Đăng ký xét tuyển sớm để có thời gian điều chỉnh sai sót

Thứ Ba, 09/08/2016, 19:29
Các chuyên gia giáo dục lưu ý, thí sinh nên đăng ký xét tuyển sớm để tránh quá tải vào các ngày cuối cùng và có thời gian để điều chỉnh những sai sót trong việc đăng ký xét tuyển nếu có.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 3 ngày trước khi kết thúc đăng ký xét tuyển ĐH (ĐH), Cao đẳng (CĐ) đợt 1, cả nước đã có hơn 330.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn hàng trăm nghìn thí sinh có điểm xét tuyển từ 15 điểm trở lên chưa đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. 

Các chuyên gia giáo dục lưu ý, thí sinh nên đăng ký sớm để tránh quá tải vào các ngày cuối cùng và có thời gian để điều chỉnh những sai sót trong việc đăng ký xét tuyển nếu có.

Năm 2016, cả nước có 559.429 lượt thí sinh có tổng điểm 3 môn từ điểm sàn trở lên (chia theo 5 khối thi truyền thống). Trong khi đó, cả nước có 420.354 chỉ tiêu tuyển sinh ĐH gồm 317.639 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia; 102.615 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT.

Với 420.000 chỉ tiêu/ 559.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tức là sẽ có khoảng 2/3 thí sinh sẽ có cơ hội trúng tuyển vào các ĐH chính quy. Đây được xem là thuận lợi cho các thí sinh khi mà cơ hội đỗ vào các trường ĐH chính quy tăng so với năm 2015 (năm 2015, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nhiều hơn 120.000 so với năm 2016 song chỉ tiêu tuyển sinh lại ít hơn khoảng 20.000). Tuy vậy, tính đến ngày 9-8,  cả nước mới có khoảng hơn 320.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1.

Tại ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, tính đến ngày 9-8, nhà trường  đã nhận được khoảng 3.500 bộ hồ sơ nộp trực tiếp tại trường. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Số lượng hồ sơ mà nhà trường nhận được trực tiếp chiếm gần 60% số chỉ tiêu của trường. Nhìn chung, điểm số của các thí sinh nộp hồ sơ vào trường có sự phân hóa rõ rệt hơn so với các năm trước.

Thí sinh không nên “găm” hồ sơ xét tuyển nộp vào phút chót để tránh quá tải 

“Dù điểm nhận hồ sơ của trường là 17 song trong quá trình tư vấn, chúng tôi đều đưa ra mức điểm trúng tuyển năm 2015 cho thí sinh tham khảo, cân nhắc. Do vậy, đến thời điểm này, hầu như các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đều đạt mức điểm từ 20 trở lên, rất ít thí sinh 17-18 nộp hồ sơ xét tuyển vào trường”-ông Triệu cho hay.

GS. Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cũng cho biết: Hiện ĐH Thủy Lợi đã nhận được 2.000 hồ sơ nguyện vọng 1 và khoảng vài nghìn hồ sơ nguyện vọng 2. Tuy nhiên, hiện tại trường chưa thống kê xem có bao nhiêu thí sinh chỉ nộp 4 nguyện vọng trong nhóm GX, bao nhiêu thí sinh đăng ký nửa trong nửa ngoài. Do đó, trường cũng không đoán được tỷ lệ ảo như thế nào.

Cũng theo ông Thụ, mặt bằng điểm của thí sinh nộp hồ sơ vào trường dao động ở quãng từ 17 đến 23 điểm, tương đối ổn định so với năm 2015 nên điểm chuẩn dự kiến vào trường dự kiến cũng sẽ không có nhiều thay đổi so với năm ngoái. Dự kiến, 3 ngày cuối cùng của đợt đăng ký xét tuyển, số lượng thí sinh nộp hồ sơ sẽ tăng vì nhiều em vẫn còn tâm lý chờ đợi, nghe ngóng thông tin.

Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tính đến ngày 9-8, nhà trường đã nhận được khoảng trên 3.500 hồ sơ nộp trực tiếp (chưa kể số đăng ký trực tuyến và nộp qua bưu điện), chiếm chiếm gần 60% số chỉ tiêu của trường. Nhà trường cũng vừa công bố trên website danh sách các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển qua bưu điện cần phải điều chỉnh và sữa chữa.

Thống kê sơ bộ cho thấy, thí sinh thường mắc các lỗi như ghi mã ngành không đúng nên không thể nhập dữ liệu nguyện vọng đăng ký vào hệ thống. Sai sót này có thể là do thí sinh lấy mã ngành từ các nguồn không chính thức. Do vậy, để tránh sai sót, thí sinh nên tham khảo mã ngành trên trang chính thức của nhóm GX tại địa chỉ http://tsgx.vn hoặc trên bảng dán tại các khu vực nộp hồ sơ trực tiếp...

Để hạn chế tình trạng thí sinh “găm” hồ sơ đăng ký xét tuyển nộp vào những ngày cuối cùng có thể gây nên tình trạng quá tải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã có những lưu ý đối với thí sinh.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, nhằm bảo vệ quyền lợi của thí sinh, Bộ GD& ĐT đã yêu cầu các trường phải cập nhật thường xuyên diễn biến xét tuyển, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường trên trang web để thí sinh có cơ sở tham khảo, cân nhắc và quyết định nên rút ra hay nộp hồ sơ vào bởi thí sinh chỉ được nộp hồ sơ duy nhất vào 1 trường.

Năm 2016, quy chế tuyển sinh đã có những điều chỉnh và thay đổi theo hướng  mỗi thí sinh có quyền đăng ký 2 trường với 4 nguyện vọng và không được rút hồ sơ, do đó, các trường sẽ không biết được ngoài trường mình thì thí sinh còn đăng ký vào những trường nào khác. Vì vậy, việc công bố thông tin về hồ sơ hoàn toàn không có ý nghĩa tham khảo mà còn gây tác dụng tiêu cực, khiến thí sinh và người nhà hoang mang. Tuy nhiên,  Bộ GD & ĐT vẫn cho phép các trường có thể tải dữ liệu về đăng ký xét tuyển để tham khảo, nhưng dữ liệu này phải tuyệt đối bảo mật chứ không được công khai.

“Khi các trường đăng ký tải dữ liệu này, đồng thời cũng phải cam kết bảo mật thông tin đó. Nếu các trường công khai thông tin này, gây ra tâm lý hoang mang hay bất cứ hậu quả nào thì trường đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Do đó, thí sinh cần tham khảo kết quả tuyển sinh năm ngoái của các trường cũng như dựa vào kết quả học tập của mình để đưa ra lựa chọn phù hợp. Không nên đợi đến ngày cuối cùng của đợt xét tuyển mới nộp hồ sơ vì khi đó sẽ không có đủ thời gian điều chỉnh nếu hồ sơ có sai sót.

Nói cách khác, các em không nên chờ đợi dữ liệu nói trên rồi mới quyết định nộp hồ sơ bởi các em sẽ không tham khảo được gì từ những số liệu này”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga khuyến cáo.

Huyền Thanh
.
.
.