quần càng có lý do để chờ đợi, bởi các nhà tổ chức ở All England Club luôn biết cách khiến Wimbledon trở thành “thương hiệu truyền thông” được săn đón bằng những chiến lược khác người.


Trên thế giới, chỉ 3 giải đấu thể thao có tuổi đời lâu hơn Wimbledon. Đây là năm thứ 140, Wimbledon diễn ra. Không một sự kiện tennis nào được săn đón như Wimbledon.

Sự khan hiếm về số lượng của các giải đấu sân cỏ càng làm cho các fan cuồng nhiệt của Wimbledon “phát điên”. Trong một năm thi đấu của ATP và WTA, có tất cả 6 giải thuộc hệ thống nhà nghề được tổ chức trên mặt sân cỏ, nhưng tuyệt nhiên không có giải Master 1000 nào. Wimbledon vì vậy là sân khấu duy nhất quy tụ các anh tài thế giới của mặt sân độc nhất vô nhị này.

Djokovic và Federer than phiền rất nhiều về việc doping tiền thưởng làm méo mó hình ảnh chuyên môn của tennis.

Với rất nhiều yếu tố nội tại “bất bình thường”, Wimbledon luôn là một khái niệm giàu màu sắc nhưng cũng rất mơ hồ trong nhận thức của NHM. Sự kỳ lạ của Wimblendon bắt đầu ngay từ khi giải đấu còn chưa chính thức khởi tranh, cho tới những diễn biến bên trong các sân đấu trung tâm.

Hấp dẫn vì "ngẫu nhiên"

BTC Wimbledon đã tự tạo ra một quy tắc phân loại hạt giống của riêng mình, lấy cảm hứng từ hệ quy chiếu ELO của cờ vua. Nghĩa là, VĐV nào xếp hạt giống thứ mấy là phụ thuộc vào “tham chiếu phong độ của VĐV ấy trên mặt sân cỏ trong 24 tháng gần nhất, kết quả ở Wimbledon trong quá khứ và thành tích đối đầu với VĐV khác”.

Djokovic đã sa sút không phanh trong mùa giải 2017 với chỉ hai danh hiệu không đáng kể ở Doha và Eastbourne. Tuy nhiên, Nole lại là chủ nhân của hai chiếc đĩa bạc trong 4 mùa giải gần nhất (hai thuộc về Murray) nên số điểm cộng dành cho tay vợt Serbia vẫn đủ để anh được xếp hạt giống số 2.

Nadal đang đứng thứ 2 trên BXH ATP, nhưng việc không tham dự bất kỳ giải đấu sân cỏ nào trước thềm Wimbledon, cộng với phong độ nghèo nàn ở quảng trường danh vọng London (không vượt qua vòng 4 từ mùa 2012) đẩy Vamos xuống hạng 4.

Federer đã thắng tới 24 trận trong năm 2017 và là ông vua sân cỏ nhưng theo tiêu chí điều lệ chỉ được chọn làm hạt giống 3, do chủ yếu đánh các giải nhỏ và những đối thủ gác vợt trước Federer đứng trong quãng thứ hạng từ 16-35 trên BXH.

Từ đó, “tính cạnh tranh” là điều Federer vẫn thiếu nên tính ra, số điểm thưởng Federer nhận về vẫn kém Djokovic – người dù đã thua 7 trận trong các cuộc đấu tốp 10 nhưng đã chơi nhiều trận đỉnh cao hơn Federer.

Ở nội dung thi đấu nữ, hệ số ELO chỉ cho phép Venus Williams xuất phát ở vị trí hạt giống thứ 10 do mới một lần vượt qua vòng bốn ở 6 mùa giải gần nhất, trong khi 5 tay vợt hạt giống đầu mới cùng nhau san sẻ 2 danh hiệu Grand Slam.

Dolgopolov dù biết tình trạng chấn thương nhưng vẫn cố ra sân tại Wimbledon 2017 để lĩnh tiền thưởng cao.

