Xu hướng biểu diễn song ngữ của ca sĩ thời hội nhập: Vẫn chỉ là thử nghiệm

Thứ Năm, 12/12/2019, 14:10
Trong đời sống hội nhập hiện nay, trình bày các ca khúc bằng song ngữ, hay cho ra mắt công chúng những sản phẩm âm nhạc bằng song ngữ là một xu hướng tất yếu, dễ hiểu trong giới ca sĩ biểu diễn. Vì âm nhạc thường là địa hạt thể hiện rõ nhất tính giao lưu quốc tế, nơi người nghệ sĩ dễ dàng tiếp nhận các trào lưu mới của thế giới.


Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường cũng như thị hiếu của người xem, nhiều ca sĩ đã thành công trong các sản phẩm âm nhạc song ngữ. Tuy nhiên, cuộc chơi này cũng bộc lộ nhiều thử thách và không phải ca sĩ nào giỏi ngoại ngữ cũng có thể tạo ra những sản phẩm được lòng người nghe.

Những gương mặt nổi bật         

Nhạc sĩ, ca sĩ trẻ tài năng Vũ Cát Tường vừa cho ra mắt album mang tên “Inner Me”. Đây là album song ngữ đầu tiên cô thực hiện. “Inner Me” được phát hành dưới hình thứ USB gồm 8 ca khúc thuộc nhiều thể loại nhạc khác nhau: “Có người” (Someone), “Dõi theo” (Watching You From Afar), “Hỏi thăm” (How Are You), “Gió” (Wind), “The Old You”, “Ticket For Two”, “Yours” và “Forever Mine”. Đây hoàn toàn là những ca khúc do Vũ Cát Tường viết lời bằng cả tiếng Việt và Tiếng Anh và đồng thời là nghệ sĩ trình diễn.

Ca sĩ Đồng Lan trong album song ngữ Việt Pháp Cành hoa dại.

Vũ Cát Tường chia sẻ, cô quyết tâm thực hiện album song ngữ vì muốn vượt qua giới hạn bản thân mình, tạo ra những dấu ấn mới và dần dần từng bước hướng đến thị trường âm nhạc quốc tế. Để hoàn thiện sản phẩm, Vũ Cát Tường đến Mỹ, thực hiện thu âm tại phòng thu nổi tiếng United Recording-  một trong hai cơ sở của “United Western Recorders” – tổ hợp phòng thu thành công nhất Hollywood trong thập niên 60 của thế kỷ XX.

Từ phòng thu này, những bản hit đình đám của kỷ nguyên nhạc Pop đã ra đời như bản piano Thriller huyền thoại của "ông hoàng nhạc Pop" Michael Jackson làm nức lòng công chúng, hay ca khúc “Boulevard of broken dreams” của Green Day, album của Briaon Wilson... United Recording cũng là nơi thu âm nhiều sản phẩm âm nhạc của nhữngngôi sao nổi tiếng như Madonna, Nat King Cole, Ray Charles, Adele...

Trước Vũ Cát Tường, đầu năm nay, ca sĩ Đồng Lan, một giọng ca gây thương nhớ trong chương trình Giọng hát Việt năm 2012 nhờ khả năng hát Tiếng Pháp điêu luyện, đã phát hành album song ngữ Việt Pháp mang tên “Cành lan dại”.

Album này của nữ ca sĩ đã được khán giả đón nhận nhiệt liệt và tạo tiếng vang trong giới một điệu, đặc biệt là công chúng yêu nhạc Pháp. Đầu tháng 11 vừa rồi, đêm nhạc mang tên “Khi xưa ta bé” được tổ chức tại Hà Nội là chương trình mà các ca sĩ hát bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như: Anh, Nga, Pháp, Ý, Đức. Những ca khúc quốc tế bất hủ in dấu ấn sâu đậm trong ký ức người nghe nhiều thế hệ đã được thể hiện lại qua giọng hát các ca sĩ: Nguyệt Ca, Nguyễn Thùy Linh, Dạ Ngân, Khánh Duy, Tuấn Nghĩa…

Bìa Album song ngữ Anh Việt Music of the night của ca sĩ Đức Tuấn.

