Xót xa đời tuồng trẻ…

Thứ Năm, 12/04/2012, 16:19

Trong thời buổi nổi như cồn của những ngôi sao nhạc nhẹ, họ được giới truyền thông lăng xê, đi xe đẹp, ở nhà lầu, thì vẫn còn đó, một góc lặng lẽ của những nghệ sĩ trẻ đi theo Tuồng. Họ, đâu kém sắc, kém tài. Nếu chạy theo thị hiếu đám đông, chắc hẳn họ sẽ trở thành những gương mặt của showbiz. Nhưng họ, vẫn lặng lẽ giữa dòng chảy ồn ào của xã hội, vì đã trót đam mê tuồng.

Tôi muốn viết về sự lựa chọn của những người trẻ, đam mê tuồng như một sự dấn thân dũng cảm trong cuộc sống đua chen, hối hả. Dẫu họ đang phải quá nhọc nhằn để sống với niềm đam mê của mình.

“Cát xê của ca sĩ bằng lương cả đời của tôi”

Tôi còn nhớ trong một cuộc hội thảo gần đây về nghệ thuật truyền thống, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng báo động vì tình trạng đào kép già. Và thiếu trầm trọng nguồn nhân lực khi nghệ thuật truyền thống không còn là sự lựa chọn.

Đành rằng, mỗi người đều có một sự lựa chọn trong con đường của mình. Và với những nghệ sĩ trẻ ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, thì tuồng cũng là một sự lựa chọn dũng cảm. Có thể, với nhiều người trẻ, sự lựa chọn ấy bắt đầu từ sự ngẫu nhiên, thậm chí những lý do mơ hồ, nói thẳng ra là cũng chẳng phải tình yêu nghệ thuật hay ý thức bảo tồn di sản. Nhưng khi đã trót yêu và dấn thân thì nó ngấm vào trong mình, trở thành một tình yêu máu thịt.

Với tình yêu đó, nhiều nghệ sĩ trẻ đã từ bỏ những giấc mộng giàu sang, sự nổi tiếng, tiền bạc, đắm đuối với nghệ thuật tuồng. Một sự lựa chọn dũng cảm và trách nhiệm trước sự ngoảnh mặt và xuống cấp nghiêm trọng của nghệ thuật truyền thống.

Nghệ sĩ ưu tú Bích Tần, một diễn viên được coi là trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhưng tuổi đã ngót nghét 50. Tôi gặp chị trong phòng hóa trang chuẩn bị cho suất diễn định kỳ của nhà hát tại rạp Hồng Hà, Hà Nội vào đêm thứ 5 hàng tuần. Bích Tần theo tuồng từ năm 1979, lúc đó chị mới 16 tuổi, là học trò của NSND Đàm Liên, NSND Mẫn Thu. Bố chị xưa là phó sư đánh trống ở nhà hát tuồng, cả dòng họ theo tuồng.

Một tiết mục của nhà hát tuồng.

Lớn lên trong âm hưởng của tuồng, mang dòng máu gia truyền, nó ngấm vào chị từ ngày còn bé, nên với Bích Tần, thì tuồng là sự lựa chọn đầu tiên của chị, để cả đời chị sống chết với nó. Năm 1998, chị đã được Huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu tài năng trẻ, thế nhưng, với tuồng, thì chị vẫn là một diễn viên trẻ. Có những vai diễn, cần sự trải nghiệm, cần sự chín chắn, đến độ. Tôi xem chị diễn một trích đoạn trong Hồ nguyệt cô hóa cáo, một vai diễn đã giúp Bích Tần định hình mình trong bộ môn nghệ thuật khó khăn này. Nhà hát chỉ có 4, 5 người xem, lại toàn khách du lịch. Thế nhưng trên sàn diễn, Bích Tần vẫn diễn như rút ruột mình, như đang diễn cho hàng ngàn khán giả xem. Vai diễn đã ngốn hết sức lực của chị.

"Tôi nghĩ, có lẽ đây là nghề nghèo nhất và cũng nặng nề nhất, nhưng nó ngấm vào mình rồi, mình bỏ cũng không biết làm gì. Ai cũng đi theo nhạc trẻ, ai cũng chạy theo những mốt thời thượng, thì lấy ai kế thừa truyền thống của ông cha".

Một sự lựa chọn nhẹ nhõm và an phận, dẫu có lúc chị ngậm ngùi: "Tôi theo tuồng từ năm 16 tuổi, mất 4 năm học ở trường, đến giờ, hơn 30 năm, lương nhà nước cũng chỉ được vỏn vẹn 4 triệu đồng, cả tiền thanh sắc. May mà chúng tôi có nhà tập thể của nhà hát cho ở, chứ đi thuê nhà còn không đủ tiền, nói gì đến việc mua nhà ở Hà Nội. Đối với các ca sĩ trẻ, cát xê của họ cho một đêm diễn có lẽ bằng cả đời làm việc của tôi". 

Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng lựa chọn tuồng theo nghiệp cha truyền con nối như nghệ sĩ Bích Tần. Với nhiều nghệ sĩ trẻ ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, thì mối duyên đó đến với họ như là số phận vậy.

Chỉ có niềm đam mê

Hà Thanh, một gương mặt đang nổi của Nhà hát Tuồng thế hệ 8X, cũng đã nhiều lần đắn đo lựa chọn giữa gia đình và niềm đam mê của mình. Nhưng cuối cùng, niềm đam mê của chị đã chiến thắng, dù chị phải mất rất nhiều thời gian để chồng chị hiểu và chia sẻ với những khó khăn. Theo tuồng từ năm 15 tuổi, khi đó, Hà Thanh chưa biết gì về tuồng, chỉ xem và thích. Thậm chí thời gian học, nhiều bạn bè chị bỏ dở chừng, Thanh hoang mang lo sợ, không biết con đường phía trước sẽ như thế nào.

Văn Quyết tham gia vở diễn mới của nhà hát tuồng.

Một gương mặt nhan sắc, một giọng ca đẹp, Hà Thanh có thể lựa chọn cho mình một con đường dễ dàng hơn. Thanh từng đạt Huy chương vàng tài năng sân khấu trẻ năm 27 tuổi, nhưng đối với một nghệ sĩ tuồng, sự thành công đó mới chỉ là bắt đầu. Nếu không khổ luyện từng ngày, nếu không học thì họ sẽ bị mai một dần, tự đánh mất mình. Nhà Thanh xa lắm, ở tận Trúc Sơn, mỗi ngày phóng xe máy hơn 20km để đi làm. Vất vả thế, nhọc nhằn thế, nhưng khi nói về tuồng thì Thanh quên hết.

"Nếu ai lựa chọn tuồng, thì hãy cảm nhận nó, như một người yêu. Nếu mình không yêu thì không lấy, và để cảm nhận được điều đó, mình phải có một tình yêu mãnh liệt thì mới vượt qua được những cám dỗ, những hoang mang, cả những bon chen để giữ được trọn đạo với nghề". Một tình yêu không vụ lợi, không đòi hỏi. 

Thanh kể, có những lúc mỏi mệt, chị đã định từ bỏ tuồng, về làm một cô giáo. Nhưng ngẫm lại, chị nghĩ, cuộc đời mình sẽ chẳng còn ý nghĩa. Tình yêu và niềm đam mê đã ngấm vào trong huyết mạch. Đêm nào cũng vậy, rời ánh đèn sân khấu, chị lại đi xe máy một quãng 20km về nhà, ngày nắng cũng như ngày mưa, ròng rã. "Có những lúc đi diễn 1, 2 h sáng mới về, mưa tầm tã, trời rét như cắt da cắt thịt, tiền bồi dưỡng chỉ có 50 ngàn, em cũng thấy xót xa. Nhưng lên sân khấu thì quên hết chị ạ, được sống với vai diễn, được mang niềm đam mê chia sẻ với mọi người, là em quên hết".

Thế nhưng, không phải không có những chạnh lòng, thế hệ của Hà Thanh, ra trường về đầu quân ở nhà hát tuồng hơn 20 người, nhưng con số cứ rơi rụng dần. Nhiều người đã lựa chọn một lối rẽ khác để mưu sinh. Nhưng ai đã chọn tuồng thì coi như đó là nghiệp của mình, cả đời mê đắm với nó.

Giờ thì Thanh bình an với sự lựa chọn của mình khi chồng hiểu và chấp nhận sự dấn thân của chị. Chị cũng không cảm thấy hoang mang, vì chị biết, mình đang được sống trọn với niềm đam mê, một niềm đam mê máu thịt mà tất cả những nghệ sĩ tuồng trẻ đều nói giản dị rằng, nó ngấm vào mình rồi, không dứt ra được.

Nghèo lắm đời tuồng

Nghệ sĩ Văn Quyết trông đẹp trai, cao to như người mẫu. Vợ học cùng lớp, nhưng vì hoàn cảnh đã bỏ tuồng ra làm ngoài. 11 năm theo tuồng, dày công khổ luyện với nó, Quyết chưa từng nghĩ mình sẽ từ bỏ, dù có nhiều lời mời hấp dẫn hơn.

