Phòng, chống ma túy học đường:

Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Chủ Nhật, 27/06/2021, 08:35
Tháng hành động Phòng, chống ma tuý diễn ra từ 1/6 đến 30/6 năm nay có chủ đề “Vì sức khoẻ của mọi người, hạnh phúc của mọi nhà - Hãy tránh xa ma tuý”, trong đó có nội dung sẽ tăng cường vai trò của nhà trường trong giáo dục phòng ngừa ma tuý, ngăn chặn ma túy học đường, giúp học sinh, sinh viên tránh xa tệ nạn này, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh và thân thiện.


PV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an về vấn đề này.

PV: Hiện nay, thị trường xuất hiện rất nhiều loại ma túy, trong đó có ma túy tổng hợp. Sức tàn phá cơ thể của ma túy tổng hợp mạnh hơn nhiều các loại ma túy trước đây đúng không, thưa ông?

Đại tá Chu Văn Phú: Đúng như vậy! Ma tuý tổng hợp hiện nay thuộc nhóm Anphetamin và Metaphetamin, các nhóm này độc hại hơn ma tuý tự nhiên trước đây gấp 500 lần tuỳ theo mức độ sử dụng. Ma tuý tổng hợp ở các dạng như thuốc lắc, ma tuý đá, viên giấy, bùa lưỡi, bánh lười, cỏ Mĩ. Đối với ma tuý tổng hợp, chia ra hai loại, ma tuý tổng hợp và ma tuý bán tổng hợp (heroine). Người sử dụng heroine rơi vào trạng thái phê, phê heroin thường tìm đến nơi yên tĩnh để hưởng thụ và cảm nhận. Nhưng người sử dụng ma tuý tổng hợp rơi vào trạng thái bay, bị kích thích mạnh, tìm nơi náo nhiệt, vui nhộn. Ma tuý tổng hợp gây ảo giác rất mạnh, đánh lừa bản thân khiến người chơi không cảm nhận được chính xác không gian, thời gian, khoảng cách dẫn đến việc cơ thể vượt qua mọi giới hạn của bản thân, thực hiện những hành động nguy hiểm, không hề sợ hãi và mệt mỏi. Người nghiện thường xuyên sử dụng loại ma túy này rất dễ dẫn đến các bệnh tâm thần, dù sử dụng nhiều lần hay một lần duy nhất đều có thể gây ra hậu quả tức thời hoặc về sau. Nhiều trường hợp đã ngưng sử dụng sau vài tháng hoặc vài năm, đang bình thường thì tự nhiên xuất hiện bệnh tâm thần.

Đại tá Chu Văn Phú.

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh, sinh viên nghiện ma túy?

Đại tá Chu Văn Phú: Tình trạng sử dụng ma tuý có xu hướng gia tăng và trẻ hoá, chủ yếu là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Không ít bạn trẻ hiện nay còn rất mơ hồ về sự nguy hại của ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp, coi nó đơn thuần chỉ là chất kích thích và sử dụng chúng như một trò chơi nên đã mắc nghiện và chịu hậu quả rất nặng nề về thể chất lẫn tinh thần. Hầu hết tình trạng nghiện đều bắt nguồn từ những cuộc rủ rê, cộng với bản tính tò mò, thử cho biết của học sinh tuổi mới lớn. Hiện nay, ma tuý rất đa dạng, cách sử dụng cũng rất đơn giản khiến các thầy cô giáo, gia đình khó phát hiện. Đặc biệt là ma tuý tổng hợp, có thể thấy các em tuổi rất nhỏ đã hút shisha, uống nước vui, dùng bùa lưỡi mà không biết thực chất là đang hút chất gì. Vì thế, thế hệ trẻ cần nhận diện đúng, có nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ bởi ma tuý.

PV: Ma tuý là vấn nạn gây nhức nhối với xã hội, ông có cảnh báo gì về hiểm họa này đối với môi trường giáo dục?

Đại tá Chu Văn Phú: Theo thống kê, độ tuổi sử dụng ma tuý ngày càng trẻ hoá, nó đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh, sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo và trở thành nạn nhân. Những năm gần đây, tình trạng mua bán và sử dụng trái phép chất ma tuý đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng, tập trung ở đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 235 nghìn người nghiện ma tuý có hồ sơ trên cả nước, người nghiện dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%; khoảng 60% người sử dụng ma tuý lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi.

