“Ðại tiệc” nghệ thuật

Thứ Năm, 10/08/2017, 07:19
Liên hoan Nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 27-8 tới đây tại TP Hồ Chí Minh. Ðây là chương trình nghệ thuật thường niên được tổ chức 2 năm một lần, với hàng loạt các hoạt động nghệ thuật có chất lượng cao, thu hút sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ tài năng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật trong nước và quốc tế.


Đa dạng “món ăn”

Khi “thị trường nghệ thuật” còn đang hình thành như Việt Nam, những vở diễn lớn và tác phẩm đỉnh cao lần đầu công diễn luôn là những dấu mốc quan trọng, giúp nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật, nhưng nhiều khi sự ghi nhận sẽ đến rất muộn màng. Tuy nhiên, với riêng “Giai điệu mùa thu”, dường như khán giả đã tinh tế đón nhận các vở diễn lớn với sự chờ đợi đầy yêu thương và cổ vũ.

Bất ngờ đầu tiên được bật mí trong chương trình, là khán giả thành phố sẽ được thưởng thức vở opera “Con Dơi”, một dự án được hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh với Viện Goethe Việt Nam, dưới chỉ đạo của đạo diễn quốc tế người Đức David Hermann, chỉ huy dàn nhạc Askan Siegfried Geisler, dàn dựng hợp xướng – chỉ huy Trần Nhật Minh. 

Người yêu nhạc kịch cổ điển chắc đều biết rằng, “Con Dơi” là vở opera nổi tiếng nhất và được ca ngợi nhiều nhất của nhạc sĩ thiên tài J. Strauss II thời ông còn trẻ. Tác phẩm đầy những chiêu trò tán tỉnh, lập lờ danh tính tại vũ hội hóa trang, những trò lừa gạt tủn mủn mơ hồ của giới thượng lưu, nhưng chuyên chở bằng một tổng thể âm thanh sặc sỡ, đầy ắp giai điệu như chính các xúc cảm đa dạng của con người.

Liên hoan Nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” tổ chức vào năm 2015.

Thực sự mà nói, để tìm kiếm một chương trình nghệ thuật chất lượng, lại liên quan đến nghệ thuật hàn lâm, cổ điển cho các công chúng hiểu biết, khó tính không phải chuyện dễ dàng, cho dù TP Hồ Chí Minh là trung tâm sôi động. Các chương trình ca nhạc, tạp kỹ lúc nào cũng có thể có. Trong sự no nê, bội thực các chương trình nghệ thuật mang tính giải trí, có lúc nặng yếu tố thương mại, thì việc thưởng thức một vở nhạc kịch kinh điển được ví như nốt trầm lắng đọng trong lòng khán giả.

Sau nhạc kịch là nhạc thính phòng. Người mộ điệu sẽ được thưởng thức những tuyệt phẩm từ lâu đã trở thành những giá trị được thế giới ghi nhận và ngưỡng mộ. 

Trong “Giai điệu mùa thu” sắp tới đây, cùng với sự tham gia của “International Chamber Players” - nhóm nghệ sĩ bao gồm các nhạc công thượng thặng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và quốc tế sẽ giống như một dấu son chất lượng của chương trình. 

“International Chamber Players” sẽ ra mắt chùm tác phẩm nhạc thính phòng của các nhà soạn nhạc Pháp, gồm có: Gabriel Fauré, Claude Debussy, Ernest Chausson.

Đặc biệt, tiết mục được chờ đợi nhiều nhất, có lẽ là tham gia diễn tấu đặc biệt của nghệ sĩ violin hàng đầu Việt Nam Bùi Công Duy và Vũ Việt Chương chủ xướng với dàn nhạc, trong 2 vở diễn  gồm tác phẩm “Tám mùa” - kiệt tác của A.Vivaldi và “Bốn mùa” của A.Piazzolla, một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất thế kỷ 20. 

Bùi Công Duy từ lâu đã trở thành một cái tên quen thuộc với khán giả không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới. Dù đời sống của những nghệ sĩ nhạc thính phòng như anh còn rất khó khăn ở Việt Nam, dù anh đã chọn con đường sống và biểu diễn ở nước ngoài, nhưng khi có các chương trình lớn trong nước anh đều trở về tham gia đóng góp. 

