Nhiều băn khoăn gửi tới Bộ GD-ĐT về học thi chỉ xét tốt nghiệp

Thứ Hai, 04/05/2020, 21:42
Rất nhiều băn khoăn từ phía học sinh và phụ huynh tại khu vực TP Hồ Chí Minh mà chúng tôi ghi nhận được trong giai đoạn được coi là nước rút ôn tập hiện nay.


Phải học để tham gia thi tốt kỳ thi xét tốt nghiệp, sau đó tiếp tục ôn tập để tham gia thi ĐH-CĐ, đáp ứng theo yêu cầu riêng của từng trường đang gây nên một áp lực không nhỏ cho khối học sinh lớp 12 trên cả nước trước phương án tuyển sinh 2020 mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra: tổ chức “kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020” thay vì thi THPT Quốc gia.

Thấp thỏm

Bộ GD-ĐT đã chốt phương án với mục tiêu chính là để kỳ thi 2020 chủ yếu xét tốt nghiệp; Còn việc tuyển sinh đại học sẽ do các trường tự chủ. Phương án trên của Bộ cũng đã khiến nhiều học sinh, giáo viên không đồng tình. 

Việc này xảy ra là đương nhiên vì trước đó vào cuối tháng 4-2020, nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh khối lớp 12 tại khu vực TP Hồ Chí Minh cho biết, kể từ trước Tết, học sinh gần như đã hoàn thành chương trình học. Do đó, khi phải tạm nghỉ vì COVID-19, nhiều học sinh cũng không quá lo lắng về sự gián đoạn này.

Nhưng, khi Bộ GD-ĐT đã chính thức ra quyết định, kỳ thì THPT chỉ để xét tốt nghiệp, ngay lập tức nhiều HS đã cảm thấy lo lắng. Đặc biệt, với những HS có ý định thi vào những trường thuộc tốp đầu. Làm sao vượt qua được kỳ thi riêng của nhà trường thật tốt. Ngoài ra, sự thay đổi đột ngột trong phương án thi năm nay khiến thí sinh lo lắng, như vậy sẽ phải trải qua hơn 2 kỳ thi mới vào được đại học.

Một nữ HS lớp 12 tại trường THPT Nguyễn Công Trứ - quận Gò Vấp nói: “Em đã thực hiện một số bài thi khảo sát do trường đưa ra cho HS, xét về điểm số qua tự chấm, em nghĩ cơ hội đậu với mình là có. Tuy nhiên, khi Bộ công bố chỉ xét tốt nghiệp em bắt đầu cảm thấy bối rối vì nếu phải thi 2-3 bài thi khác nhau mà chưa biết cấu trúc đề ra sao thì ôn tập ra sao? Chưa kể, còn phải làm bài theo đề thi của Bộ GD-ĐT để đậu tốt nghiệp.”.

Thí sinh khu vực TP Hồ Chí Minh tham dự ngày đầu tiên của kỳ thi THPT QG 2019.

Một bạn nam khác học trường THPT Lê Quý Đôn, TP Hồ Chí Minh thì cho biết, ngay khi Bộ công bố phương án, em đã tìm ngay các bài thi đánh giá năng lực của một số trường tốp trên của TP Hồ Chí Minh để làm thử. Bản thân em và một số bạn trong lớp suốt từ tháng 6-2019 tới nay đã cùng học tập theo hướng dẫn của thầy cô bắt đầu đầu tự ôn luyện để thi khối A1. Em dự tính đăng ký nhiều nguyện vọng để có cơ hội vào trường mình mong muốn ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Nhưng nay thay đổi phương án thi chỉ xét tốt nghiệp, rồi thời gian học năm nay bị gián đoạn và ảnh hưởng quá lớn vì dịch COVID-19, quỹ thời gian không còn nhiều, nên nếu phải trải qua một bài thi đánh giá năng lực như ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ rất áp lực. Trong khi vẫn phải phân chia ôn luyện cho tất cả các trường mà mình đã đăng ký. Thực sự là có “vắt chân lên cổ” cũng không chạy kịp nắm khối lượng kiến thức, chứ không dám nghĩ tới việc đầu tư học thế nào để đạt điểm tối đa.

Trao đổi về vấn đề trên, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh lại tỏ ý lo ngại, nếu chỉ để xét tốt nghiệp, một số không ít phụ huynh sẽ không có nhiều lựa chọn cho con dự thi vào các trường ĐH vì việc khăn gói lên thành phố thi sẽ rất vất vả. Cái cảm giác cùng con đi thi, lên thành phố trọ học ôn, tìm địa chỉ ôn thi và đi cùng con trong suốt mấy ngày thi ĐH đã qua lâu rồi, nhiều PHHS rất ngại khi nghĩ rằng giờ đây phải trải qua những tháng ngày vất vả như vậy. Nhiều người có thể sẽ nản, chặc lưỡi thôi cho con khỏi đi thi ĐH.

