FIFA: Ai là đối thủ của Blatter?

Thứ Ba, 06/01/2015, 15:00
Còn tới gần 6 tháng nữa, FIFA sẽ tiến hành bầu cử chủ tịch mới nhiệm kì 2015-2019. Thế nhưng ngay từ bây giờ, “cuộc chiến” đã nổ ra. Ở đó, những chiêu bài "chính trị bóng đá" đã bắt đầu, và cuộc chơi dường như vẫn là của đương kim Chủ tịch Sepp Blatter, với một khái niệm mới nhưng đã quá quen thuộc: "FIFA MAFIA"!

1. Cách đây gần 2 năm, nhà báo thể thao lừng danh người Đức có tên Thomas Kistner đã nghiên cứu, điều tra và viết một cuốn sách dày trên 600 trang về FIFA có tên: "FIFA MAFIA". Ở đó, tất cả những câu chuyện, những bằng chứng và cả những bí ẩn phía sau những kế hoạch, công tác tổ chức, các cuộc bỏ phiếu, bầu cử… đều được phanh phui. Mọi lí lẽ, lập luận đều đưa đến một kết luận: FIFA thực chất là một "gia đình mafia", trong đó Chủ tịch S.Baltter chính là người đóng vai "bố già". Ông điều khiển, khống chế mọi hoạt động bóng đá của FIFA, biến tổ chức này trở thành công cụ cá nhân và áp đặt những quyền năng độc đoán.

Chủ tịch FIFA S.Blatter.

Ngay sau khi Thomas Kistner công bố cuốn sách, nó đã làm chao đảo làng bóng đá thế giới, khi hình thành khái niệm "FIFA MAFIA". Cuốn sách được in hàng trăm ngàn bản, được dịch ra 4 thứ tiếng, trong đó đương nhiên bản tiếng Anh được ấn hành rộng rãi nhất. Theo thống kê của tờ Dailymail, ngay trong tháng đầu phát hành, lượng sách bán ra đã lên đến 120.000 bản. Điều này rất dễ hiểu, bởi Liên đoàn bóng đá Anh (FA) nói riêng và nền bóng đá Anh nói chung luôn là "kẻ thù" số 1 của FIFA và cá nhân Chủ tịch S.Blatter.

Những chuyện thâm cung bí sử về FIFA được lan truyền rộng rãi. Họ đưa lên mặt báo cả những phi vụ hối lộ giữa các quan chức FIFA trong những cuộc bỏ phiếu chọn chủ nhà World Cup, biển thủ công quỹ, đút lót, tham nhũng, chia rẽ bè phái… Kết hợp tất cả những quyền lực đen phía sau hậu trường FIFA, có thể thấy rõ vai trò "cầm đầu" và mang tính quyết định của S.Blatter. Và điều quan trọng là những hoạt động ấy chẳng khác gì một tổ chức nhà nước, được khống chế bởi một vị Vua quyền uy và độc đoán.

Cuốn sách "FIFA MAFIA" của Thomas Kistner.

Thế nhưng, bất chấp những mũi dùi nhắm vào, FIFA và cá nhân Chủ tịch S.Blatter vẫn đĩnh đạc đứng trên quyền chỉ đạo toàn bộ nền bóng đá thế giới, với "đặc quyền" bất khả xâm phạm. Chủ tịch FA, ông Triesman không ngần ngại tuyên bố trước báo giới: "FIFA đích thị là gia đình mafia. Họ khiến chúng tôi phải sợ hãi". Những gì ông Triesman nói khiến FIFA cứng họng, bởi thực chất chính FIFA đã phải thừa nhận hàng loạt scandal trong vài năm qua.

Hơn một nửa trong tổng số Ban chấp hành FIFA, những người tham gia cuộc bỏ phiếu đầy tai tiếng, chọn chủ nhà World Cup 2022 (tại Qatar) đã phải ra đi. Tiếp đó, chính FIFA đã phải vào cuộc điều tra vụ cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á Mohammed Bin Hammam mua phiếu bầu, và sau đó là hàng loạt tội danh khác khiến ông này bị cấm tham gia hoạt động bóng đá vĩnh viễn.

