Vấn đề của V.League 2015:

Điểm chết... ngoại!

Thứ Ba, 03/02/2015, 16:05
Đã có thời giải vô địch quốc gia Việt Nam tràn ngập giá trị ngoại, từ trưởng giải ngoại đến HLV ngoại, cầu thủ ngoại, và ai cũng nghĩ rằng: "Phải có ngoại xịn mới có thể lập chiến công". Thế nhưng, V.League 2015 lại đang chứng kiến một hội chứng mà nói không quá lời là: điểm chết... ngoại.

Chỉ sau 4 vòng đấu đầu tiên, chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã chỉ thị cho cấp dưới thanh lý hợp đồng khẩn cấp với hai cầu thủ ngoại, và đề nghị phải bổ sung những ngoại binh chất lượng cao. Nhưng điều đáng nói là ở vòng đấu thứ 6, một trong hai cầu thủ ngoại mới được bổ sung là trung vệ Cosmin đã trở thành tội đồ của đội.

Trong một trận đấu mà Hoàng Anh Gia Lai quyết thắng Quảng Ninh ở sân nhà Pleiku thì Cosmin đã có một pha để bóng chạm tay cực kỳ vô duyên ở đầu trận, khiến đội nhà phải chịu 11m và thua bàn. Đến cuối trận, chỉ hơn chục phút sau khi đồng đội của mình vừa  xuất sắc gỡ hoà 1-1 thì lại là Cosmin chuyền hỏng, giúp đối phương dễ dàng ghi bàn thứ 2.

Một người nổi tiếng là điềm đạm và rất hay bảo vệ các cầu thủ như HLV trưởng Guillaume Graechen sau đó đã phải công khai nói trong phòng họp báo rằng: "Tôi thất vọng với Cosmin". Còn theo những phóng viên có mặt ở sân vận động Pleiku hôm đó thì ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã xuống sân hỏi thẳng ông Guillaume vì sao lại sử dụng một cầu thủ như Cosmin trong đội hình xuất phát?

Những nhân tố ngoại xuất sắc như Gonzalo - HN.T&T (phải) ngày càng hiếm hoi.

Nhưng Cosmin không phải là cầu thủ ngoại duy nhất tạo ra cảm giác... đại thất vọng ở V.League năm nay. Từ những đội bóng ở phía trên bảng tổng sắp như chính Quảng Ninh, Thanh Hoá đến những đội bóng ở dưới bảng tổng sắp như Khánh Hoà, Đồng Nai, Quảng Nam, Cần Thơ... đâu đâu cũng thấy những sự ta thán về chất lượng cầu thủ ngoại. Nó khác và khác xa cái thời mà các khán đài V.League chao đảo với sự xuất hiện của những ngoại binh chất lượng cao như Achilefu, Amaobi, Kiatisak, Kesley, Lee Nguyễn, Leandro... - những cầu thủ có khả năng một mình tạo ra cơ hội, thậm chí... một mình tạo ra siêu phẩm.

Vậy thì điều gì đã dẫn tới sự khác biệt chết người này? Có nhiều người cho rằng việc tuyển chọn cầu thủ ngoại ở các CLB thường trải qua một quá trình tế nhị với những cái phết phẩy không ngừng được "vẽ" ra ở những công đoạn khác nhau. Ví dụ, một cầu thủ ngoại ký hợp đồng với mức lương khoảng 5.000 USD/tháng thì sẽ có một phần không nhỏ của khoản 5.000 USD ấy chảy vào túi những nhà môi giới và những người "gác cửa" ngoại binh ở các CLB.

Thực tế thì vấn nạn này chẳng mới mẻ gì, bằng chứng là gần chục năm trước, khi bị CLB chủ quản SHB.Đà Nẵng đối xử không như ý thì một trong những cầu thủ ngoại xuất sắc trong lịch sử V.League là Amaobi đã "tố" một lãnh đội đã từng ăn một khoản phế rất nặng của mình. Vì không có những bằng chứng cụ thể, xác đáng nên lời tố này sau đó không đi tới đâu, nhưng dân làng bóng ai cũng hiểu luôn có những cái luật bất thành văn trong việc tuyển chọn, ký hợp đồng với các cầu thủ ngoại. Một khi đã biết và đã hiểu cái luật bất thành văn tồn tại từ rất lâu này hẳn phải thấy nó không phải là nguyên nhân chính khiến chất lượng ngoại binh năm nay giảm sút. Theo chúng tôi, nguyên nhân chính nằm ở những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, nền kinh tế suy thoái, khiến đồng tiền đổ vào bóng đá giảm hẳn so với những năm trước, và đồng tiền đổ vào những cuộc săn lùng ngoại binh vì thế cũng sút giảm. Mà tiền giảm thì không thể đòi hỏi ngoại binh chất lượng cao.

