Công Phượng và bài học xuất ngoại

Thứ Bảy, 22/06/2019, 19:07
Tiền đạo Công Phượng sẽ trở thành cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thi đấu nhiều nhất nếu thử việc thành công ở Pháp. Thế nhưng, sau mỗi chuyến đi của Công Phượng đều để lại những bài học lớn.


Công Phượng đi nước ngoài… học đá bóng

Tiền đạo Công Phượng bắt đầu chuyến xuất ngoại đầu tiên vào năm 2015 khi đầu quân cho CLB Mito Hollyhock ở J.League 2 theo bản hợp đồng cho mượn 1 năm. Đó là quãng thời gian mà Hoàng Anh Gia Lai đã cùng lúc cho cả 3 cầu thủ xuất ngoại thi đấu là Công Phượng, Xuân Trường và Tuấn Anh. Đấy là những chuyến đi được đặt nhiều kỳ vọng, chính bầu Đức cũng mong muốn những "gà nòi" của mình sẽ trở thành nhân tố xuất sắc để cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

Công Phượng ra mắt tại Incheon United. Ảnh Incheon United

Tuy nhiên, tất cả những gì mà người hâm mộ nhớ về Công Phượng trong chuyến xuất ngoại đầu tiên là hình ảnh anh đi phát tờ rơi trên phố. Rất nhiều cổ động viên giả Việt Nam thời điểm đó sốc khi thấy hình ảnh đó. Công Phượng đã cùng một số đồng đội trong trang phục áo đấu truyền thống của CLB Mito Hollyhock xuất hiện với nụ cười rất thân thiện và phát những tờ rơi thông tin vê đội nhà cho người hâm mộ. Tuy nhiên điều này được xem là văn hoá ở môi trường Mito.

Không giống ở Việt Nam, tại Nhật Bản, các cầu thủ ngoài luyện tập, thi đấu còn tham gia rất nhiều hoạt động bên ngoài sân cỏ của CLB cũng như các hoạt động xã hội để gắn kết với cộng đồng. Với các cầu thủ Nhật Bản, chuyện đi phát tờ rơi như vậy là điều rất bình thường. Công việc này thường diễn ra trước mỗi trận đấu của đội nhà.  Nhưng chỉ có điều, với Công Phượng thì đó lại dấu ấn không quá đáng nhớ trong quãng thời gian ở Nhật khi so sánh với yếu tố chuyên môn.

Công Phượng sang Nhật Bản thi đấu cho CLB Mito Hollyhock với bản hợp đồng cho mượn 1 năm nhưng anh ít được thi đấu mà nổi tiếng từ những hoạt động quảng cáo, là nguồn thu hút quảng cáo cho đội bóng. Thậm chí, với tư cách là Đại sứ giao lưu của tỉnh Ibaraki, Công Phượng còn làm cầu nối về các lĩnh vực kinh tế, du lịch giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản. Chính vì vậy mà dù không đóng góp nhiều về chuyên môn nhưng Công Phượng vẫn được phía đội bóng Nhật Bản đề nghị gia hạn hợp đồng sau khi thời hạn 1  năm kết thúc.  

Bài học trong chuyến xuất ngoại đầu tiên mà Công Phượng nhận được chính là từ ghế dự bị và những lần… đi phát tờ rơi trên phố. Nhưng cũng chính quãng thời gian ở Nhật, được tập luyện trong môi trường chuyên nghiệp đã giúp Công Phượng trưởng thành hơn rất nhiều.

Môi trường bóng đá Nhật Bản với những điều kiện ăn tập ở một tầm cao hơn so với Việt Nam đã khiến cầu thủ này ấn tượng. Khi kết thúc chuyến đi "du học" Nhật Bản, Công Phượng vẫn chia sẻ rằng nếu có cơ hội vẫn muốn được ra nước ngoài thi đấu. Anh nói rằng điều mà bản thân học hỏi từ các nền bóng đá phát triển chính là từ tính chuyên nghiệp và đẳng cấp cao. Đó sẽ là cơ hội để phát triển bản thân mà không phải cầu thủ nào cũng có được.

Công Phượng trở lại Việt Nam và có 2 mùa giải thi đấu tại V.League 2017 và 2018 cho Hoàng Anh Gia Lai. Đặc biệt, sau quãng thời gian thăng hoa cùng U23 và đội tuyển quốc gia, Công Phượng có chuyến xuất ngoại thứ 2 khi gia nhập CLB Incheon United của Hàn Quốc với bản hợp đồng cho mượn có thời hạn một năm ở mùa giải 2019.