Mong muốn của Bùi Công Duy là làm sao để khán giả trong nước có cơ hội, dù ít ỏi, được tiếp cận với âm nhạc thính phòng. Anh cũng hy vọng, tần suất các chương trình nhạc thính phòng sẽ ngày càng nhiều hơn, là cách nâng cao kiến thức âm nhạc cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Cùng với Bùi Công Duy, vợ anh, nghệ sĩ Trinh Hương cũng về nước cùng tham gia vào bữa đại tiệc “Giai điệu mùa thu” lần này. Ngoài ra, trong mảng âm nhạc thính phòng này, đến với “Giai điệu mùa thu” công chúng còn được thưởng thức ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ chơi ghita nổi tiếng Nguyễn Thanh Huy, người đang đảm trách vai trò Trưởng bộ môn ghi ta tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Nguyễn Thanh Huy sẽ kết hợp cùng với 2 nghệ sĩ Anton Isselhadt (Đức) và Pongpat Pongpradit (Thái Lan), đưa khán giả đến với những tác phẩm cổ điển mẫu mực của các nhà soạn nhạc như  Claude Debussy, Camile St-Saens, đến Ariel Ramirez, Patrick Roux và Tchaikovsky….

Đã là “đại tiệc” phải có rất nhiều món ngon. Sau kịch cổ điển, âm nhạc cổ điển, là đến múa đương đại. Công chúng sẽ đặc biệt thích thú với tác phẩm “Đi qua tình yêu” - một sự phối hợp ăn ý của bộ đôi biên đạo Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải. 

Múa đương đại tập trung chính vào đề tài tình yêu, thỏa mãn thị giác của khán giả với những tiết mục đặc sắc của các tài năng hàng đầu trong lĩnh vực này. Nghệ sĩ múa đương đại trong nước, ngoài Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải còn có những cái tên quen thuộc như: Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang, Phan Thái Bình, Sùng A Lùng... 

Quy tụ nghệ sĩ quốc tế tài danh

Một điểm nhấn của chương trình nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” là  Gala Concert “Hành trình châu Âu: Con người và cảnh vật”, chùm các tác phẩm lần đầu công diễn tại Việt Nam quy tụ sáng tác của những nhà soạn nhạc đến từ khắp châu Âu. Khán giả có thể thưởng thức tác phẩm của gần như đầy đủ những tên tuổi bậc thầy châu Âu, từ nước Đức là Wagner, M. Bruch, từ CH Séc là Antonín Dvořák, từ Hungary là F.Liszt, từ nước Nga là S. Rachmaninoff, M. Glinka, đến nước Áo là J. Hummel… 

Bữa tiệc âm thanh không chỉ là những gạch đầu dòng theo từng quốc gia, mà còn mang tới sự đa dạng trong âm sắc và chủ đề trong từng giai đoạn sáng tác, trong cấu trúc và tính đa văn hóa của một khu vực phát triển với những nghệ sĩ tài danh nhất. Hành trình châu Âu sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời của công chúng TP Hồ Chí Minh khi đến với đại tiệc “Giai điệu mùa thu” 2017.

Một điều thú vị nữa là, tác phẩm “Ride of the Valkyries” của Richard Wagner, trích opera “Walküre” (Nữ chiến binh) là tác phẩm thứ hai trong chùm 4 vở opera “Der Ring des Nibelungen” (Chiếc nhẫn của người Nibelung), cũng sẽ được trình diễn trong chương trình nghệ thuật “Giai điệu mùa thu”. Đây là tác phẩm được lấy cảm hứng từ bộ phim “Ngày tận thế” (Apocalypse Now) của đạo diễn Francis F. Coppola. “Ngày tận thế” là một trong những phim hay nhất của mọi thời đại tái hiện về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Có thể nói, Liên hoan “Giai điệu mùa thu” là cống hiến của những nghệ sĩ tài năng nhất trên cả nước trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm. Là cơ hội để khán giả tiếp cận, thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời nhất, thêm tự hào về những nghệ sĩ hàn lâm trong nước và ghi nhận các nỗ lực tự làm mới bản thân của họ trong việc giao lưu, phối hợp ngang tầm đẳng cấp với các nghệ sĩ biểu diễn hàn lâm nổi tiếng thế giới. 

Khái niệm “kinh điển”, “hàn lâm” từ lâu được đóng trong một bộ khung “cứng” của những khuôn mẫu, như những nốt nhạc và ký hiệu trên dòng kẻ. Nhưng chính những người nghệ sĩ tài năng sẽ khiến cho các khuôn mẫu đó tan biến đi, thay vào đó là tràn ngập vẻ đẹp của âm thanh, của trí tưởng tượng, của tình yêu dành cho âm nhạc và cuộc đời. Họ mang đến sự giàu có trong cảm nhận của công chúng, giúp công chúng nhìn ra vẻ đẹp diệu kỳ của âm nhạc. 

Bởi vậy, có thể thấy, Liên hoan “Giai điệu mùa thu” lần này không chỉ dừng lại ở những chương trình thuần túy làm phong phú hơn đời sống thưởng thức và tinh thần của công chúng  mà còn là một sự giao lưu văn hóa đa phương. Ngoài ra còn là một sự thay đổi tích cực trong tư duy tuyển chọn tác phẩm, cùng với đó là khả năng hợp tác cũng như cách mời gọi công chúng vào sâu hơn những trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật theo chiều sâu…

Mỹ Vân
.
.
.