Thứ hai, V.League trong nhiều năm qua đã diễn ra khá nhiều bê bối, từ chuyện bạo lực sân cỏ đến chuyện các cầu thủ làm độ nhằm thay đổi kết quả trận đấu theo ý mình. Nói như Lee Nguyễn, một cầu thủ ngoại xuất sắc từng chơi bóng ở V.League trong màu áo các CLB Hoàng Anh Gia Lai và Bình Dương thì: "Có quá nhiều rào cản để một cầu thủ ngoại có thể hoà nhập và thành công ở Việt Nam". Thế nên khi đứng trước những lựa chọn tương tự về thu nhập, hoàn cảnh sống, rất nhiều ngoại binh thường chọn các CLB ở các giải VĐQG khác trong Đông Nam Á thay vì chọn các CLB Việt Nam như khoảng 7,8 năm về trước.   

Thứ ba, làn sóng trẻ hoá ĐTQG của HLV trưởng ĐTQG Toshiya Miura ở AFF Suzuki Cup 2014 và những thành công bước đầu của nó đã khiến nhiều đội bóng V.League hiện nay cũng đi theo xu hướng trẻ hoá và nội hoá đội hình. Từ những đội bóng giàu khát vọng như Hoàng Anh Gia Lai, HN.T&T đến những đội bóng thường thường bậc trung như Sông Lam,  Khánh Hoà, đâu đâu cũng thấy sự xuất hiện của những cầu thủ trẻ người Việt. Sự khác biệt giữa các đội này chỉ nằm ở chỗ, trong khi Hoàng Anh Gia Lai trẻ hoá một cách ồ ạt thì những đội bóng này lại trẻ hoá theo kiểu xen kẽ nhằm giúp các cầu thủ lần đầu chơi V.League có thời gian thích nghi, trưởng thành.

Ở thời kỳ đầu của bóng đá chuyên nghiệp, chính ông bầu Đoàn Nguyên Đức - người hiện đang là PCT VFF đã mang tư tưởng ngoại hoá đội hình và là người tiên phong đưa những cầu thủ ngoại chất lượng cao về Việt Nam. Hồi đó, ông Đức tin rằng sự va chạm thường xuyên với các cầu thủ ngoại sẽ giúp cầu thủ Việt Nam được cọ xát, tăng cường trình độ, từ đó giúp chất lượng ĐTQG được nâng cấp. Nhưng sau này thì ông Đức và nhiều nhà quản lý điều hành nền bóng đá đều thấy là những tác động tiêu cực mà cầu thủ ngoại mang đến lại nhiều hơn, đơn cử như việc phần lớn các đội bóng đều chọn ngoại binh ở những vị trí xương sống như trung vệ, tiền vệ trung tâm, tiền đạo cắm, và thế là ĐTQG Việt Nam luôn "đói" người tài ở những vị trí này.

Mới đây, HLV trưởng ĐTVN Toshiya Miura cũng cho biết là việc VFF, VPF chỉ cho mỗi đội bóng V.League sử dụng 2 ngoại binh, buộc các đội phải đặt niềm tin nhiều hơn vào các cầu thủ nội sẽ giúp chất lượng ĐTQG được cải thiện. 

Trưởng giải người Nhật Tanaka Koji chỉ tồn tại duy nhất một mùa. Ảnh trong bài của H.M.

Nói vậy để thấy "điểm chết ngoại" có thể đang khiến một số đội bóng phải đau đớn với những khoản đầu tư của mình nhưng "điểm chết ngoại" tỷ lệ thuận với "điểm sáng nội" lại đang hứa hẹn những sự phát triển tích cực của các ĐTQG. Ở đời này, cái gì cũng có tính hai mặt của nó, vấn đề là ở mỗi bối cảnh khác nhau chúng ta phải biết những phương diện ưu tiên khác nhau của mình, từ đó xác định rõ ràng xem giữa cái được với cái không được thì cái nào sẽ tạo cho mình những tác động chiến lược nhiều hơn.

