Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng Người chiến sĩ CAND

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang: Một sân chơi lớn, một sự chờ đợi đặc biệt

Thứ Hai, 20/07/2015, 10:00
Thực tế là công cuộc lôi kéo khán giả đến nhà hát hôm nay gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng có thể thấy, khán giả đến với Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND buổi nào cũng đầy ắp. Họ háo hức vì hai lý do. Thứ nhất, đây là cuộc tranh tài lớn của các nghệ sĩ sân khấu trong cả nước. Thứ hai, đề tài người chiến sĩ CAND là một đề tài hấp dẫn, quyến rũ trí tò mò của họ.

- Thưa đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, là người suốt đời làm sân khấu, tham dự rất nhiều kỳ hội diễn khác nhau, tâm thế của ông khi đến với Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần này ra sao?

Chúng ta thấy là sân khấu những năm gần đây phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt của nhiều loại hình giải trí khác. Trong cuộc cạnh tranh ấy, với những đặc thù riêng của mình, không phải lúc nào sân khấu cũng chiếm ưu thế. Thậm chí, người ta còn có cảm giác như sân khấu yếm thế hơn. Cũng dễ hiểu vì sân khấu không phải là thứ "mì ăn liền" phục vụ những thực khách hiện đại có thói quen ăn fast food.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang đang chỉ đạo vở diễn.

Một vở diễn sân khấu bao giờ cũng phải được đầu tư công phu, dàn dựng mất thời gian, và phải bao chứa những thông điệp về đời sống, mang hơi thở của thời cuộc. Người xem sân khấu cũng phải có một tâm thế riêng. Cho dù cuộc sống hàng ngày có bận rộn bao nhiêu, vội vã bao nhiêu, thì khi đến rạp hát xem một vở diễn, họ phải gạt bỏ những vội vã ấy. Nghĩa là phải dành thời gian cho vở diễn đó.

Người ta không thể xem một vở kịch ở nhà, lúc đang làm bếp, chăm con, hay trong phòng ngủ với một cái remote, như xem một bộ phim hay một chương trình truyền hình ăn khách. Người ta phải áo xống, phải di chuyển và phải ngồi xuống một cái ghế, khóc cười với người diễn viên bằng xương bằng thịt trên sân khấu.

Thực tế là công cuộc lôi kéo khán giả đến nhà hát hôm nay gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng có thể thấy, khán giả đến với Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND buổi nào cũng đầy ắp. Họ háo hức vì hai lý do. Thứ nhất, đây là cuộc tranh tài lớn của các nghệ sĩ sân khấu trong cả nước. Thứ hai, đề tài người chiến sĩ CAND là một đề tài hấp dẫn, quyến rũ trí tò mò của họ.

- Với riêng cá nhân ông thì sao?

Với một người làm sân khấu như tôi, mỗi kỳ hội diễn, liên hoan đều là một sự chờ đợi. Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân cũng cho tôi một cảm xúc chờ đợi đặc biệt, cảm xúc được đến một sân chơi lớn, nghiêm túc về nghề, được chứng kiến lao động nghệ thuật của nhiều anh em bạn bè nghệ sĩ tài năng của cả nước.

- Ông đến với hội diễn lần này bằng 2 vở kịch. Xét về khía cạnh đề tài, những vở diễn về hình tượng người chiến sĩ CAND có gì hấp dẫn ông, so với các đề tài khác?

Hai vở diễn tôi tham gia lần này là vở "Dư chấn" (Nhà hát kịch Việt Nam, tác giả kịch bản Xuân Đức), vở "Những người lính trận" (Nhà hát kịch nói Quân đội, tác giả Hà Đình Cẩn). Tôi không nói về nội dung các vở diễn, bởi mỗi khán giả xem vở diễn sẽ có một suy ngẫm riêng, một cảm nhận đánh giá riêng. Tôi chỉ nói chung về sức hấp dẫn của đề tài.

Gọi là đề tài người chiến sĩ CAND thì sẽ có khán giả cho rằng nó hơi khô cứng, hơi bó hẹp. Nhưng chính xác ra, nó là các vở diễn kể về những vụ án, những cuộc chiến đấu sống còn, không khoan nhượng giữa cái tốt và cái xấu, cái ác và cái thiện. Nó là cuộc đấu tranh đôi khi phải đánh đổi rất nhiều sự hy sinh, để gìn giữ và bảo vệ cái đẹp. Ngoại biên đó cực kỳ rộng lớn, là mỏ quặng để các nghệ sĩ khai thác và khám phá. Tôi chưa bao giờ nghĩ, làm việc, đối xử với những kịch bản sân khấu về hình tượng người Công an bó hẹp trong phạm vi đề tài. Tôi cũng quên luôn cái ý nghĩa đề tài.

Một cảnh trong vở “Không phải là vụ án” của Đoàn kịch nói CAND.

Tôi biết rằng, những vở diễn về hình tượng người Công an cũng là những vở diễn về cuộc đời, về đời sống mà chúng ta đang chứng kiến. Một vở diễn kể câu chuyện liên quan đến người Công an thì cũng là vở diễn kể chuyện con người, những vui buồn, thậm chí khắc nghiệt, mất mát liên quan đến số phận con người.

- Nhìn từ số lượng đoàn nghệ thuật tham gia, số lượng vở diễn và số lượng khán giả quan tâm, ông có thể so sánh một chút Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND với các liên hoan sân khấu khác?

