Xin lỗi, tôi không thể bắt tay ông!

Thứ Ba, 27/03/2012, 16:57

Sau trận Thanh Hóa - Hải Phòng trên sân Thanh Hóa (vòng 9 V.League chủ nhật tuần rồi), ông bầu Nguyễn Văn Đệ của Thanh Hóa xuống sân bắt tay HLV trưởng Hải Phòng Lê Thụy Hải, nhưng cái bắt tay đã bị từ chối thẳng thừng. Ông Đệ sau đó phàn nàn ông Hải thiếu lịch sự, trong khi ông Hải tiếp tục khẳng định: "Xin lỗi, nếu có gặp lại tôi cũng không thể bắt tay ông ấy". Chỉ một cái bắt tay thôi, sao người ta lại phải khó khăn, bức bối với nhau đến thế?

Ông Đệ từng gọi ông Hải là "thầy"

Một năm về trước, khi ông Hải đồng ý về làm GĐKT kiêm HLV trưởng CLB Thanh Hóa do ông Đệ làm Chủ tịch thì ai cũng bảo Thanh Hóa giống như một kẻ chết đuối bỗng vớ được… phao cứu sinh. Quả thật dưới bàn tay nhào nặn của ông Hải, một binh đoàn Thanh Hóa chỉ được đánh giá là "thường thường bậc trung" bỗng nhiên chơi hay, chơi bốc đến lạ lùng. Những ai ở xứ Thanh đều biết là trong những ngày tháng tươi đẹp ấy, ông Đệ cứ một câu "thầy" Hải, hai câu "thầy" Hải.

Trợ lý ruột của ông Hải, ông Nghiêm Xuân Mạnh từng kể lại cảm giác của mình khi nghe người Thanh Hóa gọi ông Hải là "thầy": "Lúc đầu tôi cứ thấy kỳ kỳ sao ấy, vì trong cuộc đời bóng đá của mình, chưa bao giờ tôi thấy một ông chủ CLB lại đi gọi một HLV là "thầy" như thế cả. Nhưng sau này thì tôi hiểu là ban lãnh đạo Thanh Hóa khi đó trân trọng "thầy" Hải thật. Họ rất biết ơn ông Hải đã biến một đội bóng chỉ vào giải với mục tiêu trụ hạng trở thành một ƯCV tiềm tàng cho ngôi vua V.League…".

Nhưng thói đời, ai biết rằng chính cái gọi là "ƯCV tiềm tàng cho ngôi vua V.League" lại là khởi điểm cho những mâu thuẫn của hai bên. Hồi ấy, trong khi ông Đệ với cái khát vọng của một người lần đầu tiên làm bóng đá rất muốn Thanh Hóa phải chiến đến cùng, để cuối mùa đứng càng cao càng tốt thì ông Hải trong tư cách của một "quái nhân V.League" thừa biết Thanh Hóa phải đá như thế nào và phải đứng ở đâu. Thực tế là trong cuộc chơi V.League xưa nay đã có những tân binh V.League vì đá máu quá và chiến căng quá mà mùa giải sau đã "không có bạn chơi", và sau đó đã phải ngậm ngùi xuống hạng.

Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn quan điểm giữa ông Đệ với "thầy" Hải diễn ra trong trận Thanh Hóa - Sông Lam trên sân Thanh Hóa, một trận đấu mà ông Đệ chỉ thị Thanh Hóa phải thắng trong khi ông Hải lại để một vài cầu thủ trụ cột ngoài sân, để rồi sau đó Thanh Hóa thua đau ngay trên sân nhà. Trận thua khiến người xứ Thanh tức điên và khiến chính ông Đệ phải đặt dấu hỏi về việc: "ông Hải cùng các cầu thủ có bán độ hay không?". Khi nghe phong thanh về chuyện người ta nghi ngờ mình, ông Hải đã bộp thẳng: "Các anh nghĩ Thanh Hóa là ai mà một đội đang dẫn đầu giải như Sông Lam phải mua Thanh Hóa chứ? Tôi làm bóng đá bao nhiêu năm nay rồi, có thương hiệu rồi, tôi có ngu đâu mà đi bán độ?".

