Thấy gì từ bóng đá thế giới tuần qua?

Dấu chấm hết cho các tiền vệ biên

Thứ Tư, 11/05/2016, 16:12
Leicester chính thức rinh Cúp bạc Ngoại hạng về phòng truyền thống, Atletico Madrid vào chung kết Champions League lần thứ hai sau 3 năm và Bayern bảo vệ thành công ngôi vàng Bundesliga, bóng đá những ngày gần đây thật sôi động...


Nhưng ba sự kiện chẳng hề liên quan ấy thì… giống nhau ở điểm nào? Thật trùng hợp, ở ba sân chơi và lãnh thổ hoàn toàn tách biệt, một xu thế mới của bóng đá thế giới ra đời. Nói chính xác hơn, thì là dấu chấm hết của một thói quen chiến thuật kéo dài hơn 100 năm qua, thay thế bởi nhu cầu thực tiễn. Đó là nguy cơ tuyệt chủng các tiền vệ biên thuần túy.

Vẫn duy trì chỗ đứng…

Khi bóng đá hiện đại phát triển theo hướng đa năng hóa, không nhiều HLV thích sử dụng những tiền vệ biên cổ điển. Phần đông những cầu thủ được gọi là "tiền vệ biên" ngày nay đều "sút" giỏi hơn "chuyền". Thay vì tạt cánh lật bóng, họ chọn phương án chạy cắt ngang vào khu cấm địa, trực tiếp dứt điểm như những tiền đạo thực thụ.

Xu thế ấy thực ra không hề mới mẻ. Vào 2010, nhất là sau kỳ World Cup cùng năm ở Nam Phi, 4-2-3-1 nở rộ và ăn sâu vào đời sống bóng đá quốc tế. Nhà nhà dùng 4-2-3-1 với một tư duy: Tiền vệ biên mới là nguồn cấp bàn thắng quan trọng nhất.

Những tiền vệ biên như navas - trái - đang dần biến mất trong bóng đá hiện đại.

Tuy nhiên, vấn đề là bất kể thời điểm nào, ít HLV dám loại bỏ hoàn toàn những tiền vệ cánh đúng nghĩa khỏi kế hoạch. Mà ngay cả khi HLV đó không có tiền vệ biên nào trong đội hình, ông sẽ tìm những người có lối chơi tương đồng, tức là chạy nhanh và chuyền tốt rồi chuyển anh ta sang cánh. Lý do khá dễ hiểu: Tạt cánh, chuyền bổng và tốc độ là những phương án nhanh nhất tiếp cận cầu môn đối phương trong thế bí.

Sir Alex trong những năm cuối cùng tại Carrington luôn sắp sẵn một vị trí cho Valencia. Lúc vô địch Premier League hai mùa trước cùng Man City, Pellegrini vẫn phải ưu ái James Milner dù thừa nhận không thích anh này. Thậm chí, một đội bóng ưa kiểm soát như Bayern cũng mượn tài năng trẻ Kingsley Coman tới 2 mùa nhằm phục vụ thế trận phản công, cần chân chạy kiêm chuyền. Mùa 2013/2014, Atletico thăng hoa cùng Arda Turan - người xuất thân là tiền vệ biên với khả năng tạt bóng chính xác. Hãy chú ý rằng, năm đó Atletico chủ yếu ghi bàn từ các pha không chiến, chiếm tỷ lệ 58,5%.

...nhưng khó chối bỏ hiện thực

Khi Leicester viết nên câu chuyện thần tiên ở Premier League 2015/2016, người ta hay nhắc đến 4-4-2, một sơ đồ sinh ra để dành cho các tiền vệ biên. Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược. Bên phải, Mahrez ghi bàn giỏi hơn kiến tạo (17/11). Bên trái, Albrighton là tiền vệ tạt bóng nhiều nhất ở giải Ngoại hạng (268) nhưng số đường lật bóng chính xác chỉ là (52), và số đường chuyền thành bàn dừng lại ở mốc 7.

Mặt khác, đúng là Leicester thích chơi bóng bổng, nhưng những đường chuyền mang tính sát thương của họ thường bắt nguồn ở vòng tròn giữa sân (63%). Tức là dù Ranieri đã đưa Leicester về lối chơi "thời đồ đá" là "chạy và chuyền" thì công việc phân phối nguồn bóng cũng không hề đặt dưới sự kiểm soát của các tiền vệ biên.

