Nóng bỏng cuộc đua vào lớp 1 ở Hà Nội

Bài cuối: Để trẻ phát triển theo đúng năng lực

Thứ Hai, 15/06/2015, 10:07
Gò con ôn luyện, tìm mọi cách để con có một chỗ tại các trường tiểu học đang “hot”- có thể hiểu là nguyện vọng rất chính đáng của các phụ huynh. Trên thực tế, học sinh học tại các trường ngoài công lập thường có kỹ năng sống, sự tự tin và khả năng ngoại ngữ khá tốt. Tuy nhiên, điều phụ huynh cần lưu ý chính là nên chọn lựa cho con em của mình ngôi trường phù hợp với năng lực, tránh bắt trẻ phải cố gắng quá sức trong cả 5 năm học tiểu học.
>> Bài 1: Đổ xô tìm trường ‘hot’

Trường “hot”- vì sao?

Qua quá trình tìm hiểu và tiếp xúc với các phụ huynh trong cuộc “chạy đua” để cho con mình có một “suất” trong các trường tiểu học đang “hot” như tiểu học Thực nghiệm, tiểu học Nguyễn Siêu… chúng tôi biết được muôn vàn lý do của các bậc phụ huynh, mặc dù khi nhập học tại đây, học sinh sẽ phải đóng khoản phí khá “khủng” so với thu nhập chung của người dân hiện nay. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn, trú quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cách xa nhà đến 5km nhưng tôi vẫn quyết tâm cho con trai ôn luyện để thi vào trường. Bởi lẽ, qua tham khảo, anh Tuấn nhận thấy phương pháp giáo dục của trường rất hiện đại. Tức là, các con sẽ vừa được học, vừa được rèn luyện thể chất, kỹ năng sống với nhiều chương trình ngoại khóa khiến các con dễ tiếp thu kiến thức. Không những thế, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng rất chú trọng đến bộ môn ngoại ngữ. Học sinh được học với các giáo viên bản ngữ. Dù mức học phí cao nhưng anh vẫn cố gắng “chắt bóp chi tiêu” để cho con theo học.

Các bậc cha mẹ nên để con em mình phát triển theo đúng năng lực. 

Còn chị Trần Thị Mai Phương thì lại có suy nghĩ: Cho con học tại các trường tiểu học ngoài công lập sẽ là nền tảng tốt để cháu đi du học sau này từ sự tự tin cho đến khả năng ngoại ngữ. GS Ngô Bảo Châu cũng đã từng học tại trường Tiểu học Thực nghiệm. Biết đâu, nhờ học tại ngôi trường này, con gái chị sẽ có tương lai tốt đẹp. Đầu tư vào giáo dục là đầu tư hết sức chính đáng. “Nếu con tôi đỗ, tôi sẽ thuê hẳn một lái xe taxi đưa đón cháu đi học hàng ngày”, chị Phương phấn khởi.

Một điều không thể phủ nhận là số lượng hồ sơ đầu vào tại một số trường tiểu học ngoài công lập luôn cao gấp 3, 4 lần so với chỉ tiêu tuyển sinh mà trường đó đưa ra, nhất là tại các trường thuộc hàng “top” như trường Thực nghiệm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu… 

Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đánh giá, so với các trường tiểu học công lập thì học sinh tại trường tiểu học dân lập có những điểm vượt trội hơn về kỹ năng sống, về sự tự tin. Đây cũng chính là lý do mà nhiều cha mẹ học sinh muốn con em mình được theo học trong môi trường giáo dục này.

Ai quản lý chất lượng và giá học phí

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, so với thời gian đầu thì các trường tiểu học dân lập ở Hà Nội về chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất đã tốt hơn rất nhiều. Chính vì điều này mà nhu cầu của phụ huynh học sinh vào đây cũng ngày một lớn. 

Hệ thống các trường dân lập ngày một mở rộng, là một tín hiệu tốt với công cuộc xã hội hóa giáo dục, giảm bớt sự quá tải cho hệ thống công lập. Tuy nhiên, với mức học phí “khủng” lên tới cả trăm triệu một năm (tiền học phí, tiền ăn, tiền xe đưa đón) thì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện cho con học. Ngược lại, với những gia đình có thu nhập cao thì họ sẵn sàng mong muốn cho con mình học các trường này. 