Trong một diễn biến khác, Kvitova lại có ưu ái đứng hạng 11 nhờ thành tích hai lần đăng quang Wimbledon (2011,2014) dù mới chỉ tham gia 3 sự kiện mùa giải này sau cú sốc bị tấn công dao. Thậm chí, do Kvitova chưa đánh trận nào với các tay vợt trong tốp 10 năm nay nên nghiễm nhiên, tỷ lệ thua của cô là… 0% và không bị trừ điểm hệ số phụ.

Như vậy, Wimbledon đã khó lường và hấp dẫn nhờ tính ngẫu nhiên của quy tắc phân nhánh đấu.

Mảnh đất màu mỡ và thái độ "phi thể thao" của vận động viên

Tennis và golf là hai trong số ít môn thể thao buộc người chơi phải “bỏ tiền chạy theo nó”. Phí đầu tư cho một VĐV tennis nhà nghề rơi vào ngưỡng 2,7 triệu usd trước khi người này có thể tham gia hệ thống tour thi đấu. Tuy nhiên, chỉ những tay vợt trong tốp 20 mới được nhận tài trợ dụng cụ thi đấu và bao trọn gói chi phí di chuyển, đi lại khi tham gia giải.

“Gỡ vốn” là một nhu cầu đặc trưng dễ thấy trong banh nỉ chuyên nghiệp. Bởi vậy, chỉ cần có vé tham dự Grand Slam là đương nhiên, các tay vợt sẽ bỏ túi khoảng 50.000 USD, số tiền tương đương giải thưởng của nhà vô địch 3 giải ATP 250.

Thời lượng thi đấu của mùa giải sân cỏ lại rất hạn chế (6 giải, bao gồm 3 ATP 250, 2 ATP 500 và Wimbledon) nên giải Grand Slam thứ ba trong năm hiển nhiên là khát vọng của đại đa số VĐV.

Wimbledon có tổng giải thưởng khoảng 41 triệu USD, tức là chỉ kém US Open về sức mạnh kinh tế. Nhưng Wimbledon lại là giải có mức tăng trưởng tiền thưởng cao nhất trong hệ thống Grand Slam. Để thu hút sự chú ý, BTC đã nâng mức thưởng cho tay vợt bị loại từ vòng 1 hơn 300%, từ 14.000 USD lên 45.000 USD.

Đây là cách Wimbledon đánh bóng thương hiệu, và khiến hệ thống các giải vòng loại tranh vé tham dự được quan tâm rộng rãi. Các tay vợt chấn thương sẵn sàng rút lui khỏi Grand Slam trên nền đất cứng hay đất nện vì vẫn còn nhiều giải ATP khác trong gỡ gạc, nhưng Wimbledon thì không. Đó là cơ hội duy nhất.

Chính tâm lý này đã tạo ra tiền lệ vô tiền khoáng hậu: Nhiều tay vợt biết mình chấn thương, nhưng vẫn cố lết ra sân, đánh một lúc và bỏ cuộc để… nhận tiền. 7/128 tham dự vòng 1 đã bỏ cuộc vì chấn thương.

Tất nhiên, những tay vợt ở vòng 1 thường không phải đối thủ của những ông vua sân cỏ như Fedex hay Nole. Hai tay vợt này mới để thua cả thảy 2 set đấu từ năm 2010. Không thể kỳ vọng một trận đấu sòng phẳng và kịch tính (nếu có thì càng tốt, như trận Mueller gặp Nadal dài 5 set, 4 tiếng 35 phút ở vòng 4).

Nhưng cũng không ai bỏ gần 1.000 bảng và núi công việc tới sân chỉ để theo dõi một trận dài chưa đầy tiếng đồng hồ do đối thủ của Federer và Djokovic chủ động bỏ cuộc vì chấn thương.

Vấn đề lớn nhất ở đây, là những chấn thương đã được dự báo từ trước. Cả Martin Klizan và Alexandr Dolgopolov, đối thủ của Djokovic và Federer đã không có thể trạng tốt nhất trước giải.

Một trào lưu mới đang manh nha ở banh nỉ nhà nghề: Cắn răng chịu đau, cố gắng ra sân ở trận vòng 1 rồi sau đó xin bỏ cuộc để lĩnh tiền thưởng Grand Slam.

