"Địa ngục trần gian" ở công trường xây dựng phục vụ World Cup 2022

Thứ Tư, 20/04/2016, 11:51
Bản báo cáo dài 52 trang công bố hôm 31/3 vừa qua của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) một lần nữa khẳng định, người nhập cư hiện đang làm việc trong những công trường xây dựng sân vận động phục vụ World Cup 2022 ở Qatar bị buộc lao động cưỡng bức, sống trong điều kiện vô cùng tồi tệ. AI kêu gọi FIFA có những hành động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ những người lao động, xây dựng hình ảnh đẹp về chủ nhà đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh.


Bóc lột lao động quá mức

Để xây dựng báo cáo, các nhân viên của AI đã tiến hành phỏng vấn 234 công nhân làm việc tại các công trình phục vụ World Cup 2022. Trong số này, có 132 công nhân xây dựng nhập cư làm việc tại các dự án sân vận động, 99 người làm việc tại khu vực xung quanh sân vận động và 3 người trồng cây xanh. Tất cả đều thổ lộ rằng, trước đó, họ không dám lên tiếng tố cáo vì sợ bị trả thù. 

"Chúng tôi phải sống trong điều kiện bẩn thỉu sống, lao động cưỡng bức và đe dọa trục xuất. Chúng tôi bị mắc kẹt ở Qatar vì sau khi đến đây, nhà tuyển dụng tịch thu luôn hộ chiếu. Điều chúng tôi lo ngại nhất là ông chủ sẽ khấu trừ tiền lương. Họ nói rằng, hoặc chấp nhận điều kiện làm việc, hoặc sẽ không bao giờ được về nhà", một công nhân cho biết.

Các công nhân nhập cư, chủ yếu là nam giới đến từ Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và một số quốc gia Nam Á khác. Ước tính, có hàng trăm ngàn người lao động nhập cư đang làm việc tại Qatar. Ngành xây dựng và công nghiệp dịch vụ khá phát triển ở Qatar và nhiều người tìm đến đây với mong muốn "được đổi đời". Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại. 

Theo thống kê của Đại sứ quán Ấn Độ tại Doha, ít nhất 260 lao động nhập cư từ Ấn Độ đã thiệt mạng tại Qatar trong năm 2015. Theo quy định của pháp luật Qatar, người sử dụng lao động nhập cư là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc công nhân có thể thay đổi công việc hoặc rời khỏi đất nước hay không. "Chính kẽ hở trong quy định về vấn đề lao động nhập cư và sử dụng lao động nhập cư của Qatar là nguyên nhân khiến nhiều người bị bóc lột lao động nghiêm trọng", AI nhận định.

Công trình xây dựng tại sân vận động quốc tế Khalifa ở Doha, Qatar. Ảnh chụp hôm 26/3/2016.

Nhiều nhân viên làm việc tại công trường xây dựng sân vận động Khalifa (sân vận động được xây dựng từ những năm 1970 và đang được nâng cấp phục vụ World Cup 2022)- nơi sẽ diễn ra nhiều trận cầu quan trọng cho biết, các nhà thầu phụ của dự án đã có hành vi vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng. 

88 người làm việc ở Khalifa nói với AI rằng, họ đã bị từ chối quyền rời khỏi Qatar. Một số công nhân đến từ Nepal đề nghị được trở về quê hương sau khi đất nước bị tàn phá bởi trận động đất vào tháng 4/2015 nhưng không được đáp ứng. Ít nhất 5 công nhân cho biết, buộc phải làm việc trái với ý muốn sau khi cố gắng từ chối làm việc vì tranh chấp lương với chủ sử dụng lao động.

AI cho biết, các nhà chức trách Qatar đã "bỏ qua những bằng chứng cho thấy, quyền của người lao động nhập cư làm việc cho các nhà thầu phụ và công ty cung ứng lao động đang bị vi phạm nghiêm trọng. Các công nhân làm việc cho nhà thầu Seven Hills cho hay, họ phải chịu lao động cưỡng bức trong thời gian dài. Một người lao động than phiền với ông chủ của mình tại Seven Hills về khoản thanh toán trễ. Khi người lao động nói rằng, ông muốn về nhà thay vì phải chờ đợi lương lâu như vậy th́ ông chủ trả lời: hăy chọn một trong hai việc sau: hoặc là làm việc hoặc sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở về nước".

Nỗ lực như "muối bỏ bể"

Qatar đã thành lập Ủy ban giám sát công tác chuẩn bị World Cup. Các phương tiện truyền thông Qatar ca ngợi rằng, hoạt động của Ủy ban giám sát vì mục đích "đảm bảo quyền lợi cho người lao động tham gia các công trình xây dựng phục vụ World Cup". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của Ủy ban giám sát cũng chưa thể giải quyết bài toán về nạn bóc lột lao động nhập cư vốn đã được nhắc đến từ lâu.

