Độ ngắn dài của trang phục và nỗi ấm ức nghệ sĩ

Thứ Sáu, 20/05/2016, 16:27
Chuyện váy áo, trang phục, y phục của nghệ sĩ cứ thỉnh thoảng lại được đưa lên bàn cân. Thỉnh thoảng lại có người bị tuýt còi, xử phạt. Và thường mỗi cuộc xử phạt hay xảy ra tranh cãi. Bên phạt bảo đúng, bên bị phạt cãi chưa đúng. Người thì không chấp nhận nộp phạt, người thì nộp phạt xong rồi vẫn ấm ức. Xét cho cùng, chung quy cũng tại quy định của cơ quan chức năng còn mập mờ, còn chưa cụ thể chi tiết, chưa được người làm nghệ thuật tâm phục.


Quy định phải khiến nghệ sĩ tâm phục khẩu phục

Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp quy định, nghiêm cấm các hoạt động văn hóa có nội dung trái với thuần phong mỹ tục, người tổ chức biểu diễn nghệ thuật không được yêu cầu hoặc cho phép người biểu diễn sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. 

Đối với các loại hình nghệ thuật ca, múa nhạc hiện đại thì nghiêm cấm hóa trang tạo ra kiểu đầu tóc kinh dị, sơn, nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù, trang phục hở hang, lộ liễu. Quy định đó thì nghệ sĩ biểu diễn ai cũng thuộc. 

Nhưng từ khi quy định được phổ biến đến nay, vẫn không ngừng xảy ra các cuộc tranh luận gay gắt từ phía nghệ sĩ biểu diễn với cơ quan xử lý vi phạm, cụ thể là Cục Nghệ thuật biểu diễn. 

Mới đây nhất là câu chuyện của siêu mẫu Phương Mai. Tại một sự kiện thời trang ở Hội An tối 23-4, Phương Mai làm MC chương trình. Cô diện váy ren đính cườm của nhà thiết kế Hoàng Minh Hà. Tuy nhiên chiếc váy bị cho là phản cảm, lộ toàn bộ vòng 1 của MC. Ngay lập tức Cục Nghệ thuật biểu diễn lên tiếng về bộ trang phục phản cảm của Phương Mai. 

 Người mẫu Phương Mai bị xử phạt vì trang phục bị cho là phản cảm trong chương trình thời trang tại Hội An hôm 23-4 vừa qua.

Tuy nhiên, một mặt đồng ý về việc rút kinh nghiệm cho những lần lựa chọn trang phục ở các sự kiện khác, Phương Mai chia sẻ với báo chí rằng cô vẫn thấy trang phục của nhà thiết kế mà cô chọn cho sự kiện hôm 23-4 là đẹp và phù hợp. Rất nhiều khách mời đã không tiếc lời khen ngợi chiếc váy. Và đó là một chiếc váy có lớp lót kín đáo, không hở hang như nhiều người nhìn trên ảnh và phán xét. 

Phương Mai cũng cho rằng một số người chụp ảnh đã cố tình chụp những bức hình không chuẩn để phát tán trên truyền thông. Cô chấp nhận hình phạt của Cục Nghệ thuật biểu diễn nhưng vẫn giữ quan điểm của mình, cho rằng chiếc váy cô mặc không phản cảm.

Trước Phương Mai, nhiều nghệ sĩ từng bị phạt vì tội ăn mặc hở hang, không hợp thuần phong mỹ tục. Các nghệ sĩ như Thu Minh, Hương Tràm, Hà Anh, Ngọc Quyên, Trang Trần, Mai Khôi, Thủy Tiên, Trà Ngọc Hằng... đều đã từng bị phạt vì chuyện trang phục ngắn dài, hở ít hở nhiều. 

Tất nhiên, chuyện bị phạt của các nghệ sĩ này thì vẫn được dư luận đồng lòng. Công chúng cho rằng với những trang phục họ mặc và bị phạt thì không có gì là sai cả. Nhưng ở đây nảy sinh một vấn đề khiến cho một vài nghệ sĩ ăn mặc phản cảm thật, và bị phạt thật và vẫn không tỏ ra tâm phục khẩu phục quyết định của cơ quan chức năng. Đó là cách nói chung chung, mặc phản cảm, lộ liễu, trái với thuần phong mỹ tục. 

Theo đó, cơ quan chức năng cần làm rõ, trang phục như thế nào thì được gọi là hở hang. Độ ngắn dài của trang phục như thế nào thì "phạm quy". Hay đâu là những yếu tố trái thuần phong mỹ tục thể hiện trên trang phục của nghệ sĩ. Và quy định phạt cần phải nằm trong những hoàn cảnh cụ thể, theo tính chất các buổi biểu diễn cụ thể. 

Ví dụ, nếu một show diễn thời trang chuyên về nội y được cấp phép, thì việc người mẫu mặc nội y với các mẫu thiết kế đó có phải đối mặt với việc bị cơ quan quản lý "soi" mức độ phản cảm hay không. Khái niệm "thuần phong mỹ tục" trong đời sống hiện đại hôm nay cần phải mang một nội hàm rộng hơn, cũng không nên vì cái gọi là "thuần phong mỹ tục" mà nệ cổ quá, quên đi yếu tố hội nhập hay xu hướng quốc tế hóa. 

