Năm 2016, thi năng khiếu vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền có gì mới?

Chủ Nhật, 05/06/2016, 19:54
Đối với chuyên ngành quay phim truyền hình thì thí sinh còn phải đảm bảo thêm yêu cầu về sức khỏe: Nam cao từ 1,65 m trở lên, còn nữ phải cao từ 1,6 m trở lên.

Chia sẻ với PV Báo CAND về những điểm mới trong tuyển sinh vào Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một trong những cơ sở đào tạo Báo chí hàng đầu cả nước trong năm 2016, PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Năm 2015, bên cạnh việc lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức thi tuyển sinh vào ngành Báo chí theo phương thức tuyển sinh riêng.

Năm 2016, thí sinh thi vào chuyên ngành quay phim truyền  hình ngoài năng khiếu còn phải đảm bảo yêu cầu sức khỏe.

Kết quả thi năm vừa rồi cho thấy, chất lượng sinh viên của ngành Báo chí đã được nâng lên hẳn. Khảo sát đánh giá sơ bộ, các em yên tâm hơn với ngành nghề đã chọn, kết quả học tập năm đầu tiên nhìn chung cũng rất khả quan.

Năm 2016, Học viện đã tiếp tục có một số đổi mới, đặc biệt là trong cách thức thi năng khiếu. Trong đó, về hình thức thi, những thay đổi lớn chủ yếu tập trung vào hai chuyên ngành báo ảnh và quay phim truyền hình.

Ngoài các yêu cầu thi như cũ, các thí sinh thi hai chuyên ngành này sẽ phải thi bổ sung thêm cảm thụ hình ảnh và phỏng vấn trực tiếp với hội đồng thi. Cụ thể, với báo ảnh, các em sẽ nhận xét một bức ảnh hoặc một loạt ảnh, về bố cục, nội dung, hình thức và ý nghĩa bức ảnh đó.

Với chuyên ngành quay phim truyền hình, các em sẽ xem một đoạn clip từ 1 - 3 phút, sau đó đưa ra bình luận về clip đó với những tiêu chí về nội dung, bố cục, cấu trúc… để kiểm tra được năng khiếu tạo hình cũng như kiến thức chính trị, xã hội của mỗi thí sinh. Ngoài ra, các thí sinh thi đều phải trải qua vòng phỏng vấn.

Hội đồng gồm có 3 người, sẽ hỏi các em xoay quanh vấn đề nghề nghiệp. Qua đó, hội đồng sẽ đánh giá được khả năng giao tiếp, trình độ nhận thức ban đầu về ngành nghề mà các em lựa chọn.

Trên cơ sở đó sẽ đánh giá được em nào có năng khiếu ở chuyên ngành nào để dễ dàng phân loại sau này. Riêng chuyên ngành quay phim truyền hình thì thí sinh còn phải đảm bảo thêm yêu cầu về sức khỏe: Nam cao từ 1,65m trở lên, còn nữ phải cao từ 1,6m trở lên. Với những chuyên ngành khác của ngành báo chí, các em sẽ được giao một chủ đề và viết bài luận trong vòng 400-500 từ. Thông qua đó, kiểm tra khả năng nhận diện, xử lý và giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, các thí sinh thi đỗ vào Học viện sẽ chọn chuyên ngành chính thức sau 2 năm học cơ sở ngành. Việc chọn chuyên ngành sẽ dựa trên 3 tiêu chí: Quá trình học tập 2 năm, sự lựa chọn của chính các em và kết quả thi đầu vào từ năm nhất. Với những chuyên ngành có số lượng đăng ký quá lớn sẽ xét duyệt từ cao xuống thấp. Ngoài ra, đối với các sinh viên có khả năng học tập tốt, sẽ có quyền học thêm bằng thứ hai.

Ví dụ, sau khi các em đã học xong cơ sở ngành, các em có quyền học một lúc 2 chuyên ngành. Có thể vừa học báo phát thanh, vừa học báo viết… Mục đích của việc thay đổi hình thức thi và phương thức đào tạo là để đảm bảo khi ra trường các em dễ thích nghi và có nhiều cơ hội hơn khi đi xin việc ở các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông đa phương tiện như hiện nay.

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia tại cụm đại học giảm mạnh

Thống kê sơ bộ tại các cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì trong năm 2016 cho thấy, số lượng thí sinh dự thi tại các cụm thi này nhằm mục đích dùng kết quả tốt nghiệp để  xét tuyển vào các trường ĐH đang có xu hướng giảm so với năm 2015. Tại Hà Nội, cả 5 cụm thi THPT Quốc gia do các trường ĐH chủ trì, số lượng thí sinh dự thi đều giảm so với năm 2015.

Cụ thể, tại cụm thi do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì có 12.604 thí sinh, giảm khoảng hơn 1.000 so với năm 2015. Tương tự, cụm thi do ĐH Thủy Lợi chủ trì có 12.740 thí sinh, cụm thi ĐH Sư phạm Hà Nội có 11.419 thí sinh, cụm thi ĐH Lâm nghiệp có 6.576 thí sinh, cụm thi Học viện Kỹ thuật Quân sự có 16.348 thí sinh.


Huyền Thanh
.
.
.