Bóng đá Hải Phòng, Quảng Ninh và cú trượt dài

Thứ Tư, 02/12/2020, 10:12
Từng là địa phương sở hữu các CLB thế lực một thời của bóng đá Việt Nam, nhưng giờ đây Hải Phòng và Quảng Ninh đều đang loay hoay tìm hướng phát triển bóng đá trong tương lai. Không có tầm nhìn dài hạn, đầu tư theo cảm hứng,... khiến cho trận derby máu lửa ngày nào của vùng Đông Bắc càng ngày càng đìu hiu cả trên sân cỏ lẫn khán đài.

CLB Hải Phòng, tiền đã đi về đâu?

Kể từ ngày trở lại đấu trường V.League, CLB Hải Phòng thực sự là một hiện tượng với những thành tích đáng nể và độ chịu chơi của người làm bóng đá. Ở thời kỳ đỉnh cao, họ sẵn sàng chi tiền tỷ để chiêu mộ nhà vô địch World Cup Denilson về với Lạch Tray. Mặc dù cầu thủ từng có giá trị chuyển nhượng cao nhất thế giới chỉ thi đấu đúng 1 trận, hiệu ứng anh tạo ra ở V.League đến giờ vẫn không hề phai mờ.

Trong trận đấu giữa Hải Phòng và Hoàng Anh Gia Lai, nơi Denilson để lại dấu ấn đẳng cấp thế giới bằng một pha sút phạt thành bàn ngay từ những phút đầu, giá vé chợ đen vào sân Lạch Tray hôm đó bị đội lên cả triệu đồng. Chỉ có người Hải Phòng cùng độ chịu chơi vượt ngoài những quy luật thông thường mới biến một trận đấu ở V.League được chú ý hơn cả đội tuyển quốc gia. Mỗi trận đấu của Hải Phòng hồi đó đều là một ngày hội rực rỡ sắc màu.

Bóng đá Hải Phòng chỉ là cái bóng của chính họ với cách chi tiêu thiếu bài bản.

Bóng đá Hải Phòng giờ không còn chịu chơi như thời họ đưa Denilson về sân Lạch Tray, nhưng quy mô đầu tư vẫn còn khá lớn. Hải Phòng chính là địa phương chi ngân sách nhiều nhất cho phát triển bóng đá với số tiền xấp xỉ 230 tỷ đồng trong 5 năm qua. Khi biết đến con số khổng lồ này, hẳn nhiều người sẽ giật mình nghĩ xem tiền của thành phố đã đi đâu trong nửa thập kỷ.

Sau ngôi Á quân giành được tại V.League 2016, bóng đá Hải Phòng tụt dốc không phanh. Hai mùa giải gần nhất, họ đều nằm ở nhóm cuối trên bảng xếp hạng V.League và giành quyền trụ hạng ngay trước khi V.League khép lại. Số tiền Hải Phòng dành cho bóng đá không hề giảm theo từng năm nhưng thành tích lại ngày một kém đi. Họ không còn là điểm đến của những ngôi sao hàng đầu nữa, mà chỉ cố gắng tập hợp "hàng dạt" từ các CLB khác.

Bây giờ CLB Hải Phòng chính là CLB Việt Nam duy nhất "ba không": Không cơ sở vật chất, không tuyến trẻ, không ký hợp đồng dài hạn với cầu thủ nội. Một phần ba đội hình Hải Phòng bây giờ là quân đi mượn từ những CLB khác chứ không phải sản phẩm CLB tự đào tạo. Cái nôi một thời của bóng đá Đông Bắc giờ chỉ còn là cái bóng của chính họ ngày nào, khi có nguy cơ bị loại khỏi V.League vì nhiều năm liên tục không đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu để tham dự giải đấu.

