Xin lỗi đâu phải chuyện đùa?

Thứ Năm, 21/11/2013, 16:41

Cảm ơn và Xin lỗi tưởng chừng là điều dễ dàng nhất trong cuộc sống này, điều mà ai cũng có thể làm được nếu họ có tự trọng và liêm sỉ cao cùng một tinh thần cầu tiến. Đấy là quan niệm theo lối đơn giản, khi ai cũng giống nhau.

Còn nếu phức tạp hơn mọi chuyện, quan tâm nhiều tới "vị thế", tới "tâm thế", quyền lợi và trách nhiệm cùng những câu chuyện hậu trường thì rõ ràng Xin lỗi lại là một điều đáng để ngẫm nghĩ vì sao lại khó khăn đến vậy khi ai/cơ quan nào đó mắc lỗi.

Hậu quả của công cuộc xã hội hóa truyền hình

Hơn ai hết, tất cả các nhà báo - phóng viên văn hóa văn nghệ đều biết rằng một số lượng lớn các chương trình truyền hình, truyền hình thực tế, trò chơi truyền hình, talk-show hiện nay trên tất cả các kênh sóng từ trung ương đến địa phương đều do các đơn vị truyền thông tư nhân thực hiện. Về cơ bản, các đơn vị truyền thông tư nhân như Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây, Sóng Vàng, TV Cộng,v.v… là những đơn vị mua bản quyền hoặc lên ý tưởng về cấu trúc các chương trình truyền hình. Sau đó, họ sẽ đảm trách phần việc tìm kiếm e-kip sản xuất, kêu gọi tài trợ, tuyển lựa nhân sự - thí sinh và công đoạn cuối cùng là sản xuất và trình duyệt. Về phía nhà đài chỉ có việc duy nhất là kí và phát sóng.

Chính bởi thế, việc "loạn" MC như hiện nay là hậu quả của một quá trình xã hội hóa quá nhanh và thiếu kiểm soát một cách chặt chẽ từ phía đơn vị phát sóng là các kênh truyền hình phổ cập. Về cơ bản, các MC thường là những người nổi tiếng được tuyển lựa hoặc mời vào các vị trí đó để tận dụng sự nổi tiếng sẵn có của họ thu hút khán giả. Điều đó không có gì là sai nhưng sẽ không đúng nếu như người đảm nhận vị trí đó không được chuẩn bị kĩ càng về nghiệp vụ cho vai trò mà họ không ngần ngại bộc lộ "sở đoản". Cho đến bây giờ nếu cứ đòi hỏi MC này gắn với kênh này, MC kia gắn với kênh kia là điều gần như không tưởng.

Cặp đôi Vy Oanh, Trấn Thành.

Đã qua rồi thời MC trực thuộc các nhà đài và tận dụng sự trực thuộc đó để chạy show sự kiện kiếm tiền. Sự đa dạng hóa hình thức MC là điều đáng mừng cho đến khi những tai nạn nghề nghiệp xảy ra thì mọi trách nhiệm bắt đầu được đổ lên vai lên đầu của MC mà thực ra trong một bàn cờ, trong một thế trận, trong một quy mô chương trình, MC chỉ là một quân cờ nhỏ bé nhất.

Có nên hỏi trách nhiệm từ phía nhà đài về chuyện tuyển lựa MC hay sẽ quay ngược ra hỏi đơn vị truyền thông tư nhân về quy trình tuyển lựa MC cho các chương trình truyền hình dựa trên những yếu tố nào khác nữa ngoài sự nổi tiếng sẵn có của họ ở lĩnh vực gốc? Hay là cần băn khoăn về mối quan hệ của nhân vật đảm nhận vị trí MC đó với người đứng đầu hoặc trong top đứng đầu của các công ty truyền thông tư nhân? Đừng mơ hồ tìm kiếm câu trả lời bởi đơn giản sẽ chẳng có câu trả lời cho một câu hỏi mang tính chất "thiếu hiểu biết" về các mối quan hệ phức tạp trong showbiz như vậy.