Thực ra, vụ FIFA điều tra đối với Mohammed Bin Hammam không phải để "lật tẩy" scandal nào cả. Đó chẳng qua là cú "phản đòn" của Chủ tịch S.Blatter khi ông Mohammed Bin Hammam tuyên bố ra tranh chử chức Chủ tịch FIFA vào năm 2011. Ngày ấy, Blatter được coi là ứng cử viên duy nhất, nhưng bất thần Mohammed Bin Hammam vào cuộc trong tư cách đối trọng đáng ngại.

Scandal mà Mohammed Bin Hammam tạo ra tưởng có thể dìm uy tín của Chủ tịch S.Blatter, nhưng cuối cùng "bố già FIFA" đã đảo ngược tình hình một cách cực kì ngoạn mục. Hàng loạt tội danh được khép cho Mohammed Bin Hammam và loại vĩnh viễn ông khỏi bóng đá. Kết cục của nó dẫn đến một điều không cần bàn cãi: Blatter đã và vẫn sẽ là quyền lực duy nhất tại FIFA.

2. Bài học Mohammed Bin Hammam được coi là "lời dặn dò" thích đáng gửi đến bất kì ai muốn tham gia tranh đua với Blatter. Chính vì thế, sau khi nhẹ nhàng thâu tóm toàn bộ cuộc bỏ phiếu năm 2011, Blatter tiếp tục trở lại với vai trò độc tôn. Tháng 5/2015, Blatter sẽ lại có một cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch nữa, và câu chuyện về Mohammed Bin Hammam lại được gợi lại như một lời nhắc nhở. Blatter kêu gọi ứng cử viên tranh cử, nhưng kèm theo đó là tuyên bố hùng hồn về cái gọi là "sự mạo hiểm" trong cuộc chơi nhân quả. Và người được chờ đợi nhất để đánh đổ Blatter là đương kim Chủ tịch UEFA, Michel Platini vẫn im lìm và không có ý định tranh cử. Thậm chí, Platini còn bày tỏ sự ủng hộ Blatter bởi ông hiểu, đối đầu Blatter lúc này là không thể.

Năm 2015, Blatter đã 79 tuổi và khi kết thúc nhiệm kì năm 2019, ông đã quá 80. Khi ấy, Platini xuất hiện cũng chưa muộn. Nhưng thay thế chỗ của Platini, bất ngờ có một cái tên uy quyền khác khiến cuộc chơi thêm phức tạp: Jerome Champagne, cựu  quan chức ngoại giao người Pháp, từng là Ủy viên điều hành FIFA giai đoạn 1999 đến 2010, cựu Phó Tổng thư kí FIFA.

Khi đưa ra lời "tuyên chiến" vào chiếc ghế Chủ tịch FIFA, Jerome Champagne đã đưa ra hàng loạt luận điểm về: sự dân chủ, công bằng, minh bạch về tài chính, tổ chức, cân bằng về yếu tố thể thao. Bên cạnh đó, ông cũng không quên nhắc rằng: "Cuộc bầu cử sắp tới, không nên được định đoạt bởi cá nhân, mà phải dựa trên hoạt động và đường hướng phát triển thực tế trong tương lai". Những ý tứ mà Jerome Champagne đưa ra đều nhằm vào Blatter. Nhưng đến giờ Chủ tịch FIFA vẫn im lặng.

Theo nhận định của báo chí Anh, nếu muốn lật đổ S.Blatter trong cuộc bầu cử tới, nhân vật tham gia tranh cử không chỉ kêu gọi, vận động, vẽ ra một mô hình lí tưởng nào đó cho FIFA, hay có uy tín, mà người đó còn phải sẵn sàng lục lọi, tập hợp và có những "cách thức" lật tẩy những vết nhơ trong lòng FIFA suốt thời gian Blatter nắm quyền. Cụ thể, những chứng từ, sổ sách, những bằng chứng tham nhũng, đút lót… Đó là điều gần như không thể, bởi chính Mohammed Bin Hammam từng thảm bại, và UEFA (Liên đoàn châu lục không ủng hộ Blatter) cũng chưa thể làm nổi.

Platini vẫn đang ẩn mình trước Blatter.

