Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Mỗi mùa mỗi băn khoăn

Thứ Năm, 03/05/2018, 13:17
Nếu chúng ta không đưa ra những chuẩn rõ ràng hơn cho việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ thì cầm chắc những vấn đề muôn thuở sẽ tiếp tục gây tranh cãi trong mỗi kỳ xét tặng.

Một mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ mới lại khởi động. Công chúng chờ đợi để được chúc mừng những nghệ sĩ được ghi nhận sau những đóng góp không mệt mỏi của họ cho đời sống nghệ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy, vẫn luôn còn những nỗi buồn, những băn khoăn. 

Điều này khiến cho công tác xét tặng mùa nào cũng có những ồn ào không đáng có trên truyền thông. Nhiều người cho rằng, nếu chúng ta không đưa ra những chuẩn rõ ràng hơn cho việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ thì cầm chắc những vấn đề muôn thuở sẽ tiếp tục gây tranh cãi trong mỗi kỳ xét tặng.

 Đủ chuẩn vẫn trượt

Có hai mức danh hiệu, là NSƯT và NSND cho mỗi đợt xét tặng.Và tiêu chí thì được quy định rõ ràng như sau: Về danh hiệu NSƯT: "Nghệ sĩ phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương. 

Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ. Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. 

Riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên. Có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc là 1 Giải Vàng và 2 Giải Bạc quốc gia". 

Về danh hiệu NSND: "Nghệ sĩ phải trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và các quy chế của cơ quan, tổ chức và địa phương. 

Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tuỵ với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ. 

Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên. Đã được tặng danh hiệu NSƯT và có ít nhất 2 giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT".

Nghệ sĩ Trần Hạnh được đặc cách phong NSND mùa này, dù những mùa trước ông bị trượt.

Những tưởng là khi có tiêu chí như vậy rồi thì công việc xét tặng trở nên dễ dàng, công tâm. Vì khi xét một trường hợp nghệ sĩ nào đó, người ta chỉ việc chiểu theo tiêu chí là xong. 

Nhưng năm nào cũng có những chuyện lình xình, người hài lòng người không, và không ít trường hợp nghệ sĩ dù đủ tiêu chuẩn vẫn bị trượt, chịu thiệt thòi trong nhiều năm là vì sao? 

Lấy một ví dụ một trường hợp của năm nay, theo như truyền thông đưa tin, NSƯT Trần Hạnh sẽ được đặc cách phong danh hiệu NSND. NSƯT Trần Hạnh, xét về mặt tiêu chuẩn xét tặng theo như quy định trên kia, thì ông đủ từ lâu. 

Hai lần xét tặng danh hiệu trước, ông có làm hồ sơ gửi Hội đồng xét tặng danh hiệu, nhưng "trượt" vì không đủ số phiếu. Năm nay, ông lại được "đặc cách" trao tặng danh hiệu này. Một số người đặt câu hỏi về hai chữ "đặc cách" với nghệ sĩ Trần Hạnh. 

Rằng vì sao lại phải "đặc cách" cho ông, trong khi ông đủ điều kiện. Vì sao những năm trước, dù đủ điều kiện, ông lại không được bỏ phiếu phong NSND, còn năm nay lại được? Vậy, cái tiêu chí ban đầu về việc xét tặng danh hiệu nghệ sĩ kia có ích gì trong trường hợp của ông?

Khi đã có một tiêu chí xét tặng rõ ràng, mà vẫn có những chuyện buồn cười như vậy, thì mấu chốt vấn đề nằm ở đâu. Ở đây, nói thẳng ra, mấu chốt vấn đề nằm ở Hội đồng xét tặng giải thưởng, một hội đồng có quyền biểu quyết, bỏ phiếu kín đồng ý người này đánh trượt người kia, dù cho tất cả họ phải đủ tiêu chí xét tặng thì hồ sơ mới được trình lên hội đồng. 

Một nghệ sĩ nhiều lần trượt danh hiệu không phải vì không đủ tiêu chí, mà vì hội đồng đánh trượt đã chia sẻ: "Một người trong hội đồng kể với tôi, là năm đó, khi hồ sơ của tôi được đưa ra Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, lúc giơ tay biểu quyết thì đại đa số thành viên hội đồng đều giơ tay đồng ý. 