CLB Quảng Ninh- "tay chơi" hết tiền

Năm 2020 chưa khép lại, những người hâm mộ bóng đá Quảng Ninh đã liên tiếp phải chứng kiến những thông tin không vui. Đầu tiên là việc thủ môn Huỳnh Tuấn Linh rời đội bóng quê hương để đầu quân cho Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Trước ngày chính thức nói lời chia tay đội bóng cũ, tuyển thủ quốc gia này còn thẳng thừng nói "là cầu thủ chuyên nghiệp phải biết ăn cây nào rào cây ấy".

CLB Quảng Ninh từng là một trong những đội bóng có tiềm lực tài chính tốt nhất ở V.League với nguồn đóng góp từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Phạm Thanh Hùng. Năm 2016, họ từng chịu chi đến mức tính tới phương án mời HLV Toshiya Miura về dẫn dắt cùng mức lương 20.000 USD/tháng, cũng như treo thưởng điện thoại iPhone đời mới nhất cho cầu thủ ghi bàn mở tỷ số mỗi trận.

Đáng tiếc là cách chi tiêu đó không tồn tại được lâu, nhất là khi tình hình tài chính ở những nguồn tài trợ cho CLB Quảng Ninh gặp khó khăn. Năm 2018, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam từng khiến CLB điêu đứng khi chậm giải ngân gói tài trợ trị giá 35 tỷ đồng. Những người bi quan ngày ấy từng nghĩ tới viễn cảnh CLB Quảng Ninh giải thể vì không có tiền, may mắn là những người làm bóng đá đã giải cứu kịp thời.

Nhưng đến năm 2020, kịch bản chậm tiền, nợ lương một lần nữa xảy ra với đội bóng đất Mỏ. CLB chậm giải ngân 40 tỷ, khiến các cầu thủ 4 tháng không có lương. 2 năm trước khó khăn về tài chính khiến CLB Quảng Ninh mất Vũ Minh Tuấn, và bây giờ gánh nặng cơm áo gạo tiền lại khiến họ phải chia tay Huỳnh Tuấn Linh. 2 biểu tượng của bóng đá Quảng Ninh ra đi, kéo theo sự dao động trong suy nghĩ hàng loạt cầu thủ còn ở lại.

Hết tiền, Quảng Ninh lập tức mất hàng loạt trụ cột.

Tuấn Linh chỉ là 1 trong 4 trụ cột nói lời chia tay CLB Quảng Ninh khi mùa giải 2020 khép lại, và danh sách đó có thể kéo dài thêm. Phan Đình Vũ Hải và Jermie Lynch trở lại CLB Hải Phòng sau 1 năm cho mượn càng khiến cho HLV Phan Thanh Hùng gặp khó trong công tác nhân sự. Ông phải tính đến phương án tậu mới thủ môn và tiền đạo trong bối cảnh những lựa chọn tốt nhất ở mùa giải trước đều đã ra đi.

Ở cuộc giải cứu CLB Quảng Ninh lần 1, người hâm mộ bóng đá đất Mỏ đã chứng kiến hình ảnh người hùng từ Chủ tịch Phạm Thanh Hùng. Tuy nhiên ở lần thứ 2, ông gần như biến mất. Gần 10 ngày qua, không một ai biết ông bầu quyền lực này đang ở đâu cả. Giữa vô vàn khó khăn ở thời buổi thóc cao gạo kém, CLB Quảng Ninh không còn một bệ đỡ nào chắc chắn để giúp họ trỗi dậy lần nữa.

Tình cảm keo sơn

Tín hiệu tích cực duy nhất của bóng đá Đông Bắc Bộ là tình cảm không hề nhạt phai giữa bóng đá Hải Phòng và Quảng Ninh. Họ từng có những bất đồng trên sân cỏ, trên khán đài; nhưng cuối cùng tất cả vẫn dành cho nhau sự tôn trọng nhất định. Đó là điều tất yếu, bởi từ lâu Hải Phòng và Quảng Ninh đã là hai thực thể không thể tách biệt trên hành trình phát triển bóng đá.

