Du ca Việt và hành trình kết nối âm nhạc của những miền di sản

Thứ Sáu, 11/09/2015, 16:13
Đúng vào thời điểm thị trường âm nhạc đang hỗn độn với một bộ phận lớp trẻ đang có những thị hiếu lệch lạc về âm nhạc thì nhóm ca sĩ, nhạc sĩ gạo cội do nhạc sĩ Lê Minh Sơn khởi xướng, đã làm nên một “Du ca Việt”, đi qua 63 tỉnh, thành để khơi gợi, kết nối những giai điệu âm nhạc truyền thống của từng vùng, miền. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu tìm kiếm những tài năng âm nhạc, những số phận đặc biệt nặng lòng với du ca để kết nối cộng đồng.

1. Nhạc Việt từ trước đến nay chẳng ai lạ gì Lê Minh Sơn, người được ví là “gã khùng” của giới Showbiz. Thi thoảng, anh xuất hiện với những dự án đình đám rồi lại lặn mất tăm, không để lại dấu vết. Để rồi sau đó, anh lại tái xuất với những hiện tượng âm nhạc đúng chất của Lê Minh Sơn. 

Như dịp này chẳng hạn, sau thời gian vắng bóng để bỏ phố về làng, anh trở lại và khuấy động thị trường vốn đang hỗn mang của âm nhạc Việt bằng chuyến đi mang tựa đề “Du ca Việt”, hội tụ những lão làng âm nhạc như Nguyễn Cường, những ca sĩ nổi tiếng như Tùng Dương, Đan Trường, Ngọc Khuê… xen lẫn những tiết mục của các ca sĩ này là những nhân tố âm nhạc bí ẩn, ẩn đằng sau những số phận rất đặc biệt ở từng vùng, miền qua sự phát hiện và bồi đắp của chính nhạc sĩ Lê Minh Sơn sau bao năm tháng trải nghiệm.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ, ý tưởng làm “Du ca Việt” của anh hình thành cách đây từ 4 năm trước, khi anh thấy trên truyền hình có nhiều chương trình thực tế được phát sóng sau khi mua bản quyền, nhưng phần lớn đều diễn theo kịch bản của nước ngoài. Khán giả vẫn còn thiếu những mảng màu âm nhạc mang nét đặc trưng của mỗi vùng quê Việt Nam qua các show diễn trực tiếp trên truyền hình. Bởi vậy, suốt 2 năm trở lại đây, anh đã bỏ hẳn thời gian để lên kịch bản, kêu gọi các đồng nghiệp tâm huyết để xây dựng chương trình. 

Suốt nhiều năm qua, bản thân nhạc sĩ đã cất công đi đây đó khắp các vùng miền, làng quê Việt để tìm kiếm những sắc màu âm nhạc độc đáo, riêng biệt, tìm kiếm những mảnh đời âm nhạc lẩn khất đằng sau những số phận bi thương để âm thầm xây dựng nên một “Du ca Việt” mang đậm bản sắc âm nhạc Việt. 

Thành quả không thể mong đợi hơn, ấy là từ 25/7, “Du ca Việt” của Lê Minh Sơn đã chính thức lên sóng truyền hình quốc gia Việt Nam. Dù thời lượng chỉ 20 phút mỗi tập, và 2 tuần một số, song “Du ca Việt” thực sự đã gây được ấn tượng mạnh, đi vào tiềm thức của mỗi người Việt yêu nước bằng chính những sản phẩm âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa, con người Việt Nam.

2. Tại mỗi Liveshow “Du ca Việt”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn vừa là đạo diễn âm nhạc, kiêm luôn người dẫn chương trình. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ, để có được chừng đó thời gian lên sóng hoàn hảo, cũng như đêm diễn trọn vẹn, tại mỗi địa phương nơi chuyến xe chở đoàn du ca ghé qua, bản thân anh và ê-kip đã phải lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc, chắt lọc 20 phút trong tổng số 120 phút biểu diễn tại một địa phương. Cùng với các diễn viên nghiệp dư ở mỗi vùng miền, các anh đã cùng tập luyện, trò chuyện và biểu diễn như chính một gia đình vậy. 

Cái thành công lớn nhất của Lê Minh Sơn, cũng là kim chỉ nam xuyên suốt để các anh tiếp tục mang lại thành công ngoài dự kiến, chính là sự kết nối giữa khán giả với diễn viên tại các địa phương. Để làm được điều đó, ở mỗi tỉnh, thành, ít nhất nhạc sĩ Lê Minh Sơn phải khảo sát không dưới 3 lần để tìm ra nét văn hóa đặc sắc nhất. 

Chẳng hạn như để có được đêm “Du ca Việt” với chủ đề “Thương câu ví dặm” được tổ chức tại Trường Đại học Vinh (Nghệ An) vào đêm 20/8 vừa qua, nhạc sĩ Lê Minh Sơn và ê kíp đã tìm hiểu rất kỹ văn hóa xứ Nghệ, nhận thấy dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa được UNESCO vinh danh, “Du ca Việt” đã chọn chủ đề này để xuyên suốt đêm biểu diễn.

Ngẫu hứng khúc ca ví dặm trong “Du ca Việt” tại Nghệ An.

Dàn diễn viên không chuyên đứng trên sân khấu, do nhạc sĩ Lê Minh Sơn trực tiếp đệm đàn và phối khí, là những người nông dân xứ Nghệ giản dị, chân lấm tay bùn đến từ CLB dân ca xã Hưng Tân (huyện Hưng Nguyên), tự hào cất tiếng hát đằm thắm, mộc mạc của quê hương. Điểm nhấn của chương trình là câu chuyện về anh Mai Trọng Kiên, diễn viên của Đoàn Kịch hát dân ca, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. 

