World Cup 2014: Bóng đá và các nguyên thủ

Thứ Năm, 17/07/2014, 14:36

World Cup 2014 không chỉ là bữa tiệc của trái bóng, không chỉ là lễ hội của các CĐV, mà nó còn biến cả thế giới hòa chung vào nhịp đập kì diệu và say mê của nó. Ở đó không có giai cấp, không có sự phân biệt, không có hàng rào ngăn cách nào ngăn cách tầng lớp xã hội. Cũng ở đó, những chính trị gia xuất hiện với một vẻ thân thiện, gần gũi, và đương nhiên, nó khiến cuộc chơi trở nên hoàn hảo hơn!

1. Sau trận đấu giữa Đức và Mỹ ở vòng bảng, các trang web trên khắp thế giới xuất hiện bức ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi bên chiếc bàn dài trên chuyến phi cơ công cán, thư thái xem truyền hình trực tiếp cổ vũ đội nhà. Tấm ảnh ấy đã tạo nên một sức mạnh kì lạ đối với những người Mỹ vốn chỉ yêu bóng rổ, bóng bầu dục. Vài ngày sau, khi Mỹ chuẩn bị cho trận đấu vòng 1/8 với Bỉ, trang twitter mang tên The White House (Nhà Trắng) đã đăng thông tin cổ vũ cho các cầu thủ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Obama xem trận Đức-Mỹ trên chuyên cơ.

Ngay trong trận đấu, lại một bức ảnh nữa gây ra sự tò mò. Tổng thống Obama ngồi cùng khoảng 200 nhân viên Nhà Trắng, cùng nhau xem đội Mỹ thi đấu. Họ cũng hò hét, cũng cổ động, cũng tiếc nuối và cũng mừng rỡ, chẳng khác gì những CĐV vẽ mặt lòe loẹt, đội mũ, khoác khăn cuồng nhiệt trên các khán đài SVĐ.

Chứng kiến thất bại của đội nhà, Tổng thống Obama vẫn lên tiếng đầy tự hào về sức chiến đấu, ý chí kiên cường đến tận cùng của ĐT Mỹ. Ông còn tuyên bố sẽ mời tiệc cả đội khi họ trở về Mỹ. Có lẽ, chỉ có bóng đá mới tạo ra được sự gắn kết, thân thiện đến thế. Và hơn thế nữa, sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ trong thời gian World Cup này đã tạo ra hiệu ứng xã hội cực kì mạnh mẽ. Bóng đá đã dần được quan tâm xứng đáng với vị thế môn thể thao Vua, ở một nơi mà nó chỉ đứng thứ 4 trong các bộ môn thể thao.

Cụ thể, số lượng áo của ĐTQG bán ra cao gấp 2 lần so với World Cup 2010. Chiếc áo của C.Dempsey được tiêu thụ nhiều thứ 3 chỉ sau áo đấu của các siêu sao thế giới Neymar (Brazil) và van Persie (Hà Lan). Số lượng người xem trực tiếp một trận đấu bóng đá đã cao hơn số người xem một trận bóng Mỹ, đạt gần 19 triệu người (trận Mỹ-Đức).

Dù không sang Brazil xem trực tiếp, nhưng Tổng thống Obama cũng đã tạo ra một hiệu ứng xã hội cực lớn, giúp bóng đá trở thành cơn sốt chưa từng có ở Mỹ, kể cả khi họ là chủ nhà World Cup 1994.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff dự khán trận khai mạc World Cup 2014 giữa Brazil-Croatia.

Không chỉ có Tổng thống Mỹ, tất cả các nguyên thủ quốc gia của các nước có đại diện tham dự World Cup đều bị cuốn vào nhịp lăn trái bóng. Có thể họ không thường xuyên đứng bên cạnh đội nhà, nhưng không ai là không dành thời gian để thưởng thức những trận đấu. Ở Pháp, Tổng thống Francois Hollande tổ chức cả một buổi xem bóng đá hoành tráng cùng các quan chức chính phủ và hò hét như các CĐV thực thụ. Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto ăn mừng cùng Bộ trưởng Nội vụ khi đội nhà ghi bàn vào lưới Croatia

Những điều ấy khiến cho họ trở nên gần gũi hơn, và quan trọng hơn cả, điều ấy thể hiện World Cup có sức hút lớn như thế nào. Và ngược lại, bóng đá có sự xuất hiện của các nguyên thủ cũng là động lực, nguồn cổ vũ lớn lao cho bóng đá, môn thể thao có tính xã hội cực cao.

