Đạo hay không đạo: Đâu phải chỉ một tiếng nói là xong!

Thứ Ba, 06/01/2015, 16:30
Vụ Sơn Tùng MTP cuối cùng vẫn chưa khép lại. Động thái mới nhất là một hội đồng thẩm định mới đã được thành lập dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của một cơ quan ngành Văn hoá để từ đó đưa ra phán quyết cuối cùng. Quan sát và xâu chuỗi toàn bộ vấn đề mới thấy, chuyện không nhỏ và không đơn giản chỉ là một cá nhân.

Khi Hội đồng thẩm định được thành lập bởi yêu cầu của Cục Bản quyền tác giả - bao gồm những tên tuổi của làng nhạc nhiều thế hệ như Trương Ngọc Ninh, Doãn Nho, Phó Đức Phương, Đỗ Bảo, Võ Việt Thanh v.v... đi đến quyết định cuối cùng: Sơn Tùng đạo nhạc thì cũng là lúc mọi chuyện lại bắt đầu rối hơn. Rồi một thông báo khác của Cục Nghệ thuật biểu diễn lại được đưa ra mặc dù cơ quan này không có chức năng thẩm định quyền tác giả cũng như những quyền liên quan đến tác giả và tác phẩm, cơ quan này thông tin rằng, phía đối tác Hàn Quốc cho biết Sơn Tùng không đạo nhạc. Cuộc chiến thực sự bắt đầu căng từ đây.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Sau khi có thông báo được đưa ra từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" do Sơn Tùng sáng tác và được sử dụng làm nhạc phim trong bộ phim "Chàng trai năm ấy" không đạo nhạc thì dư luận ngay lập tức tin rằng mọi chuyện đã khép lại và Sơn Tùng... trắng án. Thế nhưng, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh thông báo trên. Ai là người đã liên hệ với Hàn Quốc để có được e-mail chứng thực đó? Trong một bài trả lời phỏng vấn trước đó, đạo diễn Nguyễn Quang Huy cho biết, anh đã gửi đi cả hai văn bản để nhờ sự giám định của cơ quan quản lí - sở hữu ca khúc gốc thẩm định và đưa ra phán quyết cuối cùng từ chủ sở hữu. Vậy thì chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi" khi chính người liên quan đi làm cầu nối để... hoà giải.

Nội dung e-mail được ghi những gì? Điều này thì không ai được biết, ngoại trừ duy nhất Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nếu không ai được biết "mặt ngang mũi dọc" của văn bản đó (dạng văn bản không chính thức bởi nó chỉ là một thư điện tử - email) thì sự hồ nghi về tính xác thực của văn bản đó cũng là điều dễ hiểu. Càng thắc mắc thêm là Cục Nghệ thuật biểu diễn không có chức năng cũng như thẩm quyền và sự liên quan đến vụ việc lần này. Có liên quan trực tiếp phải là Cục Bản quyền tác giả (ca khúc) và Cục Điện ảnh (tác phẩm điện ảnh) vậy thì hà cớ gì Cục Nghệ thuật biểu diễn lại sốt sắng đến vậy?

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh giữ nguyên quan điểm Sơn Tùng đạo nhạc.

Nội dung e-mail được ghi những gì? Điều này thì không ai được biết, ngoại trừ duy nhất Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nếu không ai được biết "mặt ngang mũi dọc" của văn bản đó (dạng văn bản không chính thức bởi nó chỉ là một thư điện tử - email) thì sự hồ nghi về tính xác thực của văn bản đó cũng là điều dễ hiểu. Càng thắc mắc thêm là Cục Nghệ thuật biểu diễn không có chức năng cũng như thẩm quyền và sự liên quan đến vụ việc lần này. Có liên quan trực tiếp phải là Cục Bản quyền tác giả (ca khúc) và Cục Điện ảnh (tác phẩm điện ảnh) vậy thì hà cớ gì Cục Nghệ thuật biểu diễn lại sốt sắng đến vậy?