HLV ngoại: còn "đói" trong nhiều năm nữa?

Năm ngoái, V.League có một trưởng giải ngoại, đó là chuyên gia Nhật Bản Tanaka Koji. Công bằng mà nói thì ông Koji cũng ít nhiều tạo ra những nét mới cho bóng đá Việt Nam, mà bằng chứng rõ nhất là ông đã thống kê chỉ số hoạt động trung bình của các cầu thủ và kết luận: Ở V.League mỗi cầu thủ chỉ chạy bình quân 5,6 km/ trận, trong khi con số này ở các cầu thủ châu Á là 10 km. Chính từ thống kê mang tính khoa học cao của ông Tanaka Koji mà khi tiếp quản ĐT Việt Nam, một đồng hương của ông là HLV người Toshiya Miura đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề cải thiện thể lực cho các học trò. Nhưng nhìn một cách tổng quát thì bóng đá Việt Nam vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề "tế nhị" mà một người ngoại như ông Koji cũng không thể "ngửi", càng không thể "sờ" vào. Thế nên năm nay VPF đã quyết định quay lại phương án trưởng giải nội, và tin tưởng một cựu giám sát, cựu trưởng giải hạng Nhất quốc gia như ông Nguyễn Minh Ngọc sẽ đảm nhiệm thành công vị trí này.

Ở phương diện HLV cũng vậy, cách đây chỉ khoảng 5 năm, V.League lúc nào cũng bội thực các ông thầy ngoại. Có những đội bóng nổi tiếng là chỉ tin dùng thầy ngoại, và thay thầy ngoại như thay áo (Bình Dương, Đồng Tâm Long An) nhưng đến năm nay chỉ có duy nhất CLB Hoàng Anh Gia Lai là sử dụng ông thầy đang mang hai quốc tịch Việt - Pháp là Guillaume Graechen. Mà cái cách Hoàng Anh sử dụng ông Guillaume cũng rất đặc biệt khi ông vốn là người hướng đạo lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh trong suốt 7 năm đã qua, chứ không phải là một người mới toanh, lần đầu xuất hiện.

Trong những cuộc trò chuyện với chúng tôi, nhiều ông bầu cùng chia sẻ suy nghĩ: lương trả cho thầy ngoại khá cao nhưng vì thầy ngoại không hiểu được những vấn đề "rất Việt Nam" của các đội bóng Việt Nam nên hiệu quả công việc của họ không cao như kỳ vọng. Và với những nhận định thực tế, chuẩn xác như vậy có thể tin rằng V.League sẽ còn "đói" thầy ngoại trong nhiều năm nữa.

Ngọc Anh


Cầu thủ ngoại nhập tịch: Sự chấm dứt kịp thời

Cùng với việc chỉ cho phép mỗi đội bóng V.League đưa ra sân 2 cầu thủ ngoại (thay vì 3 như trước đây) và sẽ tiến tới việc giảm xuống còn 1 cầu thủ ngoại trong những năm tới, VFF, và VPF cũng chỉ cho phép mỗi đội đưa ra sân 1 cầu thủ nhập tịch. Thực ra đây là ý tưởng từng được nói tới ngay từ năm 2009, nhưng nó đã bị các đội bóng cực lực phản đối, nên đến lúc này mới có thể áp dụng.

Việc những cơ quan quản lý, điều hành nền bóng đá "siết" lại vấn đề cầu thủ nhập tịch cũng khiến làn sóng nhập tịch ngoại binh giảm sút đáng kể. Trước đây, nếu Hoàng Anh Gia Lai chủ trương Việt hoá rất nhiều cựu tuyển thủ Thái Lan thì nhiều đội bóng phía Bắc cũng không ngừng Việt hoá các cầu thủ châu Phi và Nam Mỹ, và vì thế đã có những trận đấu mà trên sân cùng lúc xuất hiện hơn chục ông Tây (cả Tây "xịn" lẫn Tây nhập tịch), khiến người xem có phần ngột ngạt. Năm nay tình trạng này đã chấm dứt, và theo quan điểm của chúng tôi thì nó là một sự chấm dứt kịp thời.

Tuấn Thành 

Phan Đăng
.
.
.