Vẫn dùng dằng Bộ nào sẽ quản lý giáo dục nghề nghiệp và trường cao đẳng?

Chủ Nhật, 12/04/2015, 07:28
Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có hiệu lực thi hành (tháng 7/2015). Thế nhưng, đến nay vẫn chưa phân định được cơ quan nào sẽ quản lý về lĩnh vực này. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) thì cho rằng, hiện tại theo Luật Giáo dục, GDNN vẫn chịu sự quản lý của Bộ GD&ĐT. Nhưng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB&XH) lại khẳng định (tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật GDNN), Bộ LĐ – TB&XH mới là cơ quan quản lý Nhà nước GDNN…

Trong công văn mới đây gửi Bộ LĐ – TB&XH góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật GDNN, Bộ GD & ĐT đã nhấn mạnh: Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nêu rõ, phải tăng cường quản lý Nhà nước, đổi mới hệ thống theo hướng mở, vì vậy việc đề cập đến cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN cần được cân nhắc, nghiên cứu hết sức kỹ càng Nghị quyết nói trên để thực hiện đổi mới giáo dục thành công.

Trong quá trình Quốc hội thảo luận để thông qua Luật GDNN còn nhiều ý kiến phân tán và rất khác nhau về vấn đề này. Chính vì thế, Quốc hội giao cho Chính phủ quy định cụ thể và đã quy định trong Luật GDNN. Vì thế cần có sự bàn bạc, cân nhắc kỹ của Chính phủ và có quyết định vấn đề này khi bàn về chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành.

Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, hệ thống trường nghề sẽ được đầu tư mạnh mẽ.

Bộ GD& ĐT còn khẳng định, dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể: “Bộ LĐ – TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước đối với GDNN ở Trung ương”, cùng nhiều chương, điều, khoản quy định thẩm quyền và nội dung quản lý Nhà nước về GDNN, trong khi chưa có sự thống nhất giao nhiệm vụ của Chính phủ là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29 – NQ/TW, quy định của Hiến pháp, Luật Giáo dục, Luật GDNN và chưa đủ cơ sở pháp lý.

Cũng trong bản góp ý của mình, Bộ GD&ĐT cho rằng, trên thực tế hiện nay, giáo dục là lĩnh vực duy nhất có 2 bộ cùng quản lý Nhà nước dẫn đến tình trạng phân tán, chia cắt. Căn cứ về mục tiêu và đối tượng quản lý thì đối tượng quản lý của ngành giáo dục là học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, trong khi đó Bộ LĐ – TB&XH có đối tượng quản lý là người lao động và việc làm.

Từ năm 1997 đến nay, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ LĐ - TB&XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về dạy nghề. Chính điều này đã làm mất đi hệ thống, dẫn tới nhiều loại văn bằng chứng chỉ, thiếu tính tiêu chuẩn, nhiều cơ chế chính sách chồng chéo trong cùng hệ thống giáo dục quốc dân, khó khăn cho việc xây dựng xã hội học tập; cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực mất cân đối. Khó khăn cho việc quy hoạch hệ thống tổng thể (từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học) và gây ra những lãng phí lớn. Đồng thời gây khó khăn trong chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, đào tạo cùng với việc hình thành 2 bộ máy hành chính cồng kềnh cùng quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Điều này không phù hợp với chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối quản lý.

Hơn nữa, ở cấp địa phương giao cho UBND tỉnh quản lý Nhà nước về GDNN theo ngành dọc; Sở LĐ-TB&XH giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ này sẽ không phù hợp với đối tượng quản lý là học sinh, sinh viên, nhà giáo mà Sở GD&ĐT vốn có kinh nghiệm hơn nhiều.

Ngoài ra, các Sở LĐ-TB&XH lại phải biên chế thêm bộ máy để quản lý mạng lưới các cơ sở GDNN tại địa phương, trong khi các Sở GD&ĐT tại địa phương hầu như không cần thiết phải cơ cấu lại bộ máy nếu nhận nhiệm vụ giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về GDNN trên địa bàn.

Cũng theo phân tích của Bộ GD & ĐT, việc đề xuất quản lý Nhà nước về GDNN thuộc Bộ LĐ–TB&XH như dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục tạo ra sự phân tán, chia cắt giữa giáo dục phổ thông, GDNN, giáo dục đại học. Những vấn đề tập trung nguồn lực tạo ra sự đột phá trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao, sự phân luồng bị cản trở (do Sở LĐ-TB&XH địa phương không thể can thiệp vào nhà trường phổ thông để làm công tác giáo dục hướng nghiệp như Sở GD&ĐT hiện nay đang quản lý).

Mặt khác, quy định về quản lý Nhà nước như dự thảo Nghị định còn nhiều nội dung chưa phù hợp hoặc chưa được tính đến, lường hết như: Các ngành đào tạo trình độ cao đẳng đang triển khai trong các trường đại học, học viện; các quy định về quản lý đối với các trường đặc thù như: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Y – Dược, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật… Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định: Các căn cứ nêu trong Tờ trình còn thiếu cơ sở khoa học, chưa tính hết những khó khăn, tốn kém… Khi thay đổi cơ quan quản lý Nhà nước đối với hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng vốn do Bộ GD&ĐT quản lý và đã phân cấp rất nhiều cho địa phương.

Cũng vì sự dùng dằng phân định đó mà cả hai Bộ cùng lấy ý kiến đóng góp cho hai dự thảo thông tư “na ná” như nhau. Dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT: “Quy định điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường cao đẳng” được đưa lên mạng ngày 17/3. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng lấy ý kiến về dự thảo thông tư “Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm GDNN và phân hiệu của cơ sở GDNN”.

Theo Luật GDNN thì cao đẳng sẽ thuộc GDNN, nhưng hiện Chính phủ chưa phân công cơ quan nào chịu trách nhiệm về mảng GDNN. Thêm nữa, dù tháng 7/2015, Luật GDNN có hiệu lực, hệ thống trường cao đẳng sẽ chịu sự quản lý của Bộ LĐ – TB&XH, nhưng ngày 29-1, Bộ GD&ĐT vẫn ra thông tư ban hành Điều lệ trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký. Điều lệ này có hiệu lực từ ngày 2/3, như vậy thời gian có hiệu lực chỉ vỏn vẹn 4 tháng…
Tuấn Minh – Thu Phương
.
.
.