Đặc biệt, ngày nay, nhiều học sinh 13, 14 tuổi đã sử dụng ma tuý. Các loại ma tuý tổng hợp ngày nay rất phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, sử dụng nhanh, thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận. Chúng len lỏi vào học đường với những cái tên mĩ miều gây tò mò đối với học sinh, sinh viên. Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke,… đang phát triển nhanh chóng nên số người sử dụng ma tuý ngày càng tăng. Một bộ phận thanh thiếu niên còn cho rằng, sử dụng ma tuý tổng hợp không gây nghiện, sử dụng ma tuý tổng hợp mới là dân chơi sành điệu...

PV: Hiện nay mạng xã hội rất phát triển và tội phạm trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Xin ông cho biết những thủ đoạn mà tội phạm mạng lừa lôi kéo, dẫn tới tình trạng học sinh, sinh viên sa vào tệ nạn ma túy và trở thành tội phạm?

Đại tá Chu Văn Phú: Xuyên suốt quá trình điều tra, đấu tranh phòng, chống ma tuý, chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp các em học sinh, sinh viên bị các đối tượng mua bán ma tuý dụ dỗ, lôi kéo, thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook. Chúng gây thiện cảm sau đó nhờ các em đến nhận các lô hàng, các gói hàng từ các công ty chuyển phát nhanh rồi nhờ mang đến các tụ điểm, các nhà chung cư, quán bar, vũ trường; thực chất chính là lợi dụng các em học sinh, sinh viên vận chuyển ma tuý.

Đã có rất nhiều sinh viên năm thứ nhất, thứ hai bị lực lượng Công an phát hiện và bắt giữ, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến danh dự, nhân phẩm, đến quá trình phát triển tương lai của em. Đây cũng là một trong những vấn nạn mà các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo, các nhà trường nên cảnh báo, nhắc nhở các em, đặc biệt là đối với các mối quan hệ mới tiếp xúc qua mạng mà đã nhờ mang, vác, giúp hoặc vận chuyển những thứ từ nơi này đến nơi khác thì cần phải có một sự cân nhắc, kiểm tra kỹ lưỡng, để phòng tránh bị lợi dụng vận chuyển ma tuý trái phép.

PV: Hiện nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa tệ nạn ma tuý đối với học sinh, sinh viên. Ông có kiến nghị đề xuất gì đối với nhà trường trong việc đẩy lùi ma tuý ra khỏi học đường?

Đại tá Chu Văn Phú: Khi nói về công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma tuý và tệ nạn ma tuý, cần có sự đồng bộ của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt phòng, chống ma tuý trong học đường, trong thanh thiếu niên phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện nay, qua công tác đấu tranh, chúng tôi khuyến cáo phụ huynh cần xác định rõ vị thế, vai trò của gia đình trong công tác chăm sóc, giáo dục con em. Gia đình phải là nơi tổ chức giáo dục, theo dõi, giám sát để phòng, chống ma tuý, sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại ma tuý. Và gia đình cũng là nơi có tác động, cảm hoá người nghiện ma tuý tham gia cai nghiện.

Để làm được điều đó, các bậc phụ huynh cần nắm sát lịch trình học tập, rèn luyện của con em mình để nâng cao nhận thức về tác hại của ma tuý, phương pháp, thủ đoạn tiếp cận với các em học sinh, sinh viên như tôi vừa nói.

Nhà trường và các cơ sở giáo dục cần tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý với các hình thức đa dạng như tọa đàm, nói chuyện, các sinh hoạt chính khoá, ngoại khoá, lồng ghép việc giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý đối với học sinh, sinh viên. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phòng bị một số kĩ năng cơ bản để học sinh, sinh viên bảo vệ được bản thân trước nguy cơ xâm nhập ma tuý vào học đường, những phương thức lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý của tội phạm ma tuý và hướng dẫn cách phòng tránh. Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết, phát hiện đối tượng học sinh, sinh viên nghiện ma tuý để có hướng xử lý kịp thời.

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể quần chúng cũng cần tăng cường các hoạt động tương tác với học sinh, sinh viên thông qua tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các em, tránh căng thẳng, trầm cảm dẫn đến nguy cơ sử dụng ma tuý để giải toả. Xây dựng và nhân rộng các mô hình giám sát, cảnh báo tại địa phương để giúp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên có kiến thức phòng, chống ma tuý, ngăn chặn hiểm họa ma tuý xâm nhập vào học đường.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện trên!

Thảo Trang (thực hiện)
.
.
.