Vợ chồng Quyết ở trong căn hộ tập thể 10m vuông của Nhà hát Tuồng. Tôi không hiểu họ sẽ xoay xở ra sao trong căn phòng 10m vuông đó cho sinh hoạt của một gia đình. Vậy mà anh chàng này vẫn hồn nhiên: "Thế là còn có chỗ để chui vào chui ra chị à, chứ đi thuê nhà, thì bọn em lấy gì mà sống. Lương còn chưa đủ ăn…". Đó là tình cảnh chung của tất cả những nghệ sĩ trẻ theo đuổi môn nghệ thuật truyền thống này. Lương vỏn vẹn vài ba triệu đồng, theo ngạch nhà nước, đối với cánh đàn ông, quả thật là một gánh nặng. Nhưng khi tôi nói chuyện với những diễn viên trẻ ở nhà hát tuồng, niềm đam mê của họ lớn hơn tất cả. Họ, đứng ngoài những bon chen của đời sống, ngoài sự nổi tiếng, để được sống trọn với niềm đam mê của mình.

"Sao chị không viết về những người nổi tiếng, những sao nọ sao kia, chứ viết về bọn em, ai biết đến hả chị". Dũng ngậm ngùi xen vào câu chuyện của chúng tôi. Dũng là diễn viên trẻ nhất của đoàn. 29 tuổi, chưa một mảnh tình vắt vai. "Đời tuồng nghèo lắm chị ơi, ai yêu hả chị". Câu nói nửa đùa nửa thật, ngẫm mà xót. Dũng cắm cúi tự hóa trang vừa gặm vội chiếc bánh mỳ nguội chuẩn bị cho suất diễn của mình, vừa cười: ''Chị ơi, nhưng đã trót yêu nó rồi, tuồng nó ngấm vào rồi, không bỏ được đâu. Nghèo thế chứ nghèo nữa, em cũng chả bỏ tuồng".

Tình yêu hồn nhiên của những nghệ sĩ trẻ khiến nhiều người cảm động. Để duy trì cuộc sống, ngoài đồng lương khiêm tốn theo cơ chế lương của nhà nước, mấy năm gần đây, các nghệ sĩ ở Nhà hát Tuồng tìm thêm được một công việc, có dính dáng chút ít đến nghề của mình, đó là múa rồng, múa lân, đánh trống khai hội, hay khai trương cửa hàng.

Dù nói cho cùng, những công việc đó chả liên quan gì đến nghệ thuật tuồng mà họ đang đau đáu gìn giữ.  Thậm chí, đối với người nghệ sĩ, khi phải bươn mình ra để làm những công việc đó, khiến họ xót xa. Nhưng vì mưu sinh. Và ít nhất họ cũng được sống, dù chỉ một chút không khí của nghề.

Vì sao tuồng im lặng. Vì sao một rạp hát lộng lẫy dành cho tuồng ngay giữa lòng Thủ đô vẫn vắng bóng người xem. Câu hỏi đó, tôi nghĩ, không thuộc về những nghệ sĩ đang theo đuổi tuồng.

 

Ông Tạ Văn Sốp, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam

Nghệ thuật tuồng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ say mê làm nghề. Với nhiều nghệ sĩ trẻ, họ có những lựa chọn tốt hơn, nhưng họ vẫn chọn tuồng. Đó là một sự hy sinh rất đáng trân trọng.

Đây là một lao động nghệ thuật rất vất vả, kỳ công, họ vừa là phương tiện, vừa là sản phẩm, vừa là công cụ, nhưng diễn viên dù tốt nghiệp đại học cũng chỉ được xếp hạng 3 như trung cấp. Bất cập đó nhiều năm nay chúng ta vẫn chưa khắc phục được. Nhà hát chúng tôi đã có chính sách thu hút người trẻ, để thực hiện chủ trương trẻ hóa sân khấu, nhưng thực sự là khó khăn, để vừa bảo tồn di sản, vừa duy trì đời sống cho anh em.

Lịch diễn ở nhà hát Tuồng khá đều đặn, để đảm bảo cho anh em được làm nghề, có làm nghề thì mới giữ được nghề. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ đứng những vai chính trong các vở tuồng cổ, chú trọng việc chuyển giao giữa các nghệ sĩ già và trẻ, để đảm bảo sự kế thừa. Nhưng hiện tại, nguồn nhân lực đang rất khan hiếm.

NSƯT Hương Mơ, Trưởng đoàn 2 Nhà hát Tuồng Việt Nam

Vấn đề diễn viên trẻ là một khó khăn đối với nghệ thuật Tuồng. Nhưng ai đã lựa chọn, thì họ là những người có tài năng, có nhan sắc. Hằng năm, đến mùa tuyển học sinh, chúng tôi phải trực tiếp về các vùng quê để tuyển, còn đợi họ chủ động đến với mình thì chỉ là giấc mơ. Nhiều người lúc đầu không hiểu về tuồng thì thấy xa lạ, nhưng ngấm vào rồi không bỏ được. Đó cũng là lý do vì sao hàng năm nhà hát chúng tôi vẫn có một đội ngũ trẻ. Họ vẫn say đắm với nghề, dù cuộc sống quá khó khăn.

Khánh Linh
.
.
.