“Đỏ mắt” tìm kịch bản sân khấu hay về hình tượng người chiến sĩ Công an

Chủ Nhật, 10/11/2019, 16:43
Mặc dù các tác giả, nhà biên kịch đều khẳng định cuộc sống, chiến đấu của lực lượng Công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc là “mảnh đất vàng” cho văn học nghệ thuật, trong đó có sân khấu, nhưng nhiều đoàn nghệ thuật, đơn vị sân khấu chuyên nghiệp vẫn “đỏ mắt” đi tìm kịch bản để dàn dựng. Vì sao có nghịch lý này?


NSND Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát Công an cho biết, đơn vị khá chật vật trong quá trình tìm kiếm kịch bản phù hợp để đưa vào dàn dựng. Theo kế hoạch dự kiến, Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an lần thứ IV sẽ được Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vào năm 2020.

Đây là hoạt động nhằm ca ngợi bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Lực lượng CAND, khắc họa đậm nét, tôn vinh hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân, hướng tới chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1945-19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2020).Vừa để kịp thời xây dựng tác phẩm hay để tham gia Liên hoan, vừa đáp ứng yêu cầu công tác của đơn vị, Nhà hát quyết định lựa chọn kịch bản có nội dung phù hợp để đạo diễn vừa dựng, vừa điều chỉnh cho thích hợp với tác phẩm sân khấu.

Ba tác giả vinh dự nhận giải B của Trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” năm 2019.

Thực tế, để góp phần tìm kiếm, bổ sung nguồn kịch bản cho Liên hoan, năm 2019, trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 2 đã được tổ chức nhưng chỉ có 37 kịch bản, đề cương kịch bản của 35 tác giả đăng ký tham dự. Trong đó, phần lớn là kịch bản cho thể loại kịch nói (25 kịch bản). Chỉ có 2 kịch bản thuộc thể loại kịch hát – cải lương. Sau sàng lọc của Hội đồng Nghệ thuật, chỉ còn 22 kịch bản của 22 tác giả tham dự Trại.

Kết thúc Trại, Ban tổ chức không chọn được kịch bản nào để trao giải A, chỉ có 3 giải B, 5 giải C, 7 giải Khuyến khích. Mặc dù, như khẳng định của Đại tá Nguyễn Văn Toàn, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, đơn vị trực tiếp tổ chức trại sáng tác, thì từ trước khi tổ chức Trại, Ban tổ chức đã cố gắng đẩy mạnh tuyên truyền.

Ngoài công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, Ban tổ chức còn phối hợp với  Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa- Thể thao các tỉnh, thành phố thông báo đến các hội viên Hội Văn học nghệ thuật cũng như các cây bút không chuyên khác tại các địa phương. 

Tuy nhiên, việc tập hợp các nhân tố mới, đặc biệt là các tác giả trẻ, sung sức, với khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách, có năng lực cập nhật, tiếp nhận những xu hướng tham gia trại sáng tác còn hạn chế; kịch bản chưa phong phú về thể tài, hầu hết đều thuộc chính kịch.

Nội dung nhiều kịch bản là câu chuyện khép kín, nặng về lời thoại, kể lể, thiếu không gian mở cho ngoại đề và sáng tạo bổ sung những yếu tố kỹ thuật hiện đại khi dàn dựng trên sân khấu, hạn chế những liên tưởng mỹ thuật. Một số tác giả chưa bám vào các lĩnh vực công tác Công an nên kịch bản chưa chân thực. Một số tác phẩm chưa bám sát chủ đề của trại sáng tác.

Với vai trò của “người trong cuộc”, tác giả Nguyễn Thị Nguyệt, một trong 3 biên kịch có kịch bản được trao giải B của Trại sáng tác cho rằng, viết về lực lượng Công an không dễ. Thời điểm chị viết kịch bản “Vụ án am bụt mọc” – kịch bản đạt giải B, báo chí đưa thông tin về nhiều vụ án oan, người dân đau khổ, sau đó nhiều vụ được điều tra lại. Viết, sửa gần 1 năm, kịch bản vẫn chưa hoàn thiện như ý muốn. Khi Bộ Công an tổ chức Trại sáng tác, chị mạnh dạn tham gia. Nhờ các chuyến đi thực tế đến các đơn vị Công an, được truyền cảm hứng từ những câu chuyện người thật, việc thật, chị hoàn thiện tác phẩm sau đó rất nhanh.