Martin Klizan (đối thủ của Djokovic) chỉ cố được 40 phút trước khi rời sân. Ngay sau đó, Dolgopolov cũng kết thúc nhiệm vụ bằng kịch bản tương tự khi đang bị Federer dẫn 0-3 ở set 2.

Họ biết giới hạn thể lực, nhưng vẫn cố nhập cuộc. Vì tiền thưởng. Chính cơ chế tài chính của Wimbledon đã dung túng hành vi thiếu fair-play này trong tennis. Trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2016, 2,5% số tay vợt bỏ cuộc giữa chừng tại các giải Grand Slam, tăng đột biến nếu so với chỉ số tại hệ thống giải ATP (1,2%).

Tipsarevic (phải) bỏ cuộc chỉ sau 15 phút.

Câu chuyện này lại không hề diễn ra ở nội dung đơn nữ. Tất nhiên, vẫn là vấn đề tiền thưởng. Các cây vợt nữ tham gia vòng 1 chỉ nhận về 18.000 USD, ít hơn rất nhiều so với những gì các đồng nghiệp nam giới nhận được. Duy nhất một trường hợp bỏ cuộc tại nội dung này ở vòng 1.

Fiona Wong, một fan nhiệt thành của Federer đã bay hơn 30 giờ từ Melbourne (Australia) và chờ tiếp 30 tiếng nữa để được tận mắt chứng kiến thần tượng thi đấu. Nhưng những gì cô nhận lại là nỗi thất vọng ê chề. Dolgopolov chấn thương, Federer đánh nhàn. Không đường bóng đẹp, không cảm xúc.

Wimbledon được yêu mến vì chất cổ điển và nét sang trọng khó tìm kiếm trong thể thao hiện đại. Song có vẻ, xu hướng thương mại hóa đã không buông tha bất kỳ ai.

Nỗ lực của ATP

Một trường hợp gây nhiều tranh cãi khác tại Wimbledon 2017 là Janko Tipsarevic. Tay vợt người Serbia thậm chí chỉ “cố thủ” trong 5 giờ và 15 phút thi đấu trước Jared Donaldson là “đầu hàng”. Quy ra hệ tham chiếu hiệu suất lao động, Tipsarevic đã kiếm 2.000 usd cho mỗi phút thi đấu.

Đội ngũ y tế của Tipsarevic sớm nhận thức được tình trạng thể chất của anh này. Nhưng 15 phút tranh tài ở mặt sân cỏ huyền thoại bằng… một năm thu nhập của Tipsarevic. Anh ta chủ yếu tham dự các giải Challenger cấp thấp, đã vô địch 2 giải ATP 250 trong năm 2017 với tổng tiền thưởng là… 15.000 usd.

Số điểm ATP xếp hạng Tipsarevic thu về từ hai danh hiệu là 80, tức là số điểm có được nếu vào tới vòng 3 Grand Slam. Ngay cả khi sung sức, Tipsarevic cũng chỉ lĩnh thêm 22.000 usd cho việc vào tới vòng 3. “Không bõ công”, tạp chí Economist bình luận.

Đó thực sự là vấn nạn của Wimbledon nói riêng và tennis nói chung. Giới VĐV sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn phi thể thao để săn tiền thưởng. Và đối tượng bị ảnh hưởng lớn nhất chính là ban tổ chức giải, bởi NHM sẽ quay lưng với các khán đài nếu họ không nhận lại xứng đáng so với số tiền bỏ ra.

Một đề án mới đã được thông qua, là các tay vợt được quyền rút lui trước 2 giải đấu thuộc hệ thống ATP mỗi mùa giải mà vẫn nhận được tiền thưởng, đồng thời suất chơi sẽ dành cho những tay vợt thua cuộc ở vòng loại cuối cùng. Vừa là cách đảm bảo nguồn thu nhập cho người chơi, vừa là cách giữ uy tín của giải đấu.

Hiện tại, trung bình mỗi giải trong một năm thi đấu có 3 trường hợp bỏ cuộc ở vòng 1.

Đơn Ca
.
.
.