2. Chuyện các nguyên thủ quốc gia đến với bóng đá đã có từ rất lâu. Trong trận chung kết World Cup 1986, Thủ tướng thứ 8 của Đức Helmut Kohl, xuất hiện trên sân vận động Azteca ở thủ đô Mexico City. Đó là một sự kiện đặc biệt. Không chỉ ở Đức mà Mexico cũng phấn chấn hơn hẳn. Ngày trọng đại ấy lại chứng kiến thất bại của ĐT Đức trước Argentina. Các cầu thủ Đức cúi mặt bước thật nhanh vào đường hầm.

Và thật bất ngờ khi đích thân Thủ tướng Helmut Kohl đứng chờ họ với một chai Champagne. Ông đứng cùng các cầu thủ bật chai rượu vang, mời từng người bằng những chiếc li giấy. Ngày hôm đó, ĐT Đức vẫn là những người chiến thắng, và cả Helmut Kohl cũng là người chiến thắng. Kể từ đó, Thủ tướng Đức luôn sát cánh với ĐTQG. Ông có mặt ở EURO 1996, đến thăm đội tập, dự khán trận chung kết, và còn lắng nghe các cầu thủ hát một bài hát không có tên, cũng chẳng có giai điệu trong phòng thay đồ rằng: "Helmut, hãy giảm thuế!".

Ở đó, những tâm tư, nguyện vọng của các công dân được nói lên một cách chân thành và gần gũi nhất. Và sau đó, ông quyết định không… tăng thuế. Người kế nhiệm Helmut Kohl là Gerhard Schroeder cũng là một CĐV bóng đá nhiệt thành. Và bây giờ, bóng đá Đức cũng có một CĐV đặc biệt, luôn có mặt ở bất cứ nơi nào ĐT Đức thi đấu, tại World Cup 2006, ở EURO 2008, tại Nam Phi 2010, EURO 2012 và lúc này là Brazil. Đó là bà Angla Merkel, vị nữ nguyên thủ nổi tiếng nhất, với một tình yêu bình dị nhất, đơn giản nhất và cuồng nhiệt nhất.

Bà Merkel vốn không biết gì về bóng đá, cho đến một ngày Thomas Steg, nhà phát ngôn của Chính phủ Đức vẽ lên giấy và đưa cho bà. Trên đó vẽ sơ đồ mà Đức sẽ thi đấu ở World Cup năm đó. Bà Merkel tò mò, và học được tất cả từ tờ giấy ấy. Không chỉ ĐTQG mà ở cả Bundesliga, các trận chung kết Champions League có mặt CLB Đức và cả các hoạt động bóng đá phong trào.

Bóng đá và những hình ảnh mà bà có được ở đó, đã gây ra ảnh hưởng tích cực đến nhiều mặt của xã hội. Trên khán đài rất khác với trong phòng họp thượng đỉnh G20. Đó là những bức ảnh không hề được dàn xếp, không được căn chỉnh sao cho đúng với quy chuẩn chính trị, và cũng chẳng thể cẩn trọng những tế nhị ngoại giao. Merkel trong bóng đá tự nhiên đến vụng về, nhiều khi không giấu nổi cảm xúc để lộ ra sự hớ hênh về hành động, điều mà bà luôn giữ kín trong những cuộc hội đàm.

Bà Merkel đến SVĐ, ngồi cạnh Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma trong trận Đức gặp Argentina tại World Cup 2010. Bà thản nhiên 4 lần ăn mừng, nhảy cẫng lên như một CĐV thực thụ mà quên mất ông Zuma đang ngồi cạnh, khi ĐT Nam Phi của ông đã bị loại từ vòng bảng.

