Đừng biến trẻ em thành công cụ giải trí

Thứ Năm, 29/10/2015, 07:00
Mặc trang phục sành điệu, hở hang, uốn éo cơ thể theo những giai điệu sôi động, cất lên những ca từ mà chính các em không hiểu nội dung của nó ra sao… là hình ảnh thường thấy trong những gameshow gần đây dành cho trẻ em.
Những đứa trẻ lớn trước tuổi vì tham gia gameshow

Chung kết gameshow “The Voice Kid” vừa kết thúc tối 24/10, trên mạng xã hội, hàng loạt khán giả ca thán về việc các tài năng nhí bị "chín ép" dưới bàn tay đạo diễn của người lớn. Anh Huỳnh Tấn Phát, đạo diễn nhóm kịch Tuổi Ngọc nổi tiếng một thời của Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh phát biểu trên trang cá nhân.

"Thời buổi bây giờ, trong một chương trình đơn thuần giải trí dành cho trẻ con mà cứ cho các em lên hát những câu: Kia trông, 1, 2, 3, 4, 5, 6 ngàn tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia, nó bỏ xác trên rừng. Bộ đội giải phóng quân ơi! Các anh đánh hay hung!... Bộ hết bài cho trẻ con rồi hay sao mà cứ phải chọn cái bài đánh đấm, bắn giết của người lớn hồi xưa rồi nhét vào miệng mấy đứa nhỏ bây giờ?

Rồi cứ cho là không còn bài nào hay ho như “Tiếng đàn Ta Lư” để xứng tầm với giọng ca quán quân năm rồi hát đi. Thì đến cái vụ dàn dựng múa minh họa thì nó không ăn nhập gì với nội dung bài hát. Lại cứ cho mấy em gái đeo gùi ra nhún nhảy, õng ẹo, ngoáy mông cả nguyên cái intro là sao? Cái múa nó phá cái bài…".

Nhận định của vị đạo diễn cũng là trăn trở của nhiều khán giả xem truyền hình qua hàng loạt cuộc thi thố tài năng dành cho thiếu nhi như: The Voice Kid, Việt Nam Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Đồ rê mí, Gương mặt thân quen nhí…

Một danh hài đất Bắc cũng từng làm tiểu phẩm phản ánh nạn "già hóa" trẻ em trên gameshow truyền hình. Anh cho rằng: "Rất nhiều chương trình truyền hình thực tế đã tạo cho các em một thói quen, một tật xấu là già trước tuổi và mất đi sự hồn nhiên. Đặc biệt các em sẽ mắc phải tật xấu, sự ganh đua, thiệt hơn trong cuộc thi mà đánh mất đi sự trong sáng của tuổi thơ, đúng tuổi của các em.

Đức Vĩnh nổi tiếng nhờ khả năng giả gái trong cuộc thi Việt Nam Got Talent.

Ở chương trình “Giọng hát Việt nhí”, các em được rèn luyện quá điêu luyện, gồng mình thể hiện cho đúng với cảm xúc, tâm trạng của những bài hát về tình yêu trai gái, mà chuyện tình yêu phải là những người đã có sự trải nghiệm mới có thể hát được. Nên tôi cảm giác nhà sản xuất đang ép các cháu gánh một gánh nặng quá sức trên vai. Và như vậy đó là hình ảnh, hành động phản cảm, giống như người già 80 tuổi nhưng lại bắt cõng trên lưng một bao gạo nặng đến cả 100kg.

Tôi cũng đã được nghe nhiều lý do biện luận rằng, nếu hát những ca khúc đúng với lứa tuổi, những bài hát thiếu nhi ngày xưa ở cả chương trình “Giọng hát Việt nhí”, hay “Đồ rê mí” thì có vẻ không phù hợp và khán giả không thích nghe. Nhưng theo tôi đó là những biện luận không chính đáng của các nhà sản xuất".