Ở Atletico, một CLB khác sử dụng 4-4-2, Simeone đã loại bỏ hoàn toàn các tiền vệ biên khỏi kế hoạch của mình. Ông cho 4 tiền vệ trung tâm (chủ yếu có khuynh hướng phòng thủ) chơi giăng ngang phía dưới cặp tiền đạo.

Bayern chưa bao giờ phụ thuộc vào bóng bổng. Song ngay chính thời điểm Pep Guardiola mang Coman về Allianz Arena, khả năng kết liễu đối phương bằng đầu của "Hùm xám" lại suy giảm. Mùa đầu tiên của Pep ở Bavaria, thống kê là 14. Đến mùa trước còn 11, và mùa này là 8. Hiểu đơn giản thì Pep càng cố mang tiền vệ biên vào nhịp sống bóng đá ở Bayern thì hiệu quả mà nhóm tiền vệ biên mang đến càng thuyên giảm.

Trong những lần hiếm hoi mùa này Bayern ghi bàn từ phương án tấn công "tạt cánh - đánh đầu", người chuyền bóng cũng không phải tiền vệ biên. Lấy đơn cử như trận bán kết lượt về Champions League, Lewandowski đánh đầu nâng tỷ số lên 2-1 sau cú tạt của… Vidal, một tiền vệ trung tâm.

Hay như trận Real gặp Man City ở Bernabeu, Man "xanh" khởi đầu với Navas bên cánh phải. Nhưng đến phút 69, tiền vệ người Tây Ban Nha đã bị thay ra, trám chỗ bởi Sterling. Đấy là ví dụ điển hình nhất về sự thoái lui của các tiền vệ biên cổ điển. Pellegrini nghĩ rằng Navas là lựa chọn đúng đắn, nhưng ở thời khắc quan trọng nhất (cần bàn gỡ hòa), ông lại đặt niềm tin ở Sterling - mẫu tiền vệ thích rê bóng và thâm nhập vòng cấm bất chấp sự thật rằng, cách tiếp cận ấy tốn thời gian và không quá phù hợp trong hoàn cảnh cần bàn thắng gấp.

Tưởng dễ đoán mà khó không tưởng

Quay trở về  câu chuyện của Bayern. Lá thăm đưa họ gặp Atletico ở vòng 4 đội mạnh nhất Champions League. Atletico tổ chức hàng phòng ngự thành nhiều lớp, và để đảm bảo cự ly đội hình, Simeone luôn bố trí từng cầu thủ trên sân đứng gần nhau nhằm dễ hoán đổi vị trí khi cần thiết. Cách bài binh bố trận này mặc nhiên triệt tiêu tối đa các kẽ hở lộ ra giữa từng vị trí.

Với suy nghĩ đó, ở trận lượt đi, Pep xếp Costa và Coman chơi thuận kèo. Như lý giải của Pep trên Kicker, ông muốn Bayern kéo giãn đội hình Atletico về hai biên, từ đó khiến Rojiblancos tự hở ra các khoảng trống.

Tuy nhiên, hướng tiếp cận này phá sản hoàn toàn. Bởi rõ ràng, lựa chọn duy nhất của Costa và Coman khi bị hai hậu vệ của Atletico áp sát là đẩy bóng về phía cột phạt góc. Họ không thể ngoặt bóng vào trong do chân không thuận sẽ phải xử lý nhịp đi tiếp theo của trái bóng. Suốt cả trận, hai cầu thủ trên chỉ có 3 đường lật cánh, và cũng không có nổi bất kỳ pha đột phá nào vào khu 16m50.

Đấy chính là ảo tưởng mà Pep tự tạo ra. Trước trận tái đấu sau một tuần ở Allianz Arena, ông thừa nhận trên tờ Bild: "Tôi đã nghĩ rằng kiểu dắt bóng vào vòng cấm mà Robben hay làm rất dễ đoán. Nhưng hóa ra, xếp Costa đá thuận chân còn dễ đoán hơn".

Douglas Costa mất tích khi bị xếp đá thuận kèo ở lượt đi nhưng ghi dấu ấn ở lượt về khi xuất hiện bên hành lang phải.

