Vụ “hàng trăm giáo viên hợp đồng của tỉnh Hà Nam phải nghỉ việc”:

Còn bất cập trong việc thi tuyển viên chức

Thứ Sáu, 01/12/2017, 09:22
Thời gian qua, không chỉ riêng Hà Nam mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước, hàng nghìn giáo viên rơi vào cảnh thất nghiệp sau kỳ thi tuyển viên chức. Đa số họ là những người nhiệt huyết, yêu nghề và có nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục.

Và hơn thế, cuộc sống của họ đã hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương giáo viên dù ít ỏi. Thế nhưng, đột ngột họ phải từ bỏ công việc đã dồn bao tâm huyết lâu nay, phải tìm một công việc mới ở tuổi lỡ làng. Đây là một sự bất cập lớn, gây xáo trộn cho xã hội. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa hề có giải pháp nào để giải quyết tồn tại này.

Chúng tôi đã từng hy vọng

Chúng tôi mang theo tâm tư của các cô giáo đến gặp Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam, cơ quan được giao thực hiện việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục vừa qua. Về lý do suốt thời gian cả chục năm không tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục, ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nam lý giải: “Ngành giáo dục của tỉnh Hà Nam gần 10 năm nay mới thi tuyển viên chức. Lý do thời gian kéo dài là vì thực hiên chính sách dân số dẫn đến số lượng học sinh giảm, số lớp giảm nên không có nhu cầu tuyển biên chế. Năm 2008, 2009 có trường học lên tới 30 lớp, nhưng giờ chỉ còn 15 lớp”.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ cho biết, thời gian qua do giáo viên nghỉ hưu nhiều, qua khảo sát thấy có nhu cầu tuyển viên chức nên ngày 25-8-2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2410/KH-UBND triển khai tuyển dụng giáo viên trung học cơ sở (THCS) hạng III, giáo viên tiểu học hạng IV, giáo viên mầm non hạng IV năm 2017. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng của huyện, thành phố và thành lập Hội đồng tuyển dụng giáo viên.

Có hai hình thức tuyển dụng là xét tuyển và xét tuyển đặc cách. Đối tượng xét tuyển đặc cách là 87 giáo viên đã được hợp đồng dạy tiếng Anh tiểu học theo Đề án dạy ngoại ngữ 2020 và giáo viên mầm non đã được hợp đồng theo Thông tư liên tịch số 09/2013 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Tài chính – Bộ Nội vụ.

Người dự xét tuyển đặc cách phải làm 1 bài kiểm tra viết trên giấy thể hiện trình độ hiểu biết chung, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên cần tuyển đạt 50 điểm trở lên mới trúng tuyển. Kết quả xét tuyển là tổng số điểm của điểm học tập, điểm tốt nghiệp, điểm bài kiểm tra, sát hạch (bài sát hạch tính hệ số 2).

Về phản ánh và dư luận cho rằng kết quả thi tuyển viên chức ngày 21-10 thiếu minh bạch, ông Long khẳng định quy trình tuyển dụng giáo viên được thực hiện nghiêm túc, bảo mật với sự phối hợp của cơ quan Công an, giám sát chặt chẽ từ khâu thu hồ sơ cho đến xét duyệt kết quả.

Đại diện Sở Nội vụ cũng cho rằng, các giáo viên trượt kỳ thi tuyển viên chức là những người có chất lượng thấp nên phải chấp nhận, nếu không nâng cao chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ sau. Giải thích này là không có sức thuyết phục trước những danh hiệu, thành tích giảng dạy được chính ngành giáo dục và tỉnh Hà Nam chứng nhận và khả năng, trình độ giảng dạy của nhiều giáo viên hợp đồng đã đứng lớp trong suốt thời gian dài vừa qua. Bởi trên thực tế, nhiều giáo viên học tốt, dạy tốt vẫn thi trượt viên chức.

Thi viên chức giáo viên tỉnh Hà Nam diễn ra vào thời điểm năm học mới 2017-2018 bắt đầu được 2 tháng, trước đó 1 tháng hàng trăm giáo viên hợp đồng của tỉnh này đều đã nhận quyết định chấm dứt hợp đồng. Sự xáo trộn đã xảy ra khi giáo viên nghỉ dạy, nhiều lớp, nhiều bộ môn trống người dạy đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc học của học sinh.

Đã hơn 10 năm, có người gần 20 năm cống hiến cho ngành giáo dục, các giáo viên vô cùng thất vọng khi biết kết quả thi công chức.

