World Cup 2018: Giấc mơ có thật

Thứ Bảy, 09/09/2017, 14:29
Những CĐV ít ỏi của Syria trên sân Azadi ở Tehran đã vỡ òa. Khi đồng hồ điểm tới những giây cuối cùng (không hề phóng đại), chính xác là giây thứ 48 của phút bù giờ cuối cùng, Omar Al Somah đưa bóng qua hai chân thủ môn Iran, cân bằng tỷ số 2-2. Kết quả này cũng đồng nghĩa, hành trình tìm vé tới World Cup 2018 vẫn tiếp tục.

Cầm hòa Iran là điều kiện cuối cùng còn thiếu giúp Syria viết tiếp câu chuyện cổ tích. Họ được 13 điểm, bằng Uzbekistan nhưng hơn hiệu số. Syria, một đất nước đã chìm trong bom đạn gần 7 năm qua, vẫn biết cách khiến thế giới nhớ về sự tồn tại của nó.

Bây giờ, ĐTQG Syria đã vào tới vòng 4 vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á. Họ sẽ gặp Australia vào tháng 10 trong lượt play-off, nếu thắng thì còn cách nước Nga đúng 2 trận đấu với đội thứ 4 vùng CONCACAF.

World Cup chưa quá gần, nhưng không còn xa để người Syria cảm nhận bầu không khí và hơi thở. Trong bối cảnh những nút thắt trên mặt trận chính trị và vũ trang vẫn chưa xuất hiện, người ta đang dồn hết hy vọng vào bóng đá như liệu pháp hàn gắn vết thương lòng.

Syria gỡ hòa ở giây cuối cùng trong trận gặp Iran để giành vé dự vòng playoff World Cup 2018.

Tướng Mowaffak Joumaa, chủ nhiệm Ủy ban Olympic quốc gia cho biết khu liên hiệp thể thao ở Damascus chỉ còn 170 VĐV ăn tập. Mỗi ngày, có… hơn trăm phát súng cối của quân nổi dậy tự xưng IS nã vào sân tập.

Không khí ở đây kinh khủng tới mức, một đứa trẻ 7 tuổi theo tập taekwondo cũng phải thốt lên với Joumaa “Cháu chỉ ngửi thấy mùi tanh của bùn và máu”. Phần lớn đã bỏ dở nghiệp thể thao nhà nghề.

Và hy vọng dồn hết lên bóng đá.

Tháng 10 năm ngoái, ở mãi Bắc Kinh, nơi cách khu chiến sự 4.500 dặm, Syria đã khuất phục nền bóng đá có 1,4 tỷ dân với chiến thắng 1-0. Nửa năm sau, cũng bằng kết quả có cách biệt tối thiểu tương tự, Syria tiếp tục quật ngã Uzbekistan – đối thủ trực tiếp trong cuộc đua tới vị trí thứ 3 bảng A (tức một suất play-off) sau khi đã xuất sắc cầm chân Iran trong trận cầu không bàn thắng.

Đấy là khi, giới quan sát đã có cái nhìn nghiêm túc với tham vọng World Cup của Syria. Đâu phải ngẫu nhiên mà Ủy ban Olympic Syria dù sắp cạn ngân khố, vẫn chi thưởng 1.000 usd cho mỗi cầu thủ Syria.

Ayman Hakeem - HLV trưởng ĐT Syria.

1.000 usd không lớn, nếu chẳng nói là nhỏ. Nhưng nó bằng thu nhập… cả năm của một… cầu thủ cấp ĐTQG, và cao hơn mức bình quân đầu người của công dân Syria. Với những tuyển thủ quốc gia, mức thưởng ấy là “không tưởng”, vì đồng tiền tại đó đã mất giá tới 1.000% kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.

Không hoạt động nào có thể diễn ra trong lòng Syria trước các lệnh trừng phạt kinh tế và mối lo ngại an ninh. Bóng đá cũng vậy. Giải VĐQG Syria luôn ở trong trạng thái “hấp hối”. Thu nhập cao nhất của một cầu thủ chuyên nghiệp là 200 USD mỗi tháng, còn đội vô địch chỉ được 10.000 USD tiền thưởng.