3.Cho đến lúc này, cuộc chiến chống lại Chủ tịch S.Blatter vẫn ngấm ngầm diễn ra, trong đó FA có vai trò hết sức quan trọng, khi chính họ tự coi mình là nạn nhân của FIFA trong cuộc bỏ phiếu chọn nước đăng cai World Cup 2022 (thua Qatar, dù họ được coi là xứng đáng hơn). Rất nhiều ý kiến cho rằng FIFA nên tổ chức bỏ phiếu lại, vì nếu giải tổ chức ở Qatar sẽ rất bất lợi khi nhiệt độ thường xuyên lên tới trên 40 độ C. Bên cạnh đó còn có những mập mờ về chuyện mua phiếu. Thế nhưng, Blatter dứt khoát từ chối. Chuyện này cũng giống như cách Blatter được coi là có tác động giúp Brazil đăng cai World Cup 2014, dù nước này rất khó khăn về kinh tế và đã có lúc tưởng như không thể hoàn thành công tác tổ chức.

Cộng với rất nhiều hoạt động hỗ trợ tài chính, chuyên môn và giúp đỡ các quốc gia ngoài châu Âu, nên Blatter vẫn nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Đó cũng là một ưu thế cực lớn khiến Blatter vẫn tự tin rằng mình sẽ là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA năm 2015. Nếu vậy, Blatter sẽ có nhiệm kì thứ 5 liên tiếp làm Chủ tịch FIFA, cho đến năm ông 83 tuổi, một độ tuổi còn cao hơn cả người tiền nhiệm của ông, Joao Havenlange (82 tuổi). Để chuẩn bị, dọn đường cho nhiệm kì thứ 5, Blatter đã vận động sự ủng hộ của hầu hết các thành viên FIFA, đánh đổ cả đề xuất giới hạn tuổi của Chủ tịch FIFA, lẫn giới hạn nhiệm kì của một vị Chủ tịch FIFA. Như vậy, có lẽ cuộc bầu cử Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới sắp tới cũng sẽ lại đi theo con đường cũ. Ở đó, Blatter vẫn sẽ là quyền lực duy nhất?

S.Blatter, Vua ý tưởng hão

Ngoại trừ bóng ma phía sau hậu trường, vị Chủ tịch FIFA hiện nay còn nổi tiếng với những phát ngôn gây sốc và cả những ý tưởng điên rồ, thậm chí không thể áp dụng nổi. 

Ví dụ: "Chúng ta hãy hình dung những điều bay bổng. Chẳng hạn, chúng ta sẽ chơi bóng trên hành tinh khác. Tại sao chỉ có mỗi cúp thế giới? Tại sao chúng ta không thể nghĩ đến một giải vô địch liên hành tinh?". Hay đề xuất của Blatter cho thi đấu bóng đá trên mặt sân plastic, bỏ kết quả hòa, bỏ luật đá luân lưu phân định thắng thua, tổ chức World Cup theo chu kì 2 năm thay vì 4 năm, yêu cầu cầu thủ nữ mặc quần áo bó như vận động viên bóng chuyền bãi biển, chia trận đấu thành 4 hiệp…

Chưa hết, Blatter còn có những quyết định gây tranh cãi, mới nhất là việc lùi ngày bầu chọn Quả bóng vàng FIFA năm 2013, khiến dư luận cho rằng ông đang ủng hộ C.Ronaldo giành giải thưởng. Tiếp đó là chính Blatter thừa nhận sai lầm khi trao danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2014 cho Messi…

Chủ tịch S.Blatter đã ứng cử và đắc cử trong 4 nhiệm kì vào các năm 1998, 2002, 2007 và 2011. Trong suốt 16 năm tại vị, Blatter nổi tiếng với hàng loạt "phát kiến" bị dè bỉu. Ông cũng có nhiều hành động tạo ra dư luận không tốt, đáng chú ý là hành động bắt chước và lời nói vui nhưng bị coi là"chế giễu" đối với Messi trong một cuộc trò chuyện với sinh viên ngay trước cuộc bầu chọn Quả bóng vàng FIFA 2013. Trong cuộc nói chuyện đó, Blatter còn có ý so sánh Messi không bằng C.Ronaldo.

Nhiều báo chí châu Âu cho rằng, nếu S.Blatter tiếp tục đắc cử nhiệm kì tới, đó sẽ là "tai họa" cho nền bóng đá thế giới. Và đi kèm sẽ là rất nhiều những ý tưởng kì dị khác của ông lão đã ngấp nghé tuổi 80.

Lê Giang
.
.
.