Nguyễn Minh Châu, sản phẩm xuất sắc nhất của bóng đá Hải Phòng, nhà vô địch AFF Cup 2008 là người Quảng Ninh. Khi CLB Quảng Ninh còn loay hoay ở giải hạng Nhất, không ít lần CLB Hải Phòng đưa cầu thủ đến "cứu viện" theo dạng cho mượn để giúp đỡ người anh em vượt qua khó khăn. Đến mùa giải 2020, CLB Hải Phòng dù không đảm bảo chiều sâu về mặt lực lượng vẫn cho CLB Quảng Ninh mượn bộ ba Vũ Hải, Fagan, Jermie Lynch để tranh tài tại AFC Cup.

Hà Nam chỉ muốn phát triển bóng đá nữ.

Thương vụ đầy tranh cãi của CLB Quảng Ninh khi cho CLB Hải Phòng mượn Hồng Quân, Xuân Tú, cũng như trả lại Fagan giữa mùa giải phần nào cũng chỉ là hành động nhân nghĩa. Màn đáp lễ có phần khó hiểu đó của bóng đá Quảng Ninh có thể khiến người hâm mộ phật lòng, nhưng lại rất logic giống như câu chuyện ăn khế trả vàng, CLB Quảng Ninh từng được CLB Hải Phòng giúp đỡ những lúc khó khăn nhất, thế nên họ cần hành động khi người anh em lên tiếng.

Tuy nhiên, cách phát triển bóng đá theo kiểu vá chằng vá đụp của Hải Phòng và Quảng Ninh không thể tồn tại lâu. Những phương án cho mượn người đầy khó hiểu có thể duy trì trong một vài mùa giải, nhưng sẽ tàn lụi khi cả hai phải tìm cách tự cứu lấy mình. Quảng Ninh cần khôn khéo hơn trong cách tìm nguồn thu, và Hải Phòng chắc chắn phải biết dùng tiền hợp lý và bài bản nếu không muốn làm lại từ đầu.

Nếu không tính Hà Nội, ngoài Hải Phòng và Quảng Ninh, chỉ còn Nam Định là địa phương hiếm hoi có đội bóng tranh tài ở V.League, và họ cũng đang phải vật lộn với cuộc chiến chống xuống hạng suốt vài năm qua. Ninh Bình từng có một thời vang bóng khi chi tiêu ồ ạt lên chơi ở V.League, nhưng giọt nước tràn ly mang tên bán độ khiến SVĐ tỉnh bây giờ chỉ còn là nơi người dân lùa bò vào gặm cỏ.

Tín hiệu khởi sắc hiếm hoi thời gian gần đây là việc Phú Thọ thành lập đội bóng và đặt mục tiêu thăng hạng lên V.League. Tuy nhiên với nòng cốt chỉ là đội trẻ của CLB Hà Nội được bầu Hiển "tặng" và chuyển giao cho một địa phương khác, rõ ràng việc những người làm bóng đá Phú Thọ có thực sự nghĩ đến việc phát triển bóng đá dài hạn hay không vẫn là câu hỏi không có lời giải. Họ có thể thăng hoa như Hà Tĩnh, nhưng cũng có thể trầy trật ở hạng dưới trong nhiều năm.

Những địa phương như Hà Nam và Thái Nguyên, vốn có truyền thống phát triển bóng đá nữ, dường như không mặn mà với việc lấn sân sang bóng đá nam. Đây có vẻ là một lựa chọn khôn ngoan bởi bóng đá nam sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của mà thành tích lại không được đảm bảo, giống như câu chuyện của Hải Phòng. Ngoài ra, nguồn ngân sách eo hẹp cũng là nguyên nhân khiến họ không muốn cạnh tranh với các địa phương khác. Đội bóng nữ của Hà Nam và Thái Nguyên thực ra cũng không hề dư dả.

Đơn Ca
.
.
.