Hiệu trưởng Đại học Harvard với những phát biểu ấn tượng tại Việt Nam

Thứ Sáu, 24/03/2017, 14:50

"Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi..." - GS Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Harvard đã phát biểu như trên trước đông đảo sinh viên và giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trong buổi gặp gỡ sáng ngày 23-3. 

Với chủ đề của bài thuyết trình là Nội chiến Hoa Kỳ với nội dung “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử”. Mở đầu buổi thuyết trình bà Faust cho biết trước khi trở thành Hiệu trưởng ĐH Harvard, bà là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn 30 năm.Vì vậy, bà rất vui mừng khi có mặt tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam. 

Bà nói: “Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách nói của các bạn –và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi – đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970". 

"Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8.000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua. Tôi đã hằng mong ít nhất một vài địa danh trong số này không chỉ dừng ở con chữ". 

Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cùng sinh viên nhà trường đón chào GS Faust- Hiệu trưởng ĐH Harvard.

GS Faust nói: "Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí mọi người không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó. Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi". 

"Thanh niên trai tráng trong thế hệ chúng tôi đã từng phải đối diện với giấy gọi nghĩa vụ quân sự, khiến nhiều người phải đấu tranh nội tâm xem họ có nên tuân thủ pháp luật, phụng sự cuộc chiến mà họ cho rằngvừa không khôn ngoan vừa bất chính. Đối với lớp phụ nữ trẻ như tôi thời bấy giờ, tình thế tiến thoái lưỡng nan đỡ mang tính trực diện cá nhân hơn, nhưng nó thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi nghi ngờ về quốc gia của mình, về nền dân chủ và về tính nhân văn của chúng tôi. Michael Herr, một nhà báo Mỹ chuyên viết về cuộc chiến này đã từng viết rằng Việt Nam là những gì tất cả chúng tôi đã có thay vì một tuổi thơ hạnh phúc” – Hiệu trưởng ĐH Harvard cho biết. 

Bà Faust trên bục thuyết trình tại ĐH Khoa học Xã hội- nhân văn sáng 23-3.

Bà Faust chia sẻ, ở Harvard, hằng năm cứ đến tháng 5 là hàng trăm cựu sinh viên sẽ về lại trường để kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của họ. Đây là một nghi lễ quan trọng, một sự kiện đặc biệt sẽ diễn ra trong khuôn khổ các buổi lễ. 

Các thành viên của khóa 1967 – cả nam và nữ – sẽ dành một phần thời gian để cùng nhau tưởng nhớ lại cách thức Cuộc chiến đã định hình những tháng năm đại học của họ, và thảo luận xem “Chiến tranh Việt Nam” đã ảnh hưởng đến họ hơn nửa thế kỷ ra sao. 

Và bà khẳng định: "Đó là vì sao cuộc nội chiến Mỹ và cái giá to lớn của nó tiếp tục ảnh hưởng đến các tranh luận của chúng tôi ngày nay. Đó là vì sao các thành viên Harvard niên khóa 1967, các ông bà nay đã ở độ tuổi 70, cảm thấy sự cấp thiết phải đối diện với những kinh nghiệm từ hơn năm thập kỷ trước, những ký ức của một thời khi “Việt Nam” đòi hỏi họ phải định nghĩa chính họ và quốc gia của họ. Đó là vì sao tôi hết sức vui mừng cuối cùng cũng đã được đặt chân đến đất nước các bạn, bởi tôi cũng cùng thế hệ với họ”. 

Hiệu trưởng ĐH Harvard cho rằng: "Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó. Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”, bà Drew Gilpin Faust nói.

Trong cuộc gặp gỡ với báo chí sau đó, Bà Faust cũng cho biết, có 16 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Harvard và các trường thành viên của Harvard. Với câu hỏi, chuyến thăm này có mở ra cơ hội cho sinh viên Việt Nam về học bổng vào ĐH Harvard không, bà Faust bày tỏ, bà mong sinh Việt Nam sẽ nghĩ đến Harvard khi đi du học kể cả cấp đại học hoặc sau đại học. 

Bà khẳng định, sinh viên Việt Nam nhập học ở Harvard sẽ được xét bình đẳng với sinh viên Mỹ về mọi nhu cầu, tài chính, không phân biệt sinh viên nước ngoài hay sinh viên Mỹ.

Hiệu trưởng ĐH Harvard cũng tiết lộ, ngay từ khi ĐH Harvard hợp tác với Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh để mở chương trình giảng dạy kinh tế Fulright, ĐH Harvard đã mong sau này sẽ xây dựng một trường đại học độc lập như ĐH Fulright Việt Nam đồng thời cho biết, hiện tại trường Harvard đang có nhiều dự án nghiên cứu về Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Tại buổi gặp gỡ, ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất với Hiệu trưởng ĐH Harvard hai vấn đề, đó là nghiên cứu Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển bền vững dưới góc độ Khoa học xã hội và nhân văn; Nghiên cứu về Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay, đồng thời tiếp tục duy trì chương trình học bổng hiện nay giữa hai trường.

Huyền Lê
.
.
.