Bí quyết phát triển bóng đá của Thái Lan

Xoay compa quanh Premier League

Thứ Hai, 21/11/2016, 14:20
Được xem là nền bóng đá phát triển nhất Đông Nam Á, Thái Lan đang cho thấy rõ tham vọng thoát ra khỏi vùng trũng bằng những chiến lược phát triển thông minh và hiệu quả.


Một trong những kế hoạch của người Thái là hấp thu những tinh hoa của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh Premier League, thông qua các cầu thủ hết thời chọn Thai Premier League như bến đỗ cuối cùng trước khi giải nghệ.

Robbie Fowler và những ngôi sao tiên phong

Thai Premier League ra đời năm 2009, khi các CLB hàng đầu của xứ sở Chùa Vàng họp lại với nhau để cùng thành lập Công ty cổ phần Thai Premier League, với nhiệm vụ tổ chức hệ thống bóng đá của Thái Lan dựa theo mô hình của Premier League.

Những thay đổi mạnh mẽ và toàn diện giúp cho Thai Premier League nhanh chóng trở thành một giải đấu hấp dẫn, thu hút lượng khán giả đông đảo và đem đến lợi ích kinh tế lớn cho các CLB tham dự. Trong đó Muangthong United và Buriram United nổi lên như những đại gia của giải đấu, thay nhau vô địch từ năm 2009 đến 2016. 

Robbie Fowler với kiểu chào đặc trưng của người Thái

Trong danh sách mà HLV Kiatisuk mang đến AFF Cup 2016, có tới 9 cầu thủ là thành viên của nhà ĐKVĐ Thai Premier League Muangthong United. Đội bóng vẫn thường tự xưng là "M.U của Thái Lan" cũng là CLB đi tiên phong trong việc mời những ngôi sao cựu trào của bóng đá Anh đến để học hỏi kinh nghiệm.

Cái tên đáng chú ý đầu tiên mà Muangthong Utd mời được là Robbie Fowler. Cựu tiền đạo của Liverpool, Man City và Leeds đến Thái Lan năm 2011 ở tuổi 36.

Fowler chỉ ghi được 2 bàn trong 13 lần ra sân cho Muangthong trước khi nhận chức HLV của đội bóng. Tuy nhiên, những đóng góp về chuyên môn của Fowler là thứ không thể chỉ nhìn vào các số liệu thống kê. 

Robbie Fowler đã mang đến cho Thai Premier League một trải nghiệm chưa từng có với tiếng tăm và đẳng cấp của mình. Đó không phải là lợi ích duy nhất. Cựu tiền đạo của ĐT Anh có thể xem là người tạo ra một con đường mới cho các cầu thủ ở quê nhà khi họ muốn lựa chọn một giải đấu ở giai đoạn cuối cùng của sự nghiệp.

Bên cạnh những giải đấu tại Mỹ, Trung Quốc, Australia hay Ấn Độ, Thái Lan giờ là một lựa chọn đáng để cân nhắc. Thai Premier League có đầy đủ những điều kiện của một giải đấu "dưỡng già", nơi các CLB sẵn sàng trả cho những lão tướng một khoản thu nhập hấp dẫn, thỏa mãn yêu cầu "tận thu" trước khi giải nghệ của họ.

Ngược lại, những cầu thủ có nhiều năm chinh chiến ở châu Âu đem đến cho bóng đá Thái Lan nguồn kiến thức và kinh nghiệm vô tận, đóng vai trò quan trọng vào việc phát triển giải quốc nội và nâng cao chất lượng của ĐTQG, dẫn đến tăng sức cạnh tranh để hướng tới những đấu trường lớn hơn vùng trũng Đông Nam Á.

Với mối quan hệ hai bên đều có lợi như thế, sự xuất hiện ngày càng nhiều cầu thủ và chiến lược gia có tên tuổi tại Thai Premier League là điều dễ hiểu.

Và một xu hướng đáng chú ý hiện tại là không chỉ các cầu thủ hết thời mới tìm đến Thái Lan, mà ngay cả những người còn trẻ nhưng cảm thấy mệt mỏi với bóng đá đỉnh cao cũng bắt đầu dịch chuyển về phía Đông Nam Á để chơi trong một giải vô địch ít áp lực hơn với nguồn thu nhập không thua kém là mấy so với châu Âu.