Thật thảm hại, nhưng đấy là hiện trạng của 23 cầu thủ đang chinh chiến vì giấc mơ World Cup, cho một dân tộc bị chia đôi: 23 triệu người đang hằng ngày đương đầu với chiến tranh, 5,1 triệu người di cư đang đấu tranh với xung đột văn hóa tại nước sở tại.

Để cải thiện tình hình, rất nhiều người đã tìm đường ra nước ngoài. Đội trưởng Ahmad Al Salih đang khoác áo Hà Nam Jianye ở Trung Quốc. Firas Al-Khatib, nhiều kinh nghiệm bậc nhất đội tuyển thì thuộc biên chế của Al Kuwait. Omar Kharbin là một kẻ may mắn khác, khi được Al-Hilal, đội bóng giàu nhất Arab Saudi chiêu mộ.

Tất nhiên, không phải ai cũng có may mắn đấy. Anh họ của Omar, Osama Omari vẫn vật lộn hằng ngày cùng đội bóng địa phương Al-Whada ở Damascus. Không phải là Osama không muốn tìm ra nước ngoài, mà anh không còn lựa chọn nào khác ngoài ở lại Syria.

Osama không phải là con độc nhất nên đã bị triệu tập vào quân đội, tống vào trại huấn luyện trước khi kịp bỏ trốn và được Bộ Quốc phòng phóng thích khi Al-Wahda dang tay cứu giúp.

Chiến tranh cắt Syria thành nhiều mảnh chiến sự, và giải VĐQG cũng tan đàn xẻ nghé. Các CLB còn sót lại phải đưa quân về Damascus và Latakia – hai thành phố chính phủ không can thiệp. Ở Aleppo và Homs cũng manh mún những tín hiệu nhỏ nhoi, nhưng đó hoàn toàn không phải dấu hiệu của một sự trở lại.

Lượng khán giả tới sân thấp kỷ lục, chỉ chưa đến 1.000 người mỗi trận. Dân chúng không có tiền, nhưng quan trọng hơn là họ sợ bỏ mạng trên góc khán đài. Vì vậy, một thảm kịch với nền bóng đá xảy ra, là nhiều người giỏi quyết tâm bỏ bóng đá, làm lại cuộc đời bằng công việc khác.

Mohannad Ibrahim, sản phẩm lò đào tạo trẻ Al Karamah – CLB lâu đời nhất Syria có trụ sở ở Homs, đã giải nghệ ngay khi cuộc chiến nổ ra vào 2011. 6 năm trước là lần cuối cùng khán giả thấy Ibrahim trong bộ đồ đá bóng.

Anh bỏ qua Arab Saudi rồi tới CH Séc. Năm nay 30 tuổi, Ibrahim đang làm quản trị thể thao ở Jordan sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tương tự ở Trung Âu. Anh đã nhiều lần từ chối quay về Syria, không phải vì không nhớ về cội nguồn tổ quốc, mà chỉ đơn giản là còn một gia đình đợi anh ở ngoài kia.

Ibrahim không đủ dũng cảm để bước ra sân bóng thêm lần nào nữa. Ít nhất là cho tới khi đất nước không còn bất ổn.  Có quá nhiều bài học. Youssef Suleiman, 4 năm trước đã bỏ mạng ở khách sạn khi đang dọn đồ chuẩn bị tới sân thi đấu ở Homs.

Bức tranh bóng đá ở Syria về cơ bản là thế, giống như tình hình xã hội ở đây. Nhưng bóng đá là một thứ tôn giáo cho người ta hy vọng. Và niềm hy vọng ấy, thật may mắn, vẫn được chắp cánh bởi những người kiên trung dám trụ lại tới cuối cùng.

Các cầu thủ Syria phải tập trên mặt cỏ nhân tạo ở Malaysia trong suốt chiến dịch vòng loại.

Như HLV trưởng ĐTQG Syria Ayman Hakeem chẳng hạn. Ông được mời sang Jordan làm việc với thù lao khoảng 11.000 usd mỗi tháng, nhưng chọn cách ở lại. “Tôi sinh ra ở đâu thì sẽ sống và làm việc ở đó”, Hakeem nói với đoàn phóng viên BBC.