Vì trang phục hiểu kỹ ra, cũng là một biểu hiện của phát triển và hội nhập văn hóa.  Nên chăng thay vì đưa khái niệm chung chung, các nhà quản lý cần phải cụ thể hóa bằng những chuẩn mực khác dễ kiểm duyệt hơn. Vì quy định là phải được cụ thể hóa. Và nếu chỉ nói chung chung thì phạt người vi phạm rất khó, chủ yếu lại phải nhờ vào dư luận xã hội, vào sức ép truyền thông. Còn người bị phạt lại hoàn toàn có cớ vin vào để cãi bay cãi biến. Lúc đó, liệu có thể có một nhà quản lý nào đứng ra để giải thích thế nào là hở hang, thế nào là thuần phong mỹ tục.

Đã phạt thì phạt đến nơi đến chốn, đừng phạt ví dụ

Bên cạnh việc đưa ra những "ba-rem" cụ thể về chuẩn ăn mặc của nghệ sĩ, làm sao để ai cũng có thể hình dung rõ ràng rằng, mình mặc như thế nào là phản cảm hay không phản cảm, thì mức phạt cũng rất quan trọng. Quy định cho việc phạt ăn mặc hở hang, không đúng thuần phong mỹ tục đang dao động từ 2-5 triệu đồng. Việc phạt vài ba triệu đồng đối với các nghệ sĩ biểu diễn, những người có cát-xê cao ngất ngưởng tiền chục, tiền trăm triệu một show diễn thật ra chỉ là chuyện "con muỗi". 

Siêu mẫu Hà Anh bị cấm biểu diễn 3 tháng vì ăn mặc phản cảm.

Đây là một nguyên nhân khiến cho nghệ sĩ bất chấp, cứ ăn mặc hành xử theo ý muốn, cùng lắm là nộp phạt, bởi số tiền nhỏ chẳng có gì đáng ngại. Đấy là không kể một số nghệ sĩ trẻ còn cố tình tạo ra các xì-căng-đan liên quan đến chuyện ăn mặc để được nhiều người chú ý, để nổi tiếng. Phạt như vậy chỉ gây tác dụng ngược với nghệ sĩ mà thôi. 

Cho nên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn cần xem lại mức độ xử phạt, sao cho có sức nặng, đủ tính răn đe đối với người bị phạt. Cần phải căn chỉnh lại các ba-rem xử phạt cho chuẩn, rằng ăn mặc cụ thể mức độ như thế nào thì phải chịu phạt, và phạt là phạt nặng. Số tiền phạt có thể bằng số tiền cát-xê của buổi biểu diễn mà nghệ sĩ vi phạm chuyện ăn mặc. Thậm chí, có thể cấm biểu diễn trong khoảng thời gian dài, không phải chỉ 1 đến 3 tháng như bây giờ mà có thể 6 tháng đến 1 năm. 

Cũng không loại trừ những trường hợp vi phạm nặng nề, ví dụ vì chuyện trang phục ảnh hưởng đến hình ảnh văn hóa quốc gia, dân tộc thì cấm biểu diễn vĩnh viễn. Có như vậy các nghệ sĩ mới có ý thức trách nhiệm cao nhất về chuyện y phục. Họ buộc phải tôn trọng công chúng, tôn trọng pháp luật, không phải cứ muốn gì làm lấy. 

Xử phạt đúng và nghiêm minh, cũng giúp cho các nghệ sĩ trẻ ý thức tốt về văn hóa ăn mặc. Họ là người của công chúng, họ phải chỉn chu, văn minh khi xuất hiện trước công chúng, không dám đùa bỡn, xem nhẹ việc bảo vệ hình ảnh của mình.

Tuy nhiên, câu chuyện phạt hay không phạt nghệ sĩ, phạt nhiều hay phạt ít chuyện ăn mặc lố lăng phản cảm cũng chỉ là một vế của câu chuyện. Vấn đề đầu tiên vẫn là giáo dục cho thế hệ nghệ sĩ trẻ những kiến thức cần thiết về văn hóa truyền thống, về cái đẹp, cãi mỹ cảm. Làm sao để các nghệ sĩ khi bước chân vào nghệ thuật không có cái nhìn lệch lạc về thẩm mỹ, biết chọn các giá trị để theo đuổi. Rằng chuyện trang phục không phải cứ ngắn là đẹp, cứ hở là đẹp. 

Nhìn vào thực tế hiện nay, các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, MC, diễn viên, ca sĩ rất nhiều, nhưng không thấy các chương trình này dành một khoảng thời gian nhất định, để dạy cho các thí sinh các kỹ năng về ứng xử, ăn mặc. Việc trang bị kiến thức thẩm mỹ cho thí sinh vô cùng quan trọng, vì họ sẽ có cơ hội nhận diện vẻ đẹp chính mình, từ nội tâm đến hình thức, không sa đà vào những trò rẻ tiền để câu view, thu hút đám đông. 

Trên nhiều diễn đàn, không ít độc giả bức xúc, hiện nay chuyện ăn mặc của ca sĩ, người mẫu, diễn viên ngày càng quá đà. Không ít chương trình nghiêm túc, trên sóng truyền hình quốc gia hẳn hoi, mà người nổi tiếng mặc đồ xẻ trước xẻ sau, lộ các điểm nhạy cảm của cơ thể. Thậm chí có ca sĩ mặc đồ như đồ ngủ để biểu diễn. Hình ảnh sai lạc của họ có thể ảnh hưởng tiêu cực vào nhận thức thẩm mỹ của giới trẻ. Phạt thì như ví dụ, nên người ta không ngại phạt. 

Và ngay cả phạt cũng không giải quyết vấn đề gì, nếu như họ cứ tiếp tục tái phạm. Vấn đề là cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng, thẩm mỹ cho nghệ sĩ trẻ, ngay khi họ còn đang ngồi trên ghế các trường đào tạo, hay trước khi họ tham gia các chương trình có lượng công chúng đông đảo theo dõi.

Thu Phong
.
.
.