Phim Nhà nước tài trợ: Đầu tư thế nào cho hiệu quả?

Thứ Tư, 16/12/2015, 09:01
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phê duyệt kinh phí tài trợ cho 4 bộ phim Nhà nước đặt hàng, trong đó có phim "Ý chí độc lập" với số tiền lên tới 28 tỷ đồng. Câu chuyện phim Nhà nước đặt hàng tốn kém kinh phí nhưng thất bại tại phòng vé khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy đầu tư cho điện ảnh như thế nào cho hiệu quả.

Thực tế, nhiều năm qua, những bộ phim được Nhà nước đầu tư đều trong tình trạng đắp chiếu, thất thu tại phòng vé. Những bộ phim âm thầm sản xuất, rồi âm thầm ra rạp mà không có một hiệu ứng nào từ truyền thông, xã hội. Có thể kể ra một loạt những bộ phim nhà nước đặt hàng đều trong tình trạng đắp chiếu như "Sống cùng lịch sử", "Đam mê" của đạo diễn Phi Tiến Sơn, "Tâm hồn mẹ" của đạo diễn Nhuệ Giang…

Mới đây nhất là phim "Mỹ nhân" của đạo diễn Đinh Thái Thụy, doanh thu chỉ 500 triệu đồng, trong khi kinh phí đầu tư lên tới 16 tỷ. Bộ phim này cũng gần như vắng bóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, dù nó được PR khéo léo bằng sự cố về trang phục.Cách đây không lâu, bộ phim "Sống cùng lịch sử" của đạo diễn gạo cội Thanh Vân thất bại tại phòng vé sau một tuần chiếu không có người xem.Báo chí đã không tiếc lời phân tích mổ xẻ và đổ dồn trách nhiệm lên vai vị đạo diễn gạo cội.

Doanh thu của phim “Mỹ nhân” rất khiêm tốn.

Còn đạo diễn Thanh Vân lý giải về sự thất bại này: "Như tôi đã nói, mọi kinh phí của phim Nhà nước đều bị trói chặt bởi các barem cũ. Nhưng điều cơ bản hơn là chúng tôi, các nghệ sĩ chỉ quen làm phim mà không biết cách đi bán sản phẩm. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng thay đổi trong chừng mực nào đó tư duy làm phim của mình, chứ không thể thay đổi từ tư duy làm phim sang tư duy bán hàng. Điều này vô cùng quan trọng, thậm chí là sống còn với điện ảnh.Cần có một hãng phát hành chuyên nghiệp, hoặc một bộ phận phát hành chuyên nghiệp trong hãng sản xuất.Các hãng phim Nhà nước hiện chưa có".

Nhưng thiết nghĩ, việc quảng bá chỉ là một khâu trong hành trình sản xuất phim.Nó chưa phải là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bộ phim.Thực tế có nhiều bộ phim giải trí được PR ầm ĩ, nhưng vẫn thất bại vì lãng xẹt về nội dung.Vậy thì vấn đề nằm ở đâu.Nhiều đạo diễn cho rằng, phim nhà nước đặt hàng phần lớn là phim ở đề tài chiến tranh, lịch sử.Đây là những đề tài kén người xem, khán giả của nó chỉ là những người già, thích sống bằng hồi ức và kỷ niệm.Nhưng thiết nghĩ, đổ lỗi cho đề tài cũng chỉ là một cách biện minh mà thôi. Bởi chúng ta từng có những thước phim về chiến tranh trở thành kinh điển như "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng Mười"…

Thực tế cho thấy, không hiếm bộ phim được Nhà nước tài trợ chỉ đạt được tiêu chí "sạch sẽ", "an toàn" về nội dung mà thiếu đi sự hấp dẫn, đột phá, hay đổi mới. Vì thế, những bộ phim này cũng gần như vắng mặt trong các liên hoan phim quốc tế. Những tiêu chí đặt ra, tuyên truyền cho lịch sử, chiến tranh không đạt vì người dân không xem hoặc không có cơ hội xem.Tiêu chí về nghệ thuật thì vẫn xa vời. 

Điều đáng nói là những đạo diễn nhận những dự án này đều là đạo diễn gạo cội, từng có những bộ phim thành công. Vậy vì sao họ lại thất bại ở những dự án phim Nhà nước. Phải chăng là tư duy bao cấp, vẫn cố hữu trong cách làm phim Nhà nước, họ làm phim mà không hiểu/không cần khán giả mong muốn gì.Một sự lãng phí lớn không chỉ về tiền bạc mà còn cả nhân lực.

Phim “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn Thanh Vân có kinh phí đầu tư 21 tỷ, nhưng hoàn toàn thất bại tại phòng vé.

Những người tâm huyết với điện ảnh Việt đều cho rằng, các nhà quản lý cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc việc tài trợ cho các dự án điện ảnh. Có nên đầu tư kinh phí cho những bộ phim lịch sử để rồi đắp chiếu, cất kho. "Nên mở rộng biên độ cho sự sáng tạo, đừng tư duy theo lối an toàn, tài trợ cho những gương mặt mới, những tiếng nói mới, khi đó, chúng ta mới hy vọng điện ảnh Việt có những khởi sắc”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Phải bắt đầu từ khâu duyệt kịch bản

Đây không phải là câu chuyện mới nhưng chúng ta vẫn không dám thay đổi. Hãy để những người quyết định duyệt kinh phí cho các phim do Nhà nước đặt hàng cùng những người thực hiện những phim do nhà nước đặt hàng  ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân vì sao hầu hết các bộ phim đều trong tình trạng đắp chiếu. Nhưng theo tôi biết thì chưa bao giờ họ làm việc đó. Có cảm tưởng những người cấp kinh phí lẫn những người nhận kinh phí của Nhà nước để làm phim cũng không mấy quan tâm tìm ra nguyên nhân của hiện tượng trên.

