Thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trong trường hợp nào?

Thứ Sáu, 14/07/2017, 15:21
Bắt đầu từ ngày 15-7, thí sinh sẽ chính thức tiến hành điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) đã đăng ký trước đó. Quy chế xét tuyển năm 2017 cũng quy định, mỗi thí sinh chỉ được phép điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất và thời gian điều chỉnh kéo dài đến hết ngày 25-7. Các chuyên gia giáo dục lưu ý, chỉ những thí sinh có điểm số thấp hơn hoặc cao hơn nhiều so với điểm dự kiến ban đầu thì mới nên điều chỉnh nguyện vọng.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, năm 2017 là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH với số nguyện vọng không giới hạn trước khi thi và được điều chuyển nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi. Chính vì vậy, cơ hội vào ĐH của các thí sinh là rất lớn.

Theo kết quả thống kê bước đầu của Bộ GD&ĐT, đối với những trường đại học top đầu,  điểm trúng tuyển nhiều khả năng sẽ nhích lên do kỳ thi năm nay có nhiều em đạt điểm cao. Còn các trường top giữa và top dưới, dự báo điểm chuẩn không chệnh lệch nhiều so với năm 2016.

“Quy chế tuyển sinh năm nay quy định, thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần và không được điều chỉnh lại. Cho nên việc có thay đổi nguyện vọng hay không là rất quan trọng, thí sinh cần tìm hiểu kỹ các thông tin để đưa ra quyết định chọn đúng và trúng nhất”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường ĐH đều đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Thí sinh cũng đã biết rõ điểm của mình và phổ điểm chung của tất cả các môn. Do vậy, thí sinh hoàn toàn đủ cơ sở để xác định rõ việc điều chỉnh nguyện vọng là nên hay không nên.

“Những thí sinh trước đây đã đăng ký trường phù hợp với khả năng của mình thì không nên thay đổi nguyện vọng. Đối với những thí sinh có số điểm thấp hơn hoặc cao hơn nhiều so với điểm dự kiến ban đầu thì nên điều chỉnh lại. Ví dụ, trước đây các em dự đoán được 20 điểm và đăng ký một vài nguyện vọng ở mức cao hơn, bằng và thấp hơn 20 điểm. Nếu điểm thi của các em trong ngưỡng 19,5-20,5 thì không nên điều chỉnh. Nhưng nếu thí sinh dự kiến 20 điểm nhưng được 25, hoặc 16,5 điểm, thì phải điều chỉnh để tăng khả năng trúng tuyển vào các trường” - ông Nghĩa nêu quan điểm.

Ảnh minh họa: Thí sinh cần xem xét kỹ lưỡng điểm thi của mình trước khi quyết định điều chỉnh để tăng cơ hội trúng tuyển.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng cho rằng, việc điều chỉnh nguyện vọng nên ưu tiên ngành mình thích nhất đặt lên trên. Nếu thấy cơ hội vào trường top trên ít hơn, thì có thể điều chỉnh xuống những trường top giữa, hoặc top dưới cũng có ngành học yêu thích nhưng lấy mức điểm chuẩn thấp hơn. Chẳng hạn, các em yêu thích ngành y đa khoa, có thể đăng ký xét tuyển ngành này ở Trường Đại học Y Hà Nội, Y Thái Bình, Y Hải Phòng, Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Hoặc với ngành Kinh tế, có thể đăng ký xét tuyển ngành này ở các trường có mức độ điểm chuẩn khác nhau như ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại...

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng lưu ý, thí sinh cần nhận định mức điểm của mình thật kỹ trước khi đưa ra lựa chọn thay đổi phù hợp nhất với năng lực và kết quả của bản thân, không nên điều chỉnh nguyện vọng theo phong trào hay hoàn toàn cảm tính theo kiểu thấy các bạn điều chỉnh nên mình cũng điều chỉnh theo.

Tính đến chiều ngày 14-7, đã có gần 100 trường ĐH trên toàn quốc công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ. Trong đó, phần lớn các trường đều nhận hồ sơ cao hơn từ 0,5 đến 7 điểm so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Tuy vậy, vẫn có một số trường ĐH thuộc vào hàng top trên nhưng lại không đặt ra mức điểm sàn nhận hồ sơ, tức là nhận ngang với mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, thực tế các năm qua cho thấy, điểm chuẩn của các trường này đều cao hơn rất nhiều lần so với mức điểm nhận hồ sơ.

TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng: Để thí sinh yên tâm, các trường cần đặt ra điểm sàn nhận hồ sơ theo từng ngành. “Thực tế không ít trường, có cả trường top đầu, vẫn có tâm lý giữ an toàn cho nguồn tuyển nên không công bố điểm sàn riêng của trường, mà chấp nhận hồ sơ của tất cả thí sinh đạt từ mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định trở lên. Cách làm như vậy là không xứng với thương hiệu của trường và rất tội cho thí sinh”-ông Khuyến nhấn mạnh.

Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội cũng nêu quan điểm: Thí sinh không nên tin vào điểm sàn nhận hồ sơ và thông tin điểm chuẩn nọ kia mà các thầy cô đưa ra dự đoán. Thay vào đó, các em cần dò kỹ điểm của mình xem chọn tổ hợp xét tuyển nào sẽ có lợi hơn. Sau đó, các em so với điểm chuẩn năm 2016 của từng trường. Nếu điểm thi các em đạt được cao hơn mức điểm chuẩn năm ngoái khoảng 2 điểm thì có khả năng đỗ cao hơn. Từ đó, cứ thế tìm các nguyện vọng mình gần đỗ, đỗ và vượt đỗ để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Huyền Thanh
.
.
.