Du xuân qua sắc màu hội họa

Thứ Năm, 04/02/2016, 11:16
19 họa sĩ cùng được mời để "chơi một cuộc" trước thềm năm mới. Một triển lãm hội tụ đông đủ những anh tài của làng hội họa Việt. Công chúng được thưởng thức một đại tiệc sắc màu, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, sau một năm bận rộn và nhiều âu lo. Cuộc chơi này được bày biện bởi những nhà quản lý tâm huyết với hội họa nước nhà của Trung tâm Triển lãm nghệ thuật Việt Nam. Thêm một địa chỉ văn hóa để công chúng tới thưởng ngoạn trong những ngày giáp Tết Bính Thân.


Không gian rộng lớn của Trung tâm Triển lãm nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ mỹ thuật Việt Nam. Người lớn tuổi nhất là họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành. Ông cũng vừa có một cuộc trưng bày tác phẩm của mình tại Đức và được công chúng đón nhận nhiệt tình. Chỉ tiếc là trong bữa tiệc mỹ thuật chào xuân tại địa chỉ văn hóa tin cậy này, Lê Công Thành chỉ treo tranh, không có tượng. Vì các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của ông còn đang trưng bày tại nước ngoài nên đành lỗi hẹn công chúng trong nước. Tuy nhiên, chỉ với tranh sơn dầu, Lê Công Thành cũng cho công chúng một cảm nhận đặc biệt về thứ hội họa của riêng ông- người nghệ sĩ tuy tuổi đã cao nhưng sức trẻ trong sáng tạo thì lúc nào cũng như tuổi 20. Ông là câu chuyện đặc biệt nhất khi bàn về mùa xuân trong hội họa.

Cũng với Lê Công Thành, rất nhiều tên tuổi quen thuộc khác của mỹ thuật Việt như Lê Trí Dũng, Võ Tá Hùng, Đào Thành Duy, Đỗ Dũng, Phạm Minh Hải… tạo nên sự phong phú cho bữa tiệc bằng những tác phẩm có thể nói là mang phong cách riêng, cá biệt của từng người. Võ Tá Hùng chắc về hình họa nhưng cực kỳ bay bổng trong màu sắc. Những bức tranh như Mùa gặt hay tranh mùa xuân của ông trao cho người xem một cảm xúc trong trẻo, ấm áp về cuộc sống, về tương lai. 

Lê Trí Dũng vốn nổi tiếng về tranh các con giáp, đặc biệt là tranh ngựa. Tại triển lãm mùa xuân lần này, công chúng có thêm một cơ hội để ngắm nhìn những chú ngựa tuyệt đẹp qua ngòi bút điêu luyện của họa sĩ. Những chú ngựa tung vó phi nước đại vào xuân với tinh thần lãng mạn bay bổng như báo hiệu những niềm vui, những điềm lành của ngày mới đang đến gần. Tôi tin chắc rằng, ai xem tranh ngựa của Lê Trí Dũng xong cũng muốn sở hữu một bức về treo tại nhà, cầu mong một năm mới mã đáo thành công.

Nhớ phố của Nguyễn Đoàn Sơn.

Nguyễn Ngọc Dân còn được gọi là Dân "dây điện". Anh mang "đặc sản dây điện" đến triển lãm, là những bức họa giàu biểu cảm về đô thị. Những dây điện nhằng nhịt đầy chủ ý trong tranh của anh, kể về một đời sống thị dân đang thay da đổi thịt hàng ngày. Người xem vừa bị vướng vào dây điện với bao cảm xúc lẫn lộn, sẽ được "giải cứu" ngay bởi những hoa sen, hoa đào khoe sắc ở những bức tranh bên cạnh. 

Nguyễn Hữu Khoa, còn gọi là họa sĩ Còm, trổ tài bằng những bức vẽ đào đẹp tuyệt. Anh vốn là họa sĩ mê hoa, lại sống cả tuổi thơ và tuổi trẻ ở Hà Nội, trong ngôi làng trồng đào nổi tiếng của Thủ đô, nên hồn vía của hoa đào anh có thể "nắm giữ" rất thuyết phục. Không phải đến triển lãm lần này, mà những năm trước, Nguyễn Hữu Khoa đã từng có triển lãm cá nhân về hoa đào và được công chúng đặc biệt say mê, yêu thích.

Hoa và Đá của Lưu Doãn Sơn.