Chất lượng nằm ở khâu kiểm soát việc chấm thi và kết quả minh bạch

Lo ngại kỳ thi chuyển sang thi tốt nghiệp sẽ khiến các thí sinh rất thiệt thòi khi suốt thời gian dài vừa qua đã phải gián đoạn việc học do dịch COVID-19 nay lại thay đổi phướng án. Một số PHHS cũng cho rằng, nếu có quay trở lại trường vào tháng 5-2020 để học tập trở lại thì sau kỳ nghỉ dài này cũng phải mất thêm một thời gian mới trở lại nhịp học tập, ôn thi, thầy và trò cùng tìm hiểu, nắm lại các lỗ hổng kiến thức để trám cho kịp thời, nhưng lo ngại nhất là nếu mỗi trường ĐH có một kỳ thi riêng thì học sinh sẽ học ra sao? Học sinh đăng ký 5 nguyện vọng sẽ phải làm thế nào để đi thi hết 5 kỳ thi?

Trao đổi thêm với chúng tôi, một phụ huynh khác đưa ra hai phương án đề nghị, trong đó một là đề nghị Bộ GD-ĐT có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp bằng học bạ. Kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ được tổ chức thống nhất trên cả nước với các môn thi chính là Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh. Các môn tổ hợp theo yêu cầu của từng trường đại học sẽ lấy theo điểm học bạ. 

Một phương án khác là Bộ vẫn có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo các môn chính là Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh để xét tốt nghiệp và làm cơ sở xét tuyển đại học. Các môn tổ hợp theo yêu cầu của từng trường đại học sẽ lấy điểm học bạ. Vị này cho rằng, nếu tổ chức như vậy thì giải quyết được 2 vấn đề là vừa giảm tải việc học tập, thi cử (do HS năm nay bị tác động rất lớn của dịch COVID-19) vừa đảm bảo công bằng cho tất cả các học sinh…

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi chiều 3-5, thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh nói: Thực ra phương án thi Bộ đã trình cho Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt nên không có sự thay đổi. Việc của các thầy cô, học sinh và PHHS là “cứ thế mà học”, chờ hướng dẫn thêm của Bộ và Sở GD-ĐT chứ không góp ý gì thêm.

Ông Ngai cho rằng: “Nếu có thay đổi cũng không thể kịp nữa vì thời gian học và thời điểm thi đã gần kề. Mỗi người trên góc độ, có nhìn nhận khác nhau về phương án trên của Bộ. Tuy nhiên, ông ghi nhận và thông cảm với tất cả áp lực và lo lắng mà các học sinh 12 đang phải chịu. Vì chuẩn bị học tập, ôn luyện từ đầu năm tới giờ nay có phương án thay đổi đột ngột. Nhưng, theo tôi dù băn khoăn, trăn trở kiểu gì đi chăng nữa, dù Bộ GD-ĐT tới phút cuối có đưa ra hình thức thi cử ra sao thì nhiệm vụ của học sinh là cứ phải học đã. 

Học sinh phải có sự chuẩn bị kỹ trong việc học của mình. Học sinh lớp 12 phải có tâm thế học tập để chuẩn bị tốt nghiệp và vào ĐH-CĐ, hoặc đi trường nghề. Kết thúc 12 năm đèn sách chuẩn bị bước vào một giai đoạn học tập mới hoặc làm việc. Để có những kiến thức tốt để có điểm cao như mong muốn thì hãy đừng quan tâm tới việc Bộ GD-ĐT tổ chức phương án thi ra sao, hình thức thế nào. Việc chỉ xét tốt nghiệp rồi các trường đưa ra những phương thức khác nhau trong tuyển sinh thì cũng áp dụng chung cho tất cả thí sinh trên cả nước chứ không riêng thí sinh trường nào, khu vực nào!. 

Tất cả đều phải chịu áp lực, trải qua các yêu cầu, kiểm tra, sát hạch giống nhau. Nên nhiệm vụ của các em là cứ lo học đi, thời gian còn ngắn, phải tranh thủ mới kịp. Tôi tin rằng, các thầy cô chúng ta sẽ tìm ra phương pháp tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh của mình học ôn, nắm kiến thức để đi thi làm bài tốt nhất. Ngoài ra, với kỳ thi xét tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT cần kiểm soát kỹ, đặc biệt là khâu chấm thi và công bố kết quả minh bạch. Đây là tiền đề để thay đổi việc dạy học và có cơ sở đánh giá thực chất chất lượng giáo dục.


Huyền Nga
.
.
.