Dấu ấn lời thoại

Thứ Ba, 11/08/2015, 07:00
Một cuộc thi do đài Truyền hình Hà Nội và Công ty Truyền thông Pama tổ chức, có tên là "Dấu ấn lời thoại trong phim". Theo dõi cuộc thi mới thấy, sự hấp dẫn của thoại trong phim với khán giả không khác gì chuyện diễn viên ngôi sao, trang phục gợi cảm hay đạo diễn ăn khách. Trong một cuộc khảo sát gần đây, phần lớn khán giả Việt đều cho rằng, thoại trong phim truyền hình Việt thường nhạt nhẽo, không hay, không lôi cuốn.
Cuộc thi lấy cảm hứng chủ đạo từ bộ phim châu Âu "Tình yêu và danh dự" đang phát sóng trên kênh truyền hình Hà Nội. Qua đó, khán giả có thể lựa chọn những câu thoại hay và nêu ý kiến của họ về tầm quan trọng của thoại trong phim nói chung. Lần đầu tiên có một cuộc thi bình về thoại phim và đó thực sự là một sinh hoạt thu hút người say mê điện ảnh, nhất là những người thường xuyên theo dõi phim trên truyền hình.

Bà Hồng Đăng, Giám đốc truyền thông Công ty Pama chia sẻ: "Truyền hình là phương tiện phổ biến trong mỗi gia đình. Nhu cầu thưởng thức các tác phẩm điện ảnh của khán giả là rất lớn. Những phim chiếu trên truyền hình phần lớn là những phim dài tập. Ở những phim dài tập, người đạo diễn thường chú trọng đến câu chuyện là chính. Làm sao cho câu chuyện đủ độ lôi cuốn khán giả. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều khán giả cảm thấy thất vọng về lời thoại trong phim. Những thoại dài lê thê, kể lể, thiếu muối vì nhạt, vô bổ sáo rỗng là một nguyên nhân khiến họ bỏ giữa chừng, không theo dõi tiếp tục các phim đang phát sóng.

Chúng tôi tổ chức cuộc thi "Dấu ấn lời thoại", thông qua bộ phim gây sốt ở châu Âu "Tình yêu và danh dự" để cùng với khán giả khám phá những thú vị trong thoại phim, đồng thời nhắc nhở các nhà làm phim hãy chú ý nhiều hơn đến lời thoại trong phim".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi cho hay: "Với thoại của nhân vật trong các tác phẩm điện ảnh, muốn hay, muốn thu hút khán giả, nhất định phải để lại "dấu ấn". Vì hình ảnh của người diễn viên thì dễ nhớ, nhưng lời thoại nếu không hay, nó chỉ như gió lướt qua, thậm chí gây cảm giác khó chịu, nhàm chán cho khán giả. Nhưng đôi khi chỉ một câu thoại hay, đắc địa của nhân vật mà khán giả thích thú, nhớ mãi, yêu thích bộ phim hơn. Có những câu thoại hay đến nỗi nó vượt qua giới hạn bộ phim, trở thành câu nói đời thường của nhiều người, được nhắc đi nhắc lại trong đời sống thường nhật".

Một cảnh trong phim truyền hình “Tình yêu và danh dự” có lời thoại hay đang phát sóng trên kênh HTV.

Thoại nhạt là căn bệnh phổ biến, khó chữa của phim Việt. Một số khán giả cho rằng, nếu tinh ý sẽ thấy, phần lớn thoại trong phim Việt mang dáng dấp của chính tác giả kịch bản, chứ không hề có hình ảnh, cá tính của nhân vật. Nó cứ nhàn nhạt, khiên cưỡng, chưa kể tính cách nhân vật một đằng, thoại một nẻo. Có phim nhân vật là nhà báo, mà lời lẽ thoại của nhân vật cứ như một diễn viên showbiz. Lại có phim nhân vật là quan chức, mà thoại của đạo diễn "cài cho" lại cứ như thoại của dân buôn bán.

Một nguyên tắc của thoại là luôn luôn phải phù hợp với tư duy, suy nghĩ của nhân vật. Làm sao để người xem không cảm thấy khiên cưỡng. Những câu thoại không đúng với tâm lý nhân vật sẽ gây một sự phản cảm, và người xem thấy không tin vào câu chuyện người đạo diễn đang kể trên màn ảnh. Phần lớn các nhà làm điện ảnh hiện nay đang xem thoại là thứ yếu, trong toàn bộ công việc sản xuất một bộ phim, vô hình trung biến điện ảnh Việt Nam vốn đã yếu trở thành yếu hơn, kém sinh động trong mắt bạn bè quốc tế.

Một vài đạo diễn nước ngoài khi xem phim Việt Nam tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội có nhận xét rằng, ngay cả những phim hay nhất của Việt Nam cũng "mắc bệnh" kể lể dài dòng. Hình ảnh vốn dĩ đã thể hiện được phần nào nội dung câu chuyện, không cần nhân vật phải nói lại. Ví dụ, trong phim, một nhân vật đang ăn cơm thì không nhất thiết thoại của họ với nhân vật khác phải nhắc lại: "Tôi đang ăn cơm". Thoại có dấu ấn là thoại phải gây bất ngờ, phải thể hiện những ngoại biên rộng hơn hình ảnh, mở ra những trường liên tưởng để tạo chiều sâu tâm lý cho nhân vật.

Trong giao lưu tiếp xúc với điện ảnh thế giới, một số nhà biên kịch và đạo diễn bắt đầu nhận thức tầm quan trọng của thoại trong phim và có những thay đổi. Mới đây, Trường Điện ảnh quốc tế Sài Gòn đã mở những khóa đầu tiên đào tạo về thoại trong phim. Những học viên ttham gia vào khóa học này sẽ được các chuyên gia hướng dẫn, rèn luyện các kỹ năng để có thể viết lời thoại hấp dẫn cho kịch bản phim.

Mới vỡ lẽ ra rằng, trong đào tạo điện ảnh thế giới, người ta chưa khi nào bỏ quên khâu viết thoại cho phim. Thậm chí, muốn viết  thoại hay, phải tuân thủ những nguyên tắc, những kỹ năng đặc biệt. Không phải như một số phim Việt mình, đạo diễn cứ vô tư để nhân vật nói năng vô bổ và vô tội vạ. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân phim Việt không được chính khán giả Việt yêu thích, dù phát sóng ở khung giờ vàng...

Linh Chi
.
.
.