Nỗi lo tiền trường 'nặng gánh'

Thứ Năm, 24/09/2015, 08:47
Với các phụ huynh, việc nóng lòng nhất vẫn là sớm được biết các khoản thu trong ngày họp đầu năm. Nhiều phụ huynh cho rằng, nhiều khoản thu chưa hợp lý và thiếu tính nhất quán, nhất là các khoản ngoài quy định. Đa phần được “ấn định” trước, bản thông báo của nhà trường tới phụ huynh thực chất giống như một bản cam kết phải nộp, không có quyền thắc mắc.

Phụ huynh bất bình 

Sau buổi họp phụ huynh chiều 20/9 tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận 3, TP Hồ Chí Minh, nhiều phụ huynh đã tỏ ra băn khoăn. Chị T.L. có con đang học lớp 8 của trường này cho biết  năm nay phải đóng nhiều thứ tiền hơn hẳn năm ngoái. Chị đưa cho chúng tôi xem một tờ giấy pho-to in danh mục gồm 17 khoản phí phải nộp. Phụ huynh không đóng cũng không xong vì trong thông báo đã có in sẵn dòng chữ: “Tôi là phụ huynh em… Tôi thống nhất với nhà trường các khoản phí trong năm học gồm các nội dung sau:…”.

Theo chị T.L., tiền lương của cả 2 vợ chồng tổng thu nhập được 18 triệu/tháng nhưng riêng tiền “nhập trường” đầu năm cho 2 con, một đứa lớp 8, một đứa lớp 1 đã hết vèo số tiền trên. Chị T.L cho rằng tiền quỹ lớp một năm là 300.000đ/học sinh, chị không thắc mắc, nhưng quĩ trường là 300.000đ nhưng nhà trường không lý giải cho phụ huynh biết rõ các khoản tiền này.

Ngoài ra, tiền học phí hằng tháng đã đóng rồi nhưng lại có tiền thu riêng là “phí phục vụ bán trú” thu 100.000đ/học sinh. Đã thế lại có khoản chi phí “thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú”, tăng lên gấp đôi so với năm ngoái là 200.000đ. Mấy năm trước, phòng vệ sinh trong trường có quá ít lại bẩn nên con chị cứ phải “nhịn” về tới nhà. Năm học vừa qua, đã có “Mạnh Thường Quân” giúp trường xây thêm được một số phòng vệ sinh nhưng vẫn bẩn, không có ai dọn.

Một khoản thu gây bức xúc mấy năm nay là cứ tới cuối năm học, phụ huynh có con học bán trú lại được nhắc nhở đóng tiền “thế chân” để “giữ chỗ” cho học bán trú là 200.000đ. Nếu ai không đóng khoản tiền này, vào năm học mới, con mất chỗ bán trú thì không được trách nhà trường. Tiền thế chân nhưng sau đó không thấy nhà trường trả lại. Giáo viên chủ nhiệm chỉ nói đây là quy định của nhà trường!

Anh V.M.D., ngụ quận 3, cũng có con đang học tại THCS Đoàn Thị Điểm phân trần: “Tôi thấy mua tivi cho lớp học không biết hiệu quả ra sao nhưng thấy chỉ có môn tiếng Anh sử dụng khi lên lớp. Mỗi tuần chỉ có vài tiết tiếng Anh. Như vậy có quá lãng phí tiền của phụ huynh không”. Lớp con anh phải đóng tiền tiền thuê máy Ipad để học, mỗi em là 180.000đ/tháng, phụ huynh nào không đồng ý thì tới giờ học, học sinh đó phải xuống phòng khác ngồi.

Mua máy Ipad bên ngoài hiện giá là vài triệu đồng tại sao phải đi thuê? 1 năm có 9 tháng học, như vậy mỗi học sinh phải đóng gần 2 triệu đồng. Việc đi dã ngoại phải đóng là 300.000 đồng/em nhưng vì lý do cho con đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm nên nhiều phụ huynh không cho con đi thì lại bị hạ hạnh kiểm 1 bậc.

Gánh nặng 'tiền trường' lại đến mỗi dịp đầu năm học.

Tiền trường phải phục vụ cho học sinh

Khảo sát thêm ở một số trường trên địa bàn sẽ thấy tiền thu không nhất quán, nơi thu nhiều, nơi thu ít. Như tiền “Vệ sinh phục vụ bán trú” nơi thu 30.000đ, nơi thu 15.000đ; tiền bảo hiểm tai nạn nơi thu 50.000đ, nơi thu 80.000đ, có nơi chỉ thu: 30.000đ; tiền mua “thiết bị vật dụng phục vụ bán trú” có nơi là 200.000đ nhưng có nơi 250.000đ.

Trường Tiểu học Cao Bá Quát, quận Phú Nhuận chưa họp phụ huynh, song ngay khi nhập học phụ huynh đã phải nộp hơn 1 triệu đồng, trong đó có tiền “dụng cụ học tập” tới 600.000đ. Sau đó còn nộp 12 khoản gồm: giấy thi, nha học đường, thiết bị vật dụng phục vụ bán trú, bảo hiểm tai nạn… đặc biệt là đã thu tiền “phục vụ bán trú” là 150.000đ nhưng lại có thêm tiền vệ sinh bán trú là 30.000đ, và còn “phát sinh” thêm một khoản gọi là: sửa chữa trang bị, nâng cấp phục vụ chuẩn quốc gia: 50.000đ.

Danh sách 17 khoản thu cho năm học mới của học sinh một trường THCS tại TP Hồ Chí Minh.

Trên đây mới chỉ ghi nhận sơ bộ từ phía phụ huynh. Nhiều nơi nhà trường vẫn chưa chốt hết danh mục các khoản thu. Nhưng các phụ huynh đều hiểu “nghĩa vụ” phải đóng khi giáo viên chủ nhiệm thông báo dù nhiều khi nhà trường không chủ trương.

Thầy Long, giáo viên dạy lớp 11 tại quận Tân Bình TP Hồ Chí Minh nói: “Bản thân tôi đã có hơn 20 năm trong nghề giáo, tôi thấy để cho một lớp học hoạt động, các khoản thu cho học tập giảng dạy là phải có nhưng thu phải theo quy định của Nhà nước. Còn các khoản ngoài quy định phải được sự bàn bạc, thống nhất giữa BCH Hội cha mẹ học sinh với nhà trường và với phụ huynh. Nếu không làm được điều này thì tức khắc phụ huynh sẽ thắc mắc. Các khoản thu thỏa thuận hay xã hội hóa phải được sự thống nhất và phải hợp lý, hợp tình. Tiền thu nhưng phải phục vụ học sinh chứ không phải để phục vụ các thầy, cô giáo”.

Huyền Nga
.
.
.