Có lẽ chỉ bà Merkel mới có thể bắt đầu cuộc họp Hội đồng châu Âu (ở Brussels trong thời gian diễn ra EURO 2012) bằng câu chuyện về bóng đá, về cách Đức thắng Hy Lạp và có mặt ở bán kết, rồi dự đoán Đức sẽ vô địch. Chắc cũng chỉ có Thủ tướng Merkel vừa họp Quốc hội vừa theo dõi truyền thanh trận đấu của ĐTQG. Và có lẽ cũng chỉ có bà mới bay chặng đường dài hàng ngàn km để có mặt xem một trận đấu của ĐTQG rồi quay về ngay trong ngày để hôm sau tiếp tục cuộc họp…

Sự có mặt của Thủ tướng Merkel đã trở thành điều đương nhiên, một sự có mặt không thể thiếu để tạo ra động lực, sức mạnh cho ĐT Đức, một sức mạnh vô hình từ niềm cảm hứng của một người phụ nữ mang trách nhiệm quốc gia.

3.Tại World Cup 2010, đã có tổng cộng 35 vị nguyên thủ quốc gia đến Nam Phi dự khán các trận đấu. Ở World Cup năm nay, con số ấy đã tăng lên 72 người. Dilma Rousseff, Tổng thống Brazil có mặt ở các trận đấu của ĐT Brazil. Tổng thống Colombia, Juan Manuel Santos, thậm chí còn không mặc bộ complet sang trọng mà khoác lên mình trang phục của ĐTQG đến sân cổ vũ đội nhà trong trận gặp Bờ Biển Ngà. Ở đó, ông tự hòa mình vào thế giới sôi động, cuồng nhiệt của các CĐV. Ở đó, ông nhận mình là một người yêu bóng đá, một CĐV của đội tuyển Colombia, chứ không phải một chính khách.

Có thể cách đây 30 năm, việc tìm một chính khách trên SVĐ vô cùng khó khăn, nhưng giờ đây đó lại là chuyện thường xuyên. Họ đến với bóng đá với tình yêu thực sự, với những cảm xúc thật sự, với những hình ảnh gần gũi nhất. Đó mới là điều đáng trân trọng. Và World Cup này, ngoài những hình ảnh hiện hữu trên sân cỏ, những trận đấu mát mắt, những màn trình diễn ngoạn mục, ở trên khán đài còn có những hình ảnh thân thuộc, những người mà bấy lâu nay ta chỉ quen nhìn họ trong những bộ complet sang trọng, theo đúng nghi thức ngoại giao.

Vô tư như Thủ tướng Đức Angela Merkel

Khi tiếp ĐT Đức tại dinh Thủ tướng, bà Merkel thường gọi gà và pizza, mà phải là đích thân bà gọi từ dịch vụ… giao hàng miễn phí. Đó là sự gần gũi với ĐTQG đến mức không thể thân thiết, vô tư hơn. Và vì thế cũng tạo ra những điều lạ lùng.

Sau trận Đức gặp Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2012, bà Merkel tiến thẳng vào phòng thay đồ của đội. Guido Bergmann, người của văn phòng báo chí Liên bang, chụp được tấm hình bà Merkel bắt tay với tiền vệ gốc Thổ, Mesut Oezil trong hoàn cảnh anh này chỉ mặc độc chiếc quần đùi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ăn mừng khi Đức ghi bàn vào lưới Bồ Đào Nha.

Dù có những ý kiến rằng, việc đăng tải hình ảnh Oezil cởi trần gặp gỡ, bắt tay với nữ Thủ tướng là sự "tắc trách" trong khâu lựa chọn hình ảnh. Nhưng với phần lớn người Đức, hình ảnh đó mang nhiều ý nghĩa. Họ coi đó là sự tôn vinh của văn hóa Đức với chính sách nhập cư mà Đức tiến hành hơn nửa thế kỉ qua, với thế hệ cầu thủ tài năng có nguồn gốc nhập cư như M.Ozil, M.Klose, S.Khedira, J.Boateng, L.Podolski…

Điều bà Merkel thường nói với các cầu thủ không phải là "nhiệm vụ quốc gia" hay "trách nhiệm" mà là sự gắn kết, là tinh thần đồng đội và vẻ đẹp của bóng đá mang lại. Đó là sự khác biệt ở một CĐV đặc biệt, một người phụ nữ đứng đầu quốc gia, say mê bóng đá đến cuồng nhiệt, người mang lại một phần thành công cho hình ảnh bóng đá Đức.

Lê Giang
.
.
.