Nội quy của Trường Lương Thế Vinh có xung đột với quy định chung?

Thứ Ba, 03/10/2017, 09:02
Ngay sau khi Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) công bố bản Nội quy học sinh, nhiều người quan tâm là Nội quy của trường liệu có gì “vênh” so với quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)? Đặc biệt, bản nội quy này có gì khác biệt so với những cơ sở giáo dục khác? PV Báo CAND đã có những tìm hiểu, ghi nhận về những vấn đề trên.

Nội quy học sinh của trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) do Hiệu trưởng Phạm Trung Dũng ký được cập nhật trên website của trường ngày 28-9-2017 đã quy định rõ những điều học sinh phải chấp hành khi đến trường, trong lớp, tham gia ngoại khóa và phát ngôn trên mạng xã hội.

Cụ thể, nội quy nhà trường quy định, học sinh đến trường phải mặc đúng quy định trang phục của trường, không đi dép lê, dép quai hậu xỏ ngón, giày cao gót. Nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu tóc thời trang, không nhuộm tóc. Học sinh ra vào trường phải quẹt thẻ theo đúng quy định, nếu quá 3 lần/1 kỳ không quẹt thẻ thì sẽ bị hạ 1 bậc hạnh kiểm của kỳ học đó. Học sinh bị mất thẻ phải báo ngay với cán bộ văn phòng để làm lại thẻ. Học sinh vào lớp muộn quá 5 phút (bất cứ tiết học nào) đều không được vào lớp và phải lao động công ích trong suốt thời gian còn lại của một tiết. Học sinh nghỉ học phải có giấy phép và ý kiến của cha mẹ học sinh trước giờ vào lớp. Nghỉ học không phép 3 ngày sẽ bị đình chỉ học tập...

Ngoài những quy định chung, Trường Lương Thế Vinh còn có thêm quy định riêng về những điều cấm kỵ khi lên Facebook, như: tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần việt. Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm...

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, Bộ GD&ĐT đã có quy định cho phép các trường ban hành nội quy trường học và hướng xử lý vi phạm nội quy. Việc xây dựng nội quy trong trường học được thực hiện theo các quy định tại Điều lệ trường THPT, THCS và các trường liên cấp được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 kèm theo Thông tư số 12/2011. Trong đó, chương V, Điều lệ trường THPT và THCS đã đưa ra những quy định khung về quyền và nghĩa vụ của học sinh, những điều học sinh không được làm và các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh trong nhà trường.

Đối chiếu những quy định cụ thể trong bản nội quy của trường Lương Thế Vinh với quy định khung trong Điều lệ trường THPT và THCS do Bộ GD&ĐT ban hành cho thấy, về cơ bản không có nhiều điểm “vênh”. Thậm chí, khi chúng tôi tiến hành đối chiếu những nội quy của Trường Lương Thế Vinh với một số cơ sở giáo dục khác trên toàn quốc mà chúng tôi đã được tham khảo như Trường THPT Nguyễn Du (Bình Phước), Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) và Trường THPT Trần Phú (TP Hồ Chí Minh), nhìn chung cũng không có gì quá bất thường.

Ngoại trừ 2 quy định, học sinh đến lớp muộn sẽ phải phạt lao động công ích và quy định về một số điều cấm kỵ khi tham gia mạng xã hội là hơi khác biệt, còn lại đa phần các quy định khác của Trường Lương Thế Vinh đều tương đồng với các trường THPT khác. Đây cũng chính là một trong những điểm khiến dư luận xã hội còn băn khoăn, tranh cãi.

Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, việc phạt học sinh đi học muộn bằng lao động công ích là phản cảm, bất công, nhà trường cần bãi bỏ. Hoặc có ý kiến băn khoăn việc cấm học sinh phát ngôn, like thiếu trách nhiệm trên Facebook liệu có vượt quá thẩm quyền của nhà trường?

Lý giải về lý do mà Trường Lương Thế Vinh đặt ra quy định phạt học sinh đi học muộn bằng hình thức lao động công ích, PGS. Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cho biết: “Trước đây, đối với các học sinh đi học muộn sau 15 phút, nhà trường thường cho vào phòng “uống nước trà” với các thầy cô giáo cho đến hết tiết đó. Như vậy, các em sẽ bị mất một tiết học cũng là một hình phạt thích đáng với các em. Song trên thực tế những ngày thực hiện, có khi có 4, 5 em học sinh cùng bị phạt ngồi tại phòng chờ, các em nói chuyện riêng, bàn tán gây mất trật tự. Do đó, trường đã nhanh chóng “khắc phục” bằng hình thức kỉ luật cao hơn. Đó là yêu cầu các em vi phạm đi lao động công ích như quét phòng học, lau cửa, quét sân, tưới cây…

Khi các em bị phạt lao động, thứ nhất, là vừa cảnh cáo tội em đi học muộn, thứ hai là có thể dạy các em biết lao động và yêu lao động, nhất là những việc nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi của các em”.

Còn về quy định về những điều cấm kỵ học sinh khi lên Facebook, PGS Văn Như Cương cho rằng: Thời gian gần đây, cá nhân ông rất băn khoăn về việc học sinh lên Facebook và chìm đắm trong thế giới ảo, xã hội có thêm một căn bệnh mới là “nghiện” Facebook. Do vậy, nhà trường đã bổ sung thêm quy định yêu cầu học sinh phải phát ngôn chuẩn mực, có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt là Facebook.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng nêu quan điểm: Nội quy nghiêm khắc trong trường học là hết sức cần thiết. Tuy vậy, nội quy trong nhà trường thực chất cũng chỉ là những nguyên lý khô khan. Điều quan trọng hơn cả vẫn là quá trình thực hiện quy định, quá trình giáo dục học sinh trong nhà trường.

“Tôi không phản đối các trường sử dụng kỉ luật quá nghiêm khắc nhưng cá nhân tôi mong muốn nội quy đến học sinh phải được chấp nhận và quá trình xử lý theo nội quy phải đảm bảo hài hòa, thấu đáo. Không nên đưa ra quy định một chiều, áp đặt vì nếu quy định cứng nhắc quá sẽ khó thực hiện, hoặc học sinh vẫn thực hiện nhưng theo kiểu đối phó” - ông Lâm chia sẻ.

Huyền Thanh
.
.
.