Nhưng đến đoạn bỏ phiếu thì cam go làm sao, tôi chỉ được đúng 1 phiếu. Những người giơ tay biểu quyết trước đó đều không bỏ phiếu cho tôi". Câu chuyện này khiến cho người ta nghĩ tới quyền lực của Hội đồng xét tặng danh hiệu. Có vẻ như, danh hiệu nghệ sĩ đang phụ thuộc phần nhiều vào sự bỏ phiếu của hội đồng kia, chứ không phải chuyện tiêu chí ban đầu. 

Vì e ngại việc "trượt phiếu" ở Hội đồng xét tặng nên mới có chuyện một số nghệ sĩ "nhanh nhạy" tiếp cận các thành viên hội đồng trước khi việc xét tặng diễn ra, một số khác thấy mình khó có thể đủ phiếu của hội đồng thì xin rút hồ sơn xét tặng, đợi mùa sau. 

Điều này chưa ai dám nói thật trên truyền thông, nhưng nghệ sĩ rỉ tai nhau bên lề thì rất nhiều người chứng thực. Năm nay, trước khi Hội đồng xét tặng họp bỏ phiếu, nghệ sĩ Xuân Bắc xin rút hồ sơ phong tặng NSND, dù trước đó anh đã làm đơn và xét về mặt tiêu chuẩn, anh có thừa. Phải chăng vì Xuân Bắc e ngại mình sẽ bị đánh trượt ở vòng hội đồng bỏ phiếu? 

Một nghệ sĩ nổi tiếng khác là Chí Trung. Anh cũng không có tên trong danh sách những nghệ sĩ được xét danh hiệu NSND kỳ này, dù thành tích, cũng như tên tuổi, tầm ảnh hưởng của anh trong công chúng là rất xứng đáng. 

Có ý kiến cho rằng, Chí Trung trượt vì hình như anh không được lòng một số thành viên trong hội đồng bỏ phiếu.

“Cô Đẩu” Công Lý, một trong những nghệ sĩ trẻ nhất được xét tặng NSND kỳ này.

Vẫn chuyện làm hồ sơ và cơ chế xin-cho

Muốn được phong danh hiệu thì phải đủ tiêu chuẩn và phải làm hồ sơ. Tuy nhiên, đủ tiêu chuẩn và làm hồ sơ, nhưng nhiều nghệ sĩ vẫn không chạm được tay vào danh hiệu. 

Câu chuyện này qua những mùa xét tặng danh hiệu vừa rồi khiến nhiều  nghệ sĩ thấy mệt mỏi. Họ thấy rằng, việc làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu khiến cho vị thế của họ bị thấp xuống, nhất là khi đủ tiêu chuẩn mà vẫn trượt như thường thì rất tổn thương. 

Mấy mùa xét tặng danh hiệu gần đây ta thấy có không ít nghệ sĩ rất nổi tiếng, đủ và thừa tiêu chí để phong danh hiệu NSND nhưng họ không làm hồ sơ gửi hội đồng. 

Họ lý luận rằng, lao động nghệ thuật, cống hiến cho công chúng là việc của người nghệ sĩ, còn nghệ sĩ có xứng đáng với danh hiệu hay không, phong tặng danh hiệu gì cho nghệ sĩ là việc của Nhà nước. Đây không phải việc xin và cho. 

NSND Minh Châu phát biểu thẳng thắn với báo chí: "Danh hiệu là niềm tự hào của nghệ sĩ. Nhưng việc phải làm hồ sơ, đi xin chữ ký chỗ nọ chỗ kia khiến cho chúng tôi thấy mệt mỏi, cảm giác như mình bị hạ thấp". 

Nghệ sĩ Trần Hạnh mấy năm trước bị đánh trượt, năm nay nghe đồn đang được đặc cách phong NSND cũng chẳng mấy vui. 

Ông chia sẻ: "Nghệ sĩ có lòng tự trọng, chúng tôi đi diễn cả đời là vì tình yêu với nghề, muốn cống hiến cho công chúng. Chẳng ai thích cái việc năm lần bảy lượt làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu này nọ. Năm này bị trượt năm sau lại làm, nó buồn cười lắm. Danh hiệu trong lòng nhân dân với chúng tôi mới là quan trọng".