Thêm một chuyến thử thách nữa mà bản thân cả Hoàng Anh Gia Lai và Công Phượng đều bày tỏ quan điểm đi để chứng minh giá trị chứ không còn là để "du học" như lần đầu tiên nữa. Công Phượng đã bước sang tuổi 24, và tất cả đều hiểu rằng,  anh không còn trẻ để thất bại nữa.

Công Phượng, Xuân Trường là những cầu thủ đã có 2 lần xuất ngoại. Ảnh: Hữu Phạm.

Thế nhưng, Hàn Quốc vẫn không phải là miền đất hứa cho Công Phượng, sau một thời gian thi đấu cho Incheon, tiền đạo của Hoàng Anh Gia Lai đã không có đất diễn. Anh không thể hiện được nhiều tại K.League dù xuất hiện trong đội hình Incheon khá đều đặn. Do đó mà Phượng đã sớm kết thúc hợp đồng với Incheon, trở lại Việt Nam chuẩn bị cho thử thách mới vào đầu tháng 6.

Theo lý giải của ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn CLB Hoàng Anh Gia Lai thì: "Mùa này Incheon đã thay đến ba HLV trưởng, tất nhiên lối chơi của đội cũng thay đổi khi có thuyền trưởng mới.

Sự thay đổi này đã kéo theo những khó khăn nhất định về triết lý, về chiến thuật khiến cho Công Phượng không thể thích nghi được. Từ đó, lãnh đạo CLB Incheon đã trao đổi với chúng tôi và Công Phượng để thanh lý hợp đồng sớm. Đó là giải pháp tốt cho cả đôi bên". 

Bây giờ, Công Phượng đang đứng trước cơ hội thi đấu tại giải hạng 2 của Pháp. Đó là một thử thách tuyệt vời khi Châu Âu luôn là điểm đến mơ ước của mọi cầu thủ. Thế nhưng, hành trình xuất ngoại là câu chuyện mà cho đến thời điểm này vẫn mang tính phiêu lưu nhiều hơn thiết thực. Và chắc chắn sẽ không có chỗ cho những thử nghiệm khi Công Phượng cũng không còn trẻ để chỉ là cầu thủ gắn với hai từ "kỳ vọng"

Bài học của Xuân Nam

Nguyễn Xuân Nam là một trong ít những cầu thủ Việt Nam xuất ngoại thành công. Tiền đạo sinh năm 1994 trưởng thành từ lò đào tạo của CLB Hà Nội, từng là vua phá lưới giải U19 Đông Nam Á trong màu áo U19 Việt Nam. Xuân Nam là cầu thủ cùng thế hệ với Quế Ngọc Hải, Đặng Văn Lâm…

Mùa giải 2015, Xuân Nam được bầu Hiển chi viện cho đội SHB Vientiane tham dự giải Lào League, anh ghi 14 bàn thắng và giúp đội bóng đứng hạng 3 chung cuộc. Xuân Nam được xem như ngôi sao ở giải vô địch quốc gia Lào.

Nam từng chia sẻ rằng, chấp nhận sang Lào thi đấu với mục đích thể hiện mình để sớm trở lại Việt Nam. Bởi được chơi bóng ở V.League và khoác áo ĐTQG là mục tiêu của anh. Với phong độ ấn tượng, Nam được CLB Hà Nội đưa  trở lại V.League 2016.

Tuy nhiên, với việc không thể cạnh tranh vị trí đã khiến Xuân Nam thường xuyên ngồi sự bị và phải thi đấu trái vị trí sở trường. Đến mùa giải 2017 được cho CLB Sài Gòn mượn và mùa giải 2018 thì anh không còn là chính mình. Thậm chí Xuân Nam còn phải vật lộn với những chấn thương khiến tương lai của cầu thủ gốc Hải Dương trở nên mù mịt.

Xuân Nam chỉ thực sự tìm lại được phong độ ở mùa giải 2019 khi đầu quân cho CLB Phố Hiến thi đấu tại hạng Nhất Quốc gia. Đó là khoảng thời gian nhen nhóm lại những hy vọng mới trong sự nghiệp của Xuân Nam. Đó là điều mà anh đã phải rất khó khăn mới có thể nắm bắt trở lại sau quãng thời gian thi đấu tại Lào.