Nhưng theo phản ánh của một số phụ huynh thì mức học phí ở nhiều trường tăng từng năm. Và với một số gia đình thì nó đã trở thành gánh nặng, thậm chí có phụ huynh không chịu được chi phí quá cao đã phải xin chuyển cho con ra trường công lập.

Mức học phí của các trường dân lập hiện không cùng barem, mỗi trường đưa ra một mức khác nhau, thậm chí là chênh lệch xa. Vẫn biết là xã hội hóa, phụ huynh chấp nhận được thì cho con học, nhưng cũng nên có sự quản lý và khống chế trong một mức cho phép để phụ huynh không bị chới với, bất ngờ với mức học phí tăng theo từng năm. 

Các bậc cha mẹ nên để con em mình phát triển theo đúng năng lực. Ảnh Viết Mạnh.

Việc chọn lựa trường nào cho con khi vào lớp 1 khiến phụ huynh không khỏi đau đầu bởi trên thực tế có phụ huynh chỉ chạy theo tin đồn và phải xin chuyển trường cho con. 

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội cho rằng, hiện nay, có một số phụ huynh cố gắng để con mình có thể học tại một số trường tiểu học đang “hot” như Trường Tiểu học Thực nghiệm, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Tiểu học Nguyễn Siêu… khi nhà rất xa các trường đó. Trẻ tiểu học học trường gần nhà sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại, đảm bảo sức khỏe, nếu cứ bắt các cháu sáng dậy sớm đi 10km tới trường và chiều lại thế thì bản thân các cháu sẽ mệt mỏi trước đã, rồi đến cha mẹ vất vả đưa đón. 

Vẫn biết mỗi gia đình chỉ có 1-2 con, việc đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai, đây cũng là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, điều các phụ huynh ít chú ý đến chính là năng lực, khả năng nhận thức và tư chất của đứa trẻ. Nếu bằng mọi cách, các phụ huynh cố gắng “cạy cục” để có được một suất cho con mình tại các trường tiểu học đang “hot” đó thì sẽ khiến đứa trẻ phải cố gắng quá sức trong cả 5 năm tiểu học chứ không chỉ lớp một. Mỗi đứa trẻ cần chơi và học theo đúng năng lực.

Trẻ bước vào lớp 1 là thời điểm bắt đầu làm quen với các chữ cái, con số. Theo Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại, yêu cầu của bậc học tiểu học có thể nói là nhẹ nhàng. Hãy để đứa trẻ có suy nghĩ mỗi ngày đến trường là một ngày vui chứ không nên gò các cháu vào các lớp ôn luyện rồi trải qua những kỳ khảo sát. Và đặc biệt, mỗi đứa trẻ đều có năng lực, sở trường nhất định. Hãy để trẻ có thể phát triển khả năng theo đúng năng lực, sở trường của mình. Phụ huynh cũng không nên gò ép trẻ phải theo con đường nào hay phải vào ngôi trường nào. 

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại nhấn mạnh, kết quả tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia cũng như quốc tế đã cho thấy, có những học sinh đoạt giải cao không phải theo học tại các trường ở Hà Nội chứ chưa nói đến các trường “hot” như hiện nay các phụ huynh tự đặt ra.

Còn theo ông Nguyễn Trí Dũng thì không thể đánh giá năng lực học sinh của ngôi trường nào hơn trường nào. Nội dung giảng dạy của các trường công lập và ngoài công lập phải đảm bảo đúng theo chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra. Cho nên, suy nghĩ của một số phụ huynh là học các trường ngoài công lập sẽ giảm tải được chương trình học, tăng thời gian các chương trình ngoại khóa, vui chơi là không đúng.

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại: “Đối với các trường tiểu học ngoài công lập thì ngành Giáo dục đã có quy định không tổ chức thi đầu vào. Còn đối với một số trường ngoài công lập tổ chức khảo sát đầu vào, ngành Giáo dục cũng nên có những quy định chung đối với các cuộc tổ chức khảo sát đầu vào tại các trường này tức là quản lý theo hướng mở để tránh mỗi trường một kiểu”.
Nguyễn Hương - Trần Hằng
.
.
.