Giúp học sinh thoát “thế giới ảo” bằng văn hóa dân tộc

Thứ Sáu, 06/10/2023, 08:25

Công nghệ thông tin bùng nổ, học sinh bị lôi cuốn vào thế giới ảo với các trò chơi điện tử, trong đó có những trò chơi bạo lực gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần, do đó, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học có một ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhằm thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021- 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc tổ chức trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2025. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, tạo cơ hội cho học sinh biết học hỏi, tham gia các trò chơi; rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục toàn diện cho học sinh và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc…

Giúp học sinh thoát “thế giới ảo” bằng văn hóa dân tộc -0
Các trò chơi dân gian mang lại niềm hứng khởi cho học sinh sau những tiết học căng thẳng. Ảnh minh họa.

Nhiều thầy cô giáo, nhà nghiên cứu văn hóa đều ủng hộ, đồng tình với việc Hà Nội triển khai chương trình đưa các trò chơi dân gian vào trường học. Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định, Hà Nội-mảnh đất kinh kỳ với nhiều phong tục, tập quán, trò chơi dân gian tốt đẹp được gìn giữ từ ngàn đời, bởi vậy việc đưa nội dung này vào giảng dạy trong nhà trường là tín hiệu đáng mừng để gia tăng sự hiểu biết thực tế, bồi đắp tình yêu và lòng tự hào với quê hương, đất nước.

“Học sinh sẽ có cơ hội được tiếp xúc với văn hóa dân gian để biết phường/xã, quận/huyện nơi mình sinh sống có những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian nào mà nhiều khi trong sách giáo khoa chưa đề cập đến. Ví dụ, từ cách đây 30 năm ở Bắc Ninh đã dạy quan họ trong nhà trường hay ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã dạy hò khoan”, ông Vĩ nói. Để chủ trương này đi vào các nhà trường một cách hiệu quả, ông Vĩ lưu ý phải huy động được tài năng của giáo viên, của các hội văn học nghệ thuật, của các nhà nghiên cứu. Muốn vậy phải có kế hoạch cụ thể, cần có mục tiêu, cách tổ chức rõ ràng, khoa học, có sự sáng tạo, phong phú về hình thức và có kinh phí chi thường xuyên cho việc này.

   Thực tế cho thấy, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đã được một số địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An… triển khai từ nhiều năm nay. Tại Nghệ An, nhiều trường học đã thực hiện có hiệu quả việc đưa trò chơi dân gian vào trong nhà trường. Theo cô Trần Hương Lan, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh (Nghệ An), việc tổ chức các trò chơi dân gian trong trường học rất đơn giản, dễ thực hiện, ít tốn kém và cũng không kén địa điểm. Không chỉ giúp học sinh được rèn luyện thể chất, các trò chơi dân gian còn góp phần giáo dục kỹ năng sống, các em tham gia trò chơi thường xuyên có kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tổ chức, tư duy nhanh nhạy hơn. Một số học sinh vốn sống khép mình, ít giao tiếp nhưng khi thường xuyên chơi trò chơi dân gian đã mạnh dạn, tự tin hơn. Ngoài mang lại cho học sinh niềm vui thì trò chơi dân gian còn giúp các em tiếp cận được những nét đẹp trong văn hóa dân tộc, từ đó biết nâng niu, giữ gìn các giá trị truyền thống.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, chủ trương đưa các trò chơi dân gian vào các trường học là một ý tưởng tốt giúp thúc đẩy hứng thú học tập, giảm srtess, giải tỏa và quản lý cảm xúc tốt hơn, tăng khả năng giải quyết vấn đề, và giúp cho các em có cơ hội tìm hiểu, trân trọng các giá trị văn hóa. Bởi lẽ các trò chơi dân gian luôn gắn liền với những câu chuyện, sự tích, là sợi dây để kết nối các thế hệ, ông bà, cha mẹ tham gia cùng trẻ nếu các trò chơi dân gian (một phần kiến thức tuổi thơ) của thế hệ đi trước lại được đưa vào chương trình học tập của thế hệ đi sau.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam cũng lưu ý, để tích hợp các nội dung trò chơi dân gian vào chương trình hiện hành cần phải cân nhắc kỹ càng với mục tiêu, yêu cầu cần đạt về năng lực phẩm chất, các đặc điểm về tâm sinh lý lứa tuổi để đảm bảo chọn lựa ra những trò chơi phù hợp, có tính giáo dục và có hiệu quả, khả thi khi triển khai. Người giáo viên phải rất sáng tạo, hiểu rõ bản chất của phương pháp học qua chơi để chủ động lồng ghép các nội dung trò chơi dân gian vào bài học. Không nên chỉ chơi các trò chơi dân gian một cách tự do mà không gắn kết với các mục tiêu giáo dục định trước.

 Huyền Thanh-Ngô Khiêm
.
.
.