Cát Tiên Sa là đơn vị gần như tiên phong trong phong trào "khai phá" tiềm năng MC ở các ngôi sao ca nhạc - điện ảnh - truyền hình và thậm chí là cả các người đẹp nữa. Còn nhớ, Cặp đôi hoàn hảo mùa vừa qua, cánh nhà báo cũng gần như ngỡ ngàng khi được biết MC của chương trình là ca sĩ Vy Oanh. Thực tế của buổi họp báo công bố chương trình hôm đó là cô ca sĩ này đến muộn, cuộc họp báo đã bắt đầu, bàn cử tọa cứ thao thao bất tuyệt về tính nhân văn, giải trí của chương trình ở trên thì Vy Oanh vẫn mải miết tạo dáng phía dưới, cách đó vài hàng ghế cho cánh phóng viên ảnh tác nghiệp dù rằng ngay sau cánh cửa hậu trường cách đó không xa là một tấm back-drop được dựng sẵn để phục vụ công tác đó.

Điều đáng bàn là văn hóa ứng xử của một con người bình thường là khi có ai đó đang phát biểu thì việc nói chuyện riêng quá to, nghe điện thoại lộ liễu cũng đã là một điều thiếu tế nhị chứ chưa nói gì đến chuyện tạo dáng chụp hình với những tiếng lách cách máy ảnh kèm theo đó là ánh đèn flash rất khó chịu.

Khai phá hay khai tử?

Những đêm đầu tiên của Cặp đôi hoàn hảo, Vy Oanh làm tất cả các đồng nghiệp là thí sinh cho đến nhà báo và khán giả đứng hình không dưới vài lần và nếu không có sự nhanh nhẹn ứng biến của Trấn Thành chắc cô đỏ mặt hơn cả tôm luộc. Thế nhưng, có lẽ bây giờ cô cũng không cần phải quá xấu hổ về điều đó. Đơn giản, đó là chuyện quá khứ và thêm nữa, giờ cô cũng đã có người đồng hành trong chuyện "ngô nghê" với người mới - nghề mới. Đó là Đinh Hương, là Yumi Dương, là Á hậu Hoàng My những thảm họa mới nhất tại các chương trình Giọng hát Việt và Siêu mẫu Việt Nam.

Yumi Dương The Voice.

Người xưa đã dạy một câu rằng "nhất nghệ tinh - nhất thân vinh" - hãy cứ chuyên tâm vào chuyên môn của bạn thì sẽ có ngày thành công. Còn khi mà ngay cả chuyên môn của bạn còn chưa vững thì những thứ mở rộng cũng chỉ là những thứ không đáng nhớ tới và chuyện nó không thành công cũng là điều không bất ngờ. Trở lại với câu hỏi ở khổ trên, rằng, làm cách nào mà những ngôi sao như vậy lại được mời làm MC cho các chương trình truyền hình trực tiếp thuộc dạng hút khách nhất của VTV. Đơn giản rằng ai cũng biết rằng ông chủ của Cát Tiên Sa là một người yêu chuộng cái đẹp, vị tha và luôn tạo điều kiện hết mức (cần thiết) cho những người đẹp, những thí sinh, những mối thân tình để sự nghiệp của họ được dịp cất cánh hoặc cơ hội để ai đó thăng tiến với nghề.

Râm ran chuyện Vy Oanh làm MC cho Cặp đôi hoàn hảo là cô có một mối quan hệ thân tình với một nhãn hàng nước giải khát và chủ của nhãn hàng đó lại là chỗ hòa hảo với chủ của Cát Tiên Sa cũng như là nhà tài trợ lâu năm từ thưở công ty còn chưa được để ý nhiều như bây giờ. Thôi thì "thân tình" cùng với "thâm tình" song hành cùng nhau, có qua có lại, giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng "nâng cánh" đàn em, thế hệ tài năng đi sau cũng chẳng mất gì, lại được tiếng thơm là người đỡ đầu mát tay.

Thế nhưng "yêu thế bằng hại nhau", đơn cử như trường hợp của Đinh Hương, với chất giọng Quảng Bình đặc trưng lên sóng quốc gia - vốn dĩ yêu cầu giọng chuẩn quốc gia là vùng Hà Nội - thì cũng đã là điều nghịch lí chứ chưa nói đến chuyện nhịp điệu, ngữ âm, cách dùng từ và cả biên độ của chữ "hoạt ngôn". Sự nhanh nhẹn, lí lắc, hóm hỉnh, duyên dáng, thông minh là những tố chất cần của một MC. Thế nhưng những nghề như ca sĩ, diễn viên, người mẫu lại không nhất thiết yêu cầu đỏi hỏi những điều đó trong chuyện tác nghiệp nên đương nhiên chuyện chuẩn bị là điều … hơi thừa. Và nếu sự chuẩn bị là thừa (bằng chứng là những gì đã diễn ra với những vụ lùm xùm gần đây) thì việc "khai phá" cũng ngấp nghé với chuyện "khai tử". Và, phàm ai yêu nghề MC lắm mới dám dũng cảm bước tiếp con đường đang cực kì gồ ghề đó.