Một khán giả có con nhỏ cho rằng thiếu gì các bài hát thiếu nhi, các câu truyện cổ tích mà cứ bắt trẻ em mặc đồ sexy khiêu vũ trên sân khấu hay thể hiện những tiểu phẩm khơi gợi lòng thương cảm của khán giả như vào vai em bé mồ côi…

Những chiêu trò biến trẻ em thành công cụ giải trí

Bên cạnh điểm tích cực là phát hiện và tạo điều kiện cho trẻ em phát triển tài năng, một số gameshow bất chấp dư luận, uốn nắn tiết mục của các em sao cho ăn khách nhất để tăng rating cho chương trình. Bởi thế mới có chuyện trong The Voice Kid, trẻ em toàn hát ca trù, chầu văn, những bài hát cách mạng nhưng thực sự các em hiểu được bao nhiêu phần trăm nội dung bài hát cũng như không khí văn hóa trong đó thì không ai biết.

Có cô bé sún răng nhưng cố lên gân thể hiện cho bằng được những tác phẩm như: Xa khơi, Việt Nam quê hương tôi, Huyền thoại hồ Núi Cốc, Giấc mơ Chapi, Làng lúa làng hoa, Dòng máu Lạc Hồng, Khúc hát sông quê... đến những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Cát bụi, Huyền thoại mẹ...

Màn biểu diễn của các thi sính trong “Bước nhảy hoàn vũ nhí”.

Trong một gameshow mới nhất ra mắt năm 2015, ba bé trai thể hiện tài năng thanh nhạc trên sân khấu thì cả ba đều thể hiện hit của ca sĩ Thu Minh như: Đường cong, Taxi, Bay…

Trong các cuộc thi nhảy, do đặc thù của bộ môn này, các bé gái cơ thể chưa phát triển nhưng phải khoác lên mình những bộ cánh sexy, thể hiện các động tác ôm, mang, vác, xoạc... khá nhạy cảm. Lời tung hô của khán giả, ánh đèn sân khấu khiến nhiều em ảo tưởng với tài năng của mình ở tuổi còn rất nhỏ, khi chưa có sự từng trải, va vấp với cuộc sống.

Để gameshow thu hút, nhà sản xuất có nhiều chiêu trò đánh vào cảm xúc của khán giả. Thay vì khai thác yếu tố hồn nhiên, ngộ nghĩnh của thí sinh, nhiều chương trình lấy nước mắt người xem khi lạm dụng hoàn cảnh khó khăn, đáng thương của thí sinh. Đại diện truyền thông một gameshow cho biết, ngay từ vòng tuyển sinh, những thí sinh có ngoại hình, hoàn cảnh đặc biệt thường được chú ý vì có nhiều câu chuyện cho báo chí khai thác. Nếu những thí sinh này có tố chất tốt, sẽ là tuyệt vời cho cả nhà sản xuất và thí sinh về mức độ theo dõi của khán giả.

Thí sinh cuộc thi “Người hùng tí hon”.

Lợi dụng nước mắt trẻ em cũng là điều thường thấy trong các gameshow cho trẻ em. Thay vì những bài hát, câu chuyện ngộ nghĩnh về trẻ thơ và thế giới xung quanh chúng, nhiều trẻ khóc nức nở với các ca khúc hay những em bé mồ côi mẹ. Có lần, MC đã hỏi một thí sinh rằng: "Con còn cha mẹ đầy đủ phải không. Vậy con lấy cảm xúc đâu để nhập vai". Thí sinh hồn nhiên trả lời: "Con được huấn luyện viên tập cho". Những tiểu phẩm này hầu như mùa gameshow nào cũng có khiến cảm xúc của khán giả dần chai sạn vì họ không quá khờ khạo để nhận ra thí sinh nhí đang diễn.