Ngược thời gian trở về trước, năm 2014,  doanh nhân, ca sĩ Thái Hòa cùng với ca sĩ Hồng Hạnh đã cùng nhau cho ra mắt album song ngữ Việt- Nhật “Diễm xưa - Utsukushii Mukashi” tưởng niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là album được giới yêu nhạc Trịnh đánh giá cao. Hai nghệ sĩ đã thu âm trong vòng 6 tháng, rất kỹ lưỡng. Những bản nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được thể hiện trên nền nhạc jazz, rất mới với khán giả Việt nhưng nhờ những bản phối tinh tế mà khán giả không bị sốc, vẫn chấp nhận được.        

Tuy nhiên, ngôn ngữ được nhiều ca sĩ thể hiện nhất vẫn là Tiếng Anh. Dễ hiểu vì đây là ngôn ngữ phổ cập, phù hợp với phần lớn ca sĩ trẻ, nhất là khi làm quyết định làm album song ngữ. Có thể kể tên các ca sĩ như Hà Anh Tuấn với album “Cock-tail”, Đức Tuấn với album “Music of the night”, Mai Khôi với album “Made in Mai Khoi”, Thảo Trang với album “The new me”.

Tuy không rầm rộ như thời điểm hiện tại nhưng xu hướng làm album, MV song ngữ đã xuất hiện trong đời sống nhạc Việt từ nhiều thập kỷ trước. Khởi đầu là những ca sĩ hải ngoại như Khánh Ly, Ngọc Lan, Evis Phương... Sau đó đến các ca sĩ của dòng nhạc trữ tình, cách mạng với một số sản phẩm âm nhạc hát song Việt - Nga khơi gợi ký ức về một thời kỳ sống và học tập tại nước Nga của nhiều người việt.

Đến đời sống âm nhạc đương đại, chúng ta lại được thấy Mỹ Linh, Thu Phương, Thu Minh, Hồng Nhung, Hồ Ngọc Hà, Trần Thu Hà, Lam Trường, Đoan Trang, Hồ Quỳnh Hương, Hiền Thục… đều có những sản phẩm âm nhạc song ngữ làm phong phú đời sống âm nhạc Việt. Thậm chí trong một số game show âm nhạc gần đây tỷ lệ thí sinh thể hiện khả năng hát ca khúc tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh rất cao, và sự cạnh tranh rất gay gắt, quyết liệt.

Nhạc sĩ, ca sĩ Vũ Cát Tường trong album Song ngữ Inner Me.

Thành công có dễ?

Cần phải khẳng định rằng, làm album song ngữ cũng chính là một trong những phương cách hiệu quả để một ca sĩ vừa quảng bá được phong cách âm nhạc của mình, vừa tiệm cận được cới công chúng cũng như thị trường âm nhạc quốc tế. Tuy nhiên, để thành công trong câu chuyện này không hề là chuyện dễ dàng.

Một ca sĩ được đào tạo bài bản, trình độ ngoại ngữ tốt chưa hề là đủ để tạo ra ra dấu ấn, vì một sản phẩm âm nhạc cần nhiều yếu tố hơn thế. Mỗi ca sĩ hát nhạc nước ngoài có thể có có những mục tiêu khác nhau: Hát để thể hiện đẳng cấp hay hát để làm sang hoặc đơn giản là nhằm tạo ra nét lạ trong album của mình…

Nhưng dù cho với mục tiêu nào đi nữa thì hát song ngữ vẫn là một thử thách nghề nghiệp, một con dao hai lưỡi có thể đưa tên tuổi, vị trí của ca sĩ lên cao nhưng cũng có thể khiến ca sĩ “xuống hạng” nếu không làm tốt.