Bề trên có biết hối cải?

Có lẽ lại thêm một câu hỏi thừa bởi đơn giản rằng, các đơn vị truyền thông tư nhân đã quyết hết danh sách nhân sự thì việc của nhà đài chỉ là duyệt và thông qua mà thôi. Tất nhiên, việc duyệt nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tính chất chương trình và quan hệ giữa đôi bên. Ví dụ như chương trình Người mẫu Việt Nam - Vietnam Next Top Model - ở năm đầu tiên tính tuyển lựa người mẫu Bảo Hòa hiện đang công tác tại Mỹ làm MC và người dẫn dắt chương trình nhưng không được vì cô này vướng scandal chụp ảnh khỏa thân gần chục năm trước. Tiếp đến là Ngô Mỹ Uyên - ảo thuật gia quốc tế - nhưng ngặt nỗi thời Ngô Mỹ Uyên nổi tiếng với vai trò người mẫu cũng đã qua từ rất lâu và chẳng còn ai nhớ cô từng là người mẫu. Kế đến là Elizabeth Thủy Tiên nhưng cô này lại phát âm tiếng Việt không chuẩn dù đã ghi hình vài phân đoạn nháp nhưng không đạt nên đành thay đổi format để chọn Nathan Lee.

Vy Oanh.

Sự kiểm duyệt gắt gao như vậy giờ chắc cũng đã không còn nhiều nữa, bởi vậy mới nói cá nhân các nghệ sĩ nếu có quan hệ tốt với các đơn vị truyền thông tư nhân - những công ty chuyên sản xuất các chương trình truyền hình cho các nhà đài - thì việc đổi nghề là điều không quá khó. Ví như chuyện Huy Khánh đang nắm giữ vị trí MC của một loạt các chương trình lớn của BHD cũng là vì vậy. Một mối quan hệ tốt, một sự cầu tiến cố gắng học hỏi, trau dồi bản thân và sự ý thức trách nhiệm vai trò lớn của cá nhân MC trong các đêm truyền hình trực tiếp khiến cho tên tuổi Huy Khánh ngày càng đi lên theo các chương trình truyền hình.

Trở lại với chuyện xin lỗi, rõ ràng, nếu so sánh cùng một sự việc lỡ lời trong khoảng thời gian gần kề nhau thì HTV đã làm tốt hơn khi để đại diện của kênh lên sóng xin lỗi bằng một tinh thần cầu thị và thái độ chân thành nhất có thể. Còn về phía VTV qua vụ Yumi Dương thì lại là một động thái im hơi lặng tiếng để "xem xét cái đã". Rõ ràng, VTV đã có "thâm niên" về việc "chậm trễ" trong việc xin lỗi khi 3 năm trước nhà báo Lại Văn Sâm cũng hồn nhiên dịch sai và 1 năm sau đó anh mới lên báo nói rằng anh đã cứu cả đêm bế mạc LHPQTHN lần thứ nhất. Lúc này đây, ai cũng phải biết bên ngoài chuyện làm nghề như một MC thì Lại Văn Sâm còn là trưởng kênh VTV3 - kênh giải trí vàng của truyền hình Việt Nam.

Thế nhưng, ngược thời gian hơi lâu một chút, nhắc lại chuyện cũ một chút thì vụ Hoàng Thùy Linh lại thấy VTV và đơn vị hợp tác và VFC lại rất "năng nổ" trong chuyện xin lỗi khi sự cố về đời sống riêng tư của cô gái trẻ này bị phát lộ một cách không chính thống qua đường… mạng internet. Trong khi đó, những sự cố tày đình trên sóng truyền hình quốc gia với gần 90 triệu dân như vụ việc "vỗ tay ủng hộ đồng bào miền Trung bão lụt" lại được phớt lờ đi như thể nó chưa từng tồn tại.

Rõ ràng, chuyện xin lỗi chẳng phải chuyện đùa và cũng càng không nên đùa với những ai/ công ty/ cơ quan có "tâm thế" và "vị thế" không như những người bình dân

Du Miên
.
.
.