Rồi cũng từ đây, những thông tin liên quan sâu hơn đến bộ phim và ca khúc từ phía Hàn Quốc bắt đầu được khai thác một cách triệt để nhằm mục đích làm rõ ràng tính pháp lý của cái gọi là "văn bản chứng minh Sơn Tùng không đạo nhạc". Cụ thể như sau, công ty đại diện của CN Blue không đồng sản xuất phim nên không đồng sở hữu ca khúc "Because I Miss You" là OST của Heartstring mà tác phẩm này thuộc bản quyền của đài MBC, do đó, OST thuộc bản quyền của MBC. Vì thế việc Công ty FNC Entertainment lên tiếng không có tính pháp lý.

Ngoài việc cho rằng, phát ngôn của đại diện nhóm nhạc CN Blue không có cơ sở pháp lý, nhiều người cũng hoài nghi về việc chứng thực qua email khi người hâm mộ không được tận mắt xem văn bản chứng thực mà chỉ thấy nói bằng miệng trên báo chí. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng: "Tôi không biết công ty luật nào lại đi chứng thực qua bản dịch trên email. Mà đáng nghi ngờ ở đây, email viết những gì sao không thấy công bố, chỉ thấy nói bằng miệng trên báo thôi".

Ngoài ra, theo trang Wikipedia.org thì CN Blue - FNC Entertaiment không có quyền sở hữu ca khúc "Because I Miss You" vì trong các album, bài hát của CN Blue không có bài hát "Because I Miss You". Điều này cho thấy, có thể FNC Entertaiment đã bán đứt bản quyền bài hát này cho đài MBC và bộ phim Heartstring.

Từ vụ việc này, chúng ta lại phải nhìn nhận hệ thống cơ sở về quản lí của các cơ quan ban, ngành liên quan trong việc quản lí văn hoá. Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có bất cứ một văn bản pháp quy nào một cách cụ thể về việc đạo nhạc, đạo thơ, đạo văn xuôi, v.v... Đúng là những thứ thuộc về sáng tạo thì khó mà có barem "chấm" cho việc đạo hay không nhưng khi cần chúng ta vẫn phải có những hội đồng chuyên môn với những nghệ sĩ hàng đầu, có uy tín sẵn sàng vào cuộc để bảo vệ hoặc lên tiếng dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cấp quản lí. Hội được thành lập bởi cục này nhưng lại bị cục khác bác bỏ dù cho chẳng có quyền hành trong việc tương tự như vậy, rõ ràng là minh chứng cho chuyện "trống đánh xuôi - kèn thổi ngược".

Sơn Tùng MTP.

Chưa hết, cũng từ vụ việc này cho thấy, tất cả những thẩm định của những nhạc sĩ danh tiếng như đã nhắc tên ở trên không bằng một tuyên bố thông qua một văn bản mơ hồ của một ai đó đến từ một đất nước khác. Pháp luật luôn thượng tôn và pháp luật thì không có chỗ cho việc áp từ nước này sang nước khác bởi thể chế chính trị khác nhau. Vậy nhưng, quyết định của Hội đồng giám định được thành lập bởi Cục Bản quyền là tiếng nói chính thức từ Cục Bản quyền lại không đủ trọng lượng bằng một thứ phi văn bản chính thức. Mà cho dù là văn bản của bên phía Hàn Quốc có đủ thẩm quyền để xác nhận thì việc xử lý cụ thể như thế nào lại thuộc về phía cơ quan tại Việt Nam chứ không thể gộp chung quyết định của cả hai nước làm một, thành một sự đánh đồng như vậy.

Đó là chưa kể về vai trò, vị trí và nhân thân của người gửi thư xác nhận đó. Theo văn bản ngày 24/11 của Cục Nghệ thuật biểu diễn đề cập đến cái gọi là nội dung thư điện tử do Kwon Woo Min đại diện cho FNC Entertainment gửi. Vậy Kwon Woo Min là ai? Người "được cho" là đại diện của FNC, vậy chứng cứ nào khẳng định Kwon Woo Min là đại diện? (Đúng thủ tục thì cơ quan nhà nước phải yêu cầu hồ sơ pháp nhân của FNC để chứng minh). Sao tự nhiên dễ tin vậy?