Chiến lược phát triển thông minh

Một trong những cầu thủ chưa đến tuổi giải nghệ nhưng đã đến Thai Premier League là Xisco. Cựu tiền đạo của Newcastle và Cordoba cập bến Muangthong vào tháng 6 vừa qua và lập tức để lại dấu ấn với 4 bàn thắng sau 5 lần ra sân.

Tại CLB Thái Lan, Xisco còn một người đồng hương là hậu vệ Mario, người trưởng thành từ lò đào tạo Atletico và từng có thời gian chơi bóng cho Barcelona.

Kiatisuk triệu tập 9 cầu thủ Muangthong Utd dự AFF Suzuki Cup 2016.

Những cầu thủ như Xisco và Mario chắc chắn đem đến những kinh nghiệm đầy thú vị cho các đồng đội người bản địa ở Muangthong. Chúng ta sẽ sớm thấy được điều này qua màn trình diễn của Thái Lan, với nòng cốt là các thành viên từ nhà ĐKVĐ Thai Premier League, ở AFF Suzuki Cup 2016 sắp tới.

Đừng nghĩ rằng Thai Premier League sẵn sàng chấp nhận bất cứ một cầu thủ nào miễn là anh ta có "CV đẹp" (lý lịch). Rohann Ricketts là một ví dụ. Cầu thủ sinh năm 1981 từng có hai lần vô địch cúp FA trẻ các năm 2000 và 2001 với Arsenal bị loại thẳng cánh khỏi PTT Rayong chỉ sau 7 trận đấu năm 2014.

Hay gần đây là trường hợp của Andy Keogh, tiền đạo có nhiều năm gắn bó với Wolves cập bến Ratchaburi từ Peth Glory năm 2015 và cũng chỉ thi đấu vỏn vẹn 8 trận trước khi quay trở lại Australia.

Nhiều nguồn tin cho hay Andy Keogh đã có thái độ thiếu chuyên nghiệp khi đến Thái Lan và tự coi mình là một ngôi sao. Tiền đạo sinh năm 1986 nhanh chóng phải trả giá cho sự kiêu ngạo của mình.

Có những cầu thủ từng thuộc loại tốt ở Premier League nhưng thậm chí còn không qua được vòng thử việc khi đến Thái Lan. Jermaine Pennant, cựu cầu thủ của Liverpool và Stoke City, có lẽ không ngờ anh xuống dốc đến thế khi thất bại đến hai lần trong các cuộc thử việc với Muangthong và giờ đang chơi bóng ở Singapore.

Một trường hợp tương tự là Caleb Folan, người từng chơi cho Wigan và Hull City, cũng không tìm được chỗ đứng ở Thai Premier League và phải chọn Myanmar làm bến đỗ.

Điều đó cho thấy sự sàng lọc rất khắc nghiệt ở Thai Premier League, một sự đảm bảo cho chất lượng của giải đấu. Người Thái sẵn sàng mở cửa đón tiếp những cầu thủ quốc tế, nhưng họ không chấp nhận những trường hợp thiếu chuyên nghiệp hay tồn tại suy nghĩ rằng đến Thái Lan chỉ để vui chơi và nhận tiền lương đều đặn.

Sinama Pongolle trong lễ ký hợp đồng với Chainat.

"Tự tôn trọng mình thì sẽ nhận được sự tôn trọng từ người khác" - đó là chiến lược khôn ngoan của các ông chủ CLB. Họ không hạ mình để nhận về những cầu thủ kém chất lượng hay quá kiêu ngạo, coi thường nền bóng đá Thái Lan.

Nhờ thế, Thai Premier League ngày càng nhận được sự tôn trọng lớn hơn từ các cầu thủ ngoại, những người đã và đang coi giải đấu là một cơ hội được chơi bóng thực sự chứ không phải là bến đỗ dạo chơi khi không còn lựa chọn nào khác.