“Hình tượng người chiến sĩ Công an rất đẹp. Những cống hiến hy sinh thầm lặng của họ rất lớn lao, nhưng nhân dân chưa biết nhiều. Văn học nghệ thuật cần có thêm nhiều tác phẩm nói nhiều hơn về những hy sinh thầm lặng nhưng rất cao cả ấy. Người nghệ sĩ cần có thêm nhiều chuyến đi thực tế để hiểu hơn về lực lượng Công an mới viết được nhiều tác phẩm sâu sắc hơn, thành công hơn về hình tượng người chiến sĩ Công an” – chị Nguyệt chia sẻ.

Nhà biên kịch Chu Thơm, tác giả “Hoa Sen lửa” – một trong 3 kịch bản được trao giải B của Trại sáng tác cũng cho rằng, lâu nay, ít người viết về Công an thành công và cho rằng viết về Công an rất khó là vì họ chưa thực sự hiểu sâu và chưa có cơ hội tìm hiểu nhiều về lực lượng này. Nhiều người cứ nghĩ viết về Công an là phải lăm lăm tay súng nhưng thực tế, người Công an giỏi ít khi dùng đến súng. Họ cảm hóa con người bằng tình người, đấy mới là Công an điển hình.

Tham gia Trại sáng tác lần này, được sự giúp đỡ tận tình của Ban tổ chức, có dịp tiếp cận gần hơn lực lượng Công an, các tác giả hiểu hơn về người chiến sĩ Công an, thẩm thấu thực tế cuộc sống, chiến đấu của họ để đưa vào tác phẩm. Hình tượng nữ Giám đốc Công an tỉnh trong kịch bản “Hoa Sen lửa” là một trong những thành quả mà ông thu được từ trại sáng tác này.

Suốt ngày bận rộn với công việc, họ đi đánh án nhưng ở nhà, những đứa con bị kẻ xấu kéo đi, người chồng rời xa gia đình, người nữ cán bộ ấy không gục ngã, chị vẫn cùng con vượt lên tất cả để tiếp tục sống đẹp, cống hiến cho xã hội…

Cảnh trong vở “Vẫn sống” – vở diễn mới nhất của Nhà hát Công an về hình tượng người chiến sĩ Công an.

Trao đổi quanh vấn đề này, tại lễ tổng kết và trao giải Trại sáng tác, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng chỉ ra rằng, cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội của nước ta hiện nay rất khác trước. Phòng chống tội phạm, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội là cuộc chiến hết sức khốc liệt, có những vấn đề không phải chỉ ở quốc gia này hay quốc gia kia mà còn liên quan đến nhiều quốc gia.

Bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khác trước rất nhiều. Trong xã hội công nghệ số, thông tin mạng rất nhiều, tội phạm rất khác, tác động đến nhiều vấn đề, công nghệ, mạng xã hội tác động đến tư tưởng các giai tầng. Chúng ta có công nghệ trong ứng phó phòng chống ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí nhưng cũng cần phòng chống “ô nhiễm đầu” vì tin tặc, tin giả. Nhà văn, nhà biên kịch chính là thầy thuốc chữa các bệnh “ô nhiễm đầu”. 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành, từ năm 2016 đến nay, trong lực lượng Công an đã có 35 đồng chí anh dũng hy sinh, 1.058 đồng chí bị thương. 9 tháng đầu năm 2019, có 9 đồng chí hy sinh, 96 đồng chí bị thương, 49 đồng chí bị phơi nhiễm trong khi thi hành công vụ… Những cống hiến, hy sinh của lực lượng Công an rất cần được các nhà biên kịch, nhà văn tuyên truyền đến công chúng. Xây dựng hình ảnh đẹp về Công an Việt Nam cũng là hình ảnh đẹp về đất nước.

Ở đó, người Công an phải thực sự là “thanh bảo kiếm” và danh dự phải là điều thiêng liêng cao quý nhất. Nhưng, để tất cả được hòa quyện trong từng ngòi bút, được thể hiện qua từng hình ảnh, từng tổ chức, cá nhân cụ thể. Làm được điều này, trong thời gian tới, đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, Ban tổ chức Trại sáng tác phải đồng hành nhiều hơn nữa với các nhà văn, nhà biên kịch, nhất là trong chuyển tải, lựa chọn những vấn đề, thông tin cho các nhà viết kịch.

Cùng với việc đổi mới tổ chức trại sáng tác, thu hút các nhà văn, nhà biên kịch, sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an và các hoạt động khác phải góp phần khắc họa hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an, chuyển tải được những hình ảnh đẹp, sự cống hiến, hy sinh của lực lượng Công an đến công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, thông qua con đường nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật, trong đó có tác phẩm sân khấu.

Hải Hà
.
.
.