Tiếp nữa ngay cả khi Kwon Woo Min là người của FNC thì anh ta có phải là tác giả, là người am hiểu âm nhạc hay là người có thẩm quyền quyết định một tác phẩm có đạo nhạc hay không? FNC cũng giống như Wepro hay Văn Production là những đơn vị quản lý khai thác ca sỹ, tổ chức biểu diễn chứ không phải là đơn vị thẩm định hay thẩm duyệt việc đạo nhạc. Người buôn nhạc không có nghĩa phải là người làm nhạc, càng không phải là đơn vị thẩm định nhạc.

Cho đến lúc này thì thật sự mọi chuyện đã ngoài tầm kiểm soát của báo giới lẫn người hâm mộ. Giờ sân chơi dành cho những người quản lí chuyên môn cấp cao đại diện cho các cơ quan giám - thẩm định đưa ra phán xét cuối cùng. Và, hy vọng rằng đó là một quyết định đúng đắn để mọi chuyện có thể khép lại đúng bản chất vấn đề.

 

Theo dòng sự kiện:

- Chắc ai đó sẽ về được phát hành trực tuyến vào ngày 24 tháng 10 năm 2014. Trên trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến Zing MP3, ca khúc có 600.000 lượt nghe sau vài tiếng và sau một ngày đạt mốc 8 triệu lượt. Sau hai ngày, ca khúc đạt mốc 9,2 triệu lượt nghe.

- Nhưng cũng gần như ngay sau đó, ca khúc nhận được những nhận xét rằng có nhiều điểm tương đồng với ca khúc "Because I miss you" của nam ca sĩ Jung Yong Hwa (trưởng nhóm CN Blue), nhạc phim Heartstrings

- Ca khúc bị dỡ khỏi bảng xếp hạng Zing MP3

- Trước nghi vấn của dư luận, ông Nguyễn Quang Huy - đạo diễn, nhà sản xuất phim "Chàng trai năm ấy" - đã phải gửi đơn lên Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa - Thể thao  và Du lịch) xin ý kiến thẩm định. Theo yêu cầu từ Cục Bản quyền, ngày 10/11/2014, Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC), với sự tham gia của các nhạc sĩ Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh, Võ Thiện Thanh, Đỗ Bảo… đã có cuộc họp để đưa ra kết luận cuối cùng, rằng ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" có đạo nhạc.

- Ngày 21/11/2014, Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của Sơn Tùng không vi phạm luật và không có cơ sở để không cho phép phổ biến ca khúc này. Phía Hàn Quốc mà cụ thể là Kwon Woo Min- đại diện cho Công ty FNC Entertainment - công ty chủ quản của ca sĩ Jung Young Hwa, người sáng tác Because I miss you, đã gửi văn bản tới Cục Nghệ thuật biểu diễn xác nhận Sơn Tùng không đạo nhạc.

- Ngày 2/12/2014, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Cục Bản quyền tác giả đang tiến hành thành lập một hội đồng thẩm định để đánh giá ca khúc "Chắc ai đó sẽ về" của ca sĩ Sơn Tùng M-TP vì dính nghi án "đạo nhạc" ca khúc "Because I miss you" của ca sĩ Jung Yong Hwa, Hàn Quốc. Hội đồng thẩm định này được thành lập theo sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL sẽ bao gồm các bên liên quan như Cục Bản quyền, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện ảnh, Thanh tra Bộ, Cục Pháp chế, các nhà quản lý, cùng các nhạc sĩ tên tuổi tham gia. Ông Hoan cũng giải thích thêm, đây không phải là thành lập hội đồng thẩm định lần thứ hai, mà  là hội đồng thẩm định được thành lập theo quyết định của Bộ VH-TT&DL. Còn hội đồng thẩm định do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thành lập giữa tháng 11/2014, theo chỉ đạo của Cục Bản quyền tác giả chỉ mang tính chất tham khảo.

Đức Thành
.
.
.