Nghe ông Hải nói thế, lãnh đạo Thanh Hóa ai cũng gật gù, nhưng khốn nỗi, khi ông Hải đưa cả đội vào sân Chi Lăng chuẩn bị cho trận đấu với Đà Nẵng thì lệnh cách chức ông Hải lại bất ngờ được đưa ra. Ông Hải đã hơn một lần kể lại khoảnh khắc này:  "Ở  Đà Nẵng, xem bản tin thể thao trên ti vi, tôi mới biết là mình bị cách chức. Làm HLV, tôi sợ quái gì việc bị cách chức. Vấn đề là nếu đã cách chức tôi thì người ta phải nói cho tôi trước tiên, chứ sao lại giấu tôi để bắn tin cho tivi như thế?".

HLV Lê Thụy Hải từng bắt tay thân mật HLV Phan Thanh Hùng như thế này.

Nhưng với những người mình không tôn trọng thì ông kiên quyết nói "không"!

Buổi sáng hôm sau, khi ông Đệ xuất hiện ở Đà Nẵng thì ông Hải cũng đã nói thẳng những thắc mắc của mình. Và khi ông Đệ đổ tại cho việc đường sá xa xôi thì ông Hải cũng bộp lại ngay: "Không gặp tôi được thì các anh cũng phải gọi điện cho tôi chứ. Các anh cách chức tôi kiểu này thì hèn lắm". Trước việc ông Hải nổi xung thiên, phía Thanh Hóa lại đã vỗ về ông tiếp tục cầm quân, nhưng ở lần cầm quân ngay sau đó, khi Thanh Hóa thua trận trên sân Đồng Tháp thì lãnh đạo Thanh Hóa lại đặt dấu hỏi về việc "có phải Lê Thụy Hải… có vấn đề?". Tới đây thì mâu thuẫn giữa hai bên đã không thể hàn gắn được nữa. Ông Hải với tính cách bộc trực thẳng thắn của mình đã chấp nhận đền bù 419 triệu đồng để rời Thanh Hóa ra đi.

Ngày ông Hải rời xứ Thanh, ông Đệ lại vẫn một câu "thầy" Hải,  hai câu "thầy" Hải rồi sau đó mời "thầy" đi ăn bữa cơm chia tay. Nhưng lời mời đã bị từ chối thẳng thừng và kể từ thời điểm ấy trong mắt ông Hải coi như đã không tồn tại một người tên là… Nguyễn Văn Đệ ở xứ Thanh.

Và ông Đệ trách "thầy" không lịch sự

Trước trận Thanh Hóa - Hải Phòng ở vòng 9 V.League, ông Đệ cùng một lãnh đạo của Sở VH-TT&DL Thanh Hóa sang khu huấn luyện Hải Phòng để chào hỏi, bắt tay ông Hải. (Sau khi rời Thanh Hóa, ông Hải về cầm Bình Dương, rồi cuối cùng lại hạ cánh ở… Hải Phòng - PV). Lúc ấy, ông Hải cũng bắt tay qua loa hai người đàn ông cho phải phép. Nhưng sau trận đấu, khi ông Đệ lại sang và lại chìa tay ra thì bàn tay đã bị… từ chối thẳng thừng.

 Ông Hải nói về sự bất nhất của mình trong hai ứng xử với ông Đệ trước và sau trận đấu: "Trước trận, khi ông ấy sang cùng một lãnh đạo đội thì tôi nghĩ là thôi thì cứ bắt tay qua loa một cái. Nhưng sau trận, khi ông ấy lại sang, thì tôi thấy là không còn bất cứ lý do nào để bắt tay thêm lần nữa, dù chỉ là một cái bắt tay qua loa như trước".

Ông Hải còn nói thêm rằng: "Tính tôi thế đấy, thích ai thì nói là thích, ghét ai thì nói là ghét. Sống sòng phẳng, rõ ràng quen rồi, nên bảo tôi phải sống giả dối, cố thực hiện những cái bắt tay giả dối, tôi không làm được". Khi trả lời báo chí, ông Hải đã công khai chuyện mình quyết định không bắt tay ông Đệ nếu còn gặp lại ông Đệ thêm lần nữa, trong khi ông Đệ một mặt kêu ca "thầy" Hải thiếu lịch sự, một mặt lại khẳng định: "Nếu chẳng may gặp ông Hải, tôi vẫn sẽ chủ động bắt tay".

