Đi tìm sức sống... VPF

Thứ Tư, 04/11/2015, 14:25
Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa trình làng ông Tổng giám đốc mới Cao Văn Chóng thay cho ông Phạm Ngọc Viễn  lên đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Những thông tin hậu trường cho hay sẽ tiếp tục có những thay đổi nhân sự tiếp theo ở đơn vị tổ chức, điều hành các giải bóng đá trong nước này. Câu hỏi đặt ra: những thay đổi đó có giúp VPF tìm lại sức sống như nó từng có và từng khiến nhiều người phải nể sợ như hồi mới ra đời?

Về cá nhân ông Cao Văn Chóng, không ai không biết ông đã và đang rất thành công trên cương vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá Becamex Bình Dương, và so với người tiền nhiệm của mình ở VPF là ông Phạm Ngọc Viễn thì ông là một người trẻ trung, giàu khát vọng.

Thực ra thì khi được chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thuyết phục rời Bình Dương để lên làm việc ở VPF, thoạt tiên cả ông Chóng lẫn đơn vị chủ quản của ông Chóng đều lắc đầu. Nhưng sau khi nâng lên đặt xuống mọi vấn đề, ông đã quyết định "nhiếp chính" để làm cái điều mà như ông nói là "cố gắng đóng góp một phần nhỏ bé của mình, nhằm cải thiện VPF cùng bộ mặt các giải bóng đá chuyên nghiệp nước nhà".

Ngày ông Chóng nhận chức mới, đã có những thông tin từ hậu trường cho hay ông chỉ "đứng tên" ở VPF một thời gian ngắn trước khi nhường lại ghế cho một nhân vật khác của VFF để thực hiện triệt để quá trình "VFF hoá" VPF, nhưng ông Chóng đã mạnh mẽ phủ nhận thông tin này. Ông nói với người viết: "Tôi có danh dự của tôi, và khi đã quyết định nhận lời làm việc thì tôi quyết tâm làm việc nghiêm túc, dài hạn, chứ sao có thể làm cái bóng, hay làm "quân cờ" cho một ai đó như dư luận đồn thổi".

Tân Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng (phải). Ảnh: H.M.

Ông Cao Văn Chóng từ chối tiết lộ những công việc cụ thể mà mình sẽ làm, sẽ cải cách trên cương vị mới nhưng nói rõ đường hướng của mình: "Mối quan hệ giữa VPF với các CLB và mối quan hệ giữa các phòng, ban của VPF với nhau cần phải được cải thiện một cách nhanh chóng, kịp thời". Là lãnh đạo một CLB, ông Chóng hiểu vấn đề này hơn ai hết. Là người đã từng thay mặt CLB của mình tham dự lễ tổng kết mùa giải 2015 tại Hà Nội, và lắng nghe chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng - một cổ đông của VPF tổng công kích tổ chức này, ông Chóng cũng hiểu được tính nghiêm trọng, bức thiết của vấn đề này hơn ai hết.

Cụ thể hôm ấy, ông Trần Mạnh Hùng đồng loạt tố hai phó Tổng Giám đốc VPF là các ông Nguyễn Minh Ngọc và Phạm Phú Hoà đã không hoàn thành trách nhiệm được giao. Theo ông Hùng, trên cương vị trưởng BTC V.League, ông Ngọc đã không thể trả lời được những câu hỏi quan trọng quanh việc: "V.League có tiêu cực hay không? Nếu không thì vì sao, nếu có thì tiêu cực ở mức độ nào?"; còn trên cương vị một người phụ trách tài trợ, lĩnh lương hàng chục triệu đồng/tháng, ông Hoà cũng không mang được về một hợp đồng tài trợ đáng kể nào.

Ông Hùng cũng thẳng thắn chỉ trích thái độ làm việc mà theo ông là "quan liêu, xa rời thực tế" của các quan chức VPF, từ đó áp dụng các qui tắc, qui định của FIFA, AFC một cách máy móc, không phù hợp với tình hình phát triển của bóng đá Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số CLB cho biết họ tin tưởng vào một người trẻ tuổi, có khát vọng làm việc như ông Cao Văn Chóng, và hy vọng rằng trong một thời gian không xa nữa, VPF sẽ sớm lấy lại sức sống của mình.

Ở đây, cần nhắc lại rằng thuở mới ra đời, VPF đã từng là một tổ chức đầy sức sống. Hồi ấy Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên đã không ngại đấu mạnh với VFF quanh hàng loạt vấn đề liên quan tới chính sách phát triển nền bóng đá, và cũng chính ông Kiên đã "chỉ tận tay, day tận mặt" nhiều ông bầu bóng đá có hành động không minh bạch.

Chuyện kể rằng hội nghị tổng kết giữa mùa giải 2012, ông Kiên đã chỉ thẳng một số ông bầu khẳng định: "Các anh vẫn cho tiền, làm hư trọng tài", khiến rất nhiều các ông bầu phải... giật mình. Hôm ấy ông Kiên cho biết: "Chuyện từ hôm nay trở về trước có thể cho qua, nhưng từ hôm nay về sau, những ai còn cho tiền làm hư trọng tài thì sẽ bị xử lý đến nơi đến chốn". Cũng sau lần ấy đã có tổng cộng 4 trọng tài bị âm thầm xử lý, và giới trọng tài từ đó đã tỏ ra thận trọng, đề phòng đặc biệt trong mối quan hệ với các CLB, các ông bầu.