Manh nha từ thời Peter Withe

Cái tên Peter Withe có lẽ không xa lạ gì với những CĐV bóng đá Việt Nam. Chiến lược gia sinh năm 1951 từng dẫn dắt Thái Lan từ năm 1998-2002 và hai lần vô địch Đông Nam Á các năm 2000, 2002 (khi đó còn gọi là Tiger Cup).

Peter Withe chính là cầu nối đầu tiên giữa Thái Lan và nền bóng đá Anh.  Sau ông còn có hai chiến lược gia lừng danh nữa cũng đến từ “đảo quốc sương mù” dẫn dắt ĐTQG xứ Chùa Vàng, đó là Peter Reid (2008-09) và Bryan Robson (2009-2011). Cựu HLV trưởng ĐT Anh, Sven Goran Eriksson cũng từng có thời gian làm GĐKT cho CLB BEC Tero, vị trí sau đó được tiếp quản bởi Avram Grant, nhà cầm quân từng làm việc lâu năm tại Premier League, trong đó nổi bật nhất là thành tích đưa Chelsea vào chung kết Champions League mùa 2007-08.

Bên cạnh dòng cầu thủ chuyển tới Thai Premier League, chính những cái tên đầy danh tiếng trong giới cầm quân đã đem đến cho Thái Lan một tư duy làm bóng đá hiện đại và quy củ. Nhờ đó, Thái Lan có một hệ thống giải đấu sao chép hầu như nguyên vẹn bóng đá Anh (họ thậm chí còn tổ chức cả cúp Liên đoàn bên cạnh giải VĐQG và Cúp quốc gia cho giống "bản gốc").


Sinama Pongolle sẽ nói cho bạn biết anh đã thay đổi như thế nào trong suy nghĩ về bóng đá Thái Lan sau khi đến đây chơi bóng. Cựu tiền đạo của Liverpool và Atletico đến Chainat tháng 7/2016 với suy nghĩ đây chỉ là nơi trú chân tạm thời sau khi không tìm thấy một bản hợp đồng phù hợp tại châu Âu.

Nhưng chỉ sau 4 tháng, với mức thu nhập gấp 3 lần những gì anh nhận được trước khi sang Thái Lan và thái độ làm việc chuyên nghiệp của cả nền bóng đá, anh chấp nhận gia hạn hợp đồng với CLB đến năm 2018 bất chấp việc Chainat phải xuống hạng sau mùa giải vừa rồi.

Khi một cầu thủ từng lập công ở Champions League chấp nhận thi đấu ở giải hạng Nhì, bóng đá Thái Lan rõ ràng đã tiến một bước rất xa trong việc thu hút những cầu thủ giỏi trên khắp thế giới đến với xứ sở Chùa Vàng. Rất có thể trong một tương lai gần, sẽ có thêm nhiều cái tên đình đám đến với Thai Premier League và chắp cánh cho ĐTQG bay đến những giấc mơ tầm cỡ châu lục hay thế giới.

Dòng máu Brazil

Mặc dù sao chép hệ thống bóng đá của Anh nhưng Thai Premier League hiện tại đang chuộng các cầu thủ Brazil. Mùa 2016, có tới 14/18 đội bóng tham dự giải đăng ký ít nhất 1 cầu thủ Brazil trong đội hình. Vua phá lưới mùa vừa rồi cũng là một cầu thủ Brazil, đó là tiền đạo Cleiton Silva của Muangthong ghi được 27 bàn.

Mặc dù các ngoại binh đem đến chất lượng cho giải đấu (9 cầu thủ dẫn đầu danh sách ghi bàn là ngoại binh) nhưng những nhà làm bóng đá Thái Lan vẫn đề ra những luật lệ để giúp các cầu thủ nội có sân chơi phát triển. Cụ thể, một CLB chỉ được đăng ký tối đa 5 cầu thủ ngoại và sử dụng 4 người trong một trận đấu, trong đó bắt buộc phải có một cầu thủ có quốc tịch nằm trong AFC - Liên đoàn bóng đá châu Á.

Một chi tiết đáng lưu ý là trong đội hình Thái Lan dự AFF Suzuki Cup 2016 sắp tới không có tiền đạo Adisak Kraisorn, cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất ở Thai Premier League mùa giải vừa rồi với 14 pha lập công.

Đơn Ca
.
.
.