Xung quanh câu chuyện này, rất nhiều người đồng cảm với suy nghĩ của bầu Đệ, rằng "ông Hải đã thiếu lịch sự", sau đó đã phê phán ông Hải dữ dội. Sự thực ông Hải có đáng bị phê phán thế không? Trước khi trả lời câu hỏi cần phải thấy rằng trên thế giới, chuyện một ông HLV từ chối bắt tay một lãnh đạo đội hoặc một HLV đội khác là chuyện đã từng diễn ra. Ở Việt Nam, cựu HLV trưởng ĐTVN Henrique Calisto cũng từng từ chối bắt tay thầy trẻ Menemy của Philippines ở vàng bảng AFF Suzuki Cup 2010 trên sân Mỹ Đình.

Calisto giải thích về hành động không bắt tay của mình: "Khi trận đấu đang diễn ra, hậu vệ Quang Thanh của chúng tôi bị phạm lỗi nằm sân. Nhưng ông ấy đã đến gần Quang Thanh và mắng Quang Thanh là giả dối. Tôi không thể bắt tay một người đã không tôn trọng chúng tôi". Thực tế thì ngay cả khi Calisto giải thích như vậy, ông vẫn bị dư luận Việt Nam phê phán và sau đó bị VFF âm thầm nhắc nhở. Bởi tất cả đều hiểu ở một góc độ nào đó, ĐTQG đại diện cho hình ảnh và danh dự của một QG. Thế nên trong mọi hoàn cảnh và mọi cảm xúc, ông HLV trưởng ĐTQG vẫn phải thể hiện một phong cách giao tiếp nhã nhặn, có văn hóa.

Tuy nhiên đấy là chuyện ở cấp độ ĐTQG, còn ở cấp độ CLB - nơi mà bóng đá đơn thuần chỉ là một cuộc chơi thì mọi phản ứng, mọi hành động có cần phải nâng quan điểm tới mức như thế hay không? Xin hãy trở lại với hành động từ chối bắt tay của ông Lê Thụy Hải để thấy rằng thứ nhất, hành động ấy không vi phạm quy chế bóng đá, cũng chẳng vi phạm luật pháp của một xã hội. Thứ hai, đứng ở góc độ đạo đức một con người, hành động ấy chính là biểu hiện của một tính cách trung thực và ngay thẳng. Hãy tưởng tượng tình huống ngược lại: Khi đã không tôn trọng ông Đệ và không coi ông Đệ là bạn mình nhưng ông Hải vẫn cố bắt tay, rồi giả vờ cười cười nói nói thì sao? Khi ấy, chắc chắn ông Hải sẽ trở thành một người giả dối trong mắt thiên hạ, và giả dối với lương tâm, đạo đức của chính mình. 

Như đã nói, trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, và ở một cấp độ bóng đá đặc biệt nào đó những con người tham gia đời sống bóng đá cần và rất cần thể hiện phẩm chất ngoại giao của mình. Nhưng về cơ bản thì trong một CUỘC  - CHƠI - BÓNG ĐÁ (chứ không phải một CHÍNH - TRƯỜNG - BÓNG ĐÁ) con người ta cần phải sống chân thật với chính những cảm xúc vui - buồn, yêu - ghét của mình.

Ở đời, chúng ta đã nhìn thấy quá nhiều nụ cười giả dối, những cái bắt tay giả dối, những nụ hôn giả dối, những tình yêu giả dối và cả những sự tung hô giả dối. Cho nên, khi thả mình vào cuộc chơi bóng đá, bất ngờ được đối diện với một khoảnh khắc rất thật - thật đến trần trụi (thậm chí là nghiệt ngã nữa?) chúng ta bỗng thấy sự sống này vẫn có những cái để mà TIN YÊU!

Quyền từ chối…

Tôi đã thích và mãi thích một câu chuyện trong tác phẩm "Những tấm lòng cao cả" khi một chú bé ăn xin nọ đã ném trả những đồng bạc mình vừa xin được vì chủ nhân của những đồng bạc ấy đã nói xấu nước Italia thân yêu của chú - đã động vào danh dự và lòng tự trọng trong thẳm sâu lòng chú. Nếu như ngay cả một chú bé ăn xin cũng có thể bảo vệ lòng tự trọng của mình bằng cách ném đi những thứ mà mình phải vất vả có được thì tại sao chúng ta lại không thể bảo vệ lòng tự trọng của chúng ta bằng cách khước từ những cái bắt tay giả dối - những cái bắt tay của những con người mà chúng ta không tôn trọng trong cuộc đời đầy rẫy như sự thật - giả này?

Phan Đăng
.
.
.