Wolrd Cup và chính trị

Thứ Bảy, 21/07/2018, 09:54
Từ lâu, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cấm tuyệt đối việc đưa chính trị vào bóng đá, đặc biệt tại các vòng chung kết bóng đá thế giới (Wolrd Cup). Thế nhưng, dường như bóng đá không hoàn toàn có thể tách khỏi chính trị, cả ở mặt tích cực lẫn tiêu cực.


Về mặt tích cực, không môn thể thao nào gắn với niềm tự hào quốc gia/dân tộc hay địa phương/vùng miền lớn hơn bóng đá. Một số câu lạc bộ bóng đá thành công thường được coi là biểu tượng cho địa phương hoặc chủ nghĩa dân tộc nơi đội bóng đóng quân. CLB Barcelona được người Catalan coi là biểu tượng cho tinh thần tự trị của họ, hoặc như Athletic Bilbao là niềm tự hào của người dân xứ Basque với lý do tương tự.

Thậm chí, đôi khi bóng đá còn được coi là liều thuốc đoàn kết tinh thần của một quốc gia, có thể kể tới chiến thắng của đội tuyển Pháp tại World Cup 1998 hay của Iraq tại Cúp bóng đá châu Á 2007, theo lời Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Iraq Hussein Saeed thì "người Iraq chỉ sống vì bóng đá, và đó là bí mật để họ có thể đối mặt với mọi khó khăn".

Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarović và chiếc áo dành tặng ông Trump.

Ở mức độ quốc tế, lịch sử đã ghi nhận Chiến tranh Bóng đá vào năm 1969 là cuộc xung đột đầu tiên bắt nguồn từ một trận đấu bóng. Đó là chiến thắng 3-2 tại vòng loại World Cup 1970 của El Salvador trước Honduras. Những xung đột trong và sau trận đấu đã dẫn đến việc El Salvador đem quân tấn công Honduras, cuộc chiến đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và càng làm trầm trọng thêm sự mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng này.

Bóng đá cũng trở thành phương tiện tuyên truyền cho Mặt trận giải phóng Algérie trong thời gian Chiến tranh Algérie. Đôi khi bóng đá lại trở thành phương tiện để thúc đẩy hoặc hàn gắn quan hệ ngoại giao giữa các nước có mâu thuẫn, có thể kể tới trận đấu lịch sử giữa Mỹ và Iran tại vòng đấu loại bảng F World Cup 1998 hay World Cup 2002, giải đấu được Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia vốn có nhiều mâu thuẫn lịch sử, tổ chức chung khá thành công.

Gần đây nhất và nổi bật không kém là nước Anh, khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố không mấy thiện cảm với World Cup 2018 do Nga đăng cai, ngay từ khi nó chưa khởi tranh. Lý do được đưa ra là cáo buộc của Anh về việc Nga đứng đằng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang Skripal tại London hồi tháng 4-2018.

Tổng thống Putin và cúp vàng Wolrd Cup 2018.

Với sức ảnh hưởng to lớn, lời kêu gọi của Thủ tướng Anh đã được hàng loạt quốc gia phương Tây hưởng ứng, trong đó có Mỹ, Đức, Đan Mạch… Đáp lại, Huấn luyện viên đội tuyển Anh, ông Gareth Southgate trả lời truyền thông rằng chính trị là chính trị, bóng đá là bóng đá, chẳng liên quan gì tới nhau.

Một sự kiện khác nhuốm màu chính trị ở World Cup năm nay là việc trong cơn say chiến thắng, trợ lý Huấn luyện viên Croatia Ognjen Vukojevic và trung vệ Domagoj Vida đã đưa lên trang mạng cá nhân đoạn trích bản nhạc “Vinh quang Ukraine”. Điều đó được mặc định là một hành động phỉ báng nước Nga. Lập tức Chính phủ Croatia phải lên tiếng xin lỗi. Ông Ognjen Vukojevic thì bị Liên đoàn Bóng đá Croatia sa thải, còn trung vệ Vida may mắn hơn, chỉ bị phạt tiền...

Cả hai người này (từng cùng thi đấu cho một CLB tại Ukraine) thanh minh chỉ là tôn vinh CLB cũ đã góp phần đưa họ đến vinh quang ngày hôm nay, nhưng giới chính khách và người dân Nga thì nghĩ khác. Thế là trong trận bán kết diễn ra giữa Anh và Croatia, người Nga lại hết lòng cổ vũ đội tuyển Anh, còn Tổng thống Croatia Kolinda Grabar Kitarovic thì ăn mừng chiến thắng ở… Bruxelles (Bỉ), nơi đang diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO, mang theo những chiếc áo thi đấu bóng đá tặng các nguyên thủ với dụng ý sâu xa.

Còn một câu chuyện thú vị khác không thể không nhắc tới. Dù cũng ủng hộ lời kêu gọi tẩy chay World Cup của Thủ tướng Anh Theresa May, nhưng trong trận bán kết thứ nhất giữa Pháp và Bỉ và trong trận chung kết Pháp -Croatia, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bay tới Nga để xem trận đấu và tham gia lễ trao giải sau đó. Tổng thống Croatia Kolinda Grabar Kitarovic cũng có mặt tại đêm chung kết.

Điều này được xem là thành công của nước Nga. Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Chúc mừng đội tuyển Pháp, những người đã chơi thứ bóng đá đẳng cấp và vô địch World Cup 2018. Tôi cũng xin chúc mừng Tổng thống Putin và nước Nga đã tổ chức một trong những kỳ World Cup tuyệt vời nhất lịch sử". 

Vĩnh Đông
.
.
.