Từ Latakia, Hakeem thường lái xe về Damascus để dự khán các trận thuộc giải VĐQG, nơi thường có 300-400 cảnh vệ túc trực gác quanh. “Sống còn của nền bóng đá, của xã hội là từng cá nhân, thực thể luôn duy trì niềm tin, hy vọng. Ngừng lạc quan là ngừng thở, nghĩa là sự sống chấm dứt”, Hakeem khẳng định. Ông chỉ là 1 trong vài trăm người ít ỏi có nhu cầu tới xem bóng đá mỗi dịp cuối tuần, nhưng ít nhất “vẫn còn người để tâm”.

Trong cuộc sống, vẫn luôn có những điều kỳ diệu xảy ra. Leicester đã từng vô địch Premier League với tỷ lệ cược 1 ăn 5.000. Nhưng có một chân lý không bao giờ đổi: Không thành công nào là tự dưng xuất hiện. Mọi thứ đều bắt nguồn từ thái độ, tinh thần và khát khao.

Syria luôn duy trì sự sống của bóng đá, dù lay lắt nhưng đầy nghị lực. Để bây giờ, họ nhận lại những thành quả nằm ngoài sức tưởng tượng, nhưng đặt trong bối cảnh của 9 tháng vòng loại vừa qua thì lại rất hợp lý. Syria luôn nhập cuộc thận trọng, chấp nhận đá phản công và trên hết, là không bao giờ đầu hàng. Tấm vé play-off World Cup 2018 có được, đã tới từ một khoảnh khắc như vậy.

Bên kia biên giới

Cách đường biên giới khoảng 15km là Zaatari, một trong bốn trại tị nạn chứa người di cư từ Syria lớn nhất Jordan. Đây là nơi trú ngụ của 80.000 người Syria tha phương.

Tường rào an ninh ở đây rất nghiêm ngặt. Mỗi người chỉ được phép ra ngoài 1 lần trong năm. Những trường hợp “ưu đãi” hiếm hoi, là cầu thủ bóng đá.

Mohammad Al Khalaf là thành viên của CLB Al Majd tại Al-Qadam, cho tới khi gia đình bị truy sát bởi IS và phải qua Jordan lánh nạn. “Tôi tức giận vì cuộc chiến. Nó cướp đi sự nghiệp của tôi và nhiều người khác. Nhưng chúng tôi có thể làm gì ngoài vứt tất cả ở lại?”, Al Khalaf chia sẻ.

Vì thông thạo tiếng Anh nên Al Khalaf được bố trí làm việc ở một tổ chức phi chính phủ đặt trong lòng trại tị nạn. Nhưng anh không bao giờ quên đi bản năng của mình, là một cầu thủ bóng đá. Vả lại, nếu đủ điều kiện khoác áo một CLB chuyên nghiệp, anh sẽ được ra ngoài nhiều hơn do đòi hỏi đặc thù của công việc này.

Al Khalaf rốt cuộc cũng tìm được bến đỗ, một đội bóng ở giải hạng nhì Jordan. Và không có lương. Nhưng trên tất cả là anh đã sống với đam mê của mình, và được cấp một tấm thẻ “lệnh bài” ra ngoài mỗi tuần 3 lần tập bóng, hòa nhập vào cuộc sống bên sau cánh cổng sắt.

Issam Al Masri là một số phận khác. Ngay vào lúc được đưa lên đội một, Masri phải bỏ trốn cùng gia đình. Nhà cậu ở Daraa, ngay giáp Jordan và cũng chính là nơi đầu tiên chứng kiến súng nổ hồi 2011. Tới năm 2013, gia đình Masri đi bộ theo đường núi vượt biên, mỗi người chỉ dám cầm theo một chiếc túi nhỏ đựng quần áo. Họ mất 2 đêm để tới được vùng an toàn.

Bố mẹ, 6 người chị em gái, đó là toàn bộ gia sản của Masri lúc này. Cậu không có kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao, nên không may mắn như Al Khalaf. 3 năm qua, Masri mới được ra ngoài một lần. “Coca là thứ gần nhất tôi bỏ tiền ra mua”, Masri vừa nói vừa lắc đầu đầy ngán ngẩm.

Đơn Ca
.
.
.