Theo Pep, giả như hôm ấy Costa đá lệch phải, anh ta sẽ có các sự lựa chọn như sau. Một, chạy cắt mặt hậu vệ vào vòng cấm rồi sút. Hai, chuyền ngược cho tuyến dưới. Ba, chuyền đổi cánh. Bốn, ngoặt ngược trở lại về vị trí ban đầu và chuyền cho hậu vệ biên cùng cánh. Có vẻ như, bố trí tiền vệ chơi nghịch kèo mới mang nhiều yếu tố bất ngờ. Chí ít thì, những cầu thủ này không bao giờ rơi vào tình cảnh chỉ có thể chuyền cho… cột góc.

Thế trận diễn ra ở Allianz Arena đã chứng minh chân lý này. Pep thay đổi, đưa Ribery về cánh trái quen thuộc, trả Costa sang cánh phải. Lối chơi của Bayern thoáng hơn, kéo theo số cơ hội tiến sát cầu môn của Oblak cao lên. Cả hai bàn thắng của Bayern đều xuất phát từ những tình huống tấn công biên, và thật dễ nhận ra, chỉ một thay đổi nhỏ đã đem tới khác biệt lớn.

Khi một HLV tự cao và chỉ kiên định vào con đường của riêng mình như Pep phải thừa nhận chỗ đứng cho các tiền vệ biên cổ điển không còn, đó ắt hẳn là xu thế, là dòng chảy bắt buộc với giới chiến lược bóng đá.

Ranieri nói gì về 4-4-2?

Thoạt nhìn, Ranieri giữ nguyên tư tưởng và bộ khung chiến thuật của người tiền nhiệm Nigel Pearson. Nhưng trong lần hiếm hoi HLV 64 tuổi người Italia thẳng thắn chia sẻ về bí quyết thành công cùng Leicester trên tờ La Gazzetta dellp Sport, ông đã nói thế này: "4-4-2 là những gì khán giả nhìn thấy trên các trang báo mạng. Còn thực tế, sau khoảng 20 phút đầu, Leicester thường chuyển sang 4-3-2-1. Mahrez không đủ thể lực chạy bền bên cánh, và dĩ nhiên cậu ấy không thể vừa chạy vừa tạt như Albrighton. Các học trò của tôi sau giai đoạn làm nóng người sẽ đá tập trung ở khu vực trung tâm, Mahrez và Vardy đá hộ công cho Okazaki".

Nói tiếp về Albrighton, Ranieri nhận định đây là trường hợp đặc biệt của bóng đá thế giới. Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của Aston Villa là một tiền vệ biên thuần chủng kiểu mẫu, nhưng chỉ ở Leicester mới có thể tồn tại và phát huy tiềm năng. "Bạn thấy đấy, Albrighton nhanh và khỏe, nhưng hiệu quả từ các đường tạt của cậu ấy không cao. Dễ hiểu thôi, vì tạt bổng khó trúng đích hơn chuyền sệt mà. Nhưng Albrighton phù hợp với triết lý của toàn đội, lối chơi của cậu ấy hợp với phong cách tốc độ của Leicester".

"Làm tiền vệ biên dễ mất cảm giác"

Không còn nhiều tiền vệ biên cổ điển được trọng dụng như Navas. Anh thuộc số ít những gương mặt lấy vạch kẻ dọc làm sợi chỉ đỏ duy trì được khả năng kiến tạo đều đặn. Mùa này, dù chỉ ra sân chưa đến 2/3 thời lượng mùa giải song chỉ số kiến tạo của Navas chỉ thấp hơn 12 cái tên khác ở Premier League.

Tài năng của Navas là khỏi cần bàn cãi. Ấy vậy nhưng 10 năm qua, Navas chưa bao giờ được coi là cầu thủ lớn, chỉ vì một lý do: Anh không thể sử dụng chân trái. Hồi tháng 10 năm ngoái, trong chiến thắng 5-1 của Man City trước Bournemouth, Navas có tình huống đối mặt thủ môn. Anh đẩy bóng sang trái khỏi tầm bắt của Boruc, đối diện là khung thành bỏ trống. Oái ăm ở chỗ, Navas không thể… sút. Anh hãm bóng về phía chân phải và quay người, vừa đủ thời gian cho Boruc lùi về.

"Bình thường, trong đầu Navas chỉ xuất hiện một phương án là chạy sang phải và tạt. Navas không bao giờ dùng chân trái, không hẳn vì cậu ấy không biết dùng chân trái mà vì lối chơi biên đã bào mòn khả năng dùng chân không thuận của Navas. Đó cũng là nhược điểm chung của các tiền vệ biên", Pep nhận định.

Đơn Ca
.
.
.