Việc lợi dụng nước mắt trẻ em còn diễn ra ở những màn lựa chọn người đi, kẻ ở trong một cuộc thi. Trẻ em vốn hồn nhiên, không biết che giấu cảm xúc. Khi được công bố đi tiếp, người chiến thắng cũng không biết làm cử chỉ ôm hôn người thua cuộc như một hành động lịch sự mà thí sinh người lớn có thể làm. Còn thí sinh thua cuộc thì khóc nức nở trên sân khấu.

Điều này khiến cả giám khảo, phụ huynh và khán giả đau lòng, tuy nhiên lại có tác dụng hút rating vô cùng bởi việc tạo ra tranh cãi. Người thương kẻ thua cuộc trách người thắng cuộc, trách giám khảo chọn không công tâm, chưa kể tâm lý hơn thua của phụ huynh có thể bùng nổ trên mạng xã hội bất cứ lúc nào. Giám khảo Cẩm Ly, Thanh Bạch từng tâm sự họ rất ngại và cẩn trọng khi nhận lời mời làm giám khảo chương trình dành cho trẻ em bởi sợ cảm giác nhìn thí sinh thua cuộc khóc trên sân khấu.

Nhiều gameshow ghi hình và phát sóng ngay thời điểm các em vừa bước vào năm học mới khiến việc sắp xếp chuyện học và chơi vô cùng khó khăn với các em. Đặc biệt là chuyện ảnh hưởng sức khỏe và sự tập trung. Ở tuổi chơi là chính, các em bị phụ huynh quay như chong chóng hết từ trường đến nơi học thêm, lò luyện thanh, nhà văn hóa rồi ra trường quay ghi hình. Trả lời một phóng viên trong cuộc họp báo ra mắt chương trình mới, giám đốc sản xuất một gameshow dành cho trẻ em thẳng thừng nói rằng: Họ sắp xếp được thời gian và tạo điều kiện tối đa cho các em học tập. Thay vì lấy cắp tuổi thơ, họ tự hào vì mang đến chương trình giải trí hay và góp phần phát hiện tài năng. Nhà sản xuất này còn ý tứ  nhắc phóng viên rằng, chỉ những phụ huynh mà con không có tài năng mới đưa ra thắc mắc này.

Ngoài ban tổ chức, phụ huynh thí sinh cũng là người “tiếp tay” cho nhà sản xuất trong việc đánh cắp tuổi thơ của con trẻ. Khảo sát trong một buổi casting gameshow cho thấy, phần lớn phụ huynh cho con đi thi vì muốn con được lên tivi, được nở mày nở mặt với hàng xóm hoặc đơn giản hơn là giành giải thưởng tiền mặt hấp dẫn. Số còn lại có hẳn chiến lược đào tạo con thành ngôi sao showbiz mà việc đưa con vào giành danh hiệu trong một cuộc thi chỉ là bước khởi đầu.

Một ca sĩ giành giải “Sao Mai” từng tâm sự, từ lâu rồi công việc của chị là đạo tạo các tài năng nhí khả năng thanh nhạc. Học trò của chị đều được phụ huynh hướng đến các cuộc thi. "Có bé giành giải thưởng rồi mà bố mẹ đưa đi chạy show nhiều quá. Mỗi khi đi học, trông con mệt mỏi như thiếu ngủ. Có hôm đến học đói quá, tôi phải lấy cháo đang nấu trên bếp cho cháu ăn", cô giáo thanh nhạc chia sẻ.

Không phải tài năng nào cùng thành đạt khi sớm dấn thân vào showbiz. Hiền Thục, Quang Vinh đình đám một thời rồi cũng từ từ giảm sức hút. Xuân Mai từng nổi tiếng khi mới 3 tuổi nhưng khi trưởng thành, cô khiến khán giả ngỡ ngàng cả về nhan sắc và giọng hát. Đó ít nhiều cũng là hậu quả của việc "trái cây chín ép", những đứa trẻ bị đánh cắp tuổi thơ, bị biến thành công cụ giải trí từ khi còn quá sớm.

Minh Châu
.
.
.