Hoa đào không chỉ là biểu tượng của mùa xuân, mà còn là hình ảnh của văn hóa Bắc Bộ. Hồn cốt ấy chỉ có thể hiện ra trong tài năng và tinh thần văn hóa đậm đà xứ Bắc của người họa sĩ. Nguyễn Hữu Khoa chọn một cách biểu hiện hoa đào tương đối trực diện, tạo cảm giác thực và mạnh, khác hẳn với tranh hoa đào của Nguyễn Như Quang, một họa sĩ, một nghệ nhân gốm nổi tiếng. Hoa đào trong tranh Nguyễn Như Quang có một vẻ đẹp mong manh hơn, trừu tượng hơn.

Chủ đề hoa vốn là chủ đề bất tận. Nhất là trong một triển lãm chào xuân thì tranh hoa không thể thiếu. Bên cạnh hoa đào, tranh hoa sen của các họa sĩ Bùi Trọng Dư, Đỗ Đức, Bùi Thành Duy, Phùng Mỵ Trâm cho công chúng một hình dung đầy đủ về tinh thần Việt trong một năm mới nhiều hứa hẹn. Bùi Trọng Dư người thường vẽ sen trong những gam màu lạnh, trung tính, mang đến cho người xem một cảm nhận lạ, vừa gần vừa xa về một loài hoa quen thuộc. Phùng Mỵ Trâm náu trong sen một vẻ nữ tính, rất đàn bà. Bùi Thành Duy tỉ mỉ, cầu kỳ, khắt khe với những đường nét tinh tế để vẽ sen, như cách anh vẫn thường nhìn đàn bà đẹp từ phía sau lưng. Tranh sen của Đỗ Đức thì lại đậm chất thiền, đậm tinh thần Phật giáo.

Phương Bình, nữ họa sĩ trẻ, tên tuổi được biết đến nhiều trong thời gian gần đây, góp vào đại tiệc sắc màu của mỹ thuật mùa xuân với những bức tranh đa dạng về phong cách. Phương Bình có lối vẽ ma mị, không nệ thực. Chị vẽ hoa trong phép nhìn ẩn dụ. Chị vẽ đàn bà trong cõi siêu thực, nên tranh của chị thường khó đoán định hơn, giàu ước lệ hơn. 

Nữ họa sĩ Phương Bình và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tại Triển lãm.

Bên cạnh những tên tuổi đã định hình phong cách, có chút cổ điển, nghiêm trang của những người cầm cọ thế hệ đi trước, sự tung tẩy, bứt phá, sự "điên" của Phương Bình góp phần làm cho triển lãm trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn. 

Cùng với Phương Bình, các họa sĩ tên tuổi khác như Đinh Minh Đông, Phạm Quang Huynh, Dương Ngọc, Đào Anh Khánh, Nguyễn Doãn Sơn mỗi người một vẻ trong tranh, làm nên một sự no nê hiếm thấy trong cảm xúc của người thưởng lãm. Ngoài ra là những tác phẩm gốm của các tác giả Vũ Hữu Nhung và Nguyễn Như Quang. Hai "tay chơi" có hạng trong nghệ thuật gốm hiện đại góp vào triển lãm những tác phẩm đặc sắc nhất, khiến cho người xem mê mải không rời bước khi đến với triển lãm. 

Ông Dương Văn Quynh, Giám đốc Trung tâm triển lãm nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi muốn tạo ra một cuộc chơi phong phú, đầy đủ, đẳng cấp để phục vụ công chúng trong những ngày đầu năm mới 2016. Các họa sĩ đều được mời chính danh và họ mang đến những tác phẩm tiêu biểu của mình làm nên một triển lãm đậm đà chất xuân. Với tư cách là đơn vị tổ chức, chúng tôi tạo điều kiện tối đa để các nghệ sĩ mỹ thuật được thể hiện cá tính, phong cách của mình. Đây sẽ là hoạt động thường niên, góp phần thúc đẩy hoạt động mỹ thuật trong nước và nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng".

Tham vọng của ban tổ chức là rất đáng ghi nhận, dù cho 19 họa sĩ được mời có thể chỉ là một góc của bức tranh lớn mỹ thuật Việt. Như thế cũng đủ để phần nào hình dung ra đời sống mỹ thuật đương đại đang rất sung sức. Tuy nhiên, tiếng nói của thế hệ các họa sĩ trẻ xem chừng vẫn còn mỏng và nhẹ, so với các thế hệ đàn anh. Nhưng đó là câu chuyện khác và có thể cần phải bàn trong một dịp khác. Với công chúng những ngày đầu xuân này, một đại tiệc màu sắc như thế có thể là tạm đủ để yêu thêm, hiểu thêm về nền hội họa của nước nhà.

Hội Quân
.
.
.