Công Phượng phát tờ rơi trong thời gian thi đấu tại Nhật Bản. Ảnh: Mito

Câu chuyện của Xuân Nam chỉ ra một điều rằng, cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể thành công ở môi trường bóng đá nước ngoài. Tuy nhiên, ở đây là những môi trường bóng đá phù hợp chứ không phải vươn tới những đội bóng quá tầm.

Chính chúng ta cần phải nhận thức rõ điều này và biết giá trị của cầu thủ Việt Nam đang ở trình độ nào. Công Phượng và những cầu thủ Việt Nam xuất ngoại chưa thể thành công một phần chính là việc cầu thủ của chúng ta chưa thể đáp ứng được cả vấn đề chuyên môn và thể lực ở các môi trường bóng đá đỉnh cao.

Cầu thủ Việt đã đủ tầm?

Thực tế, sau những thành công lớn của bóng đá Việt Nam năm 2018, nhiều tuyển thủ quốc gia đã lọt vào tầm ngắm của các đội bóng nước ngoài ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… CLB Hà Nội từng công bố Quang Hải, Văn Hậu cũng không ít lần nhận được những lời mời hấp dẫn.

Thế nhưng, câu chuyện về cầu thủ Việt Nam xuất ngoại vẫn là đề tài đã được bàn đến rất nhiều. Bởi chính giới chuyên môn cũng nhận định rằng  cầu thủ Việt Nam chưa đủ tầm để thi đấu thành công.

Lê Huỳnh Đức từng sang Trung Quốc, Công Vinh đến Nhật, gần đây là Xuân Trường sang Hàn Quốc, Công Phượng, Tuấn Anh thi đấu tại Nhật Bản. Kết quả của các chuyến xuất ngoại đó đều chỉ mang giá trị quảng bá hình ảnh, thương mại nhiều hơn là chuyên môn. Chính vì thế mà mọi lời mời đến từ nước ngoài ở thời điểm hiện tại đều bị đặt trong sự hoài nghi.

Hay như gần đây, Văn Lâm và Xuân Trường sang đầu quân cho bóng Thái Lan, thế nhưng các cầu thủ thuộc top đầu của chúng ta vẫn chưa thể hiện được giá trị. Thậm chí Xuân Trường không thường xuyên được đá chính trong màu áo Buriram.

HLV Park Hang-seo từng chia sẻ rằng, muốn có một ĐTQG tốt phải có giải đấu trong nước chất lượng. Thế nhưng, thực tế nhìn vào V.League thì vẫn là sân khấu chính của các ngoại binh. Ông Park đã chỉ ra rằng, việc các đội bóng được phép đăng ký ngoại binh quá nhiều sẽ triệt tiêu cơ hội và sự phát triển của cầu thủ Việt Nam.

Bởi chúng ta không giống với các nền bóng đá phát triển khác trên thế giới, cầu thủ có thể xuất ngoại thi đấu và giải trong nước cũng đón những ngoại binh đến thi đấu như ở Châu Âu. Bởi lẽ, cầu thủ của chúng ta chưa đạt đến đẳng cấp tương tự với các ngoại binh đến với V.League, hơn nữa số lượng cầu thủ xuất ngoại thi đấu có chất của chúng ta cũng không có nên việc cần tạo điều kiện để các cầu thủ nội được ra sân.

Do đó khi tập trung các ĐTQG, chúng ta cần quãng thời gian dài để chuẩn bị chứ không thể tập trung 3-4 ngày có thể thi đấu. Điều này xuất phát từ chính việc các cầu thủ không được thi đấu thường xuyên và khoảng cách về trình độ xa nhau. HLV Park Hang-seo từng rất đau đầu về điều này khi lựa chọn các cầu thủ lên tuyển.

Bóng đá Việt Nam dù đã có được những thành công nhất định thời gian qua ở cả đấu trường khu vực và châu lục nhưng nền bóng đá của chúng ta, cụ thể là giải vô địch quốc gia vẫn không thể được xếp chung mâm với Thái Lan.

Còn với Nhật Bản và Hàn Quốc thì lại là một khoảng cách xa. Thế nên, cầu thủ Việt Nam muốn bắt nhịp với các giải đấu có đẳng cấp thì không phải chuyện dễ dàng.  Và câu chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt vẫn là một hành trình chưa thể rẽ lối đến những thành công.

Hưng Hà
.
.
.