Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh có còn phải học thêm?

Thứ Năm, 23/07/2020, 08:13
Sáng 21/7, tại buổi làm việc của đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh với Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhiều vấn đề xung quanh việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó việc dạy thêm, học thêm đã được các đại biểu đề cập.


Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh băn khoăn: Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, liệu học sinh có còn phải học thêm? Theo bà Phan Thị Bình Thuận, báo cáo của Sở GD&ĐT đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, phụ huynh, trang thiết bị học tập. 

Tuy nhiên, phần báo cáo lại vắng bóng nội dung quan trọng là học sinh. Bà cũng đưa ra câu hỏi chất vấn Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, đánh giá thế nào khi triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông? Học sinh đã tiếp nhận và thụ hưởng chính sách đổi mới như thế nào? Vì trong báo cáo của Sở GD&ĐT chưa đánh giá được vấn đề này.

Đặc biệt bà Thuận nhấn mạnh, khi triển khai Nghị quyết này, một trong những nội dung trọng tâm là giảm việc dạy hàn lâm, tăng cường các hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa khác cho học sinh để các em giảm áp lực phải mang vác sách nhiều khi đi học. Nhưng, nên giảm tình trạng các em đi học ở trường rồi mà vẫn phải chạy đi học thêm. Bà Thuận nêu: “Khi ngành giáo dục triển khai thực hiện chương trình này thì có giảm được áp lực cho các em hay không?”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, số môn học so với chương trình cũ không có nhiều thay đổi. Một số môn học như thủ công, kỹ thuật được tích hợp vào môn Tin học công nghệ. Các môn học khác vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên năm nay chương trình học có thêm hoạt động trải nghiệm nhưng thực ra hoạt động trải nghiệm gắn với hoạt động ngoài giờ hoặc sinh hoạt chủ nhiệm của chương trình trước đây.

Còn riêng từng môn, số tiết có tăng giảm theo quy định. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tập trung nhiều đến việc phát triển các kỹ năng, phẩm chất, năng lực của học sinh.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, liên quan đến việc môn học có giảm không thì ở cấp THCS có tích hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tuy nhiên học tích hợp rất khó do đó đề án của Sở tham mưu cho UBND TP sẽ phối hợp với Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Đại học Sài Gòn để làm chương trình đào tạo bồi dưỡng. Chương trình này sẽ chuẩn bị kiến thức để khi thực hiện tích hợp ở cấp THCS thì thầy cô sẽ đáp ứng được.

Về việc đại biểu băn khoăn về chuyện dạy thêm, học thêm, ông Tân khẳng định: “Về phía ngành giáo dục luôn luôn chỉ đạo giáo viên không được tổ chức dạy thêm, học thêm đối với công lập nhưng được quyền tham gia. Phụ huynh nếu có nhu cầu cho con em mình học thêm thì hãy đưa đi học, còn không có nhu cầu thì thôi”.

Trưởng phòng Giáo dục Trung học chia sẻ thêm, ngành giáo dục kiên quyết với tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định nhưng nếu có nhu cầu mà có cơ sở nào đáp ứng đầy đủ quy định thì phụ huynh cứ lựa chọn. Tuy nhiên, mong mỏi của ngành là, học trò nên biết phương pháp tự học, đừng dựa dẫm vào kiến thức của thầy cô.

H.Nga
.
.
.