Ngay cả tìm hiểu lý do vì sao khán giả thờ ơ với dòng phim này, cần có những cuộc điều tra tâm lý khán giả một cách thật nghiêm túc. Việc này bấy lâu nay cũng không ai làm.

Lẽ ra đây là một vấn đề mà Nhà nước phải tổng kết từ lâu rồi.Đến bây giờ mới đặt vấn đề thì quá muộn. Gần đây có phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" do tư nhân sản xuất và Nhà nước góp vốn theo hình thức tư nhân Nhà nước hợp doanh. Kết quả rất khả quan. Nếu tiếp tục mô hình này cần ban hành một quy chế rõ ràng về hình thức kinh doanh mới mẻ này trong điện ảnh để tất cả các Hãng phim tư nhân đều có thể tham gia . Đồng thời về mặt tài chính cũng cần có quy định riêng cho việc giải ngân những bộ phim do tư nhân sản xuất có nhà nước góp vốn như phim trên.

Lý do vì sao các đạo diễn gạo cội thất bại ở phim Nhà nước tài trợ thì nên hỏi chính họ. Riêng tôi phim nào do Nhà nước tài trợ tôi đều cố gắng làm tốt, không bị tâm lý hay áp lực gì cả. Những phim đó không phải là những phim "cúng cụ" làm ra để xếp kho.Tôi nghĩ, mọi người đều biết rất rõ thực trạng lãng phí của những bộ phim nhà nước, nhưng không biết thay đổi từ đâu?Có lẽ nên bắt đầu từ khâu quan trọng đầu tiên là khâu duyệt kịch bản để đưa vào sản xuất chăng?Hãy để những người có trách nhiệm trước ngân sách của Nhà nước trả lời cho câu hỏi trên.

Đạo diễn Phan Đăng Di: Nêu đầu tư cho những giọng nói mới trong điện ảnh

Chúng ta nên thay đổi thói quen tư duy điện ảnh Nhà nước hay điện ảnh tư nhân mà phải nhìn rộng hơn, vì một sự phát triển văn hóa chung của đất nước. Quỹ tài trợ của Nhà nước cho điện ảnh rất quan trọng, nhưng rõ ràng, chúng ta nên mở rộng biên độ của nó. Từ trước đến nay chúng ta vẫn giữ tư duy cũ, chọn sự an toàn tuyệt đối trong khi điện ảnh là sự thách thức, bùng nổ, là sự sáng tạo, làm mới mình. Chúng ta vo tròn một cục trong sự an toàn nên nền điện ảnh của chúng ta không hy vọng có sự đột phá, đổi mới.

Thực tế, số tiền đầu tư cho điện ảnh rất tốn kém, mấy chục tỷ không phải là con số quá lớn. Nhưng đầu tư như thế nào cho hiệu quả. Ở các nước phát triển, người ta cũng đầu tư cho điện ảnh, nhưng họ hướng tới những người trẻ, những tiếng nói mới, sẽ là thế hệ kế cận cho điện ảnh nước nhà. Họ duyệt các dự án và thấy hay sẽ tài trợ cho những người trẻ làm. Ở Pháp vẫn có những bộ phim Nhà nước tài trợ không ra rạp, không doanh thu nhưng họ hướng tới những tác phẩm đầu tay để khuyến khích những người trẻ làm nghệ thuật. Chúng ta thì không, chúng ta e dè với những tiếng nói mới. Hiếm hoi có những trường hợp như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" có doanh thu lớn như thế.

Chúng ta phải xác định được điều gì quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh lúc này, vì những năm qua, sự đầu tư của Nhà nước vào điện ảnh không hiệu quả. Chúng ta nên mở rộng biên độ tài trợ, hướng tới những người trẻ, những dự án mới không nằm trong tiêu chí cứng nhắc của Nhà nước. Họ là những gương mặt điện ảnh Việt Nam tương lai. Nhưng tôi cảm giác như những người lãnh đạo của nền điện ảnh hiện nay ít quan tâm. Nếu chúng ta không thay đổi tiêu chí phim đặt hàng ngay từ bây giờ, thì chúng ta sẽ không thể có phim hay, phim chất lượng nghệ thuật ra rạp. Chúng ta bao nhiêu năm vẫn quẩn quanh với những cái cũ, tư duy cũ. Các nước có sự tiếp nối của những người trẻ, còn chúng ta, đang bị đứt quãng vì lo lắng thái quá với những tiếng nói mới, giọng điệu mới. Thời đại đã thay đổi và chúng ta phải nhìn nhận nền điện ảnh của chúng ta ra thế giới vẫn là số không. Trong khi điện ảnh là bộ mặt văn hóa của một quốc gia, tại sao không đặt câu hỏi đó để có những quyết sách đúng đắn hơn thay vì vẫn lặp lại sai lầm đã thành một lối mòn trong tư duy.

Việt Hà
.
.
.