Làm nghệ thuật cũng phải biết chấp hành pháp luật

Thứ Hai, 30/09/2019, 07:21
Mọi hoạt động của con người dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng không thể vượt ra ngoài những quy định của pháp luật. Trong sáng tạo nghệ thuật cũng vậy, quốc gia nào cũng có những quy định ràng buộc mà người làm nghệ thuật phải tuân thủ. Ở ta, rất tiếc thói quen “ăn xổi ở thì”, làm trước báo cáo sau vẫn còn trong tâm lý của nhiều đơn vị, cá nhân sáng tạo nghệ thuật.


Câu chuyện Công ty HK Film phải ngậm ngùi rút phim “Ròm” khỏi Liên hoan phim Busan những ngày qua gây xôn xao giới điện ảnh là một ví dụ cho thấy, chỉ vì thái độ xem thường những quy định của pháp luật mà nhà sản xuất đã tự đánh mất đi cơ hội của mình ở một đấu trường quốc tế uy tín.

Chưa được cấp giấy phép đã "mang phim đi đấm xứ người"

Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới đây đã phát đi thông báo về việc bộ phim “Ròm” đã vi phạm Luật Điện ảnh khi tự ý gửi sản phẩm của mình tới đăng ký Liên hoan phim Busan trong khi phim chưa hề được cấp giấy phép. Thông báo cho hay, bộ phim mới chỉ qua lần duyệt đầu tiên của Cục Điện ảnh và được đơn vị chủ quản đề nghị chỉnh sửa nhiều nội dung, chi tiết trong đó.

Phim “Vợ ba” phải dừng công chiếu trong nước vì đã sử dụng diễn viên 13 tuổi vào những cảnh quay nhạy cảm.

Tuy nhiên, nhà sản xuất chưa gửi lại bản chỉnh sửa cho Cục, vì vậy, giấy phép lưu hành, phổ biến phim này tại Việt Nam chưa được cấp. Trong khi đó, nhà sản xuất đã tự tiện gửi bản phim chưa chỉnh sửa đến Ban tổ chức Liên hoan phim Busan và trong thông báo chính thức của Ban tổ chức Liên hoan phim này, “Ròm” sẽ tranh giải ở hạng mục “Xu hướng mới” (New Currents).

Hồi đầu tháng 9, truyền thông trong nước và quốc tế phát đi thông tin đề cập danh sách các bộ phim Việt sẽ có mặt “tranh tài” ở Busan từ ngày 3 đến ngày 12-10 sắp tới. Sau khi rà soát 7 bộ phim (dài và ngắn) và 3 dự án điện ảnh Việt Nam tham gia, Cục Điện ảnh đã yêu cầu nhà sản xuất phim “Ròm” dừng kế hoạch tham gia Liên hoan phim Busan vì những sai phạm của họ.

Liên hoan phim Busan là một Liên hoan có đẳng cấp hàng đầu ở châu Á. Trong hệ thống các hạng mục tranh tài của Liên hoan thì “New Currents”  là hạng mục rất quan trọng, nhằm phát hiện và tôn vinh những nhà làm phim mới có phim đầu tay hoặc phim thứ 2 đạt chất lượng tốt.

Phim “Ròm” là của đạo đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy (Trần Dũng Thanh Huy) - một bộ phim được chính tác giả phát triển từ một bộ phim ngắn gây ấn tượng của mình đã từng được chiếu tại Liên hoan phim Cannes có tên “16h30”.

Trần Thanh Huy được đánh giá là một đạo diễn rất tiềm năng. Phim ngắn đầu tay của anh đã từng giành giải thưởng “Trái tim trẻ” của kênh YxineFF2012, “Cánh diều vàng” cho phim ngắn 2012. Trần Thanh Huy đã dành 7 năm để hoàn thành dự án phim “Ròm” và việc bộ phim phải dừng cuộc chơi tại Liên hoan phim Busan lần này quả thực rất đáng tiếc. Trước thềm Liên hoan phim, công chúng yêu điện ảnh Việt còn bày tỏ hy vọng “Ròm” thể “làm nên chuyện”.

Việc xuất hiện thêm những gương mặt đạo diễn trẻ trong các hạng mục chính thức của một Liên hoan phim danh giá trong khu vực  còn là điểm sáng cho điện ảnh Việt trong năm, đồng thời là nguồn động viên, cổ vũ, khích lệ những nhà làm phim trẻ, những tài năng mới của điện ảnh Việt.

Đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy đã từng mang phim ngắn đến Liên hoan phim Cannes và gây được tiếng vang, nhưng lần này, phim của anh không thể đến Liên hoan phim Busan.

Chỉ vì một sơ sểnh, xem nhẹ những quy định của pháp luật, Nhà sản xuất và đạo diễn đã để tuột mất cơ hội được góp mặt trong một cuộc chơi lớn của điện ảnh châu Á, rất đáng tiếc.

Điều 41 được sửa đổi, bổ sung của Luật Điện ảnh đã quy định rõ, những phim tham dự liên hoan phim phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh, hoặc phải có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.

Việc nhà sản xuất gửi tác phẩm dự thi tham dự Liên hoan phim quốc tế khi phim chưa được cấp giấy phép phổ biến phim tại Việt Nam là sai luật. Không chỉ trong Luật Điện ảnh, mà ngay cả trong nghị định số 158/2013/ NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo cũng ghi rõ: “Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “Phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh truyền hình”.