Ngoài ra, để đêm diễn không nhàm chán, đơn thuần là những điệu ví dân ca, những ca sĩ áo tơi chân đất, “Thương câu ví dặm” còn có sự góp mặt của nam ca sĩ Cao Thái Sơn, màn hòa tấu vũ điệu sôi động Tây Ban Nha của ban nhạc Jazz Hà Nội, nghệ sỹ violon Trịnh Minh Hiền… thực sự đã mang lại “bữa tiệc” âm nhạc ấn tượng cho đông đảo sinh viên và người dân xứ Nghệ.

Trước đó, ở những địa phương khác, nơi mà “Du ca Việt” đã đi qua, đều để lại dấu ấn riêng biệt đậm văn hóa của từng vùng miền. Chẳng hạn như ở tỉnh Bắc Kạn, điểm nhấn của đêm du ca là câu chuyện của hai vợ chồng anh Quốc Trung và chị Đinh Thị Bông, hai con người khiếm thị, ngày ngày đi hát rong mưu sinh.

Trong câu chuyện với nhân vật trước ngày chạy chương trình, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nghe chị Bông kể chuyện mê giọng hát của nam ca sĩ Việt Hoàn và mơ được một lần hát cùng. Ngay lập tức, trong đêm du ca “Câu hát yêu thương”, khán giả đã vô cùng sửng sốt, xúc động khi được chứng kiến trên sân khấu, chị Bông say sưa song ca cùng ca sĩ Việt Hoàn trong ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh”. Tiết mục đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả. Không du ca nào giống với du ca nào, đó là tiêu chí của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. 

Chẳng hạn như đêm du ca ở Ninh Bình, đó là sự tổng hòa âm nhạc với sự tham gia của 200 nhà sư hát trên nền nhạc giao hưởng; ở Vĩnh Phúc là đêm hội của những công nhân khi chọn chủ đề “Khi tan ca em hát”, ngẫu hứng từ vùng đất của những nhà máy, khu công nghiệp. Trong khi ngược lên Đắk Lắk, lại là chương trình tri ân, tưởng nhớ đến nghệ sĩ Y Moan cùng tiếng hát của ông vang bóng một thời. Rồi đến với mảnh đất Bình Định là điệu tuồng đặc trưng, chèo ở Thái Bình, quan họ ở Bắc Ninh… không địa phương nào giống bất cứ địa phương nào. 

3. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn tiết lộ, để đưa âm nhạc dân gian trở nên gần gũi hơn với mọi tầng lớp nhân dân, dàn “diễn viên” trên sân khấu, anh chọn từ cậu bé tóc còn để chỏm đến cụ lão trên 90, miễn là có niềm đam mê ca hát. Trong tiết tấu, ê kíp du ca cũng không đặt ra bất cứ mục tiêu nào, miễn là người hát cháy hết mình, thả hồn được vào những khúc ca trên mỗi chuyến hành trình. 

Nói về “Du ca Việt” lên sóng truyền hình, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng, “Du ca Việt” chỉ là một chương trình nhỏ,  nhưng nó mang thông điệp kết nối cộng đồng, kết nối yêu thương. Qua đó, những người làm chương trình muốn thành lập quỹ để bảo tồn những giá trị văn hóa mà ông cha để lại và giao cho người dân tự chủ.

Tại mỗi địa phương mà “Du ca Việt” đi qua, nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã bắt gặp những phận người, dù đau ốm bệnh tật, dù già cả hay trẻ nhỏ, vẫn đam mê, say sưa với điệu hát của từng vùng miền. Đó có thể là cậu bé Sùng A Lử mồ côi cha, mẹ bị bán sang Trung Quốc, phải sống trong trung tâm bảo trợ ở Lào Cai, hoặc là trường hợp một cậu bé bị bệnh hiểm nghèo ở Nghệ An, vẫn say sưa với điệu ví dặm quê mình. Những phận người này chính là động lực thúc đẩy “Du ca Việt” đến gần hơn với cộng đồng, kể cả cộng đồng người Việt sống xa quê, bôn ba khắp thế giới. 

Cần phải nhìn nhận thực tế rằng, Lê Minh Sơn không phải là người làm âm nhạc đầu tiên tổ chức du ca. Trước đó, nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý cũng đã từng du ca. Song, cái khác biệt của “Du ca Việt” so với trước, là đi qua hết 63 tỉnh thành, và tại mỗi địa phương, “Du ca Việt” là sân chơi để mỗi người dân tự cất lên lời ca tiếng hát, và sự tương tác giữa nhân dân với người nghệ sĩ cũng gần gũi hơn rất nhiều. 

Khi bài báo này lên trang, “Du ca Việt” đang đi qua các tỉnh miền Trung, đang khơi gạn, chắt lọc những gì tinh túy nhất của mỗi vùng miền để kết nối với cộng đồng. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết thêm, 4 năm qua, anh đã bỏ qua tất cả những dự án âm nhạc lớn, kể cả những dự án “hái ra tiền” chỉ để ăn ngủ cùng với “Du ca Việt”. Với anh, đó là một chương trình vĩ đại, và để nó trường tồn, phát triển không chỉ sau khi kết thúc du ca qua 63 tỉnh, thành, nhạc sĩ “bên bờ ao nhà mình” thực sự cũng đang rất cần đến sự cam kết của các nhà đầu tư.

Thiện Thành
.
.
.