Hướng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT gọn nhẹ, giảm áp lực

Chủ Nhật, 05/11/2023, 07:27

Thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội để đưa ra phương án tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nhằm giảm áp lực cho thí sinh, phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Mặc dù còn những quan điểm khác nhau về số lượng môn thi, đặc biệt là các môn bắt buộc song phần lớn các ý kiến đều cho rằng về lâu dài cần hướng tới tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, gọn nhẹ, nhưng vẫn bảo độ tin cậy, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ gồm những môn nào?

Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến xã hội về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo dự thảo được công bố, về số môn thi, có 2 phương án lựa chọn là 4+2 (4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn) và 3+2 (3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn). Với lựa chọn 4+2, thí sinh học chương trình THPT thi 6 môn gồm: Thi bắt buộc 4 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Với lựa chọn 3+2, thí sinh học chương trình THPT thi 5 môn, gồm: Thi bắt buộc 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, bao gồm cả môn Lịch sử.

vnp_thi_ngu_van_2-1699144109492.jpg
Học sinh mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Ảnh minh họa

Kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT từ các địa phương trên toàn quốc cho thấy, khoảng 30% ý kiến lựa chọn phương án 4+2, 70% chọn phương án 3+2. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá tác động về lựa chọn phương án 4+2 tại các địa phương, nhiều ý kiến lại đề xuất lựa chọn phương án 2+2. Cụ thể, thí sinh học chương trình THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải thi 4 môn, gồm Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, bao gồm cả môn Ngoại ngữ và Lịch sử. Như vậy, hiện có 3 phương án thi được Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến là phương án 4+2; 3+2 và 2+2.

Bộ GD&ĐT cho rằng, các phương án lựa chọn đều có ưu, nhược điểm riêng. Lựa chọn phương án 4+2 có ưu điểm là các môn bắt buộc đều được tổ chức thi. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là làm tăng áp lực thi cử cho học sinh; công tác tổ chức thi gây tốn kém về nguồn lực con người và tài chính. Bên cạnh đó, hiện nay, học sinh chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên. Do đó, lựa chọn này sẽ làm trầm trọng hơn việc lệch khối, ảnh hưởng việc đào tạo nguồn nhân lực; làm giảm vai trò nhóm môn học tự chọn vì riêng 4 môn thi bắt buộc đã tạo nên 4 tổ hợp tuyển sinh nghiêng về xã hội.

Trong khi đó, lựa chọn phương án 3+2 có ưu điểm là công tác tổ chức thi và thi cử của thí sinh sẽ được giảm nhẹ hơn; giảm áp lực, giảm tốn kém so với hiện nay vì thí sinh chỉ thi 5 môn (hiện nay là thi 6 môn). Phương án này cũng cân bằng hơn cho học sinh chọn học và chọn thi giữa tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Việc được chọn 2 môn lựa chọn để thi giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường, tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét vào các cơ sở giáo dục đại học. Phương án 3+2 cũng kế thừa cách lựa chọn môn thi đã ổn định trong thời gian dài.

Còn lí do nhiều địa phương lựa chọn phương án 2+2 là phương án này sẽ giảm áp lực thi cử cho thí sinh, giảm chi phí cho gia đình và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn). Lựa chọn này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, tạo điều kiện cho thí sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp…

Giảm áp lực cho học sinh, tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội

Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, phương án 2+2 thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ là lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội với mục tiêu “đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.

c1c7d924-d192-463a-8814-f866d90bb194.jpeg -0
Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến xã hội về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Phương án này cũng không gây mất cân bằng trong lựa chọn các tổ hợp khối thi bởi Toán và Ngữ văn là 2 môn tiêu biểu cho 2 loại tư duy, 2 lĩnh vực cơ bản và cũng là 2 môn học được nhiều nước trên thế giới lựa chọn trong đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp cấp THPT. Việc quyết định phương án nào, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục trao đổi, trình xin ý kiến Chính phủ. Tuy nhiên, việc ra đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới ra sao để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, đảm bảo đánh giá đúng năng lực của người học cũng là vấn đề rất cần được quan tâm.

NGND, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, lựa chọn một phương án thi tốt nghiệp THPT nào phải dựa trên một hệ thống tiêu chí làm căn cứ. Trong đó, tiêu chí đầu tiên trọng yếu nhất là theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, hướng tới kỳ thi tốt nghiệp THPT gọn nhẹ, tiết kiệm, không gây áp lực, khó khăn cho người học; tiếp đó là phải phù hợp với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, bậc THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Đối chiếu tiêu chí này với 3 phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT đang tiến hành khảo sát, theo PGS.TS Hồ Sĩ Đàm phương án 2+2 là phù hợp hơn cả. Ông cho biết thêm, phương án 4+2 đang đi ngược với chủ trương căn bản về định hướng thi tốt nghiệp bởi phương án này không những không giảm nhẹ mà còn tăng thêm buổi thi, thêm tốn kém, tăng áp lực cho người học. Mặt khác, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số toàn cầu nước ta có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực công nghệ cao mà có đến 3 trên 4 môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT thuộc khối Khoa học xã hội là không phù hợp, mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.                                                   

Huyền Thanh
.
.
.