Bên cạnh đó, một hệ thống quy định đảm bảo lương cho công nhân cũng đã được ban hành vào tháng 11 năm ngoái. Theo đó, các công ty sử dụng lao động phải trả lương đúng thời hạn cho công nhân bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng điện tử. Đồng thời, lao động nước ngoài cũng được quyền khiếu nại những sai phạm của người sử dụng lao động đến đến ủy ban giám sát của chính phủ. 

Tuy nhiên, công đoàn và các nhóm nhân quyền nói rằng, những cải cách này chưa đủ mạnh và người lao động vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Họ chỉ có thể thay đổi công việc hoặc rời khỏi đất nước khi có sự cho phép của người sử dụng lao động.

Mustafa Qadri, một nhà nghiên cứu về quyền lao động nhập cư ở các quốc gia vùng Vịnh cho biết, chuyến thăm Qatar gần đây nhất của ông là hai tháng trước và "rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình đã được cải thiện so với báo cáo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Người lao động phải trả lệ phí tuyển dụng cắt cổ, trả lương chậm, sống trong khu vực ẩm thấp, bẩn khủng khiếp và buộc phải lao động. Rõ ràng có một vấn đề đáng báo động ở đây. Những gì Qatar làm chưa đủ để ngăn chặn nạn lạm dụng lao động. Chúng tôi không muốn nghe lời hứa hẹn mà muốn nhìn thấy hiệu quả từ hành động thực tế".

Nhiều công nhân cho biết, họ bị vi phạm nhân quyền có hệ thống, bao gồm cả việc lao động cưỡng bức.

AI đã miêu tả nỗ lực cải cách quy định về vấn đề quản lý lao động của Qatar chỉ như "muối bỏ bể". "Mặc dù đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề phức tạp liên quan đến công nhân xây dựng nhập cư nhưng các cơ quan chức năng Qatar gần như không có giải pháp hiệu quả để chấm dứt tình trạng bóc lột lao động". Bộ Lao động Qatar từ chối đưa ra bình luận về tuyên bố của AI. Một quan chức của Bộ Lao động lên tiếng bác bỏ thông tin của AI và cho rằng, AI đang cố gắng "tạo dư luận tiêu cực về Qatar với nước ngoài".

Kêu gọi FIFA hành động mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng bóc lột lao động

"Việc lạm dụng lao động nhập cư là một vết nhơ trong lương tâm bóng đá thế giới", Salil Shetty, người đứng đầu AI nhận định. "Mặc dù đã hứa nhưng FIFA gần như thất bại hoàn toàn trong việc bảo vệ những công nhân tham gia xây dựng công trình phục vụ World Cup. Chúng tôi kêu gọi FIFA hành động nhiều hơn để chấm dứt tình trạng này. Không thể để một sự kiện thể thao toàn cầu diễn ra trên sân vận động được xây dựng bằng cách lạm dụng lao động di cư. Các nhà lãnh đạo bóng đá thế giới, các nhà tài trợ như Adidas, Coca-Cola hãy lên tiếng", người đứng đầu AI nói tiếp. 

Đây là báo cáo đầu tiên của AI về vấn đề này kể từ khi ông Gianni Infantino được bầu làm chủ tịch mới của FIFA thay cho người tiền nhiệm Sepp Blatter.

Trước những thông tin mà AI đưa ra, mới đây, FIFA đã có phản hồi đăng trên trang web chính thức của Liên đoàn: "FIFA nhận thức rõ về những rủi ro mà công nhân xây dựng tại Qatar phải đối mặt. FIFA cùng với các đối tác khác sẽ nỗ lực để cải thiện điều kiện làm việc ở Qatar. Chúng tôi tin rằng, sức hút của World Cup sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho những thay đổi theo hướng tích cực".

Việc Qatar được lựa chọn đăng cai tổ chức World Cup 2022 từng gây nên những phản ứng trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời tiết ở Qatar không phù hợp để tổ chức giải.

Một số báo chí đưa tin, Đức và Pháp là hai quốc gia đã vận động hành lang giúp Qatar giành quyền đăng cai vì được hưởng lợi từ lao động nhập cư tại Qatar.

Những công trình xây dựng phục vụ World Cup chủ yếu do các công ty đa quốc gia của Đức và Pháp đảm nhiệm. Hồi tháng 6/2015, Qatar bị tố là đã hối lộ nhằm có được quyền đăng cai World Cup 2022.

Tường Phạm (tổng hợp)
.
.
.