Hồi ấy, bầu Kiên còn khai sinh ra ban Tư vấn Đạo đức VPF với mong muốn có thêm một công cụ để đấu tranh, xử lý những vấn đề tiêu cực bóng đá, và sau đó đã lên kế hoạch kéo luôn ban Kỷ luật từ VFF sang VPF. Nhưng khi bầu Kiên bất ngờ rơi vào vòng lao lý vì những hoạt động kinh doanh thì ban Tư vấn Đạo đức chết yểu, ban Kỷ luật vẫn thuộc về VFF, và nguy hiểm hơn là cái khát vọng ban đầu của ông bầu này đã nhạt nhoà, phôi pha nhanh chóng. Bầu Kiên rơi vào vòng lao lý cũng khiến ông Võ Quốc Thắng từ chỗ chỉ là một "chủ tịch đứng tên" đã trở thành một "chủ tịch thực thụ", và sau này khi bầu Đức cũng rời VPF để sang đảm nhiệm vị trí PCT tài chính VFF thì nỗi cô đơn của bầu Thắng càng tăng cao.

Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng từng phê phán VPF kịch liệt. Ảnh: H.M.

Phải thấy rằng xét về mặt kết cấu, VPF chính là "đơn vị con" của VFF, nhưng VPF cần phải giữ được khí thế và sự độc lập tương đối của mình với VFF thì mới có thể điều hành các giải đấu quốc gia một cách hiệu quả, thay vì điều hành hệt như cái ngày VFF điều hành thời xưa. Nhưng đúng là kể từ ngày mất PCT Nguyễn Đức Kiên, VPF đã không thể thực hiện được nhiệm vụ này.

VPF đã có một ông Tổng giám đốc mới, và không loại trừ khả năng thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm nhân sự mới. Đúng là mọi thay đổi cần phải bắt đầu trước tiên từ góc độ nhân sự, nhưng chừng ấy những nhân sự mới có giúp tổ chức này lấy lại được hồn vía và sức sống của mình giống như ngày còn cựu bầu Nguyễn Đức Kiên hay không vẫn là một câu hỏi cần chờ thời gian giải đáp.

Chờ và hy vọng...

Bao giờ hết rốt - đa?

Ba mùa V-League dưới sự điều hành của VPF đã đủ để hết giai đoạn chạy "rốt-đa" của một cỗ xe máy mới chưa?

Đó là câu hỏi của nhiều người từng kỳ vọng vào Công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam ra đời từ sau lần lên tiếng và tập hợp quyền lực của các ông bầu làm bóng đá. Tuy nhiên, phải thừa nhận là VPF khi ra đời đã được xác định là một công ty phục vụ quyền lợi các CLB và chất lượng của những giải đấu chuyên nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Một VPF với ý tưởng kéo V-League thoát ra sự điều hành trực tiếp của LĐBĐ quốc gia như cái cách người Anh tổ chức Premier League hay Công ty bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan tổ chức Thai-League.

Thế nhưng, kể từ khi người thai nghén và đứng đầu tổ chức VPF là "bầu" Kiên vào vòng lao lý (vì vụ án kinh tế không liên quan đến bóng đá) thì VPF rõ ràng như rắn mất đầu. Nói như Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng thì VPF đã bị biến thành một công ty mà VFF ngày càng muốn nhúng tay vào sâu và "quậy cháo" ở đấy bằng cách đưa người của VFF "đổ bộ" vào cùng việc nắm quyền quản lý lẫn quyết định về nhân sự, dù đấy là công ty cổ phần.

Nguyễn Nguyên (Lao Động)

Vỏ quýt dày & móng tay nhọn

Khi những phương án cài người nhà vào VPF bất thành, rất nhiều thông tin bên lề cuộc chiến tranh giành chiếc ghế TGĐ VPF đã đồn đoán. VFF đang tính đi đường vòng với tân TGĐ Cao Văn Chóng. Theo tìm hiểu, có nhiều cuộc tiếp xúc, vận động hành lang với cá nhân ông Chóng và cơ quan chủ quản CLB B.Bình Dương để ứng viên này đứng về phe VFF. Cho đến giờ, những cuộc "đi đêm" vẫn được cho là thành công, khi ông Chóng ngồi vào vị trí quyền uy, quan trọng nhất ở VPF.

Thế nhưng đúng là "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", VPF đã "bắt bài" và "chiếm quyền" sở hữu vị GĐĐH của các nhà ĐKVĐ V.League trước khi VFF lên ý tưởng và tiến hành tiếp xúc với ông Chóng. Cả VPF lẫn VFF đều chọn nhân vật này, thế nên mới có chuyện bản thân các cổ đông VPF cũng như đại diện các CLB đang phải đặt ra rất nhiều câu hỏi với tân TGĐ, khi không rõ đang "thuộc về phe nào?".

Thanh Ba (Thể thao 24h)

Bình mới, rượu có mới?

Với sự hiện diện của ông Cao Văn Chóng ở ghế TGĐ, chắc chắn tiềm lực kinh doanh và kinh tế của công ty này sẽ sáng nước hơn. Tại Bình Dương, ông Chóng đã từng chứng minh năng lực kinh doanh, điều hành thuộc hàng ngoại hạng và dù đội bóng thường xuyên phải chi hơn 50 tỷ đồng/mùa giải, nhưng công ty chưa từng báo lỗ. Ngược lại, họ có thêm 2 chức vô địch V-League và chơi khá ấn tượng ở AFC Champions League 2015.

Về lý thuyết, VPF sau đợt thay máu ở thượng tầng có vẻ như rất sáng nước. Song thực tế hoạt động của công ty này thế nào, việc điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có được cải thiện hay không, thì còn phải chờ. Chỉ e rằng, bình mới mà vẫn loại rượu cũ, khi bóng đá Việt Nam, như nhà báo Nguyễn Công Khế khẳng định, có quá ít những người làm bóng đá bằng cái tâm trong sáng.

Chuyện thế nào, hạ hồi phân giải.

Nguyệt Bàn (Thể thao & Văn hoá)

Phan Đăng
.
.
.