Sáng tạo nghệ thuật trong khuôn khổ pháp luật

Phim “Ròm” hiện vẫn chưa được chỉnh sửa để cấp phép phổ biến và chắc chắn không thể quay lại Liên hoan phim Busan ở thời điểm chỉ còn ít ngày nữa là khai mạc. Nhà sản xuất rút phim khỏi cuộc đua tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế và cam kết sẽ chỉnh sửa trong thời gian tới để được Cục Điện ảnh cấp giấy phép phổ biến phim theo đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo thông tin từ Cục Điện ảnh, nhà sản xuất phim “Ròm” còn vi phạm thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL hướng dẫn liên quan thủ tục hành chính về việc nhà sản xuất có quốc tịch nước ngoài nhưng không đưa kịch bản thẩm định.

Với phim “Ròm”, tên nhà sản xuất được giới thiệu trên trang web của Liên hoan phim Busan là Trần Anh Hùng (mang quốc tịch Pháp). Chắc chắn nhà sản xuất sẽ phải chịu “án phạt” thêm từ sai phạm không đáng có này nữa. Đây là một bài học đắt giá cho việc không chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật của những người làm nghệ thuật nói chung và những nhà làm phim nói riêng.

Người đẹp Nguyễn Thị Thành (ngoài cùng bên trái) tham dự cuộc thi Hoa hậu sinh thái toàn cầu 2017, nhưng là thí sinh thi chui.

Nhìn vào đời sống nghệ thuật trong nước những năm qua có thể thấy, việc xem thường hay phớt lờ các quy định của pháp luật vẫn khá phổ biến trong tâm lý của nhiều nhà sản xuất, bầu sô.

Không ít ví dụ cho thấy, nhiều tổ chức cá nhân cố tình vi phạm các quy định về biểu diễn, công bố, phổ biến các tác phẩm cũng như các chương trình nghệ thuật khi chưa được cơ quan quản lý đồng ý cấp phép. Nổi lên nhiều nhất là việc mang người đẹp đi thi chui các cuộc thi người đẹp quốc tế.

Thống kê trong vài năm qua, có tới hàng chục người đẹp tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế bằng con đường không chính thức, không được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép đã phải chịu án phạt hành chính, thậm chí bị tước danh hiệu.

Vụ việc Á khôi cuộc thi Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 mặc dù bị tước danh hiệu trước đó vì vướng phải xì căng đan phẫu thuật thẩm mỹ vẫn cố tình đến Ai Cập tham gia cuộc thi Miss Eco Internationnal hay trước đó, người mẫu Huỳnh Thúy Vy tự ý sang Mỹ tham gia cuộc thi Hoa hậu cộng đồng người Việt mà không được cơ quan quản lý cấp phép tham dự là một vài trong rất nhiều ví dụ về nạn thi người đẹp quốc tế chui đau đầu các nhà quản lý. 

Trong lĩnh vực ca nhạc, không ít chương trình được tổ chức mà bỏ qua việc xin giấy phép của Cục Nghệ thuật - Biểu diễn, nhất là một số các chương trình tổ chức ở địa phương. Giữa năm 2015, một nam sinh tử vong do bị điện giật khi đang tham gia một lễ hội không được cấp phép ở Hải Phòng.

Đầu năm 2017, một lễ hội lớn có tên “Lễ hội hoa hồng Bulgaria” đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vì tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật không nằm trong kế hoạch đã xin phép cơ quan có thẩm quyền…

Trong lĩnh vực điện ảnh, sự kiện gần đây nhất là bộ phim “Vợ ba” buộc phải dừng công chiếu trong nước vì đã có hành vi vi phạm Luật Trẻ em, để một diễn viên 13 tuổi tham gia một số cảnh quay nhạy cảm.

Đây là một bộ phim đã từng gây tiếng vang ở nước ngoài, đoạt giải thưởng tại một số liên hoan phim quốc tế, được giới phê bình khen ngợi về chất lượng nghệ thuật nhưng đáng tiếc là nhà sản xuất đã không xem xét cụ thể các quy định của pháp luật hiện hành trong việc lựa chọn sử dụng diễn viên. Dừng công chiếu trong nước là cái giá quá đắt mà các nhà làm phim phải trả, chỉ vì thái độ thiếu thượng tôn pháp luật.

Lý giải cho việc vẫn còn không ít người làm nghệ thuật xem thường các quy định pháp luật trong sáng tạo và phổ biến các chương trình hay tác phẩm nghệ thuật, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, chế tài xử phạt các hình thức vi phạm còn chưa đủ mạnh, chưa thật sự có tác dụng răn đe dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật. Thậm chí, một số tổ chức, cá nhân mặc dù biết mình vi phạm nhưng vẫn cố tình làm sai, chấp nhận nếu bị cơ quan chức năng “tuýt còi” thì nộp phạt, vì khoản phạt thường rất nhỏ chẳng thấm vào đâu.

Từ thực tế này, các cơ quan quản lý cần tăng cường chế tài xử phạt đối với những hiện tượng lách luật, coi nhẹ pháp luật để những người hoạt động nghệ thuật tự chấn chỉnh mình, nâng cao ý thức trong làm nghề.

Bởi xét cho cùng, dù sống ở quốc gia nào và sáng tạo ra sao, người hoạt động nghệ thuật, biểu diễn vẫn không thể vượt ra ngoài mọi quy định của pháp luật và các chuẩn mực văn hóa của cộng đồng. Chỉ khi chấp hành các quy định của pháp luật, họ mới được đảm bảo quyền lợi và tự do mang tiếng nói của mình đến với công chúng trong và ngoài nước. Để trong tương lai sẽ không còn những trường hợp đáng tiếc như vừa xảy ra với phim “Ròm”.

Bảo Bình
.
.
.