Tất nhiên cũng có một số nghệ sĩ phát biểu rằng, việc làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu là rất bình thường. Nghệ sĩ phải trình lên Bộ chủ quản, và Hội đồng xét tặng những thành tích của mình thì mới có căn cứ để các cơ quan chức năng xét tặng danh hiệu cho họ. 

Vì số lượng nghệ sĩ thì đông, những nghệ sĩ hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật của Nhà nước còn dễ quản lý dữ liệu, hồ sơ, chứ các nghệ sĩ hoạt động tự do thì rất khó.

Mặc dù đã nộp hồ sơ, nhưng phút chót nghệ sĩ Xuân Bắc xin rút việc xét tặng danh hiệu NSND.

Nghệ sĩ Trần Hạnh nêu ý kiến, nếu vậy, các nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật thì việc làm hồ sơ gửi lên trên xét tặng danh hiệu phải do cơ quan đề nghị chứ cá nhân nghệ sĩ không phải "đi xin". 

Các nghệ sĩ tự do thì họ có thể phải tự làm. NSND Minh Châu đề xuất, Nhà nước phải có bộ phận chuyên trách theo dõi hoạt động của nghệ sĩ. Bộ phận đó có chức năng đề nghị khen thưởng, phong danh hiệu cho nghệ sĩ nào đủ tiêu chuẩn, xứng đáng. 

Theo NSND Minh Châu, nhiều nước đã làm như vậy. Họ không để nghệ sĩ long đong làm đơn chạy vạy, nộp đơn cửa trước đi cửa sau, dễ dẫn đến tiêu cực, thiếu công bằng trong xét tặng. 

Ngay cả việc thành lập một Hội đồng xét duyệt bỏ phiếu kín cũng còn rất nhiều vấn đề băn khoăn. Vì nếu đã có tiêu chí rồi, cứ áp vào tiêu chí, nghệ sĩ nào đủ tiêu chuẩn thì trao danh hiệu cho họ, sao phải phụ thuộc thêm vào việc bỏ phiếu của một hội đồng. 

Với quy định, người được phong danh hiệu hồ sơ đủ tiêu chuẩn đã đành, nhưng ra hội đồng bỏ phiếu kín phải được 90% thành viên hội đồng bỏ phiếu thông qua (mấy mùa trước con số này là 75%), nghĩa là hội đồng có quyền quyết định rất lớn đối với "số phận" một nghệ sĩ trong chuyện được danh hiệu hay không. 

Việc này không tránh khỏi những ý kiến chủ quan cá nhân dẫn đến thiệt thòi cho nghệ sĩ. Một số chuyện lùm xùm trong mấy mùa xét tặng danh hiệu qua đã ít nhiều nói lên điều này.

Như vậy, để những băn khoăn không đáng có không còn tồn tại trong công tác xét tặng danh hiệu, cần phải có một sự minh bạch hơn trong công tác bình xét. 

Cần phải xem lại mức độ quan trọng của Hội đồng bình xét trong việc quyết định phong hay không phong danh hiệu cho người nghệ sĩ, nhất là khi đã có một văn bản quy định các chuẩn rõ ràng cho từng danh hiệu. 

Nên chăng cứ đủ tiêu chuẩn là chúng ta phong danh hiệu cho nghệ sĩ, không cần phải hạn chế số lượng, bởi xét cho cùng, danh hiệu cũng chỉ là cái "danh" nhằm ghi nhận những thành tích của nghệ sĩ, nó không phải là chuyện thang bậc danh lợi. 

Hội đồng nếu có chỉ nên giữ vai trò kiểm tra, thẩm định xem những thành tích của người nghệ sĩ có chính xác hay không. Nếu lá phiếu của các thành viên hội đồng có sức nặng quyết định như hiện nay thì lại phải đặt vấn đề chặt chẽ về việc các thành viên hội đồng đó là những ai. 

Họ có phải là những người có chuyên môn sâu rộng, đủ hiểu biết cũng như công tâm trong đánh giá năng lực của người nghệ sĩ hay không. Nếu những vấn đề này không được giải quyết thì tranh cãi trong những mùa xét tặng sau là không tránh khỏi. 

Lệ Chiến
.
.
.