Điều quan trọng hàng đầu trong biểu diễn nhạc song ngữ là ca sĩ phải biểu diễn làm sao để được khán giả cũng như giới chuyên môn công nhận cả về tri thức lẫn nhạc cảm, mang đến những cảm xúc đẹp, tinh tế chứ không phải là tự biến mình thành “thảm họa” âm nhạc. Đây là một cuộc chơi mang tính xu thế nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Ca sĩ, nhạc sĩ Vũ Cát Tường chia sẻ: “Có người nói tôi hát tiếng Anh cũng ổn nhưng khi làm việc với những người chuyên nghiệp tôi mới thấy bản thân không biết gì cả. Hiện tôi chưa dám nói mình phát âm chuẩn 100% nhưng cũng có bước đầu khá tốt. Tôi phải nỗ lực hơn nếu thực sự muốn tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế”.

Trên thực tế có nhiều ca sĩ trẻ hiện nay có đủ khả năng ngoại ngữ cần thiết để hát một ca khúc tiếng nước ngoài, nhưng để thành công, họ cần phải có nhiều khả năng khác nữa như ứng biến linh hoạt, chuyển điệu nhanh nhạy, thẩm âm tinh tế.

Ca sĩ Thảo Trang để lại dấu ấn lạ trong album song ngữ The new me.

Và quan trọng  nhất lại chính là khả năng hóa thân, cảm nhận sâu sắc giai điệu, ca từ ngôn ngữ của ca khúc ở cả hai ngôn ngữ thể hiện... Kinh nghiệm cho thấy, những ca sĩ hát song ngữ tốt đều có khả năng xử lý ca khúc một cách chuyên nghiệp và được đánh giá là những người có khả năng làm chủ sân khấu. 

Ca sĩ Đức Tuấn - người rất thành công với album song ngữ mang tên "Music of the night" từng chia sẻ, việc phát âm tốt ngoại ngữ chỉ là cái vỏ ngoài cùng. Vì âm nhạc là nghệ thuật, người nghệ sĩ không bao giờ chỉ hát đúng, hát chính xác là đủ. Điều khó khăn nhất để lấy được tình cảm của công chúng bên cạnh những yếu tố vừa kể trên vẫn phải là phong cách, cá tính, chiều sâu văn hóa cộng với kỹ năng xử lý điêu luyện của ca sĩ.

Làm sao để người nghe thấy ca sĩ hát một ngoại ngữ khác mà như đắm mình trong tiếng mẹ đẻ, thể hiện ra được hồn cốt của ngôn ngữ đó. Đôi khi một người phát âm ngoại ngữ chưa chuẩn lắm nhưng họ biết cách chuyên chở cảm xúc bên trong bài hát thì có thể vẫn được khán giả đón nhận, thậm chí được yêu mến.

Việc phổ biến một ca khúc tiếng nước ngoài đến với công chúng hiện nay không còn quá khó khăn và trong thời đại hôm nay, người nghe nhạc cũng đã thay đổi thói quen của mình, không chỉ bó gọn trong việc nghe ca khúc tiếng Việt nữa. Nhiều kênh nghe nhạc trực tuyến nở rộ là cơ hội cả cho người nghe và người hát thể hiện mình.

Lựa chọn hát song ngữ hay hát ca khúc tiếng nước ngoài là lựa chọn khôn ngoan của nhiều ca sĩ trẻ khi họ muốn tiến sâu vào thị trường âm nhạc thế giới. Điều dễ nhận thấy ở những album song ngữ là cảm hứng tự do, phóng khoáng, hòa thanh tiêu chuẩn quốc tế, đầy mới mẻ… tạo ra sự lạ lẫm, thích thú trong cảm nhận của công chúng.

Tuy nhiên, số lượng ca sĩ thành công thực sự vang dội trong hát nhạc song ngữ vẫn còn ít ỏi, đếm trên đầu ngón tay. Điều này cho thấy, phần lớn ca sĩ khi đổ mồ hôi công sức làm sản phẩm song ngữ vẫn là để thử nghiệm, hay chứng minh khả năng vượt qua giới hạn bản thân là chính, chứ để thực sự có được một tên tuổi, dấu ấn trên thị trường âm nhạc quốc tế nhiều cạnh tranh khốc liệt thì xem ra… đường vẫn còn xa.

Bảo Bình
.
.
.