Theo phản ánh của một số giáo viên bộ môn tiếng Anh thì sau khi chấm dứt hợp đồng, do thiếu giáo viên nhà trường gọi họ quay lại dạy hỗ trợ. Có trường 19 lớp nhưng chỉ có 1 giáo viên biên chế tiếng Anh như Trường THCS Nhật Tựu; hay Trường THCS Thụy Lôi, Hiệu phó phải dạy thay. “Trường thiếu giáo viên, Hiệu trưởng gọi tôi về dạy giúp một thời gian. Nhưng giờ tôi làm sao dạy được nữa? Chúng tôi đã dạy như thế bao năm qua, nếu không được tiếp tục thì chúng tôi cũng không thể dạy cố, hay dạy giúp nhà trường. Chúng tôi phải đi tìm công việc để ổn định cuộc sống. Tiếc là giờ chúng tôi mất hết cơ hội rồi. Cách đây 10 năm, chúng tôi đã làm hợp đồng, đã từng hy vọng chỉ làm hợp đồng chừng 2 năm rồi sẽ được vào viên chức là ổn định. Nào ngờ…” – nhiều giáo viên bày tỏ.

Cần một chích sách để giáo viên không thiệt thòi

Trả lời về thời gian thi tuyển viên chức không hợp lý dẫn đến xáo trộn trong các trường học, ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh và giáo viên, ông Nguyễn Văn Hưởng giải thích là do phải chờ kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam giao biên chế mới thực hiện nên không tổ chức được trong dịp hè.

Đợt này, toàn tỉnh Hà Nam tuyển 969 viên chức giáo viên, trong đó có 242 giáo viên THCS, 727 giáo viên tiểu học. Có tới 1.583 hồ sơ dự tuyển (672 hồ sơ THCS, 911 hồ sơ tiểu học). Điều đó có nghĩa là hơn 600 người dự tuyển sẽ phải ngậm ngùi chuyển công việc khác. Trong số đó, rất nhiều người đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục 10 năm, gần 20 năm. Mọi cố gắng, nỗ lực trong suốt quá trình giảng dạy của họ sẽ phải cất vào ngăn tủ để bắt đầu một công việc mới khi đã quá muộn màng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Anh, giáo viên dạy hợp đồng tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam gần 10 năm chia sẻ: “Mức lương ban đầu của tôi là 1,2 triệu đồng/tháng, sau tăng lên 1,3 triệu đồng/tháng. Hè nghỉ không lương, có thai không được đi dạy. Chúng tôi phải trích số lương ít ỏi đó để nộp bảo hiểm xã hội. Với mức lương quá thấp, để có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, chúng tôi phải làm thêm nhiều việc. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Lý do mà chúng tôi bám trụ với ngành là vì đã học nghề thì theo nghề và yêu nghề. Chúng tôi cũng mong chờ có cuộc thi tuyển viên chức để công việc và lương ổn định hơn. Điều tôi và những giáo viên hợp đồng mong muốn là lãnh đạo tỉnh, Sở Giáo dục tỉnh Hà Nam xem xét cho những đóng góp của chúng tôi bao năm nay để có chế độ ưu tiên”.

Theo yêu cầu, môn Tiếng Anh, giáo viên phải đạt trình độ tiếng Anh châu Âu trình độ B2 trở lên, trong khi đó, cô giáo Hoài Anh đã có trình độ C1 châu Âu, ngoài ra còn có chứng chỉ A2 tiếng Pháp, chứng chỉ tin học theo yêu cầu của ngành giáo dục. Thế nhưng, dù kết quả kỳ thi tuyển trên trung bình, đủ điều kiện xét tuyển, Hoài Anh vẫn sẽ không đỗ bởi điểm thi của cô xếp sau chỉ tiêu cuối cùng mà huyện quy định.

Chúng tôi đặt câu hỏi trước nhu cầu hỗ trợ của các giáo viên lâu năm vừa thi trượt viên chức, ông Hưởng cho biết, hiện chưa có giải pháp nào. Ông Hưởng cũng thừa nhận, khi thực hiện thi tuyển viên chức giáo viên theo Nghị định 29/2012 quy định lấy điểm học tập + điểm tốt nghiệp + bài thi sát hạch (nhân hệ số 2) còn có bất cập và chưa được phù hợp trong phần cộng điểm học tập và điểm thi.

“Có ý kiến đề nghị bỏ, nên để người tuyển dụng thi sát hạch. Tỉnh Hà Nam đang trong thời gian thẩm định duyệt kết quả, sau đó mới nghiên cứu tham mưu hướng giải quyết đối với số giáo viên hợp đồng thi trượt vừa qua”.

Thiết nghĩ, tỉnh Hà Nam cần kiểm tra lại kết quả thi tuyển viên chức để phát hiện tiêu cực (nếu có) theo dư luận, đảm bảo tính công bằng cho các giáo viên. Mong rằng tâm tư, nguyện vọng và những cống hiến của các thầy cô giáo sẽ được lãnh đạo tỉnh Hà Nam nói riêng và các địa phương xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp để không còn xảy ra tình trạng giáo viên đồng loạt thất nghiệp sau hàng chục năm đứng trên bục giảng. 

Việt Hà – Trần Hằng
.
.
.