Giới nghệ sĩ sân khấu vừa trải qua Hội diễn kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Thanh Hóa. Bạn cũng biết rồi, trên truyền thông đưa tin, phản ánh, số lượng đơn vị nghệ thuật tham gia Hội diễn không nhiều, không đầy đủ như kỳ vọng, nhất là các đoàn nghệ thuật ở khu vực phía Nam. Rồi các đoàn nghệ thuật xã hội hóa cũng không mặn mà. Cho thấy đang khuyết thiếu một sự quan tâm của nghệ sĩ với các hoạt động mang tính cạnh tranh, thi tài. Nhưng Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND thì khác hẳn. 20 đoàn nghệ thuật tham gia, có đoàn mang tới 2, thậm chí 3 vở diễn, như Nhà hát Tuổi trẻ. Nghĩa là các đoàn nghệ thuật không nhìn nhận đây là cuộc chơi cho vui, mà thực sự là một cuộc tranh tài, một cuộc giao lưu học hỏi lớn.

Cứ hình dung mà xem, một nhà hát họ chuẩn bị hai đến ba vở diễn để tham dự một cuộc liên hoan, nghĩa là họ phải nghĩ về cuộc thi này hàng năm trời trước đó, phải tìm kịch bản và bắt tay dàn dựng hàng năm trời. Thái độ đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của nghệ sĩ với liên hoan này, với đề tài này. Ở đây, còn phải nói đến công tác tổ chức chuyên nghiệp, đến thái độ ứng xử với sân khấu, với nghệ sĩ của Ban tổ chức.

Người nghệ sĩ nhạy cảm lắm, những nơi họ đến chơi đông, xôm tụ để thi tài phải là những nơi họ cảm nhận được vị thế của họ được tôn trọng, tài năng của họ được thể hiện. Nhìn vào danh sách các đoàn nghệ thuật, có thể thấy, Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND "điểm mặt" đầy đủ các đoàn nghệ thuật lớn của cả nước, trong đó có nhiều đoàn từ phía Nam và một số đoàn nghệ thuật xã hội hóa. Một bức tranh đầy đủ, đa dạng về sân khấu cả nước, ở nhiều thể loại khác nhau từ kịch nói đến chèo, cải lương...

- Theo ông, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng góp phần như thế nào vào việc xây dựng hình ảnh người Công an trong đời sống hiện đại vốn nhiều phức tạp và không ngừng chuyển động. Một người làm sân khấu lão luyện như ông, một cách thẳng thắn, ông thấy đề tài này đã được quan tâm đúng mực chưa?

Thực ra câu hỏi này quá rộng và dường như là quá tầm vị trí của tôi. Tôi chỉ là một người làm nghề, một đạo diễn. Dĩ nhiên, khi dựng một vở diễn, tôi chỉ quan tâm trước mắt tôi là một kịch bản hay hay không, dù nó ở đề tài nào. Câu chuyện phân biệt đề tài thực sự không phải là câu chuyện quan trọng. Nhưng từ góc nhìn của người làm nghề như tôi thì trong bất cứ ngành nghề lĩnh vực nào cũng vậy, nghệ thuật đóng vai trò cực kỳ quan trọng vào việc khám phá đời sống, công việc, tâm lý của con người trong đặc thù ngành nghề của mình.

Một cảnh trong vở “Trong mùa đông sẽ thấy nắng” của Nhà hát kịch Việt Nam.

Người chiến sĩ Công an làm việc trong những môi trường, điều kiện, phải nói là khắc nghiệt. Họ tiếp xúc nhiều với cái gọi là "mặt trái của xã hội". Họ là nhân vật trung tâm trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa cái ác và cái thiện. Những tên tội phạm ở xung quanh họ, và có cả những tên tội phạm ở trong lòng họ. Đó là khi họ phải vượt qua những cám dỗ, những ham muốn tầm thường, vượt qua những mưu cầu lợi ích cá nhân để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đẹp.

Tôi nhìn thấy, với người chiến sĩ CAND, cuộc chiến chống tội phạm đôi khi không đáng sợ bằng cuộc chiến với những khoảng tối đâu đó trong lòng họ. Là khi sự quyến rũ của tiền bạc, quyền lực, nhan sắc rình rập đưa họ vào những cạm bẫy, những lầm lạc. Thực tế có một số người đã gục ngã trước những quyến rũ ấy. Nghĩa là để vững vàng, người Công an phải có một bản lĩnh kiên cường, một tấm lòng tận tụy với nhân dân. Khó khăn họ đối mặt cam go hơn một số ngành nghề khác. Trong khi đó, không phải lúc nào, ở đâu, họ cũng được xã hội, quần chúng nhân dân hiểu đúng. Những thiên kiến không phải không còn.

Những tác phẩm nghệ thuật về hình ảnh người chiến sĩ CAND sẽ là cây cầu giúp công chúng hiểu hơn về công việc của người Công an. Đó không chỉ là công việc có vẻ lạnh lùng họ phải thực hiện, vì họ là những người thực thi công việc pháp luật, mà là những ẩn ức, những góc khuất  phía bên trong mỗi người, những vui buồn mất mát, thậm chí trả giá mà họ phải đi qua.

Chúng ta đã có không ít vở diễn sân khấu hay về đề tài người chiến sĩ CAND, nhưng theo tôi, số lượng đó vẫn chưa tương xứng với sự vạm vỡ, hấp dẫn của đề tài này. Những đạo diễn thế hệ chúng tôi thì gần như đã xong việc rồi. Tôi hy vọng, các đạo diễn trẻ, các nghệ sĩ trẻ sẽ tiếp tục kế cận, đến với đề tài này nhiều hơn, dành sự quan tâm thích đáng hơn cho những vở diễn kể chuyện người Công an và những cam go họ phải đối mặt trong đời sống. Thực sự đây là một đề tài hấp dẫn để người làm nghệ thuật đến khai thác, gieo trồng và gặt hái.

- Xin cảm ơn đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang!

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.