NSND Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Nên giãn thời gian cấp phép từ 3- 5 năm
 |
NSND Anh Tú. |
Tôi cho rằng, quy định của Cục Nghệ thuật biểu diễn về hạn cấp giấy phép cho một tác phẩm sân khấu tối đa 12 tháng là bất hợp lý, bởi ai cũng hiểu sức sống của một tác phẩm sân khấu rất lâu bền, có những tác phẩm vượt thời gian.
Hạn định 12 tháng khiến cho những người làm sân khấu rất mệt mỏi khi muốn diễn lại phải tổ chức duyệt lại, tốn kém, trong thời buổi sân khấu đang khó khăn, chỉ mong có cơ hội được diễn.
Việc kiểm duyệt là cần thiết nhưng nên kéo dãn thời gian ra từ 3-5 năm duyệt lại một lần, vì nhiều tác phẩm sân khấu thay đổi kịch bản, làm cho tác phẩm gốc méo mó, dị hợm so với ban đầu.
Thực tế đã có những tác phẩm sân khấu không cấp phép lại, sau 3- 4 năm diễn lại có những thay đổi biến tướng, ví dụ như nhân danh làm mới, hay đưa các yếu tố đương đại, các thử nghiệm sân khấu vào nhưng không phù hợp, thậm chí làm méo mó tác phẩm.
Vì thế, tôi nghĩ chúng ta vẫn cần một quy định chặt chẽ về việc này, 3-5 năm cũng là quãng thời gian vừa đủ để đạo diễn và ê-kíp nhìn lại tác phẩm của mình, có những chỉnh sửa để tác phẩm phù hợp với đời sống đương thời và không bị lạc hậu. Đây cũng là điều quan trọng làm nên sức sống của một tác phẩm sân khấu.
Nếu ta cứ mặc định tác phẩm duyệt rồi là cấp phép mãi mãi sẽ tạo ra sự dễ dãi cho những người làm nghề. Điều quan trọng nhất chính là các đạo diễn, các nhà hát tự ý thức về giá trị tác phẩm của mình, sức sống của một tác phẩm chắc chắn sẽ không phụ thuộc vào những công việc sự vụ như kiểm duyệt hay cấp phép.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Với sân khấu truyền thống, thời hạn cấp phép là mãi mãi
 |
NSƯT Thanh Ngoan. |
Tôi cho rằng những tác phẩm sân khấu khi đến được với công chúng đã qua rất nhiều khâu kiểm duyệt, từ kịch bản, đến nội dung, thậm chí hội đồng duyệt cũng đã xem đi xem lại kỹ càng, vì thế, tác phẩm đã được cấp giấy phép nên cấp vĩnh viễn. Việc cứ một năm lại đi xin cấp phép rất phiền phức, tốn kém, trong khi đời sống của sân khấu đang chật vật như thế.
Tôi thấy không có lý do gì phải cấp phép lại cho các tác phẩm sân khấu đã được duyệt, các tác phẩm đó ngoài hội đồng duyệt còn tham dự các cuộc thi liên hoan trong và ngoài nước nữa, nghĩa là giá trị đã được khẳng định rồi. Tác phẩm sân khấu gắn liền với thương hiệu của từng nhà hát, tự nhà hát đó phải biết được tác phẩm của mình có thay đổi gì hay không. Nếu có thay đổi nhiều về nội dung thì nhà hát chủ động đề xuất Hội đồng duyệt lại, còn không thì thôi.
Mọi người cứ cho rằng, 12 tháng là dài lắm, nhưng với tuổi đời của một tác phẩm nghệ thuật là quá ngắn ngủi. Quy định hạn chế 1 năm phải cấp phép lại sẽ gây khó dễ cho nhiều tác phẩm, chẳng hạn, nhà hát tôi có một tác phẩm đã được duyệt nhưng chưa diễn ở đâu, muốn tham dự liên hoan sân khấu lại vướng giấy phép hết hạn thì sẽ xử lý thế nào. Lại lập ra Hội đồng xem xét và cấp phép à, nhiêu khê quá.
Giá trị của một tác phẩm sân khấu gắn liền với cả một ê kíp làm việc và thương hiệu của từng nhà hát, nên các nhà hát sẽ có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Chỉ duyệt lại những tác phẩm nào có thay đổi về nội dung hoặc có những chi tiết không còn phù hợp với đời sống trong thời điểm đó mà thôi.
Còn trong lĩnh vực sân khấu truyền thống, theo tôi việc cấp phép là mãi mãi. Bởi những giá trị của sân khấu truyền thống thuộc về di sản rồi, phải tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất để tác phẩm có cơ hội đến rộng rãi với công chúng. Chúng tôi chỉ có một mong muốn duy nhất là được giới thiệu tác phẩm của mình nhưng có phải lúc nào cũng có cơ hội đâu.
NSƯT Trịnh Kim Chi: Quy định làm phiền nhà quản lý
Sau khi nhiều nghệ sỹ, trong đó có tôi, lên tiếng về những bất cập và vô lý của Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép cấp cho chương trình sân khấu tối đa là 12 tháng – tôi đã được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh thông báo rằng, vấn đề này đã được Sở gửi ra Trung ương, đang chờ Trung ương phản hồi. Họ có nói với tôi, đúng là có quá nhiều bất cập trong câu chuyện này. Họ nói, trong câu chuyện này có một sự “truyền đạt nhầm” giữa cấp trên và cấp dưới xoay quanh câu chuyện đóng phí gia hạn giấy phép. Cấp dưới đã hiểu không rõ về Nghị định khi truyền đạt. Không có chuyện kiểm duyệt lại nội dung mà chỉ là cấp giấy phép gia hạn. Với giấy này, chỉ gia hạn thôi, chứ không phải đóng phí.
 |
NSƯT Trịnh Kim Chi.
|
Quy định này rõ ràng đang làm phiền tới nhà quản lí, anh chị em nghệ sỹ. Một tác phẩm cho diễn một năm rồi, bây giờ lại cấp phép biểu diễn để làm gì nữa. Quá mất thời gian, mỗi lần lên xin giấy phép lại phải làm lại từ đầu. Họ đang xem xét lại có nên để quyết định đó hay không. Đáng ra, trong thời buổi này, sân khấu là lĩnh vực nên nhận được nhiều sự hỗ trợ thì tự nhiên lại làm phiền và đánh vào kinh phí như vậy cũng hơi kì. Hầu hết ai cũng bức xúc nên họ đang điều chỉnh và xem xét lại rồi. Chúng ta chờ đợi xem sao?!
|